Thứ Hai Tuần II Phục Sinh B – Lễ Truyền Tin

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (1: 26-38)

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Suy niệm 1

Một gia trưởng đang chao đảo về niềm tin của mình, đến thăm một người bạn vừa bị tai nạn. Nhìn người bạn nằm bất động, bốn người con thơ dại và người vợ bệnh hoạn của bạn trong cơn túng cực, anh lại càng nghi ngờ về Thiên Chúa. Niềm tin vào Chúa có giá trị gì trong hoàn cảnh cực kỳ khó chấp nhận này? Anh im lặng thở dài, biết nói gì với người đang khổ đau!

Người bạn bị nạn lên tiếng khi thấy anh im lặng nặng nề:

“Cảm ơn bạn đã đến thăm, tôi biết Thiên Chúa là Cha, đang cho tôi những cơ hội tốt nhất để lớn lên trong đức tin và ơn phúc thiêng liêng”.

Anh gia trưởng kia lên tiếng chất vấn lại: “Thiên Chúa ở đâu trong hoàn cảnh bi đát này?”

Người bị nạn trả lời: “Dù tôi không thấy hết, nhưng tôi biết những gì xảy đến cho tôi, Chúa thấu suốt; và nếu Chúa cho phép xảy ra, nghĩa là trong biến cố này, có những viên ngọc quí của Nước Trời, xin cảm tạ Chúa! Như người con, nhiều khi nó không hiểu điều tốt mà người cha dự liệu trao cho nó, được ẩn dấu dưới những điều vất vả nặng nhọc mà người cha bắt nó làm. Lúc đó, chỉ có lòng thảo hiếu và phó thác vào người cha, nó mới chấp nhận được, mới làm theo ý cha nó được”.

Người gia trưởng kia ra về, anh tìm lại được ánh sáng của niềm tin, nhờ thái độ đón nhận của người bạn trong cơn hoạn nạn mà vẫn mạnh mẽ, trong sáng về lòng tin.

Mẹ Maria đã sẵn sàng thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền!”; người cha bị nạn cũng đã biết thưa như Mẹ, khi tin tưởng và cảm tạ Chúa, dù điều xảy ra trái với mong đợi của mình. Tin nơi Chúa là xác tín rằng: “Mọi sự Chúa đều làm được, và chúng ta vui lòng đón nhận mọi sự xảy đến trong cuộc đời với niềm tin phó thác, cậy trông nơi Chúa”.

Chúa vẫn dùng nhiều biến cố, nhiều trung gian để truyền tin cho chúng ta biết và đón nhận thánh ý Chúa. Nhiều lần chúng ta không nhận ra, không chấp nhận. Vì thế, đời ta có nhiều khi dang dở, muộn phiền. Đời ta có nhiều lần hoang mang, vô nghĩa. Không thuận theo ý Chúa, không tập “xin vâng” theo gương Mẹ, thì lúc đó, đời ta như giòng nước chảy vào ao tù, không sức sống và không lối thoát.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp mỗi người trong gia đình chúng con biết theo gương Mẹ, mỗi ngày tập sống tâm tình “xin vâng” như Mẹ. Nhờ đó, Chúa thực hiện được chương trình cứu độ chúng con và mọi người. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy niệm 12
XIN VÂNG NHƯ MẸ!

Tin mừng Luca thuật lại biến cố truyền tin mà hôm nay Giáo hội mừng kính. Thần sứ Gabriel đến gặp Đức Maria và trao lời cầu ngỏ. Đức Maria chỉ là một cô gái quê, cư dân thành Nazareth, không học thức cao sang, không danh giá quyền quý và chẳng có một nét ưu việt nào dưới con mắt người  đời. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, Mẹ được tuyển chọn để trở nênThân mẫu Đấng Cứu Thế. Điều Thiên Chúa muốn luôn khác xa với sự toan tính của con người. Các ngôn sứ thời cựu ước đã từng loan báo về việc Đấng Messia sẽ được sinh ra do một trinh nữ.

Đức Maria đã được tuyển chọn không phải do tình cờ, nhưng kế hoạch ấy đã có trong chương trình của Thiên Chúa ngay từ đời đời. Mẹ được chọn không phải vì Mẹ đã đắc thủ cho mình những nhân đức trổi trang hơn hẳn các phụ nữ khác, hay do một yếu tố lịch sử nào đó tác động từ bên ngoài.

Qua biến cố sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ Maria, Thiên Chúa đã mời gọi Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ qua việc cưu mang Đấng Cứu Thế. Trong những giây phút đầu tiên, Đức Mẹ đã bối rối và thắc mắc vì một tin vừa bất ngờ và vừa cao trọng, trong khi mình thì lại nhỏ bé. Mẹ thắc mắc vì đó là điều thật khó hiểu theo lý luận của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến người nam?”. Trước thắc mắc của Mẹ, sứ thần đã giải thích: “Vì đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được”. Đây không phải là giải thích nhằm làm thỏa mãn những lý luận của lý trí nơi Mẹ, nhưng là một gợi ý mời gọi người nghe đáp trả bằng thái độ của đức tin. Lời xin vâng của Mẹ chính là một lời đáp trả của đức tin.

