Suy Niệm Lễ Chúa Giáng Sinh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (2:15-20)
15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”.
Suy niệm:    Tin Mừng Lc 2:15-20    (Is 62,11-12; Tt 3,4-7; Lc 2:15-20)
Một câu chuyện đã làm cho Mẹ Têrêsa Calcutta rất cảm động và thường hay được Mẹ kể lại cho thính giả khi có cơ hội. Chuyện kể rằng:
Vào một ngày năm 1982, có hai bạn trẻ đến nhà tế bần của Mẹ tại Calcutta và dâng cho Mẹ một số tiền lớn để qua Mẹ cho người nghèo, bởi vì hai bạn trẻ đó biết là hằng ngày, các nữ tu dòng của Mẹ phải lo nấu ăn cho 7 ngàn người và lo phần quà cho người nghèo lên tới 9 ngàn. Thấy họ còn trẻ mà lại có số tiền lớn như vậy, nên Mẹ đã thắc mắc và hỏi xem tại sao họ có số tiền lớn như vậy? Hai bạn trẻ đã trả lời: “Chúng con mới cưới nhau được hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ và bàn bạc với nhau, cuối cùng, cả hai đều đồng ý không may đồ cưới cũng như không tổ chức yến tiệc linh đình. Số tiền ấy chúng con gửi tặng Mẹ để lo cho những người kém may mắn, vì họ không được như chúng con. Đây chính là món quà chúng con dành cho nhau trong ngày cưới khi cả hai cùng chấp nhận hy sinh để khởi đầu một cuộc sống chung”. 
Ôi thật là một hành động anh hùng! Bởi vì ở bên Ấn Độ, nếu đám cưới mà không có y phục và yến tiệc thì là một sự nhục nhã lớn lao đối với hai họ và với chính đôi tân hôn.
Tuy nhiên, hai bạn trẻ này đã chấp nhận tất cả, chỉ vì tình yêu của họ dành cho người nghèo. Đây có thể nói là một cuộc tình thiêng liêng giữa họ với những người kém may mắn…
Nhân dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe lại câu chuyện trên để gợi nhớ cho mỗi người về một câu chuyện cách đây hơn 2.000 năm nơi một cuộc tình, cuộc tình đó chính là cuộc tình giữa Thiên Chúa và con người.
1. Một vị Thiên Chúa nghèo vì yêu
Khởi đi từ một vị Thiên Chúa giàu sang phú quý, toàn trí, toàn hảo, toàn năng, là Chủ Tể trời đất, nhưng Người đã chấp nhận trở thành con người, sinh ra trong cảnh màn trời chiếu đất, rét mướt, âm thầm qua hình hài một Hài Nhi bé bỏng, yếu ớt như bao trẻ em khác… Những người biết đến để tôn thờ không ai khác là chính những mục đồng chăn chiên… đơn sơ, chất phát và cũng nghèo nàn như những người nghèo thời bấy giờ.
Khi Thiên Chúa cho Con của Người xuống trần trong tâm thế như vậy, phải chăng không có lý do gì khác ngoài tình yêu! Quả thật: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một mình, để những ai tin vào Ngài thì không hư mất nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16).
Khi Con Thiên Chúa sẵn sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha để trở thành Ngôi Lời, thì đồng nghĩa với chuyện Ngài chấp nhận trở thành xác phàm và “cắm lều” để cư ngụ giữa nhân loại. Khi Ngài chấp nhận như vậy, ấy là Ngài sẵn sàng đi vào thế giới loài người, để mang nơi mình sự hữu hạn của con người trong kiếp nhân sinh, vì thế: Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế… để cảm nghiệm được cái đói, cái khổ cũng như sự giới hạn do quy luật tự nhiên dành cho con người.
Như vậy, qua mầu nhiệm giáng sinh, Thiên Chúa đã mặc khải tấm lòng xót thương vô biên của Người cho nhân loại, đồng thời cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy cùng Đức Giêsu đi vào cuộc tình ấy với một tình yêu không biên giới, để giới thiệu cho nhân loại biết: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
2. Sống sứ điệp Lời Chúa qua mầu nhiệm giáng sinh
Cuối Tin Mừng hôm nay, sau khi thánh sử Luca đã trình thuật việc Đức Maria sinh hạ Hài Nhi Giêsu, tác giả đã đưa vào đó một cảm nhận thật tuyệt vời khi nói về Đức Maria: “Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Đây chính là điểm gợi ý cho chúng ta sống mầu nhiệm giáng sinh trong đời sống thường ngày hôm nay. Bởi vì:
Nếu không suy nghĩ và hồi tâm, thì hẳn mỗi dịp lễ giáng sinh đến và qua đi, chúng ta cũng như bao nhiêu người không có niềm tin! Họ mừng lễ giáng sinh như một lễ hội thuần túy, và không chừng, đây còn là cơ hội để họ làm ăn bất chính khi những món quà cho đi và nhận lại không biểu lộ tình yêu cho bằng một sự thực dụng!
Nếu không suy nghĩ và hồi tâm, phải chăng chuyện mừng lễ giáng sinh của chúng ta được đánh dấu và dừng lại bằng những chuyện trang trí bề ngoài, mà chúng ta đâu hiểu và sống mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại, qua Đức Giêsu, nơi hang đá, máng cỏ, hay cũng không khám phá ra sứ điệp Ánh Sáng nơi đèn sao lấp lánh bên ngoài!
Nếu không suy nghĩ và hồi tâm, chúng ta cũng đâu khám phá ra việc Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người là vì yêu thương người nghèo, tội lỗi và đến để cứu chuộc những con người như thế, để rồi chúng ta cũng tiếp tục sứ mạng ấy trong đời sống đạo của mình hôm nay!
Mong sao mỗi khi mừng lễ giáng sinh, chúng ta ý thức lại tâm tình đón mừng lễ của mình, để rồi ngang qua những chuện bề ngoài, mỗi người hãy để cho mầu nhiệm tình yêu giáng sinh bén rễ sâu vào trong tâm thức và sinh hoa kết trái nơi hành động của mình với Thiên Chúa và với tha nhân!
Có thế, chúng ta mới hy vọng xứng đáng là con của Thiên Chúa và được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu khi sống mầu nhiệm tình yêu giáng sinh trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Chúa dành cho con người. Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng con thờ ơ với tình yêu ấy. Xin cho chúng con biết sống sứ điệp tình yêu của Chúa nơi mọi người, nhất là những người nghèo, tội lỗi và kém may mắn hơn chúng con. Amen.
Jos. Vinc Ngọc Biển
Suy Niệm2:  Tin Mừng Lc 2:15-20

   Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể. Thiên Chúa đã xuống thế, mặc lấy thân phận con người, hoà mình vào những thực tại của kiếp người. Và để chia sẻ cuộc sống con người, Ngài đã trở nên giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa đã bước xuống phận con người, để con người được tiến lên ngôi Thiên Chúa. Ngài đã cùng với những người thành tâm thiện chí phấn đấu đẩy lùi những gì là xấu xa và phát huy những gì là tốt đẹp, xứng với phẩm giá con người.

Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta, đó là lời rao giảng đầy xác tín của thánh Gioan tông đồ mà chúng ta vừa nghe trong bài tin mừng hôm nay.

Ngôi Lời ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà tối hôm qua chúng ta long trọng, hân hoan và phấn khởi mừng kỷ niệm ngày Ngài giáng trần và ở giữa chúng ta, nhưng với đức tin Kitô giáo, chúng ta đi xa hơn nữa để nhìn thấy và chiêm ngắm Đấng vì Yêu mà trở thành xác phàm như chúng ta.

Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Quả thế, Thiên Chúa không phải chỉ làm người giả hiệu, mà Ngài đã cắm lều ở giữa chúng ta. Để nhận ra điều đó, chúng ta hãy bước đến hang đá. Hẳn nhiên đó chỉ là biểu tượng. Nhưng là một biểu tượng nhắc nhớ một biến cố lịch sử duy nhất. Một cảnh sống nghèo nàn, thanh bạch đến thiếu tất cả, giữa một đêm tối không đèn, không đóm, nơi một góc trời không tên không tuổi. Hai người bạn trẻ, hai người lao động đơn sơ nằm nhờ trên đống rơm giữa những con vật hiền lành. Một hài nhi mới sinh trong một cuộc hành trình bất đắc dĩ. Nhưng Thiên Chúa đó!

Chúa Giêsu đến ở luôn nơi chúng ta. Ngài tự mời để trở nên thành phần cuộc sống của tôi và Ngài chờ mong nhận được những sự chăm sóc, quan tâm, tình thương. Ngài cũng chờ mong ta để Ngài lớn lên, phát triển. Các bạn thấy không, xúc động khi tiếp đón “bé Giêsu” có ích gì nếu ta không để chỗ cho Ngài lớn lên, phát triển đến nỗi chiếm cả cuộc đời của chúng ta, tới độ Ngài trở thành Chủ của chúng ta như một bài ca cổ xưa đã nói: “Thầy chí thánh của chúng ta vừa mới sinh ra cho chúng ta”. Vì ta phải ý thức: chấp nhận Thiên Chúa đến viếng thăm tức là chúng ta phải dấn thân vào những nẻo đường đầy yêu sách.

