Suy Niệm Thứ Tư Tuần II Phục Sinh B

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 3:16-21)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để tất cả những ai tin vào Con Một của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời. vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt, ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. Và đây là án phạt: đó là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, vì sợ những việc làm của mình bị khiển trách. Nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.

SUY NIỆM 1

Nền tảng của sự sống chính là tình yêu. Thật vậy, nếu không có tình yêu thì không có sự sống, bởi đó, mọi hoạt động của cuộc sống đều được chi phối bởi tình yêu. Thế nhưng tình yêu là gì? Không ai ở trần gian có thể giải nghĩa được chữ yêu, chỉ cố Đấng là tình yêu mới có thể cắt nghĩa được chữ yêu. Đấng đó không ai khác chính là Thiên Chúa, điều mà thánh Gioan đã quả quyết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Và Đức Giêsu Kitô chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến trần gian để giải nghĩa cho con người về chữ yêu. Quả thật, duy chỉ Đức Kitô, Đấng ở trong Thiên Chúa là Cha, mới có thể tỏ bày cho nhân loại hiểu thế nào là yêu, bởi Người là người Con duy nhất, chiếm hữu trọn vẹn tình yêu của Cha, mới có đủ thẩm quyền để nói về tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã minh định điều đó: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 25, 27).

Chúa Giêsu đã giải nghĩa chữ yêu đó như thế nào? Đức Bênnêđictô XVI trong thông điêp “Thiên Chúa là tình yêu” đã trình bày: “Chính Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô chạy theo ‘con chiên bị thất lạc’, chạy theo nhân loại đau khổ và bị tiêu vong. Khi Đức Giêsu trong các dụ ngôn nói về người mục tử chạy theo con chiên bị lạc mất, về người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh rơi, về người cha chạy đến người con đi hoang và ôm nó vào lòng, thì đấy không những chỉ là những lời nói, nhưng là những cách giải thích bản chất và hành động của chính Người. Trong cái chết thập tự của Người, việc ‘Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình’ đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ – đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu, mà thánh Gioan nói đến (x. Ga 19,37)“ (số 12).

Như vậy, yêu không gì hơn là trao ban chính mình chỉ vì thiện ích của người mình yêu. Tình yêu hiến dâng đó đã được thánh Gioan trình bày: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một“. Vâng, Ngài đã ban Con Một cho thế gian để chính người Con đó tỏ bày cho thế gian biết tình yêu của Cha, và làm cho thế gian nhận ra rằng, để tìm lại sự sống phải tin vào người Con. Tin là một hồng ân được Chúa ban tặng, nhưng hồng ân này không là một quà tặng được trao ban để huởng thụ, nhưng đó còn là lời mời gọi dấn thân đáp trả tình yêu, có nghĩa là với lý trí và ý chí con người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa để rồi sẵn sàng mở rộng tấm lòng đón nhận tình yêu và sống theo lời mời gọi yêu thương mà người Con duy nhất của Thiên Chúa đã tỏ bày.

Đức Kitô đã bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa qua sự tự hiến chính mình trên thập giá, một biến cố nói lên trọn vẹn về một tình yêu tự hiến; và chỉ có tình yêu như thế mới có thể mang lại sự sống đích thật. Vì thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại khẳng định: “Ai tin vào người Con thì được sống“. Vâng, tin vào người Con là tin vào tình yêu của Thiên Chúa – Đấng đầy lòng thương xót – để rồi với đức tin đó chúng ta sẵn sàng bước vào con đường yêu thương mà Chúa Kitô đã thực thi và kêu gọi: “Các con hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương“ (Ga 15,12). Quả thật chỉ có yêu thương như Đức Kitô chúng ta mới thực sự chiếm được sự sống đích thực, bởi khi tin vào Đức Kitô, cũng có nghĩa tin vào tình yêu của Người dành để cho chúng ta, thúc đẩy chúng ta hành động như Người, một hành động yêu thương dành cho Thiên Chúa quyện lẫn với tình yêu dành cho con người, và như thế nơi con người chúng ta sẽ gặp gỡ chính Đức Giêsu và trong Đức Giêsu chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa, và cuộc gặp gỡ này chúng ta khám phá ra rằng, chúng ta thật hạnh phúc bởi chúng ta được Chúa yêu thương và nhờ đó chúng ta nhận được sự sống.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì tình yêu Chúa dành để cho chúng con, xin cho chúng con biết tuyên xưng tình yêu này bằng đời sống chứng tá của chúng con. Xin cho chúng con luôn vững tin rằng, chỉ có tình yêu Chúa mới là nguồn sống của chúng con để chúng con luôn trung thành với tình yêu Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2

Trang Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe Đức Giêsu khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Thật là giản đơn, Chúa Cha ban tặng cho nhân loại người Con yêu quý của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Giêsu đã vượt qua sự chết đến sự sống, và Người ban tặng sự sống này cho tất cả những ai tin vào Người, bước theo Người. Sự sống ấy không chỉ hiểu theo nghĩa đời sau, như sự sống hiện tại hóa ngay cõi đời này, đó là yêu mến sự sáng, dấn thân trên con đường sự lành, mang niềm vui đến cho thế gian.

