Suy Niệm Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 13: 24-30)

24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? ” 29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

SUY NIỆM

Con người quả là giới hạn và nông nổi. Nhìn thấy những gai chướng trước mắt, những điều xấu bên cạnh, chúng ta thường thiếu kiên nhẫn, mất sáng suốt. Muốn nhổ tận gốc, bứng hết rễ mà đốt đi cho xong. Chính những thái độ thiếu bao dung này, mà Tin Mừng hôm nay muốn trao gửi cho chúng ta sứ điệp của lòng thương xót Chúa, cũng như mở rộng tầm nhìn cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta được nghe dạy: “Thất bại là mẹ thành công”. Thất bại là điều ô nhục, phải tránh. Nhưng nếu biết tận dụng, biết học từ trong thất bại để vươn lên, thì thất bại trở nên “mẹ của thành công”. Tội là điều phải ghét, phải sợ, nhưng nếu chúng ta biết nhận ra tội mình mà sống khiêm nhường, cậy trông vào ơn Chúa, biết tựa nương vào Chúa, thì tội có thể biến thành “tội hồng phúc”.

Sống giữa đời, xen lẫn điều tốt và xấu. Chung quanh ta, có người tốt lành, có người tội lỗi. Nhiều lần chúng ta đã chẳng có thái độ như “đầy tớ của chủ nhà”, muốn nhổ quách đi cỏ lùng cho khỏi chướng mắt ta. Ông chủ đã cảnh báo với những đầy tớ nhiệt thành nhưng lòng kiêu căng rằng: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. Con người giới hạn. Sự hiểu biết của con người thì non kém và thiển cận. Điều tưởng là tốt, lại là xấu. Điều ta cho là xấu, nhiều khi lại là ân phúc. Hơn nữa, con người là một tạo vật được Chúa yêu thương và cứu chuộc, đang trên tiến trình hoàn thiện. Không ai có thể bảo mình đã nên tốt lành. Cũng không ai có quyền kết án anh chị em là đã hư mất. Chỉ có Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự và có chủ quyền trên mọi loài mới có quyền này thôi.

Điều Chúa dạy chúng ta hôm nay: mỗi người hãy cố gắng từng phút nên hoàn thiện. Những anh chị em có những điều chưa tốt, chúng ta hãy có lòng thương xót và kiên nhẫn. Kết án, loại trừ, không phải là thái độ của người có lòng đạo đức thực sự.

 Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong gia đình chúng con biết sống lòng bao dung, độ lượng. Ai tốt, ai xấu, sẽ được phân xử rõ ràng khi tới mùa gặt. Xin giúp chúng con biết kiên trì làm việc lành phúc đức, để tới ngày gặt, chúng con được nhận vào kho lẫm Nước Trời. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Tin Mừng Matthêu (Mt 13: 24-30)

Với Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Matthêu kể lại Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn về nước Trời và Ngài đã dùng hình ảnh rất gần gũi với dân chúng là cây lúa và cỏ lùng trong cùng một thửa ruộng. Cây lúa là cây sinh ra lợi ích cho loài người, mang tính tượng trưng cho người lương thiện. Còn cỏ lùng, một loài cây cũng có dáng dấp và sự tăng trưởng tương tự cây lúa. Chúng chỉ khác đi là không những không sinh hoa trái có lợi cho con người, mà còn làm tổn hại cây lúa xung quanh nó.

Và rồi ta thấy một hình ảnh mới nghe qua thì hầu như ai cũng có thể nghĩ ngay đến việc người thợ sẽ phải tức khắc bỏ công ra tìm cách dọn nhổ loài cỏ ấy trong đám ruộng của mình.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỷ. Ma qủy hiện hữu và rồi chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuần bị những thửa ruộng tốt cho thế gian. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Thiên Chúa toàn Chân toàn Thiện toàn Mỹ, đã tạo dựng ra loài người và khởi đầu con người là sự tốt đẹp. Ngài để cho con người tự do trong cuộc sống. Tâm tính của mỗi người phát triển theo tâm sinh lý và môi trường chung quanh cùng với thời gian. Các tâm hồn ấy là những mảnh ruộng chờ sinh lợi hoa trái. Nhưng theo dòng đời trong tâm hồn có thể bị biến đổi, bị biến dạng bởi những điều xấu, như cây lúa tốt lành đã được gieo trồng bị giống cây cỏ lùng chen lấn.Thế nên, trong xã hội có những người có tâm tính tốt lành, nhưng đồng thời có những kẻ thâm hiểm, độc ác.

Mặt khác, trong lời thuật dụ ngôn Thánh Matthêu cho thấy cỏ lùng được gieo trong lúc mọi người đang ngủ. Chính điều này nhắc nhở chúng ta luôn cần khiêm nhường nhìn lại mình, vì sự chủ quan của mình không dễ gì nhận ra khiếm khuyết của bản thân, hoặc có nhận ra, thì lại tìm những lý lẽ tự bào chữa, quên đi mảnh ruộng tâm hồn mình đã dần nhiều cỏ hơn lúa. Về khía cạnh giáo dục cũng thế, các bậc phụ huynh, bấy lâu nay có quan tâm chặt chẽ đến các trẻ thơ, thiếu nhi ? Đấy là những mảnh đất màu mỡ mà những điều xấu xa luôn được lén lút gieo trồng và phát triển nếu cha mẹ lơ đãng, kém tỉnh táo thì hậu quả thật khôn lường.

