Suy Niệm Chúa Nhật XIV Thường niên B

Bài Ðọc I: Ed 2,2-5
Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.
Bài trích sách tiên tri Êdêkiel.

Bấy giờ, thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng vững; tôi đã nghe tiếng Người phán với tôi. Người phán với tôi: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: ‘Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này.’ Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 122,1-2a.2bcd.3-4

Ðáp: “Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Người xót thương chút phận.”

Con ngước mắt nhìn lên Chúa,

Đấng đang ngự trên trời.

Quả thực như mắt của gia nhân

Hướng nhìn tay ông chủ. Đ.

Như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ,

mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa,

là Thiên Chúa chúng ta,

tới khi Người xót thương chút phận. Đ.

Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương,

bởi chúng con bị khinh miệt ê chề;

hồn thật quá ê chề vì hứng chịu

lời nhạo bang của phường tự mãn,

giọng khinh người của bọn kiêu căng. Đ.

Bài Ðọc II: 2Cr 12,7-10

Tôi tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.
Bài trích thư thứ hai của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Thưa anh em, để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh. Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1Pr 1,25

Alleluia, alleluia! – Thần khi Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6,1-6

Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày Sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôseph, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. Chúa Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy. Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1:

Người ta bảo rằng 1 người Việt làm việc hiệu quả bằng 3 người Nhật, nhưng 2 người Việt làm việc chỉ bằng một người Nhật, và 3 người Việt làm việc hiệu quả sẽ thua 1 người Nhật. Vì sao vậy? Thưa đó là vì tinh thần cộng tác làm việc chung của người Việt mình chưa cao. Mình lại có thói quen không tốt đó là hay chê bai người khác. Chê cho ê mặt, chê cho bõ ghét, chê để dìm hàng, chê cho đã miệng, chê vì thích chê. Đơn giản, vì không muốn ai hơn mình.

Trong khi có những người đón nhận và đi theo Chúa vì họ được thu hút bởi lời giảng dạy của Chúa thật khôn ngoan và thâm thúy, bởi việc Chúa trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, thì cùng lúc ấy cũng có những người từ khước, chế nhạo Người bởi hàng loạt câu hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôseph, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Khi không bắt bẻ được Người trong lời giảng dạy, họ bàn tán chê bai về thân thế của Chúa Giêsu nhằm giảm uy thế của Người.

Dân làng nơi quê hương Nazareth đã đánh giá Chúa Giêsu theo cái nhìn bề ngoài rằng Người chỉ là con bác thợ mộc và bà Maria, vì thế mà từ chối tin vào Chúa. Quả đúng như câu chân lý bất hủ mà ông bà chúng ta bảo rằng “Bụt nhà không thiêng” là vậy. Điều này làm Chúa Giêsu cảm thấy đắng lòng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Tuy nhiên, dẫu cho những lời ong tiếng ve do sự ghen tỵ và thành kiến, thậm chí cả những khổ hình mà người ta dành cho, Chúa Giêsu không trả đũa nhưng vẫn tiếp tục yêu thương và thứ tha, Người âm thầm đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ rồi tiếp tục sang các làng bên giảng dạy.

Vâng, để có thể có được những ơn lành của Chúa, điều kiện là phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới có thể nhận ra Chúa vẫn tiếp tục thực hiện phép lạ hằng ngày trong cuộc sống chúng ta. Và phép lạ trên hết của những phép lạ đó là đó là mọi thứ trong vũ trụ vẫn diễn ra hằng ngày một cách trật tự. Song, chúng ta lại bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Chúng ta bỏ lỡ tiếng Chúa kêu gọi chúng ta nhận ra ăn năn sám hối. Thậm chí, chúng ta cũng bỏ lỡ việc nhận ra Chúa, gặp gỡ Chúa nơi anh chị em xung quanh, nào là trước những người đang gánh chịu thiên tai, hỏa họan, đói kém, trước cảnh ngộ cùng khốn hay những đớn đau đầy nước mắt.

Khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta trở nên Kitô hữu, trở thành người nhà, người họ hàng, đồng hương với Chúa. Vậy chúng ta có đón nhận Chúa một cách thành tâm và sẵn lòng qua Lời Chúa, qua việc cử hành các Bí tích, qua Giáo lý Giáo hội giảng dạy, qua việc suy gẫm cầu nguyện riêng với Chúa. Đừng để việc gặp gỡ Chúa trở nên “quen quá hóa nhàm”. Đức tin đòi hỏi chúng ta vượt lên trên những dáng vẻ bề ngoài để nhận ra Chúa. Người hiện diện cách đơn sơ nơi tấm bánh bé nhỏ trên bàn thờ, Người gặp gỡ chúng ta khi ta lặng thinh ngắm nhìn thánh giá Chúa, Người đến với chúng ta qua những người cần đến sự trợ giúp của chúng ta. Và Người cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên chứng nhân cho Chúa để giới thiệu Chúa cho anh chị em mình.

Lạy Chúa, không ai được phép viện cớ mình kém cỏi để từ chối nhiệm vụ trở nên môn đệ Chúa, loan báo Tin Mừng nước Chúa cho anh chị em. Vâng, một cử chỉ dù rất đơn sơ nhưng được thực hiện với lòng yêu mến, chúng trở nên những món quà ý nghĩa như lời của thánh Têrêsa thành Calcutta nói: “Điều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện, nhưng là mức độ tình yêu đã đặt vào mỗi công việc ấy”. Xin cho con tập biết sống đức tin được thể hiện bằng đức ái với một nụ cười thân thiện, một lời nói động viên, một cử chỉ sẵn lòng giúp đỡ anh chị em. Amen.

Lm Anfonso

Suy niệm 2:

Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu không được tiếp đón tại quê nhà và Ngài đều nói đến ý tưởng: “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44). Nhưng mỗi Tin Mừng thuật lại câu chuyện với các chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau. Tin Mừng Máccô đặt trình thuật “Đức Giêsu bị rẻ rúng tại quê hương mình” (Mc 6,1-6) sau trình thuật “Đức Giêsu chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại” (Mc 5,21-43).

Đức Giêsu trở về quê hương Nagiaret. Ngài vào hội đường ngày sabat và đứng lên đọc rồi cắt nghĩa Sách Thánh cách rành mạch làm cho mọi người thán phục. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”.  Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu. Họ tìm về nguồn gốc thì chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu? Ông ấy bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Dân làng Nagiarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài, họ lấy chủ nghĩa lý lịch để thẩm định về Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Chính Nathanael cũng còn mang nặng quan niệm thành kiến đó: “Nagiarét có cái gì tốt đâu?” (Ga 1,46). Những người Do thái cố chấp nhìn Đức Giêsu bằng lăng kính của thành kiến quê hương và họ đã đưa Ngài lên ngọn đồi và định xô xuống vực.

Đức Giêsu nói với những kẻ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan và gốc tích của Ngài bằng câu: “Ngôn sứ không bị rẻ rúng ngoại trừ nơi quê hương mình, nơi những người thân thuộc và trong gia đình mình” (Mc 6,4). Đức Giêsu giải thích về việc những người ở quê nhà không tin và không đón nhận giáo huấn của Ngài đến nỗi “Người ngạc nhiên vì sự không tin của họ” (Mc 6,6a).

Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Chính những điều sâu xa bí ẩn mới làm ích rất lớn cho con người. Chính những chất màu mỡ nằm ẩn trong đất mới làm cho cây trái, hoa màu trổ sinh tươi tốt, đâm chồi nẩy lộc, nuôi sống muôn người, muôn vật. Chính những kho tàng nằm sâu trong lòng đất, như mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ bạc, đồng, sắt, kim cương, đá quý mới là nguồn tài nguyên phong phú giúp phát triển nền văn minh nhân loại. Chính những tài năng thượng đẳng, thiêng liêng trong con người như: tinh thần tự do, trí khôn sáng suốt, ý chí mạnh mẽ, tình cảm nhân từ mới có sức thăng tiến con người hơn chân tay, mắt mũi. Thế nhưng loài người vẫn thích thờ bò vàng óng ánh hơn thờ Thiên Chúa siêu việt.

Dân làng Nagiarét “vấp ngã vì Người”, họ không chấp nhận, họ không thể tin vào Đức Giêsu. Ngài mạc khải cho họ về nguồn gốc thiên sai của mình qua những lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ, nhưng họ lại chỉ bám lấy thành kiến cố hữu. Chính thái độ bám ghì lấy, không dám buông bỏ những hiểu biết giới hạn nên họ không thể nhận biết Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ không tin.

Dân làng Nagiarét không tin vì thành kiến. Họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi. Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Đức Giêsu mở ra cho họ. Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế. Đức Giêsu không sống như một siêu nhân, Ngài sống bình dị như mọi người trong mọi thực tại hằng ngày của cuộc sống gia đình.

Những người đồng hương của Đức Giêsu thật “dại”, thay vì “một người làm quan cả họ được nhờ” nhưng họ lại đánh mất cơ hội khi quan niệm “bụt nhà không thiêng”. Thành kiến kiểu “nhìn mặt là biết số nhà” khiến người ta không ít lần rơi vào sai lầm khi nhìn đến tha nhân.

Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi người ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì người ta tiên thiên cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì người ta tiên thiên cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.

Thành kiến là ý kiến có sẵn từ lâu trong đầu óc, không thay đổi được.Thành kiến có thể là của cá nhân hay của tập thể. Nếu là của tập thể thì nó tích tụ từ lâu đời qua nhiều thế hệ và hầu như không thể thay đổi được. Thành kiến là những nếp suy nghĩ, quan điểm, niềm tin chủ quan sẵn có, thường là tiêu cực đối với một người, một nhóm người dựa trên lối sống, nghề nghiệp, quan điểm chính trị, màu da, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính…Thành kiến thường được định hình trong con người theo thời gian, từ trải nghiệm của bản thân, do được tuyên truyền, do thế hệ trước truyền lại, do môi trường sống.Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi.

Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả sai lầm hoặc nguy hại. Ai đeo kính đen nhìn cái gì cũng tối tăm; lưỡi đắng ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Thật dễ để nhận ra hay để nói về sai lầm của người khác.

Thành kiến làm cho người ta mù quáng, không nhận định khách quan nên khó có thể đối thoại, cởi mở với người khác, không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi tha nhân.

Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Nagiarét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin. Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan? Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi thành kiến của họ về Ngài. Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô. Hạnh phúc được tin vào Đức Kitô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một thành kiến.

ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).

Đức Maria được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc 1,45). Chúng ta cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.

Mỗi ngày sống, chúng ta hãy bày tỏ lòng tri ân Chúa ban cho mình ơn đức tin qua việc chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, cũng như tham dự Thánh Lễ.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài. Xin Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Suy niệm 3:

Ngay khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy trong hội đường quê nhà, nhiều người đã có ấn tượng về Người. Tuy nhiên thay vì vui mừng về điều đó họ lại hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế?”…Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxêt, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ đã vấp ngã vì người.(Mc 6,3-4).

Thế đấy. Chính vì họ chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu như một con người bình thường, một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, đã từng chung sống với họ; công việc cũng hết sức tầm thường, quanh năm suốt tháng lam lũ với nghề thợ mộc. Thế mà giờ đây, sau một thời gian rời xa quê làng, cái ông thợ mộc này lại làm được những điều “lạ lùng”, thật chẳng thể nào tin được!

Từ cách nhìn và đánh giá thiển cận ấy, dân làng Nazarét đã vấp ngã vì Người.

Họ vấp ngã vì trước mắt họ, Chúa Giêsu chỉ là một người phàm như bao người khác;

Họ vấp ngã vì thân thế của Chúa Giêsu không có gì là nổi nang trong xã hội;

Họ vấp ngã vì họ biết được tất cả gốc gác của Người.…Và vì thế họ đã khinh thường Người.

