Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Mac-cô (Mc 1: 29-39)
Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe chúng ta thấy Thánh Máccô hôm nay phác họa lại chân dung Đức Giêsu lưu tâm đến những người đau khổ lầm than: “Ra khỏi hội đường, Chúac Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1, 29-31) và “ Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1, 34).
Ta thấy Chúa Giêsu như bị cả một đại dương đau thương và khốn cùng vây quanh ; Chúa đã đến với họ để cảm thông, chia sẻ và chữa lành tất cả mọi thứ bệnh tật cho họ. Các phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm trên những người đau khổ bệnh tật diễn tả cho chúng ta thấy rằng Nước Thiên Chúa đã đến và thời cánh chung đã được mở ra nơi Đức Giêsu.
Tin Mừng cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu hiện thân như một vị “bác sĩ”, nhưng vị “bác sĩ” này rất khác người, chữa bệnh không cần thuốc men nhưng bằng uy quyền của Thiên Chúa, Người làm việc không biết mệt mỏi, liên tục chữa lành các loại bệnh cho nhiều bệnh nhân, bệnh nhẹ cảm sốt như bà nhạc gia Simon đến những bệnh nhân nặng do bị quỷ ám. Ơn Cứu Độ của Chúa không chỉ cứu độ về phần tâm linh, nhưng Chúa còn chữa bệnh nơi thể xác hữu hình để bệnh nhân lấy lại sức khỏe tiếp tục cuộc sống đời thường, Chúa nhìn thấy họ đau đớn khổ sở về thân xác Ngài động lòng thương, cảm thông và đã đem sự an lành cho họ về mặt thể xác.
Hình ảnh Chúa Giêsu “lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy” đã họa lại cho chúng ta hình ảnh về một Thiên Chúa vô cùng nhân từ đã vì thương yêu mà đưa tay cứu chữa. Người đã chạnh lòng thương đối với phận người mỏng manh yếu đuối, như người cha xót thương đứa con thơ dại, cho nên Người đã “cầm lấy tay” mà “đỡ dậy” con người – “những kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật”. Người đã đi vào giữa lòng biển khổ của nhân loại, đã chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, dù ngày đã xế chiều, mặt trời đã lặn xuống.
Đây là phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Chúa Giêsu cho một phụ nữ, tại một ngôi nhà. Sốt chẳng phải là một bệnh quá nặng và nguy hiểm, nhưng cũng đủ để làm người bệnh không hoạt động được, gây cản trở những sinh hoạt bình thường trong gia đình. Chúa Giêsu đến đem lại sự chữa lành, niềm vui và sức sống. Khi người phụ nữ được khỏi bệnh, mọi sự như sống lại. Bếp lại có lửa, bàn lại có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả. Hạnh phúc gia đình có khi chỉ tùy thuộc vào những điều be bé. Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm khi chỉ vì những chuyện không đâu.
Ơn cứu độ nơi Người cũng vì thế mà không dành cho riêng ai, nhưng là dành cho tất cả mọi người, trong khắp mọi nơi. Chính Chúa Giê su đã khẳng định tình yêu chân thành ấy. “Hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.
Quả vậy, tiếp nối bước chân Chúa Giêsu, từ mười hai vị tông đồ của Chúa, Lời của Chúa đã được lan truyền khắp năm châu, bốn bể và ơn cứu độ của Người đã lan tràn khắp hướng. Tuy nhiên, những người tin vào Đấng Cứu Thế vẫn còn khá khiêm tốn, và cánh đồng truyền giáo của Hội thánh vì thế vẫn còn là mênh mông, rộng lớn. Hôm nay đây, Chúa Giêsu vẫn đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Bởi thế giới hôm nay vừa phải đối diện với khổ đau, bệnh tật, vừa đói khát Thiên Chúa. Người cũng mời gọi chúng ta cùng nhau chia sẻ, cùng chung tay xoa dịu những khổ đau, đói khát của con người.
Thánh Máccô hôm nay còn cho thấy một bức tranh rất thực về những việc hàng ngày của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Bức tranh sống động về một ngày làm việc của Chúa Giêsu, một con người năng động và nhạy bén trong tình yêu, trong mọi công việc rao giảng Tin Mừng; từ việc giảng dạy trong các hội đường đến những làng mạc xa xôi, từ việc chữa lành bệnh nhân cho đến việc trừ quỷ…, nhưng đâu đó trong bức tranh sống động ấy vẫn họa lên một không gian yên tĩnh mà ở đó ta bắt gặp một Chúa Giêsu khác – Chúa Giêsu – con người của cầu nguyện. Quả thế, ngay từ “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”.
Cầu nguyện luôn luôn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống hàng ngày của Chúa Giêsu. Người đã kết hiệp trọn vẹn với Chúa Cha trong khi vẫn sống hết mình cho con người nhân thế. Bởi lẽ sống của Người là kết hiệp với Chúa Cha và thi hành thánh ý của cha mình. Máccô không chỉ dẫn ra cho chúng ta thêm một lần nữa về tình yêu của Chúa đối với con người, và sự cấp thiết trong việc rao truyền Lời Chúa cho mọi người, xong còn chỉ dạy cho chúng một bài học quý giá rằng không phải chỉ có công việc, nhưng cầu nguyện luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi người.
Cầu nguyện giúp mỗi người quân bình trong đời sống và có được sự sáng suốt trong các quyết định của mình. Quan trọng hơn, cầu nguyện giúp ta biết mình là ai trong mối tương quan với Chúa và anh em. Nó cũng sẽ giúp mỗi người chúng ta gặp gỡ Chúa và xây dựng mối liên hệ mật thiết với Người, khích lệ chúng ta học biết nơi tấm gương tuyệt hảo là chính Chúa Giêsu, người đã luôn sống một cuộc sống hài hòa giữa hoạt động và cầu nguyện.
Thực tại trong xã hội có biết bao người đang gặp đau khổ, nghèo đói và những người bị lãng quên. Họ đang cần chúng ta hơn bao giờ hết, họ đang cần những cánh tay và tấm lòng mở rộng của chúng ta để cảm thông, chia sẻ và an ủi họ.
Và rồi khi đứng trước những đau khổ của thời đại hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi sống theo mẫu gương Chúa Giêsu, biết ra khỏi vỏ bọc ích kỷ của chính bản thân để đến với họ bằng những việc làm cụ thể. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nhiều lần nhắc nhở các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires rằng: “Tôi thích một Giáo hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn khi bước ra đường phố hơn là một Giáo hội bị bệnh tật vì đóng kín và an toàn bám víu vào những thứ bảo đảm cho mình. Tôi hy vọng, ai trong chúng ta cũng hãy thoát ra khỏi chình mình để đến với những con người đang đau khổ và bệnh tật như Lời Đức Giêsu dạy: ‘Chính anh em phải cho họ ăn’ (Mc 6, 37)”.
Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa không dành cho riêng cho riêng ai, mà dành cho tất cả mọi người. “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa” (Mc 1, 38).
Và rồi ta thấy, từ mười hai vị tông đồ của Chúa, Lời của Chúa đã lan truyền khắp năm châu. Ơn Cứu Độ của Chúa đã lan tỏa khắp bốn phương. Tuy nhiên, nhìn lại tổng dân số đang hiện diện trong đầu thế kỷ 21 hôm nay, số người tin vào Đấng Cứu Thế vẫn còn khá khiêm tốn. Chẳng nhìn đâu xa, ngay trên đất nước Việt Nam, dân số xấp xỉ 90 triệu người, số giáo dân Công Giáo xấp xỉ 7 triệu tín hữu. Cánh đồng truyền giáo của chúng ta còn bát ngát bao la. Lời của Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đang mời gọi mọi người: “chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận …” (Mc 1, 38a) để loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Huệ Minh