Suy Niệm Thứ Năm Tuần VI Thường Niên C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 8: 27-33)

27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai? “28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.”30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Suy Niệm 1:          Tin Mừng Mc 8: 27-33

          Sau thời gian khá dài đi theo và nghe Chúa Giêsu giảng dạy, các môn đệ vẫn còn mù mờ về con người và căn tính của Thầy mình. Thấy vậy Chúa Giêsu liền ra một câu hỏi để thăm dò “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông lần lượt trả lời theo dư luận xung quanh “Thầy là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một ngôn sứ vừa xuất hiện. Chúa Giêsu nhận thấy các đáp án đều sai và chưa đi vào câu hỏi chính. Người chờ đợi một đáp án cuối cùng liền hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đại diện cả nhóm trả lời “Thầy là Đấng Kitô”. Rất chính xác, câu trả lời của Phêrô đã giành trọn số điểm.

          Chúa Giêsu cần biết người ta cũng như các môn đệ coi mình là ai, không phải để uốn mình theo họ, nhưng để giáo dục họ dần nghiệm ra sứ vụ của Ngài. Thật vậy, biết một người đã là điều khó, huống hồ biết một Thiên Chúa làm người, sống bên cạnh như một con người càng khó biết chừng nào! Chúa mới dạy một điều: “Con người phải chịu đau khổ… bị loại bỏ…” mà Phêrô đã thấy “sốc” rồi, huống chi nhiều việc khác nữa sẽ xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu.

          Vì vậy, ta thấy dư luận và câu trả lời của Thánh Phêrô hôm nay làm cho Chúa yên tâm; nhưng sẽ còn nhiều việc phải làm để khuôn mặt của “Đấng Được Xức Dầu” hiện tỏ mỗi ngày mỗi rõ nét hơn.

          Thiên Chúa là một mầu nhiệm đối với trí hiểu biết của con người. Mầu nhiệm này đã được mặc khải cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Người là con một yêu dấu của Chúa Cha. Những ai biết Chúa Giêsu Kitô cũng sẽ biết Thiên Chúa: “Ta và Cha Ta là một”. Tuy nhiên, hiểu biết về Chúa không chỉ là hiểu biết trên sách vở hay những lý thuyết trên môi miệng. Biết Đức Kitô còn là một trải nghiệm giúp cho đức tin của ta ngày thêm lớn mạnh.

          Ta thấy Chúa Giêsu bật mí cho các ông biết về sứ mạng của Đấng Kitô sẽ phải chịu người ta chống đối, khủng bố, nhục mạ, bị đóng đinh chết và sẽ sống lại sau ba ngày. Để chuẩn bị cho các môn đệ chấp nhận được cái giá phải trả khi theo Thầy, Chúa Giêsu muốn các ông xác tín rõ ràng về con người mà các ông đi theo. Con Người chẳng phải là “ngôi sao bóng đá”, một “minh tinh màn bạc”, hay một “hot man” như người ta thường nghĩ. Con Người sẽ chịu mất mát, chịu thua thiệt một cách đớn đau nhục nhã. Nghe vậy, Phêrô cảm thấy sốc, ông không chấp nhận được số phận nghiệt ngã ấy nên can ngăn Thầy dừng bước. Chúa Giêsu liền quở trách Phêrô vì tư tưởng của ông như “kỳ đà cản mũi” bước đường cứu chuộc của Người. 

          “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”Câu hỏi này cũng được gửi đến với mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ trả lời với Chúa ra sao còn tùy thuộc vào cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ trả lời với Chúa qua cung cách phục vụ và yêu thương của chúng ta. Chúa có là đối tượng để chúng ta tìm kiếm và bước theo, hay Chúa cũng chỉ là một diễn viên đang ăn khách trên màn ảnh sân khấu, một nhân vật của của thời đại được nhiều người ngưỡng mộ. Thầy là ai trong cuộc đời của bạn, là ai trong những chọn lựa to nhỏ, là ai trong những thần tượng mà bạn thích. Chúa là ai trong suy nghĩ, trong thâm sâu cõi lòng bạn. Chúa vẫn đợi chờ câu trả lời cuối cùng của mỗi chúng ta. Hơn thế nữa, Chúa còn muốn chúng ta nói cho thế giới biết Chúa là ai?