Ánh sáng và bóng tối là hai thực tại tồn tại trong đời sống của con người: không có ánh sáng, con người không thể làm gì được, nhưng nếu vũ trụ lúc nào cũng tối, thì con người không phân biệt được ngày và đêm. Cả hai thực tại này đều do quyền năng của Đấng Tạo Hóa làm nên vì con người như sách Sáng Thế đã chép. Nhưng theo Tin Mừng Gioan hôm nay cho thấy: “ánh sáng” và “bóng tối” có thể là đề tài quan trọng trong Tin Mừng của Ngài, nhất là khi đồng hóa Đức Kitô chính là Ánh Sáng, là Sự Sống thật, ai tin vào Ngài sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống đời đời. Còn bóng tối theo nghĩa biểu tượng là con người, là quyền lực của sự ác, của Satan hay sự chết.

Cám dỗ mà chúng ta thường mắc phải đó là chúng ta dễ phân biệt được ánh sáng và bóng tối, nhưng “bóng mờ” và sự trà trộn giữa tranh tối tranh sáng thì chúng ta khó nhận ra. Quả thật, dường như trong tất cả mọi chọn lựa chúng ta đã mạnh dạn khước từ bóng tối, nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình, chúng ta vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động. Chúng ta dễ an tâm ở lại trong bóng mờ, vì thấy đó chưa phải là một tội.

Đôi lúc, chúng ta cũng áy náy vì biết rằng bóng mờ là nơi ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn. Nhưng chúng ta lại chưa mạnh dạn để đổi bóng mờ thành ánh sáng, vì chúng ta vẫn muốn giữ lại một điều gì đó rất quý đối với chính mình. Thật khó để ra khỏi thái độ lấp lửng nước đôi, để dứt khoát đặt Chúa lên trên mọi sự. Thật khó để có đủ can đảm để dám nhìn thẳng vào những bóng mờ trong đời chúng ta, và ước ao được trở nên trong suốt để ánh sáng Chúa tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi chúng ta.

Gioan muốn nói đến sự cần thiết của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mỗi người kitô hữu chúng ta. Ngài như ánh sáng không thể thiếu, nếu như không có Ngài, tạo vật không được tạo thành, con người không được cứu rỗi, và cũng chẳng có sự sống đích thực nơi con người. Chính vì thế mà Ánh Sáng đã đến thế gian để mời gọi con người bước theo Ngài, nghĩa là trở thành môn đệ của Ngài, người ấy “chắc chắn sẽ không bước đi trong bóng tối”, mà bước trong ánh sáng vì có ánh sáng là Đức Kitô soi sáng và hướng dẫn. Ngược lại, bước đi trong bóng tối và ở lại trong bóng tối thì thuộc về bóng tối, và nơi người ấy không có ánh sáng của sự sống nơi mình thì sẽ hư mất.

Chúa Kitô chính là ánh sáng muôn dân. Người đã đến thế gian để đẩy lùi bóng tối sự dữ. Thực ra, bóng tối chỉ là sự thiếu vắng ánh sáng. Nay, ánh sáng đã đến thế gian, “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (x. Ga 1,5). Thế nhưng, không phải ai cũng đón nhận ánh sáng cứu độ ấy. Có người chưa thể đón nhận vì họ sống nơi xa xăm hẻo lánh, nơi ánh sáng chưa chiếu rọi tới. Nhiều người chưa muốn đón nhận, vì họ vẫn “chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3,19). Con người có quyền tự do, nhưng khi quyền đó đưa họ đến chối bỏ Thiên Chúa thì quyền đã trở thành án phạt.

Con người yếu đuối mỏng manh của chúng ta lại sợ ánh sáng và ngại đến với ánh sáng vì ánh sáng phơi bày tất cả, kể cả những tật xấu, những đam mê tội lỗi của chúng ta, nên chúng ta yêu bóng tối hơn là ánh sáng. Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm đẩy lui những bóng tối của gian dối, bất công, chia rẽ hận thù và sự chết ra khỏi tâm hồn để yêu thích ánh sáng chân lý, tình thương và sự sống của Chúa Giêsu vào cuộc đời của chúng ta.

Người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, họ sẽ sống như những quà tặng cuộc sống cho tha nhân. Sách TĐCV kể lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông dồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. . .

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.” Vâng, các tín hữu tiên khởi, họ nhận được quàn tặng cuộc sống từ Đức Giêsu Phục Sinh, để rồi họ trở thành quà tặng cuộc sống cho nhau.

Huệ Minh