Bài đọc I: Is 56,1.6-7
“Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Thiên Chúa phán: “Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện. “Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbath, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Đó là lời Chúa.
Bài đọc II: Cv 13,46-49
Bấy giờ ông Phaolô và ông Banaba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.” Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy. Đó là lời Chúa.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (28: 16-20)
16Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Suy niệm
Hôm nay, Giáo hội cử hành Khánh nhật Truyền giáo. Một số người không thích dùng từ truyền giáo, vì nghe có vẻ tuyên truyền, quảng bá, áp đặt. Dùng từ truyền giáo thì rất khó đối thoại với người thuộc các tôn giáo khác hoặc lương dân, vì người ta thường quan niệm tất cả các tôn giáo đều tốt như nhau, đều dạy con người ăn ngay ở lành, tạo phước tránh nghiệp. Đồng ý rằng có nhiều người Công Giáo sống tốt và noi gương cho người lương dân, nhưng cũng không thiếu người ngoại sống tốt hơn một số Kitô hữu. Thế nhưng, vì sao Giáo hội Công giáo dành Chúa nhật tuần trước Chúa nhật cuối tháng Mười để cử hành Khánh nhật truyền giáo?
“Khánh nhật” là một từ Hán Việt, mang ý nghĩa mở ra một ngày trọng đại để nhắc nhớ một sự kiện. Khánh nhật Truyền giáo là ngày Giáo hội mời gọi tín hữu trên toàn thế giới một cách đặc biệt cầu nguyện và góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu.
Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay mở ra cho chúng ta về lệnh truyền của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Đây cũng là lệnh truyền trực tiếp của Chúa Giêsu mời gọi mọi người nam nữ, già trẻ không riêng gì một ai. Nếu như chỉ đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, tuân giữ các Giới Răn của Chúa thì chúng ta mới giữ đạo cho khỏi mai một. Để sống đạo cách tích cực, chúng ta cần ý thức trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô. Đây là bổn phận của mọi Kitô hữu, những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm Sức đều có quyền loan báo Tin Mừng. Chính điều này làm nên bản chất của người Kitô hữu.
Trong Sứ điệp nhân Khánh nhật Truyền Giáo 2018, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi Kitô hữu suy tư về sự kiện này: “Bản thân mỗi người có một sứ mạng trên trần gian này; đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây, trong thế giới này” (Evangelli Gaudium, số 273). Vâng, tâm điểm sứ mạng của Hội thánh là loan truyền đức tin, diễn ra nhờ sự lan tỏa của tình yêu, ở đó với “niềm vui” và “sự phấn khởi”, chúng ta công bố về những ơn lành mình đã được Thiên Chúa trao ban cách nhưng không, nghĩa là cho miễn phí mà không tính toán đang diễn ra hàng ngày. Mà hồng ân lớn lao nhất đó là Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì chúng ta. Vì thế, tự đáy lòng mình, chúng ta nợ Thiên Chúa.
“Nợ tiền nếu trả thì vơi, nợ tình nếu trả ai ơi càng đầy”
Chúng ta nợ Thiên Chúa tình yêu. Nhưng không thể đặt giới hạn cho tình yêu, vì tình yêu còn mạnh như sự chết (x. Diễm Ca 8,6). Cho nên việc loan truyền đức tin “bằng sức lôi cuốn” đòi hỏi phải có những tâm hồn được mở rộng bởi tình yêu. Và sự lan tỏa tình yêu ấy phát sinh sự gặp gỡ, làm chứng.
Người Kitô hữu luôn tôn trọng tự do tôn giáo của người khác, vì tôn giáo là quyền căn bản của con người đã được Công đồng Vaticanô II nhìn nhận. Nhưng Kitô hữu cũng thực thi sứ vụ truyền giáo là việc rao giảng Tin Mừng từ chính điều mình cảm nhận được là một Tin Mừng thật sự, từ hồng ân đức tin mình đã nhận lãnh, được cảm hóa. Kitô hữu sẵn sàng trao gởi món quà quý giá mà mình trân trọng đến cho những người mình yêu thương nhất. Còn gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy người mình yêu thương cũng đón nhận cách trân trọng món quà mình trao tặng. Cho nên, khi người mình yêu thương cũng tin và bước theo một cách tự do, thì sự chia sẻ ấy sẽ trở nên niềm hạnh phúc được vỡ òa.
Thế nên, Chúa luôn mời gọi chúng ta trở nên môn đệ Chúa để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, hãy trao món quà đức tin vào Chúa cho anh chị em mình. Và vì là món quà, nên Chúa không đòi hỏi nơi người môn đệ khả năng, bằng cấp, học vấn, địa vị… và chúng ta không phải ái ngại rằng mình không thể đóng góp phần mình. Chúa chỉ cần người có lòng nhiệt huyết thực thi sứ vụ tông đồ.
Chúng ta đang sống trong thời công nghệ 4.0 giúp cho việc truyền thông được dễ dàng. Nhờ các mạng xã hội rộng khắp khiến khoảng cách và dị biệt dần được thu hẹp và thế giới trở nên thế giới phẳng. Đó là một cơ hội thuận tiện để chúng ta mạnh dạn diễn đạt niềm hạnh phúc từ hồng ân đức tin của mình, cũng như chia sẻ đức tin ấy cho anh chị em. Chỉ khi chúng ta dám đặt câu hỏi: “Nếu Đức Kitô ở trong hoàn cảnh của tôi, Người sẽ làm gì?”, chúng ta sẽ biết phải làm thế nào. Vị cha chung của chúng ta trong buổi gặp gỡ giới trẻ tại điện Maipu, Chilê ngày 17/1/2018 đã khích lệ: “Đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để cho, hoặc nghĩ rằng không ai cần các con. Mỗi người trong các con hãy tự nhủ trong lòng: nhiều người cần tôi”.
CÁC LỜI NGUYỆN
Sách Lễ Rôma. 922-925
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa muốn hết thảy mọi người được ơn nhận biết Chúa, Chúa lại muốn đón nhận tất cả vào nước Chúa hiển trị. Xin đưa mắt nhìn cánh đồng truyền giáo thật bát ngát bao la, và gửi nhiều tay thợ lành nghề đem Tin Mừng đến cho mọi loài thọ tạo. Nhờ đó, từ các dân tộc trên khắp hoàn cầu sẽ xuất hiện một dân mới không ngừng phát triển, đó là đoàn dân được Lời Chúa qui tụ, và được các Bí tích của Chúa nâng đỡ phù trì. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin nhìn xem gương mặt Đức Kitô mà nhớ lại rằng : chính Người đã hy sinh chịu chết để muôn người được ơn cứu độ. Xin Chúa cho các dân tộc trên khắp cùng trái đất được nhờ Người mà nhận biết, Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, và được cùng Người dâng lên Chúa một của lễ tinh tuyền duy nhất. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa nhân hậu khôn lường, ước gì Bí Tích Thánh Thể làm cho chúng con được nên thánh trong cộng đoàn Dân Chúa ngày một thánh thiện. Nhờ đó, cộng đoàn sẽ có khả năng làm cho muôn dân được hưởng nhờ ơn cứu độ Đức Kitô đem lại khi Người hy sinh trên thập giá. Người hằng sống và hiển trị.
Lm Alfonso