5 Phút cho Lời Chúa Tháng 03-2018

04.03.18

CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – B

Ga 2,13-25

SỐT SẮNG THAM DỰ PHỤNG VỤ

 

“Nhưng đền thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.” (Ga 2,21)

Suy niệm: Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi thiêng thánh tối cao, là đền thờ duy nhất của người Do-thái để thờ phượng Thiên Chúa. Thế nhưng, nơi thánh thiêng đó đang thành nơi họp chợ. Thấy cảnh tượng đó, Chúa Giê-su đã nổi giận, Ngài xô đổ bàn ghế, lấy dây làm roi xua đuổi những người buôn bán đó ra khỏi đền thờ. Khi người Do thái chất vấn Chúa lấy quyền nào mà làm những điều đó, Ngài bảo: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Đền thờ Ngài muốn nói đến ở đây là Thân Thể phục sinh của Ngài. Chúa Giê-su cho biết nền thờ phượng của Cựu Ước giờ đây được thay thế bằng việc thờ phượng mới của Tân Ước, mà của lễ hiến tế mới là chính thân thể Ngài sẽ bị giết chết và rồi sẽ phục sinh. Nhờ đó Thân thể của Đức Ki-tô phục sinh trở nên một Đền Thờ mới để phụng thờ Thiên Chúa. Chúa Giê-su là hy lễ đồng thời Ngài là tư tế, và là đền thờ mới cho nhân loại tôn thờ Chúa Cha.

Mời Bạn: Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Trong cử hành phụng vụ, Chúa Giê-su cùng toàn thể Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa và ban ơn thánh hóa nhân loại. Mỗi lần tham dự phụng vụ, chúng ta dự phần vào hiến lễ của Chúa Giê-su. Đây là một ân phúc, một niềm vinh dự lớn lao cao trọng mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn có thái độ tin kính tôn thờ khi tham dự phụng vụ, cách đặc biệt khi tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mỗi lần con tham dự thánh lễ, xin Chúa thêm đức tin cho con để con nhận ra Chúa, nghe tiếng Chúa và cùng với Chúa chúc tụng, tạ ơn Chúa Cha. Amen. 

 

05.03.18

THỨ HAI TUẦN 3 MC

Lc 4,24-30

“BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG”!

 

Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)

Suy niệm: Trong dân gian vẫn phổ biến câu ngạn ngữ: “Bụt nhà không thiêng”. Lý do quan trọng dẫn đến tình trạng đó là do “tính quen thuộc” của “bụt nhà”: quen quá hóa nhàm! Trường hợp Chúa Giê-su không là ngoại lệ, Ngài cũng bị chính những người đồng hương chối từ. Họ “quen” Chúa quá nên không thể mở lòng đón nhận sứ điệp và ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giê-su. Cần phải nhận ra rằng có thể có những điều mình chưa biết, có thể có những điều mình biết sai; nhờ đó có một cái nhìn đột phá, một bước nhảy vọt ra khỏi vỏ cứng của chính mình và nhận ra được mầu nhiệm của Thiên Chúa, đón nhận được chân lý cứu độ.

Mời Bạn: Nếp sống hằng ngày của ta được hình thành bởi những tập quán, những thói quen. Lâu ngày những thói quen máy móc đó biến nếp sống ta  thành “quen thói”; và khi “quen thói”, ta không còn tinh tế, nhạy cảm, để đón nhận cái chân, thiện, mỹ dễ dàng.

Xin Chúa ban thêm đức tin để hiểu được đường lối Ngài là mầu nhiệm. Xin Chúa ban thêm lòng mến để dám bứt phá khỏi “tính quen thuộc” và sẵn sàng hoán cải tâm hồn, nghĩa là từ bỏ những thói xấu cố hữu của mình để sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng Chúa Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Để có tâm hồn hoán cải, bạn kiểm điểm đời sống mỗi ngày và sốt sắng tham dự những buổi Sám hối trong Mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hôm nay con đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền tội lỗi của đời con. Xin Chúa thương xót và chữa lành con. Amen. 

 

06.03.18

THỨ BA TUẦN 3 MC

Mt 18,21-35

THA THỨ ĐẾN VÔ CÙNG

 

Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là phải tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)

Suy niệm: Để chứng minh việc tha thứ “đến bảy mươi lần bảy” chẳng những là có thể mà còn là điều bắt buộc, Chúa Giê-su đã dạy dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót”. Sở dĩ“tên đầy tớ độc ác” kia không thể tha nợ cho bạn mình vì quả tim anh ta quá bé mà đồng tiền – hay nói rộng ra, việc người khác xúc phạm đến anh – đối với anh lại quá lớn; và con người anh lại quá nghèo nàn trần trụi đến nỗi anh phải đòi cho được 100 quan tiền mà bạn nợ anh để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn anh. Còn Thiên Chúa là Chủ Tể cả vũ trụ, sự xúc phạm của chúng ta dù có lớn gấp mấy lần món nợ 10.000 nén vàng kia cũng chẳng làm suy giảm sự thánh thiện vô cùng của Ngài. Thế nên, tha thứ cho tha nhân đến vô cùng là điều có thể, bởi vì ta đã trở nên giàu có nhờ nhận được sự tha thứ vô cùng của Thiên Chúa. Đồng thời tha thứ cũng là điều kiện: nếu ta không tha thứ cho nhau thì nếu đã được Thiên Chúa tha thứ, ta cũng sẽ bị Ngài rút lại ơn tha thứ đó.

