Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B

TIN MỪNG: Mc 13,24-32

(24) Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) Các ngôi sao từ trời sa xuống, và quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (27) Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. (28) Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. khi cành nó mềm ra và trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”. (30) Thầy bảo thật anh em: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31) Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) Còn về ngày hay giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không. Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

Suy Niệm: Mc 13: 24-32

Trái đất này một ngày nào đó cũng phải kết thúc vì đã có một lúc khởi đầu thì cũng sẽ có một lúc chấm hết. Con người ta có sinh thì cũng phải có tử. Kể từ khi con người xuất hiện trên mặt đất cho đến hôm nay, thời gian kéo dài hằng trăm triệu năm. Thế nhưng, thời gian ấy chẳng là gì cả so với khoảng thời gian vô biên của Thiên Chúa, như lời thánh vịnh đã nói: Ngàn năm đối với Chúa cũng chỉ là như một thoáng mây bay.

Chúa sẽ giáng lâm, hiện đến trong vinh quang, phán xét kẻ sống và người chết. Chúng ta không nên hình dung ngày giáng lâm của Chúa như một ngày ghê sợ, mà là một ngày chứa chan hy vọng. Vì Chúa đến để tập họp những người tin vào Chúa, thành một vương quốc của những người Chúa đã tuyển chọn.

Ngày ấy, tất cả sẽ bị phơi bày, tất cả sẽ bị tỏ lộ. Tâm hồn họ tối tăm hơn cả đêm đen, kinh hoàng hơn cả vực thẳm. Họ sẽ nghe thấy phán quyết tối cao của Chúa: Ta hằng yêu thương và chăm sóc cho ngươi như người mẹ chăm sóc và yêu thương đứa con của mình, thế mà ngươi đã chối bỏ Ta và từ khước tình thương của Ta. Thì giờ đây, hình phạt đời đời sẽ chờ đón ngươi.

Ngày ấy sẽ là ngày tập họp lớn lao: “Con người sẽ sai thiên thần tập họp những người được chọn, từ khắp bốn phương trời”. Đó sẽ là ngày của sự công bình và sự thật: “Những kẻ khôn ngoan sẽ chiếu sáng như ánh quang của bầu trời… Những kẻ công chính sẽ chiếu sáng như các vì sao…”. Đó sẽ là ngày phán xét: Kẻ lành sẽ được thưởng, kẻ thất trung sẽ bị loại trừ. Lòng mỗi người, mà Thiên Chúa thấu suốt, sẽ được phơi bày ra. Những kẻ đã sống vì Thiên Chúa sẽ được dẫn tới bên Ngài; Những kẻ chối từ Ngài sẽ bị ruồng bỏ.

Ngày tận cùng của thế giới cũng có những dấu hiệu báo trước: dưới đất thì động đất, mất mùa, đói kém, lũ lụt… trên trời thì mặt trời mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống, «các quyền lực trên trời bị lay chuyển»… nhân tâm thì điên đảo, chiến tranh và bạo lực lan tràn, các ngôn sứ giả (tự xưng là ngôn sứ mà bản chất thì không phải) xuất hiện… Hiện nay ta thấy những hiện tượng ấy đang xẩy ra ngày càng trở nên rõ rệt, quy mô, có hệ thống và khốc liệt. Điều đó cho thấy ngày tận cùng của thế giới đã gần kề.

Ngày phán xét sẽ là ngày tỏ rõ và nhìn nhận những gì đã có. Ngày từ bây giờ, chúng ta tạo nên tương lai của chúng ta. Những gì chúng ta sống trong thời gian này định đoạt những gì chúng ta sẽ sống vào ngày tận thế. Mỗi giây phút, mỗi ngày mang một ý nghĩa lớn lao hơn ta tưởng. Mỗi giay phút gìn giữ chúng ta bên cạnh Thiên Chúa làm cho chúng ta gần Ngài hoặc xa Ngài. Chính ngày này qua ngày nọ, khi nhìn chúng ta sống, mà Thiên Chúa hình thành nên sự phán xét về mỗi người trong chúng ta. Giữa hôm nay và ngày tận thế sẽ có sự liên tục.

