Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 10: 34-11.1)
34 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.36 Kẻ thù của mình chính là người nhà.
37 Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
40 Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
41 Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
42 Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
1 Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.
SUY NIỆM
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu tuyên bố, Chúa đến trần gian này không phải để đem đến sự bình an mà là đem gươm giáo. Quả thật, điều đó không sai, bởi vì Chúa đến, Chúa đã thổi vào trong tâm hồn của con người một luồng gió mới, luồng gió của yêu thương chân thành. Chúa cũng rỉ vào tai của con người một lời mời gọi dấn thân cho tình thương. Và khi đón nhận luồng gió đó, cũng như đáp trả lại lời mời gọi đó, con người phải trải qua một cuộc chiến đấu cam go, cuộc chiến đó không chỉ với những ngoại cảnh, mà còn chiến đấu cả trong nội tâm của chính bản thân.
Mà cuộc chiến đó không chỉ diễn ra trong một thời gian hay một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của kiếp người, mà nó diễn ra trong suốt cuộc đời của chúng ta. Có thể nói đó là cuộc chiến giằng giai. Và nó chỉ chấm dứt, theo như lời của thánh Augustinô: khi chúng ta đã an nghỉ trong Chúa.
Như thế, quả là Chúa đến là để đem gươm giáo!
Nhưng có một điều làm cho chúng ta không nản chí, không sợ sệt, vì chúng ta luôn luôn chiến đấu dưới cờ của Chúa. Chúa gửi đến cho chúng ta một đạo binh hùng hậu, để hỗ trợ cho chúng ta, đạo binh đó chính là các thánh, các thiên thần và những người sống lành thánh bên chúng ta; đồng thời, Chúa cũng hứa ban cho chúng ta một thứ khí giới luôn hiện đại và vô cùng hữu hiệu, đó là “Ơn Chúa đủ cho con” để chúng ta xử dụng trong cuộc chiến này. Vì thế, chúng ta hãy an tâm vững chí.
Xin Chúa cho chúng con luôn biết kiên trì trong cuộc chiến này, và nhất là biết tận dụng thứ vũ khí mà Chúa gửi đến cho mỗi người chúng con, đó là ơn của Chúa. Được như thế, chắc chắn phần thắng sẽ về phía chúng con. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Trang Tin Mừng hôm nay tiếp theo hôm qua. Ta thấy Chúa Giêsu cảnh báo với các tông đồ về sự chống đối của nhà cầm quyền Do Thái, Chúa Giêsu mời gọi các ông can đảm làm chứng nhân cho Chúa mà không sợ hãi, và hơn nữa, Ngài kêu gọi các ông phải dứt khoát lựa chọn lý tưởng tông đồ của mình, phải biết từ bỏ mình để theo Chúa cho đến cùng.
Ở đời, người ta vẫn thường nói: Mọi sự đều có giá của nó. Theo đó, cái gì càng quý giá thì công sức phải bỏ ra để đạt được càng lớn. Như những nhà lãnh đạo muốn cải thiện đời sống nhân dân, muốn xây dựng một xã hội ai cũng ấm no, sung sướng thì họ phải hy sinh, ra sức tổ chức sản xuất và không ngừng nâng cao mức sống của dân, rồi mới nâng cao mức sống của cá nhân mình, tức là “lo, thì trước thiên hạ, hưởng, thì sau thiên hạ”.
Cũng thế, người Kitô hữu muốn đạt được hạnh phúc Nước Trời vĩnh cửu, không còn con đường nào khác là phải hy sinh phục vụ. Thậm chí khi cần, phải hy sinh cả tính mạng để làm chứng cho chân lý và sự thật.
Các môn đệ được Chúa mời gọi đi theo Chúa Giêsu: “Hãy theo tôi!” (Mc 1,17).
Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ. Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài, nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống.
Và khi đã đi theo thì phải chấp nhận từ bỏ: Các tông đồ đã nghe theo tiếng gọi của Chúa Giêsu và đã từ bỏ mọi sự để theo Ngài (Mc 1,18).
Trước tiên, Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải đặt tình yêu và sứ vụ lên trên mọi tương quan gia đình, trên cả mạng sống ; Chúa cũng muốn người môn đệ phải định hướng sứ vụ bằng cách vác thánh giá đi theo Chúa. Đây là đòi hỏi quyết liệt nhất.
Đặt tình yêu Chúa lên trên mọi tương quan thiết thân như cha mẹ, anh chị, vợ chồng và con cái ; người môn đệ phải từ bỏ tất cả ngay cả những điều hợp lẽ nhất. Khi từ bỏ như vậy, người môn đệ không còn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, hoặc bất cứ lý do nào. Người môn đệ không còn gì để bám víu, để níu kéo, hay lệ thuộc nữa.
Đặt tình yêu Chúa lên trên mạng sống. Chúa Giêsu muốn người môn đệ phải dấn thân đến cùng trong mọi hoàn cảnh. Khi dấn thân như vậy, người môn đệ không còn gì để sợ mất, không có sứ vụ nào phải e ngại, không gì có thể làm cản bước chân dấn thân phục vụ. Người môn đệ noi gương Chúa Giêsu đến hy sinh cả mạng sống mình.
Thật thế, đó mới chỉ là lời gọi trong ngày đầu đời làm tông đồ của Chúa, và các ông phải lựa chọn “đi theo hay từ chối”. Việc từ bỏ không phải là điều dễ dàng, nên Chúa đòi hỏi các tông đồ phải dứt khoát, không được lừng khừng:
Đã chọn Chúa là phải đi theo Chúa.
