Suy Niệm Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên B

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 12: 49-53)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha, mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ, mẹ chồng chống đối nàng dâu và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Suy niệm:

Tin Mừng Lc 12: 49-53

Trang Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối.

Thật vậy, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

Và rồi ta thấy Chúa Giêsu đã đem lửa tình yêu vào thế gian và mong cho lửa ấy cháy lên nơi tâm hồn mỗi người. Ngài đã khao khát chịu phép rửa vượt qua và đã hoàn thành phép rửa ấy qua việc chịu chết và sống lại để trao ban vinh quang phục sinh cho những kẻ tin. Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nhờ mầu nhiệm Vượt Qua để từ đó trao ban bình an đích thực cho các tông đồ, các môn đệ và cho tất cả những ai đặt niềm tin vào Ngài, thứ bình an tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể cướp mất.

Những lời này của Chúa Giêsu gây hoang mang cho những ai chạy đến Người để tìm cuộc sống bình yên. Chúa Giêsu không đến đem bình an của trần gian, vì cái yên ổn, bình an của con người là của những trạng thái bấp bênh, của cán cân không lành mạnh giữa lòng tham và sự nhát đảm. Bình an của trần gian, trong gia đình hay ngoài xã hội, thường che giấu một sự thật bất công do kẻ mạnh áp đặt. Do đó, chia rẽ là kết quả mà những người bước theo Chúa Giêsu phải đối diện.

Lòng Chúa vẫn nung nấu lửa yêu thương chúng ta. ‘Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên’. Chúa “ném lửa” tình yêu để đẩy lui sự chia rẽ, lửa tha thứ để đẩy lui hận thù, lửa chân thật để đốt tiêu tan sự giả dối, lửa bừng sáng để đẩy lui bóng tối tội lỗi. Lửa Chúa ném vào tâm hồn chúng ta và Chúa mong ước đến cùng là lửa ấy bùng cháy. Lòng Chúa khắc khoải để truyền “hết lửa” cho chúng ta cũng được đầy lửa, dù cái giá Chúa phải chịu là đón nhận một phép rửa cuối cùng, tức là hy sinh mạng sống của Chúa để cứu chúng ta.

Chúa Giêsu đến trần gian để đem bình an cho nhân loại như lời thần thần cất lên trong đêm Giáng Sinh, đêm cựu thánh, và Giáo hội vẫn hát lên trong các thánh lễ “Vinh danh Thiên Chúa trên các tần trời, bình an dưới thế cho loài người thiện tâm”. Chính Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ rằng “Thầy ban bình an cho anh em không như thế gian ban tặng. Bình an của Thầy là thứ bình an không ai có thể cướp mất được”.

Chính ơn đầu tiên Chúa Giêsu phục sinh ban cho các môn đệ cũng chính là ơn bình an. Vậy ta phải hiều lời của Chúa Giêsu là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân chất vấn lương tâm, đòi phải thay đổi cách nghĩ và nếp sống. Chính sự đòi hỏi ấy mà người ta có thể gây ra chia rẽ bất hoà. Nếu những ai chọn Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài thì họ phải chấp nhận sự đổi thay trong nếp nghĩ và trong hành động. Điều ấy sẽ đi ngược lại hay tạo ra sự khác biệt với những ai không chấp nhận Ngài. Kết quả là nó sẽ tạo ra sự chia rẽ bởi vì bản chất của việc nhập thể của Chúa Giêsu là cứu độ, là giải thoát, là trao ban bình an.

Thế mà, như chúng ta biết, Thánh Thần không thể được ban xuống cho các môn đệ, bao lâu Ðức Kitô chưa bị treo lên cây Thập giá. Do đó tiếp theo câu nói Người mong muốn biết bao cho lửa cháy lên, Chúa Giêsu đã khẳng định luôn: “Người phải chịu một phép rửa và lòng Người khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”. Câu nói này, ai cũng hiểu là để ám chỉ cuộc Tử nạn của Người.

Ngọn lửa tình yêu mà Đức Giêsu đem đến và muốn cho bùng cháy (Lc 12, 49-50) tất yếu sẽ đốt cháy, loại bỏ, và nói theo trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, sẽ phân rẽ (St 1, 4.6.7.14.18). Giống như một thủa đất, để trở thành đất tốt, thì phải được mổ xẻ, phân chia, vun xới; chúng ta hãy đặt mình trong vị trí của đất, thật đau đớn biết bao, khi được đào xới và cày bừa để loại bỏ sỏi đá, gai góc, cây cỏ… Nhưng tiến trình mổ xẻ, phân chia, vun xới, chính là để chữa lành, để làm cho chúng ta trở nên “đất tốt”.

Ngọn lửa Chúa đem vào trần gian là ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa và nhân loại. Ngài mong cho ngọn lửa ấy cháy lên vì chính lửa tình yêu sẽ đem đến cho con người hạnh phúc, bình an và sự sống. Nói cách khác, chính ngọn lửa tình yêu đem lại ơn cứu độ và giải phóng cho nhân loại bởi Thiên Chúa là tình yêu.

Vì thế, suốt cuộc đời từ nhập thể cho tới khi chịu chết trên thập giá, Đức Giêsu đều làm cùng một công việc là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhân loại. Ngài làm gì hay nói gì cũng là làm vì yêu thương và để nói với nhân loại về tình yêu của Thiên Chúa. Bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu của Ngài là tự nguyện chấp nhận chết tủi nhục trên thập giá. Cho dù Ngài đã làm tất cả để cho lửa tình yêu được bừng cháy lên trên mặt đất, nhưng cho đến khi Ngài chịu chết và thậm chi cho tới hôm nay, ngọn lửa ấy vẫn chưa bừng cháy lên mãnh liệt giữa lòng nhân loại, không thiếu những con người, những nơi trên thế giới này đang khao khát tình yêu.

Nguyện xin Chúa cho trái tim mỗi người chúng ta luôn bừng cháy ngọn lửa tình yêu Chúa; dám chết đi cho con người cũ, con người tội lỗi, tức là trải qua phép rửa như phép rửa của chính Chúa; cảm nhận được bình an sâu thẳm của Chúa, để cũng trở thành sứ giả đem bình an đến cho anh chị em xung quanh chúng ta.

Huệ Minh