          Chúa đến phán xét mọi người. Nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến” (2Tm 4, 8), thì Ngài sẽ là Đấng Cứu độ và là vinh quang của họ: “Ngài sai các Thiên Thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn”. Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được sự an ủi vì “sẽ thấy vinh quang của Đấng Cứu Chúa là Chúa Giêsu Kitô” (Tt 2, 13).

Ta là môn đệ Chúa, chúng ta mong chờ gặp lại Chúa là phải. Tuy Chúa không xa cách chúng ta, nhưng chúng ta mong được thấy Chúa trong vinh quang của Người. Tuy nhiên muốn có được lòng mong chờ như vậy, chúng ta phải có đủ tư cách, phải sẵn sàng để không ngại đối diện Chúa. Phải là đứa con thảo, phải là người môn đệ trung thành với Lời Chúa, sống theo Tin Mừng, theo đường lối Chúa vạch định. Phải là người đầy tớ nhận tiền vốn Chúa để lại và đã sinh lợi như Chúa muốn.

          Chúa dạy chúng ta không nên hoảng sợ. Chúa đến phán xét mọi người. Nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến” (2Tim 4,8), thì Ngài sẽ là Đấng Cứu độ và là vinh quang của họ: “Ngài sai các Thiên Thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn”. Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được sự an ủi vì “sẽ thấy vinh quang của Đấng Cứu Chúa là Chúa Giêsu Kitô” (Tt 2,13).

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến thời khắc chúng ta sẽ phải gặp Chúa, vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, cũng như của vũ trụ vật chất này. Liệu vào lúc ấy, chúng ta có đến với Chúa bằng đôi tay chất đầy công nghiệp là những hành động bác ái hay không? Nếu như phải tính sổ cuộc đời với Chúa, thì chúng ta đã sử dụng những nén bạc Ngài trao gởi như thế nào? Không giống như người tử tội, chúng ta có được cơ may còn sống để chuẩn bị cho giây phút định mệnh ấy. Bởi đó: Hãy sống giây phút hiện tại cho dù hiện tại có vắn vỏi, nhưng lại thật quan trọng vì nhờ nó mà chúng ta sẽ chiếm lấy được niềm hạnh phúc Nước Trời.

Vào ngày Chúa quang lâm, thiết tưởng mỗi người kitô hữu cần phải tỉnh thức và sẵn sàng: «Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến» (Mt 24,44; Lc 12,40). Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng ấy phải được thể hiện một cách thực tế bằng sự tôn trọng và thực hiện «chân lý, công lý và tình thương» (Mt 23,23b). Tình thương đòi hỏi ta không chỉ biết lo lắng cho số phận đời đời của mình, mà còn cho số phận của những người sống chung quanh ta nữa. Trước một thế giới sa đọa và tội lỗi như hiện nay, nếu ta không cảm thấy một sự lo ngại nào, và cũng không thấy mình cần phải làm gì, điều đó chứng tỏ tình thương và ý thức liên đới của ta còn rất yếu kém.

Trong ngày phán xét cuối cùng, điều chủ yếu mà Thiên Chúa phán xét ta chính là tình yêu của ta đối với tha nhân và những việc ta làm để thể hiện tình yêu ấy (Mt 25, 31-46). Điều tốt lành nhất ta có thể làm cho tha nhân chính là giúp họ trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa: Ngày ấy, «những ai làm cho người người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao» (Đn 12,3). Đó cũng chính là cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước tòa Thiên Chúa.