          Câu hỏi này được Chúa Giêsu đặt ra cho dân Do thái, cho các môn đệ và cho mỗi tín hữu hôm nay. Dư luận dân Do thái coi Chúa Giêsu là ông Gioan Tẩy giả tái sinh, là ngôn sứ Êlia hay một vị ngôn sứ thời xưa. Riêng Tông đồ Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô”. Tước vị Kitô hay “Christus”, “Mêsia” ám chỉ Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm Vua Thiên Sai, để giải phóng dân Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma và trở thành một dân tộc hùng mạnh. Tuy nhiên Chúa Giê-su lại mặc khải cho Phê-rô biết sứ mệnh của Người là cứu độ bằng con đường “qua đau khổ vào vinh quang” (Mt 16,21). Ngừơi là “Tôi trung của Đức Chúa”, chịu đau khổ để đền tội thay cho dân và làm cho muôn người được nên công chính như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm (Is 53,3-11).

          Hôm nay, câu hỏi mà Chúa hỏi các tông đồ cũng chính là câu hỏi Chúa hỏi mỗi người chúng ta, là những người môn đệ của Chúa: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Qua những điều ta nghe nói và những điều đã học về Chúa Giêsu, thật dễ dàng để mau mắn trả lời: Chúa là Con Thiên Chúa, là Đức Kitô. Câu trả lời thật đúng. Nhưng liệu câu trả lời của ta có xuất phát từ chính những gì ta đang sống không ?

          Trong cuộc sống, chúng ta có dám xác tín trả lời “Thầy là Đức Kitô không?”, hay chúng ta còn tránh né. Nếu xác tín chúng ta có dám chấp nhận sứ mạng của Thầy không, hay chúng ta cũng lặp lại như Phêrô là cản ngăn, làm trì trệ kế hoạch cứu độ của Chúa. Và rồi không biết bao lần chúng ta đưa ra những sáng kiến, đường lối chính sách nghe có vẻ hay ho nhưng đó không phải là ý định của Chúa. Biết bao lần chúng ta bắt ép Chúa phải theo kế hoạch mà chúng ta đã lập trình và cài đặt sẵn bằng những suy nghĩ nông nổi, ích kỷ hẹp hòi của ta. Biết bao lần chúng ta tổ chức lễ hội, cờ xí đèn hoa lộng lẫy, trống kèn rùm beng, đi lễ dọc kinh, làm từ thiện… nhưng Chúa không tôn vinh mà chỉ quảng cáo cho danh tiếng của ta thôi.

          Cuộc sống của ta chính là câu trả lời về Đức Kitô là ai. Mỗi Kitô hữu là một người mang Chúa Kitô trong mình. Cuộc sống mỗi ngày sẽ có những khó khăn, trái ý, đau khổ xảy đến, nhưng trong mỗi hoàn cảnh đó, câu trả lời về Chúa Kitô lại càng rõ nét. Chúa Kitô chính là Đấng cứu độ tôi, Ngài đã chọn đau khổ để tôi được sung sướng. Ngài đã chọn cái chết để tôi được sống và Ngài đã phục sinh vinh hiển để tôi cũng được phục sinh với Người. Tôi sẽ chấp nhận những khó khăn, trái ý, đau khổ như là một hồng ân giúp tôi trở nên giống Chúa và được kết hiệp với Chúa. Bởi vì Chúa đã chấp nhận còn hơn như thế và tôi tin rằng Chúa luôn quan phòng săn sóc tôi, Ngài không để tôi chịu đựng quá sức của tôi để rồi sẽ cùng Ngài bước qua thập giá tiến vào vinh quang.

