25.03.18
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa
Mc 14,1-15.47
ĐÃ ĐẾN LÚC CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN VINH
Hai ngày trước lễ Vượt qua và lễ Bánh không men, các thượng tế và kinh sư bày mưu tính kế bắt Đức Giê-su để giết Người; vì họ nói: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động.” (Mc 14,1-2)
Suy niệm: Được tôn vinh là đạt đến đỉnh cao của danh dự. Và hành trình đạt đỉnh ấy bao giờ cũng phải trải qua những gian nan, bởi không qua đau khổ sẽ chẳng đạt đến vinh quang (Lc 24,26). Ca sĩ phải khổ luyện mới hy vọng có được giọng hát hay. Vận động viên phải miệt mài với các bài tập để mong đạt được thành tích tốt. Cũng vậy, con đường đến vinh quang của Đức Giê-su phải trải qua những đau khổ, mà khởi đầu là việc các thượng tế và kinh sư âm mưu giết hại Ngài. Đành rằng Ngài phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, nhưng khốn cho kẻ tra tay hại Ngài (x. Mt 26,24). Xét cho cùng, họ là những người đáng thương hơn là đáng ghét, chẳng qua vì họ không biết việc họ làm. Thế nên, khi được tôn vinh, họ là đối tượng đầu tiên được Chúa Giê-su nhớ đến, Ngài đã tha thiết khẩn cầu ơn tha thứ cho họ (x. Lc 23,34).
Mời Bạn: Một khi mang danh Ki-tô hữu là đời mình đã gắn liền với thập giá Chúa Ki-tô – bởi vì người Ki-tô hữu được mời gọi vác thập giá theo Chúa mỗi ngày. Vì thế, bạn không chỉ nỗ lực trở nên giống Ngài trong việc đón nhận thập giá, mà còn ứng xử giống như Đấng mời gọi bạn vác thập giá ấy.
Sống Lời Chúa: Dâng những hy sinh trong Tuần Thánh để cầu nguyện cho những người đã hoặc đang gây sự khó cho ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa được tôn vinh trên thánh giá. Xin cho con biết kết hiệp cùng Chúa luôn.
26.03.18
THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11
LÀM CẢ NHÀ SỰC NỨC MÙI THƠM
Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. (Ga 12,3)
Suy niệm: Thánh sử Gio-an đã viết một câu đầy ý nghĩa “Cả nhà sực mùi thơm”. Mùi thơm nào đây? Chắc chắn là mùi thơm của cân dầu cam tùng nguyên chất và quý báu trị giá đến 300 đồng bạc, gần bằng cả năm lao động cật lực chứ đâu ít ỏi gì! Cả nhà còn sực mùi thơm, một mùi thơm không còn được cảm nhận bằng mũi, nhưng bằng nhịp đập của con tim, mùi thơm do nghĩa cử yêu thương của chị Ma-ri-a, dám cho đi điều mình quý nhất, không so đo tính toán, miễn là nói lên tâm tình yêu mến Thầy Giê-su. Và cuối cùng, cả nhà còn sực mùi thơm, lần này được cảm nhận bằng niềm tin. Với niềm tin, người ta có thể nhận ra Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, sự hiện diện của Ngài giữa gia đình làm cho gia đình sực mùi thơm: mùi thơm của yêu thương quên mình.
Mời Bạn: Luôn tìm cách làm cho nhà mình sực mùi thơm bằng cách sống hoà thuận nhường nhịn nhau trong gia đình, bằng thái độ hiền hoà kiên nhẫn, bằng việc mời Chúa làm chủ gia đình mình. Một phương cách truyền giáo đấy bạn!
Chia sẻ: Gia đình tôi có thiếu hương thơm của nghĩa cử yêu thương quảng đại, hy sinh quên mình không? Tại sao?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi làm cho nhà mình sực mùi thơm bằng một việc hy sinh hãm mình trong lời ăn tiếng nói với người trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin chắc ngày xưa dưới mái nhà Na-gia-rét luôn toả hương thơm do có sự hiện diện của Chúa. Ngày hôm nay xin Chúa đến ở giữa gia đình chúng con, làm cho gia đình chúng con toả hương thơm do sống theo Lời Chúa dạy. Amen.
27.03.18
THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38
GIU-ĐA RA ĐI, CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH
Khi Giu-đa ra đi rồi… Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. (Ga 13,31)
Suy niệm: Trong bữa Tiệc ly, tâm thần Chúa Giê-su xao xuyến khi loan báo cách kín đáo sự bội phản của Giu-đa, cũng như việc chối thầy của Phê-rô. Trên phông nền đen tối, bi thảm ấy của lòng dạ con người, ta lại thấy sáng lên tình thương của một vị Thiên Chúa làm người. Ngài không loại trừ Giu-đa, trái lại, ba lần cảnh tỉnh ông trong bữa tiệc. Gio-an nói rằng khi Giu-đa ra đi, trời đã tối. Thật ra, trời đã tối trong lòng Giu-đa với những toan tính vụ lợi, khiến ông trở nên mù quáng, chai lỳ trước tình thương của Thầy mình. Ngài cũng chẳng loại bỏ Phê-rô, vẫn tin tưởng nơi vị Tông đồ trưởng của mình, giao phó cho ông sứ vụ chăn dắt chiên con, chiên mẹ. Như vậy, dù bị một môn đệ bán đứng, bị một môn đệ thân tín chối bỏ, Chúa Giê-su vẫn đáp trả lại bằng tình thương tha thứ và tiếp tục yêu thương, đưa tình yêu đến mức độ cao nhất. Và một khi tình yêu lên ngôi, Thiên Chúa sẽ được tôn vinh.