Thiên Chúa đã chọn Mẹ, chỉ vì Chúa muốn như vậy, thế thôi. Ơn gọi luôn là một mầu nhiệm rất khó hiểu và dường như không thể hiểu nổi đối với đầu óc suy lý của con người. Chúa đã chọn Mẹ hoàn toàn do ý định của Ngài, và như một hệ quả tất yếu, Chúa cũngphú mặc cho mẹ những phẩm tính cao trọng, tương xứng với thiên chức ‘Mẹ Thiên Chúa’ hay‘Mẹ Đấng Cứu thế’. Tâm hồn Mẹ được gìn giữkhông bị lây nhiễm bất cứ ô nhơ nào, ngay cả tội nguyên tổ. Cung lòng của Mẹ đã trở nên như ngôi đền thờ tuyệt mỹ để Ngôi Hai Thiên Chúa đến ẩn ngự.

Trước lời cầu ngỏ của thần sứ, Mẹ đã thưa: “Xin vâng – Fiat”. “Xin hãy thực hiện nơi tôi những điều Chúa muốn”. Mẹ hoàn toàn tự do để lựa chọn giữa việc chấp thuận hay chối từ nhưng sự từ chối đã không xảy ra. Lời thưa xin vâng của mẹ có một ý nghĩa sâu xa mà Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn vào đó như một quy chuẩn căn bản để thực hiện sự khiêm tốn nội tâm.

Khi nói về tầm quan trọng hai tiếng xin vâng của Mẹ, công đồng Vatican II đã lặp lại lời của các Giáo Phụ xưa rằng: Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (Lumen gentium, số 56).

Thánh Bênađô thì kêu lên rằng: “Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavit cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Adam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa của Mẹ”.

Khiêm nhường ở đây không phải chỉ đơn thuần là một đức tính nhân bản như trong xã hội hiện nay người ta vẫn hay đề cao. Nền tảng của sự khiêm tốn nơi mẹ chính là sự tự hư vô hóa chính mình để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm ngự. Mẹ thuộc trọn về Chúa, không còn giữ lại chút gì cho mình và đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa điều hướng. Một nhà tu đức đã nói: “Khiêm nhường là căn rễ của mọi nhân đức, là cửa ngõ đưa dẫn đến sự hoàn thiện”. Thánh Phêrô trong thư thứ nhất của Ngài cũng đã dạy chúng ta: “Anh em hãy trang điểm mình bằng sự khiêm nhường, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho ai sống khiêm nhường” (1P5, 5).

Trong đời sống đạo, nhiều khi ta lại lãng quên vai trò của đức tin mà đòi hỏi sự hợp lý hóa cho mọi sự. Trước các biến cố hay cả các mầu nhiệm trong đạo, ta cũng chỉ muốn giải thích chúng một cách thuần lý trí. Nói khác đi, ta chỉ chấp nhận những gì hợp lý mình mà thôi. Đức Mẹ cũng đã có thắc mắc như vậy: “Điều đó làm sao có thể?”. Nhưng rồi Mẹ đã lấy đức tin để bù lại những gì lý trí của Mẹ không thể giải thích. Chúng ta cũng được mời gọi hãy đáp lại tiếng Chúa bằng thái độ vâng phục và tin tưởng như Mẹ.

Sự vâng lời luôn luôn cần thiết: Người dưới vâng lời người trên, con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy cô, vợ chồng lắng nghe nhau… Đó không chỉ là nét đẹp của cuộc sống hằng ngày và để gia đình, xã hội có tôn ti trật tự mà còn là điều kiện để gia đình hạnh phúc và xã hội bình yên. Chúng ta thử hình dung: Nếu trong một gia đình mà con cái không vâng lời cha mẹ, vợ chồng không biết lắng nghe nhau; ở nhà trường, học sinh không vâng lời thầy cô; xã hội không có trên dưới… thì gia đình, nhà trường, xã hội đó sẽ như thế nào? Thực tế cho chúng ta thấy, vì không biết vâng lời cho nên con cái hư hỏng, trò đánh thầy, hỗn loạn nhiều nơi trong xã hội chúng ta đang sống.

Nhờ tiếng xin vâng của Mẹ Maria, nhân loại đã bước sang một trang sử mới là trang sử Cứu Thế. Ngày hôm nay, để viết lên những trang sử đẹp, rất cần nhiều tiếng thưa xin vâng trong gia đình, Giáo hội và xã hội. Xin Chúa giúp mọi người chúng ta biết noi gương Mẹ, chấp nhận hy sinh để luôn thưa xin vâng trong những điều đẹp ý Chúa.

Huệ Minh