Suy Niệm Thứ Năm Tuần II Phục Sinh B

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 3: 31-36)

Khi ấy, chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Đấng từ trên cao mà đến thì trổi vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Đấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Điều gì Người thất và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chịu chấp nhận. ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Đấng chân thật, Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Chúa Cha yêu mến Chúa Con, nên đã ban mọi sự trong tay Chúa Con. ai tin vào Chúa Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Chúa Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa dè nặng trên người ấy”.

SUY NIỆM 1

Nhìn lên thánh giá, suy nghĩ nông cạn và non nớt của loài người dễ cho rằng, đó là một thất bại to lớn. Thực ra, đối với Kitô hữu, thánh giá chính là hiện thân, là sự thành công lớn lao của một tình yêu tận cùng, một tình yêu vượt hết mọi rào cảng, vượt thắng tất cả sự tàn nhẫn và tội ác của con người.

Nơi thánh giá, chúng ta nhận ra rằng, chính khi tội ác của con người lên đến cao điểm, thì cũng là lúc tình yêu của Thiên Chúa dâng cao tột cùng. Nơi thánh giá, tình yêu chiến thắng tội ác; sự sống chiến thắng sự chết; ánh sáng chiến thắng bóng tối; tha thứ chiến thắng hận thù. Đó cũng chính là phương tiện mà loài người dùng để khử trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình, lại được Thiên Chúa dùng để quay lại cứu độ loài người.

Vì thế, thánh giá – nơi treo Đấng cứu độ trần gian – lại chính là nơi phát sinh nguồn sống vô tận. Thánh giá – nơi Thiên Chúa hiến con mình – lại trở thành nơi cứu chữa cả một đoàn con đông đảo trên khắp trần gian. Và thánh giá – nơi sĩ nhục không gì bằng – lại trở nên vinh quang vô cùng cho tất cả những ai tin. Bởi tất cả những ai tin, sẽ thuộc về Chúa Kitô và sẽ được Người cứu thoát như chính Người đã từng tuyên bố: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời”.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con điều khó khăn trên mọi khó khăn, đó là ơn nhận ra thánh giá của Chúa trong mọi nỗi khổ đau của đời con. Xin cho con được lâu bền trên chính con đường thánh giá mà Chúa trao, để con được thấy tình yêu chia sẻ và nâng đỡ của Chúa trong suốt mọi chặng đường thánh giá của đời con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2

Tin Mừng hôm nay tiếp tục giới thiệu cho chúng ta dung mạo của Đức Giê-su, Đấng mặc khải Chúa Cha và Đấng nhờ đó mà chúng ta được trao ban sự sống đời đời. Những người môn đệ Chúa Ki-tô được kêu mời để sống với Ngài và làm chứng cho Ngài là Tin Mừng cho mọi người.

Ta vừa nghe : Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người’ và dĩ nhiên đối lập với ‘kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất’. Vì vậy, hệ quả là: ‘Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người’.

Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đến từ trên cao (c. 31), thuộc về thế giới thần linh và vượt trên tất cả mọi người. Con người, ngay cả người cao trọng nhất trong các tiên tri là Gio-an Tiền Hô, thuộc thế giới trần thế (c. 31) và hữu hạn. Chỉ có mình Đức Giê-su mới có thể thông truyền cho con người cách trực tiếp về Thiên Chúa, về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Dầu vậy, con người vẫn có tự do để từ chối Lời mang lại sự sống vĩnh cửu, từ chối lời mời gọi để đạt sự sống đời đời.

Đấng từ cõi trên thì vượt trên mọi người ở cõi dưới, nên người cõi dưới chỉ biết và nói về những gì thuộc cõi dưới, còn Đấng từ cõi trên không những thuộc về cõi trên, biết những điều thuộc cõi trên mà còn biết cả những gì thuộc cõi dưới vì Đấng ấy ‘ở trên mọi người’.

Sự khác biệt giữa các tộc người là ngôn ngữ và văn hóa, muốn hiểu nhau và chấp nhận nhau, người ta học biết ngôn ngữ của nhau và trao đổi giao lưu văn hóa. Nhưng giữa trời và đất không phải là hai môi trường xã hội mà là hai thế giới, cũng không phải là hai chủng người nhưng một là Đấng từ cõi trên, một bên là loài thụ tạo ở cõi dưới.

Chúa Giêsu được Thiên Chúa trao cho mọi quyền hành trên trời dưới đất như lời tin mừng nói: Chúa Cha yêu thương người con và trao mọi sự trong tay Con (Ga   3,34), và ai nghe lời Chúa Con, và thực hành thì được Thiên Chúa Cha yêu thương. Được Thiên Chúa Cha yêu thương là được nâng lên hàng con cái, được thần trí Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn, được thần khí Ngài làm cho mạnh sức và sáng suốt để thực thi đúng hướng và theo ý Thiên Chúa. Thành quả gặt được là được Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa sẽ cùng với con yêu quý của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến và ở với người ấy, và người ấy được trở nên thành viên trong gia đình rất vinh quang rất hạnh phúc là gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.

Không có sự tương tác để mà trao đổi giao lưu mà chỉ có ‘mạc khải và đón nhận’. Đấng từ cõi trên thì chẳng phải học biết gì nơi chúng ta cả, bởi Người dựng nên chúng ta mà, nhưng chúng ta thì phải học biết Người, vì Người là Đấng Tạo Hóa, là Nguyên Lý, là Cội Nguồn và cũng là Cứu Cánh của muôn vật. Chúng ta phải học biết Người để quy hướng về Người thì chúng ta mới thành toàn.

Trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Đức Giêsu đã quả quyết: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.” (Ga 3,36).

Như vậy, “tin vào Đức Giêsu”, không đơn giản chỉ là một lời khuyên, nhưng là một sự cần thiết để có được “sự sống đời đời”. Thế nên, chúng ta có thể hiểu được tại sao điệp khúc: “Ai tin vào người Con thì được sống” cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng theo thánh Gioan, nhất là từ chương III trở đi. Vì quả thật, đó là điều quan trọng nhất của Tin Mừng, như lời ngài viết: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

Lịch sử Giáo Hội ghi lại biết bao nhiêu tấm gương của những con người đã biến đổi cuộc đời nhờ được gặp Chúa và họ đã tin vào Ngài. Một Giakêu, người thu thuế; một Maria Mađalêna tội lỗi; một Phaolô thành Tácxô, hay ngay cả người trộm lành trên thập giá… tất cả họ đều được biến đổi và trở thành những chứng nhân cho niềm tin vào Chúa Phục sinh.

Thiên Chúa đích thật như thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ  nhắc đến là vị Thiên Chúa đã cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian, chịu treo thập giá để gánh lấy đau khổ của nhân loại và từ trong chính chốn đau khổ của nhân loại, Thiên Chúa đã phục sinh Người Con ấy, nghĩa là công bố sự toàn thắng của tình yêu và quyền năng Thiên Chúa trên khổ đau và sự chết của nhân loại.

Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, đã khiến những con người nhát đảm như các Tông đồ, trở nên mạnh mẽ làm chứng cho Chúa; khiến cho một người chuyên lùng bắt đạo Chúa như Phaolô, trở nên một Tông Đồ nhiệt thành, rao giảng Lời Chúa cho các dân ngoại…

Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh là trung tâm và nền tảng của đời sống kitô hữu. Chính trong mầu nhiệm ấy mà chúng ta được sinh ra và lớn lên trong đức tin và sự sống đời đời. Như thánh Gioan, chúng ta được mời gọi bước vào, cảm nếm và xây dựng một tương cá vị, sâu đậm nơi Đức Kitô Phục Sinh.

Huệ Minh