Suy Niệm Thứ Ba Tuần III Phục Sinh C

Lời ChúaGa 6,30-35

Khi ấy, đám đông dân chúng hỏi Đức Giê-su rằng : “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? Ông sẽ làm gì đây ? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”

 Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,  vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.”  Họ liền nói : “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.”  Đức Giê-su bảo họ : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !”

Suy niệm:

Man-hu ? Cái gì vậy ? Đó là câu con cái Ítraen hỏi nhau
khi thấy manna lần đầu tiên rơi trên mặt đất.
Môsê trả lời : “Đó là bánh Đức Chúa đã ban cho các ngươi làm của ăn.”
Bốn mươi năm Đức Chúa đã nuôi dân của Ngài bằng thức ăn ấy,
trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc cho tới khi họ đến đất Canaan.
Đức Chúa vẫn là Đấng quan tâm đến sinh mệnh của dân.
Qua Môsê, Ngài cho họ manna là bánh từ trời xuống. 

Có vẻ những người ở Caphácnaum muốn thách đố Đức Giêsu
làm một dấu lạ lớn lao tương tự như dấu lạ Môsê đã làm (cc. 30-31),
nếu Ngài thật là một vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo (Đnl 18, 15).
Hãy ban cho chúng tôi thứ bánh bởi trời như manna ngày xưa.

Đức Giêsu khẳng định không phải Môsê đã cho họ ăn bánh bởi trời.
Chính Chúa Cha đã ban cho dân Ítraen bánh bởi trời, trong sa mạc.
Và nay Chúa Cha còn muốn ban một thứ bánh mới.
Đức Giêsu long trọng giới thiệu bánh mới này :
“Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (c. 32).
Bánh này là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế giới (c. 33).
Như thế bánh mới này cũng là bánh từ trời,
nhưng không chỉ dành cho dân Ítraen như manna cũ.
Đây là thứ bánh đích thật dành cho cả thế giới loài người.

“Lạy Ngài, xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn” (c. 34).
Đây là một sự hiểu lầm của dân chúng đang nghe Đức Giêsu.
Nó tương tự như sự hiểu lầm của người phụ nữ Samari
khi chị xin Đức Giêsu: “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát” (Ga 4, 15).
Thứ bánh mới Đức Giêsu giới thiệu
không phải là tấm bánh vật chất, ăn được để tránh cái đói tạm thời,
nhưng là tấm bánh thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm nơi trái tim.
“Chính tôi là bánh trường sinh,
Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ” (c.35).

Đến với và tin vào Đức Giêsu ta sẽ tìm được thức ăn tinh thần.
Lời dạy dỗ của Ngài là bánh từ trời đích thực, vượt hẳn manna xưa.
“Người ta sống không nguyên bởi bánh,
nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).
Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa,
nên lời của Ngài sẽ là bánh đem lại sự sống cho bất cứ ai tin.

Tạ ơn Cha đã nuôi chúng ta bằng Tấm Bánh Giêsu, Bánh từ trời xuống.
Chúng ta không phải đi lượm manna mỗi ngày như dân Ítraen xưa.
Nhưng mỗi ngày chúng ta phải lắng nghe Lời Giêsu để được no đủ.

Cầu nguyện:


Lạy Chúa Giêsu,
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thếSet featured image
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Tin Mừng Ga 6: 30-35

Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc dân Người. Hành trình dân Israel tiến về Đất Hứa là thời gian đầy thử thách nhưng cũng là chuỗi ngày ân phúc. Nơi hoang mạc khắc nghiệt và thiếu thốn, Thiên Chúa quan phòng ban cho dân thức ăn là manna và chim cút; nuôi dân bằng nước từ tảng đá chảy ra (Xh 16 – 17); cho cột mây dẫn đường ban ngày và cột lửa soi sáng ban đêm (Xh 13, 21).