Ta thấy Tình Yêu khiêm tốn. Thiên Chúa đã cúi xuống để tặng trao cho con người. Con Thiên Chúa làm người sinh nơi hang súc vật, không một chút hào quang: Ngài sinh ra trong đêm tối; không một chút quyền lực: Ngài là trẻ thơ khóc oe oe. Đấng siêu việt nay chịu giới hạn bởi thời gian. Đấng Tuyệt Đối lại mang một thân xác hữu hạn. Tình Yêu khiêm tốn không làm chúng ta bị choáng ngợp. không ban bố một cách cha chú, nhưng biết gõ cửa và chờ đợi.

Thiên Chúa không yêu thương chúng ta từ trời cao. Ngài đã đến cắm lều ở giữa chúng ta, trong da thịt Đức Giêsu Nazarét. Điều mà không ai có thể tưởng tượng ra, đó là Thiên Chúa liên đới trọn vẹn với số phận mạt kiếp của chúng ta. Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, như là một người nghèo nhất tại Bêlem trước khi trở thành người rốt hết trên thập giá. Giáng Sinh nhắc nhớ cuộc gặp gỡ thân tình có một không hai đó giữa Thiên Chúa và con người như một huyền nhiệm, như một trao đổi kỳ diệu.

Bêlem là một lời mời gọi tha thiết và cấp thiết cho tương lai nhân loại. Thiên Chúa hóa thân làm một trẻ sơ sinh để mời gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống. Thiên Chúa sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt để mời gọi ta hãy biết yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn. Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo nàn để mời gọi ta hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ. Thiên Chúa sinh làm con Đức Mẹ Maria để mời gọi ta hãy biết kính trọng phụ nữ. Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình để mời gọi ta hãy biết bảo vệ những truyền thống tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Việc Thiên Chúa đến viếng thăm cũng mang lại cho chúng ta một sự ngạc nhiên rất lớn nữa. Quả thật, Ngài không đến một mình, Ngài kéo theo một đám người không mấy danh giá. Một câu hỏi vang lên đặc biệt mạnh trong đem Giáng Sinh này: “Nhưng lạy Ngài có khi nào chúng tôi đã nuôi nấng, đón tiếp, viếng thăm Ngài đâu? Có khi nào chúng tôi đã không làm điều đó?”. Anh chị em đã biết rõ câu trả lời rồi. Khi ta để Chúa Giêsu lớn lên, Ngài thực sự mang gương mặt của những người đàn ông đàn bà của ngày hôm nay, và rất thường là những gương mặt của những người nghèo nhất và xấu số nhất.

Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Vui vì con người được Thiên Chúa yêu thương. Vui vì con người được nâng lên địa vị cao trọng. Hôm nay khi đọc Kinh Tin Kính đến câu: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”, ta hãy quỳ gối trước tình yêu thương cao cả của Chúa dành cho ta. Quỳ gối để suy niệm sự cao cả của con người vì được Chúa yêu thương.

Ai yêu anh em, kẻ ấy ở trong ánh sáng (l Ga 2,10). Một tình yêu đích thật giữa người Kitô hữu với nhau và của người Kitô hữu với mọi người, đó phải là ánh sáng mà họ có sứ mệnh mang đến cho thế gian hôm nay. Trong mức độ mà nó tinh tuyền, nó sẽ gặp phải sức chống đối của tối tăm, nhưng kẻ nào đón nhận nó, sẽ đi trên con đường trở nên con cái Chúa.

Chính Chúa Giêsu cũng đã để cao giá trị của tình bạn khi Ngài nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã gọi chúng con là bạn hữu, vì Thầy đã tỏ cho chúng con am tường mọi điều Thầy nghe nơi Cha Thầy”. Cũng vì tình yêu cao quí mà Chúa Giêsu đã tự nguyện đến trần gian mặc lấy thân phận con người. Niềm vui của Chúa Giêsu là trở nên như chúng ta những con người yếu đuối hạn hẹp mà Người đã muốn nâng lên hàng bạn hữu, là trở nên thành phần của đại gia đình nhân loại và cùng đi với chúng ta trên con đường trở về với Thiên Chúa Cha. Đấng Emmaunuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta chính là món quà cao cả nhất. Thiên Chúa ở với loài người, là ý nghĩa sâu xa nhất của mầu nhiệm Giáng Sinh Nhập Thể.

Huệ Minh