Mời Bạn: Mỗi người chúng ta đều biết giá trị của tình yêu, đau khổ cũng như có thể từng trải nghiệm những phản bội trong cuộc đời. Điều làm ta được yêu và được nhớ tới chính là cách ứng xử khoan dung của ta trong những tình huống ấy. Gương Chúa Giêsu hôm nay sẽ soi rọi cho ta.
Sống Lời Chúa: Bạn làm gì để tôn vinh Chúa trong năm này? Hãy biết yêu thương vợ chồng con cái với tinh thần khoan dung, nhân hậu, nhất là biết yêu trong đau khổ nữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dâng lên Chúa lòng yêu mến, niềm cậy trông và niềm tin tưởng của con.
28.03.18
THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25
ĐỂ CHÚA MƯỢN CĂN PHÒNG
“Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt qua với các môn đệ của Thầy.” (Mt 26,18)
Suy niệm: Không thấy sách Tin Mừng nhắc đến việc ăn mừng lễ của thầy trò trong những năm trước, chỉ đặc biệt năm nay chuẩn bị lễ Vượt Qua với các môn đệ, Thầy Giê-su muốn mượn một ngôi nhà, vì “thời của Thầy đã gần đến” (c.18). Bàn tiệc hôm ấy có đầy đủ thầy trò, không trừ ai, dù Thầy biết người chấm chung một đĩa đã bán mình với giá ba mươi đồng bạc. Trong bữa tiệc, Thầy đã mở lòng ra với cả Giu-đa nhưng lòng anh đã đóng chặt lại thật rồi. Dù anh vẫn cất tiếng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” (cc. 21.25), sự thật là anh đã bán vị Thầy cao quý của anh với giá của một người nô lệ. “Giờ đã đến” (Ga 13,1), Thầy Giê-su muốn làm một cử chỉ hợp nhất, có một không hai, trao ban món quà là chính Ngài cho nhân loại.
Mời bạn: Ngày mai Giáo hội bước vào Tam Nhật Thánh. Nếu hôm nay, Đức Giê-su muốn mượn căn nhà lòng bạn, bạn có sẵn sàng không? Ngài cần một “không gian riêng tư”, thinh lặng, đủ rộng để đón tiếp Ngài, để Ngài đón nhận bạn như bạn là. Hãy như vua Đa-vít, nhìn thấy lỗi lầm của mình và trở về với lòng thương xót của Chúa. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho bạn, nếu bạn biết sám hối, trở về với Người. Hãy tỉnh thức để đón tiếp Chúa!
Sống Lời Chúa: Tìm một nơi yên tĩnh và suy gẫm: “Thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt qua với các môn đệ của Thầy.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy ngự vào căn phòng lòng con, làm chủ tâm hồn nhà con. Xin cho con cùng đi với Chúa trong cuộc Khổ nạn để được hưởng nhờ những ân phúc Phục sinh. Amen.
29.03.18
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Ga 13,1-15
TIỆC YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ
“Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1)
Suy niệm: Khi nói về Nước Trời, Chúa Giê-su hay dùng hình ảnh một bữa tiệc để diễn tả niềm vui của những người được dự tiệc. Hôm nay Ngài đã dùng chính bữa tiệc cuối cùng của đời mình trên trần gian để diễn tả cho các môn đệ biết thế nào là một tình yêu thương phục vụ và hiệp thông. Của lễ trong bữa Tiệc Ly, bữa tiệc Thánh Thể, không còn là bánh-rượu của trần gian nữa, mà là chính con người của Ngài. Đó là bằng chứng cụ thể, rõ rệt nhất của tình yêu dâng hiến, và ai muốn làm đồ đệ của thầy Giê-su thì phải học thuộc bài học tình yêu ấy. Suốt dọc dài lịch sử của Giáo Hội, khởi đi từ bữa Tiệc Thánh ấy cho đến hôm nay, trên bàn thờ mỗi ngày, tiệc hiệp thông vẫn được Hội Thánh cử hành, trở nên nguồn sống cho toàn thể Hội Thánh.