Tình thương của Thiên Chúa với Dân Ngài đạt đến đỉnh cao nơi Đức Giêsu – Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu chạnh thương đoàn dân đang kiệt sức, đói lả vì đi theo Người. Ngài đã hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê (Ga 6, 1-15). Đức Giêsu thêm sức cho họ không chỉ về thể xác mà còn tinh thần, khi Ngài khẳng định: Ngài là Bánh Hằng Sống và đem lại sự sống cho thế gian (Ga 6 ,33). Hôm nay, Đức Kitô cũng đang yêu thương, săn sóc từng người chúng ta khi trao ban chính Mình Máu Ngài cho nhân loại.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy qua những nhu cầu vật chất đời thường, Đức Giêsu mời gọi con người tin và đón nhận Ngài như thần lương nuôi sống linh hồn để đạt được sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu không bao giờ hư mất.

Con người ta thường hiếu kỳ, thích dấu lạ (c. 30). Chẳng phải chỉ những người đương thời Đức Giêsu mà người thời nay cũng thế, mỗi khi nghe ở đâu có sự lạ là người ta ùn ùn kéo đến; lắm khi phải vượt đường xa vạn dặm, tốn tiền, tốn của, người ta cũng vẫn sẵn sàng để được chứng kiến dấu lạ, mà thường khi họ lại chẳng thấy gì hết. Do đó, việc hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng của Đức Giê-su là sự lạ khá hấp dẫn đối với người Do-thái đương thời; bởi chẳng phải cũng vì cơm bánh mà người ta phải lao tâm khổ trí, vất vả nhọc nhằn đó sao.

Họ liên tưởng đến tổ tiên họ đã được ăn manna – bánh từ trời rơi xuống; và sự kiện này xem ra còn kỳ diệu hơn cả phép lạ Đức Giê-su đã làm. Họ chất vấn Đức Giêsu: “Ông sẽ làm gì đây?” Theo người Do Thái thì một ngôn sứ đích thật phải làm được dấu lạ nào đó cho họ tin. Ở đây, họ muốn so sánh Đức Giêsu với ông Môsê; Mô-sê đã cho tổ tiên họ manna, còn Đức Giêsu, Ngài làm được gì? Câu hỏi dường như có ngầm ý khích Đức Giêsu tỏ uy quyền của Ngài và làm cho họ những cái lời lớn hơn.

Đức Giêsu cho người Dothái biết không phải ông Mô-sê cho họ bánh bởi trời mà chính Thiên Chúa ban cho họ; Bánh manna thực sự chỉ là một tiên báo về Đức Giêsu – bánh đích thực Thiên Chúa sẽ ban cho con người. Con người nhắm vào vật chất, nhưng Đức Giêsu muốn đưa người ta lên cao hơn, đó là đời sống đức tin. Thánh Phaolô thường khẳng định: “Nhờ tin mà anh em được cứu độ” (Ep 2,8).

Từ lương thực chóng hư nát của cuộc đời, Đức Giêsu hứa ban lương thực không bao giờ hư nát là chính mình Người (c. 35). Tuy nhiên với đầu óc u mê, cặp mắt thiển cận, người ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái lợi trăm vạn lần hơn, đó là được chính Thiên Chúa. Người ta chỉ quan tâm đến nhu cầu của thân xác hay chết mà ít quan tâm đến nhu cầu tinh thần, nhu cầu đem đến sự sống muôn đời cho con người.

Đức Giêsu chính là bánh hằng sống từ trời xuống, ai tin và đón nhận Ngài sẽ không hề phải đói khát bao giờ (c .35). Đến với Đức Giêsu, chúng ta sẽ có lương thực nuôi sống linh hồn; Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta Lời của Ngài, như kim chỉ nam dẫn lối và thân thể Ngài như của ăn để chúng ta tiến bước về quê hương đích thật. Có Ngài cùng đồng hành trong cuộc sống chúng ta chẳng còn phải lo lạc lối hay đói khát tinh thần.

Trong cuộc sống lắm khi những nỗi vất vả và lo toan làm chúng ta quên Chúa; nhưng Đức Giêsu, Ngài đã nói: “Hỡi những ai vất vả gồng gánh nặng nề, hãy đến với ta, ta sẽ nâng đỡ và  bổ sức cho các ngươi”. Con người đói khát thể lý đã bi thảm, nhưng con người đói khát tinh thần càng vạn lần bi thảm hơn. Hầu hết những đau khổ của con người từ vật chất đến tinh thần đều có nguyên nhân từ việc đói khát tinh thần mà ra. Thế giới ‘vắng bóng’ Thiên Chúa, thì trở thành tranh dành, hận thù, ích kỷ, huynh đệ tương tàn, con người không có Thiên Chúa, trống vắng tâm linh thì dầu cho có lắm của cải vật chất, địa vị, danh vọng… cũng không bao giờ thỏa mãn được.

Đức Giêsu lại lần nữa phải xác quyết với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Ông Mô-sê chỉ là thừa lệnh của Thiên Chúa, là lợi khí mà Thiên Chúa đã dùng để nói và làm cho dân chúng.

Quả thật, chính Thiên Chúa mới là ân sủng thật, mới là bánh thật cho con người. Man-na chỉ là một cách cụ thể để diễn tả ân sủng thâm sâu qua nó, chứ bản thân man-na không phải là ân sủng, nó chỉ là vật chất mà ân sủng, tình yêu của Thiên Chúa mang lại. Quả vậy, những hình ảnh trong Tin Mừng Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần. Bánh hóa nhiều, chỉ là cách mà qua đó Đức Giêsu muốn nói về một thứ thần lương khác chính là “Bánh sự sông”, chính là thân thể của chính Ngài. “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.

Dân chúng chỉ có thể đón nhận thần lương ấy khi và chỉ khi bản thân họ có một niềm xác tín, phép lạ chẳng thể xáy ra, nếu người “đói khát” ấy không có một lòng tin mạnh mẽ vào thiên chúa. Ngày nay chúng ta cũng vậy, thường hay để ý đến những sự kiện, những dấu chỉ là thường mà ân sủng Chúa mang lại như được khỏi bệnh, được tai qua nạn khỏi các tỏ tường mà ít khi nhớ đến chiều kích thánh thiêng bên trong ngang qua những dấu chỉ lạ thường ấy. Thay vì ta tín thác hơn nơi Chúa, qua các dấu lạ từ anh chị em được Thiên Chúa ban, thì chính ta lại bị mê hoặc bởi những dấu chỉ bề ngoài ấy và tôn sùng “người” được Thiên Chúa sử dụng để thông ban ân sủng.

Trên thế giới ngày nay, ta thấy hàng triệu người vẫn đang sống trong cảnh nghèo khổ. Người ta không chỉ túng thiếu cơm bánh mà còn thiếu thốn tình thương, chân lý. Những đói khát tinh thần nhiều khi còn khắc khoải hơn cơn đói thể lý. Do đó, lời xác quyết của Đức Giêsu: “chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35) mang lại cho chúng ta niềm an ủi và sự bảo đảm vững chắc. Thánh Thể – Bánh Hằng Sống là món quà vô giá Thiên Chúa ban tặng cho con người.

Nhờ và với Thánh Thể, những khát vọng sâu thẳm nhất, thiêng liêng nhất của con người sẽ được thỏa mãn, bởi Đức Kitô là suối nguồn bình an và hạnh phúc. Nơi Thánh Thể, con người học được bài học yêu thương, phục vụ và sẻ chia. Lúc này, Đức Giêsu cũng đang mời gọi tôi chia sẻ bánh tình yêu Giêsu cho anh chị em kém may mắn hơn; nhờ đó cuộc sống này sẽ ngày một tươi đẹp hơn.

Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta tự vấn lương tâm xem thử trong cuộc sống chúng ta đặt niềm tin nơi đâu? Nơi của cải vật chất, danh vọng địa vị… hay nơi Đức Giê-su Ki-tô – con Thiên Chúa, Đấng đem ơn Cứu độ và sự sống đích thật, sự sống thần linh cho con người. Thiết tưởng nếu chúng ta chỉ chăm lo đến cuộc sống tạm bợ, nay còn mai mất mà không quan tâm đến cuộc sống vĩnh cửu thì còn gì ngu dại bằng.

Và trong lắng đọng, ta xin Thiên Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, để trong mọi hoàn cảnh cuộc sống chúng ta biết chạy đến với Ngài, cậy dựa vào Ngài. Xin cho chúng ta biết quí trọng, yêu mến, và năng lãnh nhận Thánh Thể Chúa, để chúng ta có thêm sức mạnh vượt qua những cam go thử thách trong hành trình tiến về quê hương đích thật là nước trời.

 Huệ Minh