Xấu,tốt lẫn lộn, nhiều khi khó phân định, không ít khi, nếu như không có Đoạn Lời Chúa hôm nay (Mt 13 ,24 -30), người lành dễ ngã lòng. Nhưng, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, tình thương và sự quan phòng thật kỳ diệu, bởi vì, Ngài là Thiên Chúa là Đâng minh chính và đây lòng thương xót, chậm bất bình, mà giàu nghĩa nhân. Vâng, Thiên Chúa nhu mì, khiêm nhu, nhưng không nhu nhược, vì bản tính Thiên Chúa chính là như vậy, nếu Thiên Chúa không “nhu mì” thì chắc chắn không có sự sống , và sự sống viên mãn cho loài thụ tạo. Cũng từ suy luận đó, chúng ta biết được Thiên Chúa không bao giờ nhu nhược, bởi vì, Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, không thể nào loài thụ tạo lại có bản lĩnh hơn Đấng Tạo Thành, vâng, điều ấy hoàn toàn là một lý luận hợp logic, vâng, một suy luận thật dễ hiểu.

Cỏ lùng mà ma quỷ đã gieo rắc vào thế gian là những việc làm thiếu yêu thương, và là những lời thiếu tình hiệp nhất, gây nên chia rẽ, đau khổ, bất ổn cho cuộc sống chung. Giữa cuộc sống chung với nhau ta vẫn thấy ma quỷ gieo sự so bì, dèm pha, nói hành, nói xấu, vu oan, giáng họa, căm thù, ghen tỵ, chia rẽ, phỉ báng dẫn đến hành động gian ác, sảo trá, bất công, bóc lột, buôn gian bán lận, tranh dành, diệt trừ, tàn sát lẫn nhau…

Dù sao đi nữa, con người vẫn còn lúa tốt giữa cỏ lùng, và ngay cả trong tâm hồn kẻ xấu vẫn có điều tốt. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người: Chỉ cần ít người công chính cũng có thể cứu thành Sodoma và Gomora, như trong mẫu đối thoại giữa Abraham và Chúa (St 18, 16 – 33), và ngay cả nơi người tội lỗi Chúa vẫn không tắt niềm hy vọng: “Từ nay con đừng phạm tội nữa” (Lc 7, 48; Ga 8, 11). Chúa dạy con người tiếp tục kiên nhẫn và cầu nguyện cho người tội lỗi, tội lỗi cần loại trừ nhưng thương xót cho tội nhân. Mỗi người đều là tội nhân vì trong mình vẫn có thứ cỏ lùng và một lần nữa Chúa cũng dạy trong kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha nợ kẻ có nợ chúng con”.

Dụ ngôn cũng cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa kiên nhẫn đợi cho đến ngày tận thế phân loại lúa và cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn chờ mong những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa rộng lượng tha thứ không nỡ trừng phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày hoán cải nên tốt. Nếu như lời người đầy tớ trong Phúc Âm, điển hình cho tâm lý chung của loài người, nói thì Chúa trừng phạt ngay những kẻ xấu, còn đâu Kẻ trộm lành, các thánh như Ma-đa-lê-na, Au-gut-ti-nô, …và ngay cả chính ta, có thể cũng không thoát khỏi sự trừng phạt do cái xấu còn tồn tại, do cỏ lùng nhiều hơn lúa trong ta.

Dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự tốt lành để ta hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa nhân lành. Có những sự dữ để ta không phán xét anh em nhưng là để khiêm nhu nhìn lại chính mình, cần ta “thật sự cải thiện lối sống và hành động” như trong bài đọc 1, tiên tri Giê-rê-mia .Chỉ có tình yêu mãnh liệt mới làm Chúa kiên nhẫn chờ đợi sự đổi thay nơi tâm hồn thay đổi từ sự lành ra sự dữ. Chúa không vội trừng phạt vì sự không đón tiếp khi đi qua làng Sa-ma-ri-a như lòng mong muốn nóng nảy của Gioan và Gia cô bê. Chúa không ngoảnh mặt với một Phê-rô chối từ Ngài. Nhưng Ngài trông đợi thật sự cải thiện lối sống và hành động.

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời của người Cha nhân hậu đón người con út trở về và tha thứ tất cả cho cậu. Chúa hiền lành đã bỏ 99 con chiên mà đi tìm một con chiên lạc vv và vv…Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra con Người hiền lành, khiêm nhượng và nhân hậu của Ngài. Tha thứ là vẻ đẹp cao quí nhất của Chúa nhưng cũng là vẻ đẹp tuyệt vời của tâm hồn của mỗi người. Tha thứ là một điều khó nhưng không phải không thực hiện được. Chúng ta cầu xin cho mỗi người chúng ta biết sống ơn tha thứ và mau mắn tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu phạt ngay nhưng người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Chúa dạy chúng ta bài học yêu thương  : “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13, 34) Chúng ta hãy tập yêu thương mọi người, nhất là những người đang sống xung quanh chúng ta, cố gắng nghĩ tốt về họ, nói tốt về họ, tập quên đi những sai sót của họ như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta.

Nước Trời chỉ dành cho những người biết chiếm lấy bằng sức mạnh từ Thiên Chúa. Sức mạnh đó chính là sự kiên nhẫn, tha thứ, yêu thương, chờ đợi . . .để chúng ta đủ kiên nhẫn để chịu đựng những đau khổ mà người ác tâm gây ra cho mình. Chúng ta cần mặc lấy tâm tình yêu thương và cứu độ của Chúa Giêsu : “Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Chúng ta có yêu thương họ thì mới giúp họ được và có khả năng sống với cả những người khác ý với mình.

 Huệ Minh