Mời Bạn: “…Ta hãy xin cho được năng tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Ngài” (gẫm thứ năm Năm Sự Sáng). Hằng tuần hay thậm chí hằng ngày, ta vẫn cố gắng dự lễ và hiệp lễ. Nhưng xem ra chúng ta chỉ coi đó như một thói quen, mà quên rằng đang đón nhận sức sống vô giá của Thiên Chúa, cũng như mình được mời gọi thể hiện sự sống ấy trong đời sống qua hành động của yêu thương và phục vụ “như Thầy đã yêu thương anh em.”
Sống Lời Chúa: Tập làm những hy sinh nho nhỏ mỗi ngày để cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi được giao hòa cùng Chúa và Hội Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho con sự sống quý giá của Chúa, xin cho con cũng biết sẵn sàng cho đi những gì cần thiết để mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Amen.
30.03.18
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ga 18,1-19,52
HÃY YÊU NHƯ GIÊ-SU
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” (Ga 19,26)
Suy niệm: Theo Cicéron, một triết gia Hy lạp, các tử tội, trong giờ sau cùng, thường nguyền rủa kẻ giết mình, chửi kẻ đứng xem và trách móc cả người mẹ đã sinh ra mình vào ngày không may mắn. Hôm ấy, bên cạnh Đức Giê-su, một tên trộm cũng lên tiếng chửi rủa nhiều điều như thế, chửi cả Chúa là người chẳng có oán thù gì với anh ta. Những người đứng gần thánh giá có lẽ đang chờ đợi những lời chửi rủa của Đức Giê-su, chửi những lý hình, những người lên án Chúa, những kẻ kết án Chúa, những người đáng phải mang ơn Chúa nay hùa theo đám đông lên án, và chửi cả những học trò phản Thầy, chối Thầy, bỏ Thầy mà trốn. Nhưng họ phải sững sờ khi thấy lời dạy bảo hãy yêu thương kẻ thù đang diễn ra sống động trong lời tha thứ của Ngài, trong lời bào chữa cho kẻ làm hại mình, trong tâm tình ôm trọn cả nhân loại lỗi lầm đặt vào lòng từ ái của Mẹ Ngài.
Mời Bạn: Cách cư xử của Đức Giê-su đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa và cảm hoá được kẻ ăn trộm, viên đại đội trưởng, giúp nhiều người thống hối đấm ngực khi ra về. Bạn được mời gọi tiếp tục làm chứng như thế đó.
Sống Lời Chúa: Bạn dâng một lời nguyện cầu cho những kẻ làm hại bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhìn cuộc thương khó Chúa chịu, con hiểu tình yêu còn là chịu để cho người khác đóng đinh. Tình yêu như thế đau đớn lắm! Con hiểu, nhưng con muốn trở nên giống Chúa, chỉ xin Chúa ban ơn sức cho con và đừng để mọi sự quá sức con chịu đựng. Con xin dâng mọi sự con chịu cho trái tim Chúa.
31.03.18
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Mc 16,1-8
PHỤC SINH THAY ĐỔI MỌI SỰ
“Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!” (Mc 16,6)
Suy niệm: Ảnh hưởng của Ki-tô giáo lan tràn khắp thế giới đến nỗi ta dễ quên niềm tin của Ki-tô giáo ấy ngày xưa mang tính triệt để như thế nào. Việc Chúa Giê-su sống lại đã mãi mãi thay đổi cái nhìn của người Ki-tô hữu về sự chết. R. Stark, nhà xã hội học của Đại học Washington, cho thấy khi Đế quốc Rô-ma bị một cơn đại dịch, các Ki-tô hữu sống sót với tỷ lệ đáng kinh ngạc. Tại sao? Trong khi đa số công dân Rô-ma đuổi bất cứ ai bị bệnh dịch ra khỏi nhà, thì các Ki-tô hữu lại chăm sóc người bệnh thay vì ném bệnh nhân ra ngoài đường, vì họ không sợ chết. Do đó, rất nhiều Ki-tô hữu tồn tại sau cơn dịch” (K. Woodward, báo Newsweek ngày 29.3.1999, trg 55).
Mời Bạn: Các môn đệ vẫn tưởng rằng mọi sự đã kết thúc với cái chết của Thầy mình: các bà đến mồ xức thuốc thơm cho xác Ngài, hai người bỏ nhóm đi về Em-mau… Thế rồi, việc Ngài hiện ra đã làm cho họ từ chỗ tuyệt vọng trở thành những người rạng rỡ niềm vui. Còn bạn thì sao? Niềm tin Chúa phục sinh có phải là quả tim điều phối mọi nỗi niềm vui buồn của đời bạn không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi tập nhận ra sự sống của Chúa Ki-tô phục sinh đang nở hoa sự sống muôn đời qua những hy sinh, quên mình, bỏ ý riêng để sống Lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, vì Chúa đã phục sinh, nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ. Vì Chúa đã phục sinh, nên con hiểu cái liều của người Ki-tô hữu là cái liều chín chắn và có cơ sở… Sự Phục Sinh của Chúa giúp con dám sống tận tình hơn với Chúa và với mọi người. Amen.