Tagore (1861-1941) là một đại thi hào của Ấn Độ, đoạt giải Nobel văn chương năm 1913, có tài làm thơ ngay khi còn nhỏ tuổi.

Lúc còn niên thiếu, thỉnh thoảng Tagore làm một vài bài thơ gửi đăng trên tờ báo do thân phụ của mình đảm trách phần biên tập. Khi thấy những bài thơ gửi đến ký tên con mình, người cha chẳng thèm đọc thơ mà quẳng ngay vào sọt rác vì cho rằng con mình còn nhỏ dại thì biết gì thi ca.

Khi hiểu rõ sự tình, Tagore chép lại những bài thơ mà cậu đã gửi đăng báo, không ký tên thật của mình nữa mà lấy một bút hiệu khác rồi gửi lại cho toà báo.

Lần nầy, thân phụ của Tagore nhận thấy đây là những bài thơ có giá trị và cho đăng ngay lên báo mà không hề hay biết đó chính là những bài thơ của con trai mình, những bài thơ mà trước đây ông đã quẳng vào sọt rác.
Đúng là: “Bụt nhà không thiêng”. Chính Chúa Giêsu cũng phải chịu cùng một số phận như thế.

Con người dễ có định kiến về người khác.

Khi một vĩ nhân trở về quê hương, dân làng thường tìm đến vì tò mò hơn là kính nể. Nếu ai không có những suy nghĩ sâu xa thì sẽ không xem trọng vĩ nhân đó bao nhiêu, nhất là khi người đó xuất thân từ một gia đình nghèo nàn, không có địa vị gì ở quê hương. Chúa Giêsu trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo lối đó: Giêsu, con bác thợ mộc Giuse chứ có gì lạ lùng đâu.

Chúa Giêsu biết rõ tâm ý của họ, nên đã nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê hương mình” (Lc 4,24). Chúa Giêsu đã về quê nhà với tư cách là Đấng Messia, loan báo Tin Mừng cho dân làng, nhưng chắng ai thấy được điều đó. Họ đã tự nhốt mình trong định kiến của họ. Họ chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu như một người đồng hương nghèo khó, xuất thân từ làng quê. Tuy họ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, nhưng những thành kiến đã chôn chặt họ không cho họ đi xa hơn. Họ chỉ thắc mắc cách mơ hồ: bởi đâu ông ta được như thế! Họ đến gặp Người với ý định chối từ hơn là tin nhận!

Xét người xưa lại nghĩ đến mình hôm nay. Rất nhiều khi ta phán đoán giá trị của một người dựa trên bằng cấp, địa vị và sự giầu có. Hễ ai có chức có quyền mà nói thì ta cho ngay rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, ít học mà nói thì ta cho ngay rằng lời nói của họ chẳng có giá trị gì. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra là người có quyền thế, trí thức hay giầu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra là một em bé, một người tầm thường thì điều đó cũng vẫn là một chân lý. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì trình độ học vấn của người nói ra điều đó.

Điểm cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay chắc phải làm chúng ta suy nghĩ: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó” vì họ không tin. Đức Giêsu có thực hiện được phép lạ hay không, điều đó không tùy thuộc vào quyền năng của Người, nhưng còn tùy thuộc vào lòng tin của chúng ta. Đức Giêsu rất muốn ưu tiên rao giảng và làm phép lạ ở chính quê hương của người, vì thông thường ai cũng yêu mến nơi sinh trưởng của mình, nhưng vì những người đồng hương không tin, nên Người không thực hiện được điều ấy.

Cũng vậy, Thiên Chúa muốn cứu rỗi ta, thánh hóa ta, muốn ta nên thánh, muốn ta được hạnh phúc, và Người sẵn sàng làm tất cả để thực hiện điều đó. Nhưng Người có thực hiện được điều đó hay không còn tùy thuộc vào bản thân chúng ta, như thánh Augustinô nói: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu không có sự cộng tác của ta”. Amen

Linh mục: Giuse Đỗ Văn Thụy