Đã chọn Chúa là phải sống theo Tin Mừng.
Đã theo Chúa là phải từ bỏ mối tương quan gia đình.
Đã theo Chúa là phải trút bỏ mọi vướng mắc, những cản trở trên đường.
Đã theo Chúa là phải từ bỏ mạng sống của mình.
Đã theo Chúa là phải chấp nhận mọi thiệt thòi, mất mát và hy sinh.
Đã theo Chúa là chấp nhận đi vào con đường thập giá. Vì, “Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.” (Mt 10,38-42).
Khi đã theo Chúa để ra đi rao giảng Tin Mừng và phục vụ tha nhân
Đây chính là cốt lõi của người tông đồ: rao giảng Tin Mừng, công bố tin vui cứu độ, gieo rắc tin yêu, và sống tinh thần phục vụ tha nhân, nhất là những người bé mọn nhất trong xã hội…
“Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã…”(Mt 10,42).
Tin Mừng hôm nay khẳng định cho chúng ta một chân lý rõ ràng: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Thật vậy, để đón nhận Tin Mừng và để Tin Mừng phát triển, có sức sống, người Kitô hữu chúng ta phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều. Theo Chúa đòi hỏi mỗi người bước đi trên con đường hẹp.
Làm môn đệ Chúa lại càng phải đương đầu với biết bao thử thách và khó khăn như tù đày, bắt bớ và thậm chí bị giết hại. Có lẽ vì thế, nhiều người dễ nản, thiếu kiên trì trong đời sống đức tin. Nhiều người dễ buông xuôi, thiếu trông cậy vào Chúa và dễ lung lạc đức tin vì ngại khó, ngại khổ, ngại làm tông đồ và ngại hy sinh.
Và rồi ta thấy Chúa vẫn mời gọi các môn đệ của Chúa phải quyết định sẽ trung thành với ai. Nếu ở vào tình thế phải đưa ra lựa chọn, ta sẽ đứng về phía Thiên Chúa hay trần gian? Ta có dám đối mặt với trần gian để sống theo thánh ý Thiên Chúa, hay sẽ chạy theo những mời gọi của trần gian, bất kể hậu quả ra sao. Chúa Giêsu khát mong hòa bình, nhưng không phải là hòa bình bằng bất cứ giá nào. Khi hòa bình ấy được đặt trên nền tảng Tin Mừng, sẽ không có sự thỏa hiệp với thế gian này, cũng như không chấp nhận những kẻ đã từ chối thể hiện Lời Chúa Kitô trong cuộc đời.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn cần chúng ta, vì mỗi người chúng ta là Kitô hữu. Ngài vẫn mời gọi chúng ta biết đáp lại tiếng gọi của lên đường mỗi ngày để làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta muốn theo Chúa và làm môn đệ của Ngài. Nhưng chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ khi cần, nghĩa là chọn Chúa, đặt Chúa lên trên mọi giá trị: gia đình, nghề nghiệp,…Chúng ta hãy xác tín Chúa là gia nghiệp, là lý tưởng của chúng ta, để bước theo chân Chúa và sẵn sàng cách dứt khoát.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra sự tạm bợ của cuộc sống trần gian và tìm về bên Chúa là bình an đích thực. Xin cho chúng ta lòng can đảm để không sống trong sự thỏa hiệp với thế gian nhưng dám sống theo thánh ý Chúa, dù phải đối mặt với sự khinh ghét của người đời.
Huệ Minh
Suy Niệm
Sống trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta thấy tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang! Các nước có liên quan đã lên án sự ngang ngược, cách hành xử vô lý của Trung Quốc muốn bá chủ vùng Biển này. Đồng thời người ta lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh!
Qua câu chuyện Biển Đông, người dân đều mong muốn có hòa bình, không chiến tranh. Tuy nhiên, ai cũng biết, muốn không xảy ra đụng độ, các bên phải ngồi lại để đàm phán, tôn trọng và chấp nhận sự thật. Có thế, chúng ta mới hy vọng hòa bình lặp lại trên Biển Đông.
Hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố một câu xem ra rất nghịch lý: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10, 34-36). Thoạt nghe, chúng ta thấy xem ra có vẻ mâu thuẫn, bất thường và khó hiểu. Tuy nhiên, đi vào chiều sâu của vấn đề, chúng ta mới thấy sáng tỏ một chân lý, đó là: chỉ có bình an đích thực khi chấp nhận sự thật; chấp nhận loại trừ những sai quấy. Bao lâu ta còn để cho sự ác, bất công, gian dối lộng hành, thì bấy lâu chúng ta không có bình an, nếu có, cũng chỉ là thứ bình an giả tạo.
Như thế, chúng ta cũng đâu lạ gì khi trong gia đình có những thành phần chống đối nhau. Tại sao thế? Thưa, chỉ vì có những chuẩn mực trong cuộc sống, những lựa chọn khác nhau, dẫn đến hệ quả khác nhau.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải đắn đo và cẩn trọng khi chọn lựa. Khi đã chọn điều tốt, phải kiên trì bảo vệ để đạt được sự bình an đích thực.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chiến đấu trong sự thiện, để luôn đứng về phía sự thật, hầu đem lại sự bình an thực sự. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển