Suy Niệm Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marco (9: 2-10)

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”.6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

Suy niệm

Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung, hay gọi là Lễ Chúa Giêsu Biến Hình trên Núi Tabor.

Người ta không thể leo nhanh lên ngọn núi Tabor được, và chính Tabor cũng chỉ là một điểm dừng ngắn ngủi trên chặng đường đến với Thiên Chúa. Mỗi một ngày sống là một chặng đường mà chúng ta cần phải vượt qua. Nhờ vào những gì mà các tông đồ đã sống, chúng ta có thể hiểu rõ hơn chặng đường mà chúng ta cần vượt qua để đến gần với cõi vĩnh hằng hơn.
Và hôm nay trên núi Tabor chúng ta chứng kiến cuộc biến hình của Chúa Giêsu.

Và ta thấy Hiển Dung một mầu nhiệm trong chuỗi các mầu nhiệm nổi bật về cuộc đời Nhập Thể và Nhập Thế của Con Thiên Chúa. Bởi vì, cho đến hôm nay, số người trên thế giới tin vào Thiên Chúa thì nhiều, nhưng số người đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu chưa thỏa lòng mong ước, còn khiêm tốn ở con số. Tại sao vậy? Thưa , bởi vì họ chưa đón nhận Lời giới thiệu của Thiên Chúa về Chúa Giêsu: “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người !”(Lc 9, 35).

Và ta còn nhớ lại lời giới thiệu trên giống như ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đanh (Lc 3, 21-22), (Mc 9,7b), (Mt 17, 5). Điều này nói lên sự xác nhận, sự tấn phong, sự xức dầu, có nghĩa là chính Người là Đức Kitô, Đấng được gọi là Đấng Cứu Chuộc, Đấng Messia. Là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn giữa nhân loại theo mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hia Thiên Chúa. Theo đó, (Lc 9,35) cũng là một sự hé mở cho nhân loại biết rằng: “Chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa”, điều này không phải dễ đối với những ai chưa được mặc khải, vì sự mặc khải cho biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc chỉ tỏ ra cho vài người, cụ thể là ba tông đồ mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn, đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Thoạt tiên ta thấy đoạn Tin Mừng này có vẻ như đơn giản, nhưng mang ý nghĩa rất thực tế cho đến ngày cuối cùng. Bởi vì không phải tất cả mọi người có đạo đều hiểu ra mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà Người chỉ cho một số ít hiểu mà thôi, điều nầy không phải là Thiên Chúa ích kỷ, nhưng là sự đón nhận nơi con người nhân thế.  Chúng ta thấy, những sự kiện xảy ra nơi Chúa Giêsu như Chúa chịu phép Rửa tại sông Giođan, hay Chúa Biến Hình trên núi Tabor cho thấy không bởi sự can thiệp của trần gian được.

Nhân thế, dù đã được Chúa Giêsu tuyển chọn và dẫn theo, nhưng khi mầu nhiệm xảy ra, thì con người phàm trần cũng phải ngất đi, chẳng biết gì cả, chẳng hiểu gì cả, vì không thể tiếp xúc với sự siêu việt của siêu nhiên là mầu nhiệm từ trời cao, các tông đồ đều lăn nhào ra ngủ, như một giấc mơ, như người nói nhảm, sua đó mới hoàn hồn.

Như vậy, mầu nhiệm Chúa Giêsu biến hình là một biến đổi, hay trở về với Thiên tính của Chúa Giêsu trước khi hoàn toàn tự nguyện bước vào chấp nhận mầu nhiệm tử nạn, để cho nhân loại biết Chúa Giêsu phát xuất từ đâu và sẽ trở về nơi phát xuất, đó là Phần Thiên Tính của Người.