Mời Bạn suy nghĩ kỹ về qui luật đó của Chúa: hãy tha thứ để sẽ được tha thứ; hãy thứ tha vì đã được thứ tha. Và bạn sẽ hiểu rằng khi tha thứ cho nhau, bạn chỉ có giàu thêm vì lúc đó bạn trở nên giống với Thiên Chúa.

Chia sẻ: Tha thứ là một cách truyền giáo vì lúc đó bạn đang làm chứng cho Thiên Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ.

Sống Lời Chúa: Ngay bây giờ, và về sau này cũng thế, nếu bạn đang uất hận vì có ai đó xúc phạm đến bạn, bạn hãy thành khẩn cầu xin Chúa ban cho người đó những điều tốt đẹp nhất.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha. 

 

07.03.18

THỨ TƯ TUẦN 3 MC

Thánh Pe-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta tử đạo

Mt 5,17-19

KIỆN TOÀN CHỨ KHÔNG PHÁ ĐỔ

 

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê và các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Suy niệm: Trong các sách Tin Mừng, chúng ta gặp rất nhiều đoạn thuật lại Đức Giê-su chống lại các luật sĩ nhất là về tinh thần nệ luật của họ. Biết bao lần Chúa đã nói những lời mạnh mẽ quyết liệt để phản đối việc họ dạy và giữ luật cách chật hẹp cứng nhắc và nhất là thiếu một tấm lòng. Ngài làm thế không phải là để phá đổ những điều Mô-sê và các ngôn sứ rao giảng, mà chính là Ngài đang bảo vệ để Lời của Thiên Chúa được thực hiện đến từng chi tiết nhỏ nhất và ở mức độ cao nhất. Bạn cứ suy gẫm lại những điều các tiên tri tiên báo đã ứng nghiệm thế nào trong cuộc khổ nạn của Ngài thì rõ. Ngài chỉ coi sứ mạng của mình là hoàn tất khi tất cả “những lời Kinh Thánh được nên trọn”. Tân Ước là kết quả của việc kiện toàn luật Mô-sê được thực hiện nơi Ngài.

Mời Bạn: Trước những vấn đề và những thách đố đang nổi lên trong cuộc sống gia đình cũng như xã hội, bạn đã kiện toàn chúng theo tinh thần của Tin Mừng thế nào? Hay bạn phá đổ chúng bằng những bất trung, mâu thuẫn, thù hiềm, bất công?

Chia sẻ: Sống công bằng và bác ái là đòi hỏi cấp thiết của Tin Mừng. Tôi sẽ làm gì để xây dựng và kiện toàn tinh thần ấy trong gia đình, và giáo xứ tôi trong Mùa Chay này?

Sống Lời Chúa: Nỗ lực sống công bằng bác ái, sống theo lương tâm công giáo như giáo huấn của Giáo Hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đang sống trong trần thế, xin giúp con biết sống như Chúa: luôn tìm cách xây dựng, kiện toàn chứ không phá đổAmen. 

 

08.03.18

THỨ NĂM TUẦN 3 MC

Thánh Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ

Lc 11,14-23

CUỘC CHIẾN KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

 

“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cũng tôi thu góp là phân tán.” (Lc 11,23)

Suy niệm: Thoạt nghe có vẻ như Đức Giê-su thuộc nhóm chủ trương tôn giáo cực đoan, muốn loại trừ mọi quan điểm đối lập để mình được độc tôn. Có đặt mình trong khung cảnh Chúa vừa xua trừ quỷ câm ra khỏi một người, một dấu lạ biểu hiện quyền năng Thiên Chúa, mới hiểu được rằng không ai có thể đứng trung lập. Việc thiện dù do ai làm đi nữa, cũng đều bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguồn mạch phát sinh mọi điều thiện hảo. Chối từ điều thiện hảo là đứng về phía ma quỷ, kẻ không đội trời chung với Thiên Chúa. Vì thế, mệnh lệnh của lương tâm “làm lành, lánh dữ” bao giờ cũng mang tính tuyệt đối và đòi buộc đối với mọi người không trừ ai.