          Mỗi ngày chúng ta hãy dừng lại, đặt mình trước mặt Chúa để kiểm tra lại câu trả lời của mình bằng thái độ sống với Chúa và tha nhân, bằng những mục tiêu mà ta hướng tới và nỗ lực phấn đấu cho đạt được.

 Huệ Minh

Suy Niệm 2:         Noel Quession – Chú Giải

Bài đọc I : NĂM LẺ : St 9,1-13

Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng : “Các người hãy sinh sản cho đầy mặt đất. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của các người “.

Đây rõ rệt lấy lại chướng trình nguyên thủy của Thiên Chúa đối với Ađam. Có điều khác là phúc lành mới này tiếp nối tội lỗi của nhân loại : Vậy bên kia tội lỗi. Thiên Chúa gìn giữ tình yêu đối với các thụ tạo của Người.

Một lần nữa, chúng ta nói lại rằng theo quan điểm của Thiên Chúa, sự dữ không phải là vận rủi không tránh nổi và dứt khoát : tội nhân dữ dằn nhất vẫn còn những cơ may…đứa con hoang đàng có thể làm lại đời mới, tên trộm bị án tử và bị đóng đinh thập giá kế bên Chúa Giêsu có thể vào Thiên đàng Tin lành của phúc âm trổ hoa ngay từ những trang đầu của Cựu ước.

Ta ban cho các người mọi thứ….

Điều đó được nói với ai ? Cần ghi nhận là chúng ta đang ở vào buổi đầu của nhân loại. Việc chọn lựa một dân riêng, dần Israel, sẽ chỉ xảy ra sau này, với Abraham, Giacób, Môsê.

Vậy, phúc lành Thiên Chúa ban cho Noe và dòng dõi ông là phúc lành “phổ quát”, hướng tới mọi người không trừ ai : sự sống là ân huệ đầu tiên của Thiên Chúa. Những người không thuộc về “dân ưu tuyển ” một cách hữu hình, về Hội Thánh hôm nay, đều ở dưới ảnh hưởng tình yêu Chúa. Ta ban cho các người mọi thứ. Cho mọi người Chúa ban.

1 Một “phúc lành”: Hãy sinh sản , Ta ban cho các ngươi mọi thứ.

2. Một “luật” duy nhất : Hãy kính trọng nhau, Ta đổi giá máu từng người trong các người.

3. Một “Giao ước” : “Ta không chống” các ngưới, nhưng cùng các người…

“Ngoại trừ thịt còn ứ máu, các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng các ngươi. Để ai làm đổ máu người thì máu nó cũng sẽ phải do người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh “Thiên Chúa”.

Với toàn thể nhân loại, một luật duy nhất được ban hành : tôn trọng sự sống biểu trưng bằng việc tôn trọng máu. Trong một số tôn giáo người ta không ăn thịt chưa làm sạch máu trước đã. . Mỗi lần một người Do thái giữ nghi thức về thịt “Kascher” là nhắc lại, hầu như hàng ngày, luật phổ quát phải tôn trọng “sự sống” này.

Chúng ta hãy ghi nhận lý do Kinh Thánh đưa ra : kính trọng mọi người xây nền trên sự kiện họ là “hình ảnh của Thiên Chúa”… Điều các ngươi làm cho người bé mọn nhất của Ta, là người làm cho chính Ta . Chúa Giêsu đãnói như thế.

Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sồng với các ngươi. Đây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các người, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đạt trên trời một cái móng, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất

Giao ước phổ quát.

Trong trận lụt, Thiên Chúa đã cho cảm tưởng chống loài người. Người đã tháo xiềng các binh lực của Người, tai biến thiên nhiên.

Nay Người long trọng xác quyết rằng Người quyết không hề “chống lại” nhưng đi với loài người thành đồng minh của họ luôn mãi.

Đối với Người Xê-mít, các hiện tượng khí tượng là các dấu chỉ của Thiên Chúa. Gió bão là các sứ giả của Người.

Bão tố thi’hành lệnh Chúa. Sấm sét là tiếng nói của người. Chớp lóe là mũi tên đáng sợ của Người . Thiên Chúa “chiến
binh ” tréo “cứng lên tường và hứa không dùng đến nữa. Từ nay sống với nhau, liên minh với nhau.