Dung Mạo của Người trở nên chói lòa, qua đó y phục của Người cũng trở nên biến đổi, y phục của Người là một chất liệu tự nhiên, nhưng cũng được thông phần vào sự siêu nhiên tuyệt đối nơi Thiên Chúa, bỗng chói lòa. Theo đó, sự kiện Biến Hình của Chúa Giêsu, xét về địa lý nơi chốn, thì đây là nơi giao hòa giữa Thiên và Địa, giữa Trời và Đất, giữa Thiên Chúa và con người. Xét về mầu nhiệm cứu độ, thì đây là lúc khởi điểm để đi vào con đường thiên định nhưng hoàn toàn tự nguyện hiến dâng của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể cho nhân loại và vì nhân loại.

Ta thấy có những giây phút quí báu nhất của cuộc đời 3 môn đệ theo chân Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cùng với ba môn đệ và Người hiển dung trước mặt các ông. Trong khoảnh khắc các ông có thể cảm nhận sâu xa Đấng Cứu Thế là ai và dung nhan của Đấng Phục sinh như thế nào. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn bỗng chốc buột khỏi tầm tay tất cả. Tất cả đều muốn nắm giữ lấy, muốn xây dựng ở đó ba lều.

Giây phút thần tiên thường hiếm có và ngắn ngủi! Thoáng qua, Phêrô phải từ chín tầng mây trở về với cuộc sống muôn ngàn sóng gió. Ông phải học để biết rằng: những giây phút này là quà tặng của Thiên Chúa, không ai có thể giữ lấy bo bo cho mình. Ông phải từ trên núi trở về với cuộc sống thường nhật, trở về với con người và những khó khăn phải đương đầu!

Quả thật, cuộc sống con người đầy thăng trầm, và dường như chìm dần trong thung lũng tối. Ngày qua ngày, sương mù dày đặc! Chuỗi ngày kéo dài lê thê ảm đạm! Tất cả dường như vô nghĩa và tẻ nhạt!…Cũng có những giây phút con người không được yên thân, cuộc sống chao đảo, đầu tắt mặt tối với công việc. Việc này chưa xong, thì việc khác đã đứng chực ngoài cửa.

Và rồi đời sống đạo và đời sống nội tâm chúng ta từng có những kinh nghiệm như thế. Cũng chính vì vậy mà người ta thất vọng, xao nhãng công việc của cộng đoàn, bỏ luôn cả kinh hạt lễ lạy. Họ nghĩ rằng lễ lạy và kinh hạt cũng thế thôi. Làm ban hành giáo có được gì đâu, mà chỉ thấy kinh tế gia đình mình càng sa sút.

Điều quan trọng chính là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật: tìm cho chính mình một mảnh thiên đàng tại thế. Tabor trước tiên không phải là một nơi chốn, nhưng là sự kiện có thể xẩy ra bất cứ ở đâu trong hoàn cảnh nào. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra khi chúng ta sẵn sàng cởi mở tấm lòng tiếp nhận: một cuộc gặp gỡ vô tình, một vẻ đẹp của thiên nhiên, một khoảnh khắc yên tĩnh, một lời khen tặng, một thành công nhỏ, một sự dấn thân cho họ đạo, một kinh nghiệm trong đời sống cầu nguyện. Những lúc chúng ta cảm thấy cuộc đời này còn có nhiều thứ quí báu hơn, chúng ta phải ra sức bảo vệ, duy trì như những kho tàng vô giá trong ký ức. Những kinh nghiệm đó giúp chúng ta thêm can đảm và hăng hái dù phải gặp hoạn nạn éo le. Nhờ đó chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta tới đích điểm tốt đẹp, là Thiên Đàng, là Tabor Vĩnh Cửu!

Ta được gợi bài học cho ta là nếu được kết hiệp với Thiên Chúa, nhân thế không còn sợ hãi, dù là phải đi con đường cam go. Vì Thiên Chúa là ánh sáng siêu việt sẽ sáng chói như mặt trời, và ai tin vào Thiên Chúa thì dù khổ đau hay tử nạn thì cũng sẽ được phục sinh vinh quang.

Huệ Minh