Huệ Minh

Suy niệm:

Lịch sử Giáo hội trải qua hơn 2000 năm không thiếu những gương chứng nhân đức tin giúp củng cố lòng đạo nơi các tín hữu. Và cũng như Tin mừng mới đến trên mảnh đất Việt Nam vào giữa thế kỷ XVI, do một linh mục thừa sai tên Inêkhu truyền giáo năm 1533, thế nhưng cũng đã đóng góp vào lòng Giáo hội hoàn vũ tới 130.000 tín hữu chịu tử đạo vì danh Chúa trên khắp cả nước, mà khởi đầu là Anrê Phú Yên hay còn gọi là Anrê Trung chịu tử đạo năm 1644, và kéo dài mãi đến năm 1885 khi phong trào Cần Vương phò vua đã quyết “Bình Tây diệt Tả”, tiêu diệt người ngoại quốc, diệt trừ Kitô giáo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ XIX, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Lý do bị bách hại là vì Kitô giáo bị coi là ngoại lai, do người Tây đem vào; hoặc vua được coi là thiên tử, phải thờ phượng nhà vua trên hết mà nay Kitô giáo lại tôn thờ Thiên Chúa trến hết; hay vì lý do người Kitô hữu sống một vợ một chồng, điều này đi trái lại ý vua muốn trai năm thê bảy thiếp để có thể sinh ra cho nhà vua một dân tộc lớn mạnh với số dân đông đảo để có người bảo vệ đất nước. Và thậm chí Kitô giáo bị hiểu lầm là những người bỏ việc thờ kính cha mẹ, đi ngược lại với truyền thống tổ tiên nên gọi là Tả đạo và quyết loại bỏ đạo sai trái này.

Vinh phúc tử đạo là phần phúc cao cả nhất dành cho người tin vào Chúa Kitô Giêsu vì được chung phần đau khổ với Người, được vác thập giá mình mà theo Người. Với đa dạng những bậc sống và hoàn cảnh khác nhau từ giáo sĩ tới giáo dân, từ quan lính tới thường dân, từ nhà giàu đến người nghèo bất kể nam phụ lão ấu đều can đảm dùng giá máu làm chứng cho giá trị Tin mừng. Gương sáng của các ngài đã được Giáo hội Hoàn vũ ghi nhận và vinh danh. Vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 trở thành cột mốc trọng đại trong lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, Đức thánh cha Gioan Phaolô đệ II đã long trọng tuyên phong 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, đại diện cho muôn ngàn tín hữu khác cũng chịu phúc tử đạo.

Trong số 117 vị ấy, có 8 vị Giám mục đều là thừa sai ngoại quốc, 50 Linh mục thì có 13 vị người ngoại quốc và 37 vị  người bản địa Việt Nam, 14 Thầy giảng; 1 Chủng sinh và 44 Giáo dân. Trong những cái chết anh dũng ấy, có 1 vị chịu bá đao (một trăm nhát dao), 4 vị chịu lăng trì (tùng xẻo: gõ tiếng trống thì lóc miếng thịt), 6 vị chịu thiêu sống, 75 vị chịu xử trảm, 22 vị bị xử giảo (siết cổ tới chết) và 9 vị chết rũ tù.

Giáo hội Công giáo Việt Nam tự hào và biết ơn cùng sự ngưỡng mộ đối với các bậc tiền bối anh dũng. Qua đó, cũng để nhắc lại gương sáng của các ngài cho hậu thế, Giáo hội Việt Nam sắp khép lại Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm biến cố lịch sử trọng đại này, thế nhưng hào khí trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô giữa lòng xã hội không hề giảm sút nơi lòng tín hữu con dân Việt Nam, đủ để thấy như lời văn sĩ Tertulianô đã nói: “Máu các vị thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”. Vậy chúng ta là những người hậu thế cố gắng trong mỗi ngày sống quyết luôn can đảm làm chứng cho Chúa ngay từ những việc nhỏ bé hằng ngày, từ việc làm dấu, dự lễ sốt sắng, từ đời sống chân thành, chịu đựng lẫn nhau, tận dụng những dịp đến với anh chị em là cơ hội cho mình trở nên chứng nhân cho Chúa với một đời sống tốt lành, như lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, ngài đã viết: “Có một điều nghịch lý căn bản trong Tin Mừng: muốn tìm thấy sự sống, phải bỏ mất nó; muốn sinh ra, thì phải chết; muốn được cứu độ, phải nhận lấy thập giá của mình! Amen”.

Lm Alfonso