Suy Niệm Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 6:27-38)

27 Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.36 Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.

Suy niệm

Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.

Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.

Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình yêu, nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu.

Chúa Giêsu cho biết không hề có sự chia cắt giữa mến Chúa và yêu người, vì là hai khía cạnh của một điều răn duy nhất: điều răn yêu thương. Vì thế, chúng ta không thể hẹp lòng với tha nhân, kể cả với kẻ thù, mà vẫn nghĩ rằng mình mở lòng với Thiên Chúa. Hẹp lòng với tha nhân cũng là hẹp lòng với Thiên Chúa. Điều này được giải thích ở lời khấn xin trong kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Và rồi ta thấy không phải Thiên Chúa từ chối ban ơn tha thứ cho chúng ta, nhưng vì lòng chúng ta quá hẹp không thể đón nhận ơn tha thứ của Ngài. Theo thánh Phaolô, mở lòng đối với tha nhân chính là yêu thương. Yêu thương thìø tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả. Vào lúc từ giã cuộc đời, khi đối diện với Thiên Chúa, mọi ân huệ khác đều biến mất, chỉ còn duy đức yêu thương tồn tại vĩnh viễn, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu.

Qua cuộc sống của Chúa Giêsu, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.

“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần. Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai? Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống. Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi. Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp. Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi, là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi. Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.

Chúa Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân: về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện. Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động. Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay. Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28). Khi làm điều tốt cho kẻ thù, tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng, và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ của họ. Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế, tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa. Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi. Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay một người làm tôi vô cùng đau khổ. Ðó chẳng phải là một hành động giả hình, nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên. Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.

Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhân từ với nhau, đó không chỉ là để nhận được lòng nhân từ của Thiên Chúa nhưng còn là vì Ngài là Đấng đã nhân từ đối với chúng ta, trước khi chúng ta nhân từ với nhau rồi, khi Ngài dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là cũng nhân từ như Ngài, vì muôn đời Ngài là Đấng nhân từ, như lời Thánh Vịnh diễn tả : “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn trình thương” (Tv 136, 1)

Và Chúa nhân từ với chúng ta mỗi ngày khi ban cho chúng ta sự sống, lương thực, anh em, chị em mỗi ngày, cho dù chúng ta rất bất xứng. Như thế, chính kinh nghiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi bản thân chúng ta, được thể hiện nơi Đức Giê-su, mà chúng ta có thể nhân từ được với nhau.

Chúa mời gọi chúng ta: hãy yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình. Vượt lên trên tình yêu tha thứ đó là lòng nhân từ bắt nguồn từ Thiên Chúa. Hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Lòng nhân từ của Thiên Chúa không xét đoán tội chúng ta như chúng ta đáng tội. Ngài đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Cuộc sống con người luôn có những sai lầm. Sai lầm do vô tri. Sai lầm do nhẹ dạ. Sai lầm do cố ý. Những sai lầm của tha nhân khiến chúng ta bực mình. Đôi khi chúng ta muốn thanh trừng cho thoả dạ. Nhưng lời Chúa luôn nhắc chúng ta hãy tha thứ để được tha thứ. Xin cho mỗi người chúng ta biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình mà sống khiêm tốn trước lời sửa dạy của anh em. Đồng thời, biết cảm thông tha thứ những lỗi lầm của tha nhân.

Để làm được những điều Chúa dạy, người Kitô hữu phải chấp nhận chết cho những tâm tình tự nhiên để mặc lấy trái tim quảng đại của Chúa Giêsu, là Đấng đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người  vào thập giá. Hẳn là điều này không phải dễ, nhưng chúng ta có sức mạnh siêu nhiên Đức Kitô ban, có Thần Khí của Người. Ta không thể trở thành một môn đệ đích thực của Đức Kitô nếu ta không chấp nhận chết cho chính mình như thế. Người nào chấp nhận cái chết này, thì sẽ trải nghiệm được điều mà Thư 1 Gioan đã nói: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em” (3,14).

Trang Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.

Huệ Minh