Mời Bạn: Phải chăng bạn hay bị cám dỗ nghĩ rằng mình không phải là một vị thánh, và may thay cũng không phải là một kẻ tội lỗi. Thế là bạn bằng lòng với mức sống đạo “bình bình, nửa vời” đó. Thực ra, cuộc chiến giữa thiện và ác luôn mang tính quyết liệt, triệt để, không khoan nhượng. Không làm theo điều thiện là đã ngả theo sự ác rồi. Không thể vừa sống theo đòi hỏi của sự thiện vừa dung túng cho đam mê tật xấu. Người ta cũng không thể vừa tuyên bố tin nhận Thiên Chúa là Đấng Thánh vừa bắt tay thoả hiệp với ma quỷ.

Sống Lời Chúa: Đọc lại câu Tin Mừng này (Lc 11,23) và bạn hãy chọn một thái độ quyết định: Tôi có đi với Đức Giê-su hay chống đối lại Ngài ?

Cầu nguyện: Chúa ơi, những lúc con bị cám dỗ sống Tin Mừng nửa vời thì xin Chúa giúp con tỉnh thức lại và quyết một lòng tin mến Chúa trên hết mọi sự. Amen. 

 

09.03.17

THỨ SÁU TUẦN 3 MC

Mc 12,28b-34

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

 

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8) ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa nhưng để “yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình” thì không phải là điều dễ dàng. Một mặt, ông kinh sư công nhận Chúa Giê-su nói rất đúng, rất hay, mặt khác, chính Chúa cũng nhìn nhận ông phát biểu thật khôn ngoan nhưng Ngài cho biết dù ông đã rất gần với Nước Thiên Chúa, ông vẫn cần một bước nữa để đạt tới chốn hạnh phúc ấy. Quả thật, những hiểu biết của ông mới chỉ ở trên bình diện kiến thức lý thuyết. Điều quan trọng không thể thiếu là thực hành sống mến Chúa yêu người như Chúa truyền dạy, lúc ấy mới thực sự là người ở trong tình yêu và ở trong Thiên Chúa.

Mời Bạn: Muốn mến Chúa trên hết mọi sự thì đồng thời cũng phải yêu người thân cận như chính mình (Lc 10,25-37). Để minh hoạ cho việc thực thi giới răn mến Chúa yêu người này, Chúa Giê-su kể dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu và Ngài khẳng định: “Hãy đi và làm như vậy thì sẽ được sống”.

Chia sẻ: Cảm nghiệm nào làm bạn tâm đắc nhất khi thực hành sống mến Chúa yêu người?

Sống Lời Chúa: Thực thi tình bác ái yêu thương từ những việc nhỏ bé với những người xung quanh bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nói yêu thương thì dễ nhưng để sống yêu người như Chúa yêu con thật không dễ chút nào. Xin cho con được bắt chước Chúa biết khiêm tốn và hy sinh để hiến thân phục vụ tha nhân.

 

10.03.18

THỨ BẢY TUẦN 3 MC

Lc 18,9-14

HẠ MÌNH XUỐNG ĐỂ VƯƠN LÊN

 

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình sẽ được tôn lên.” (Lc 18,14)

Suy niệm: Sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nhật điêu tàn, kinh tế kiệt quệ, tài lực vật lực khánh kiệt. Người ta tự hỏi, do đâu mà nước Nhật được phồn thịnh như hôm nay. Một trong những lý do chính, đó là người Nhật dám nhìn nhận và nói với nhau về thảm trạng của đất nước mình. Mối nhục do thua kém bè bạn đã kích thích lòng yêu nước của người Nhật và giúp họ vươn lên. Tương tự, việc nhìn nhận thực trạng tâm hồn của mình rất quan trọng trong đời sống thiêng liêng và mùa Chay là cơ hội tốt để chúng ta làm việc đó. Để nhìn nhận và hoán cải tâm hồn, Chúa Giê-su khuyên nhủ chúng ta tạo mối liên kết với Thiên Chúa qua việc ăn chay kín đáo, mở rộng tâm hồn đón nhận sự công chính bên trong. Chính Thiên Chúa, Đấng tác động âm thầm, sẽ đổi mới tâm hồn tín hữu và làm cho nó vươn cao.

Mời Bạn: Tận dụng những ngày chay thánh để làm sống lại mối thân tình với Thiên Chúa và sẵn sàng trở nên chứng nhân tình yêu.

Chia sẻ: Chúa muốn chúng ta làm gì khi khuyên nhủ “hạ mình” xuống?

Sống Lời Chúa: Tìm dịp tham dự một buổi tĩnh tâm và quyết tâm sống lại tình thân với Chúa và anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết tìm ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, biết sống đậm nét Tin Mừng trong mỗi lời nói và hành vi của con. Con tin rằng, Chúa luôn ở cùng con để đỡ nâng con trong mỗi bước đường đời, nhưng không phải để chìu theo ý con, mà là dẫn đưa con theo ý Chúa. Xin cho con biết từ bỏ ý riêng của con, xin cất đi trái tim cứng cỏi của con và ban cho con một tâm hồn biết thống hối khi lỗi phạm, thêm lòng mến khi được thứ tha.