Bài đọc II : NĂM CHẴN : Gc 2,l-9 

Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử riêng tư.

Ngày nay, cũng còn người yêu cầu Giáo Hội đừng xen mình vào việc trần thế, đừng nói gì về sự “bất bình đẳng xã hội”.

Thánh Giacôbê trả lời : “Rõ ràng, chính các bạn mới lôi kéo những nhận xét nhân loại vào đức tin”

Giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quan lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào. Mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói : Xin mời ông ngồi vào chỗ đanh dự này. Còn người nghèo, anh em lại nói : “Đứng đó” hoặc “ngồi dưới bệ chân tôi đây”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị đó sao ?”

Khi người ta trách cứ Giáo Hội chen chân vào các quan điểm như thế là chính họ tự nhắm vào mình. Những bất bình đẳng mà ta không muốn từ bỏ, là vì chúng làm lợi cho ta.

Thế là phán đoán theo giá trị gian trá, “Giá trị gian trá”. Đó là những quy chiếu hời hợt đáng nực cười”. 

Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn kẻ nghèo khó “trước mặt người đời hay sao ?”

Chúng ta hãy biết nghi ngờ những gì do tự mình lựa chọn. Chúng không phải bởi Thiên Chúa mà ra.

Thiên Chúa yêu mến những kẻ nghèo khó hơn. Thiên Chúa đứng về phía người nghèo, là một vấn đề quan trọng được đặt ra cho Giáo Hội thời đại. Đó là một vấn đề quan trọng được đặt ra cho mỗi chúng ta.

Thiên Chúa đã làm họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người.

Sự “giàu sang” duy nhất sự cao trọng đích thật, chính là đức tin. Một khi có được sự giàu sang này, thì những người bất hạnh nhất, những người khiêm hạ nhất cũng được lưu ý như những kẻ tự kể mình là diễm phúc hay đáng kính. Vâng, đúng như vậy.

Phần riêng tôi, nào tôi không biết rằng những kẻ hèn mọn, như người ta thường gọi, lại là những người đáng kính trọng mọi bề hơn những kẻ tự cho mình là cao sang sao ?

Thế mà anh em, anh em khinh dể người nghèo. Chẳng phải những người giàu áp bức anh em đó sao ?

Thánh Giacôbê đi thẳng vào vấn đề. Ta không nên nói lược đồ “người bóc lột bị bóc lột” là một lược đồ tân tiến. Đừng buộc tội là mác xít cho kẻ tố giác sự áp bức này, nếu thực sự là có và đang hiển diện bất cứ nơi đâu. Đó cũng hoàn toàn nằm trong đường hướng đúng đắn nhất của Tin Mừng. Và không phải vì các đề tài này thường được khai thác vào các mục đích khác, không nhằm bênh vực người nghèo mà ta từ khước chúng.

Nếu anh em chu toàn luật : “Người phải yêu người thân cận như chính mình, thế là anh em làm điều tốt. Nhưng nếu anh em đối xử thiên vị giữa các người, thì anh em phạm tội”.

Lạy Chúa, xin luôn lặp lại cho chúng con biết rằng, phải thương yêu, và tình thương phải khởi sự từ đốc công bình và dẫn tới sự bình đẳng.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ tất cả những ai đang là nạn nhân trong xã hội chúng con ngày nay… Xin giúp đỡ tất cả những người đang tranh đấu cho phẩm giá và kế sinh nhai của họ. . Xin làm chúng con trở nên những người thợ xây dựng công bình xã hội… Xin giúp chúng con luôn dấn thân phục vụ nhửng kẻ kém may mắn.

Bài đọc : Tin Mừng : Mc 8,27-33

Hôm nay, chúng ta đi đến một khúc ngoặt trong Tin Mừng của Thánh Marcô, và của các Tin Mừng khác : sau những do dự và thiếu hiểu biết dài lâu, Phêrô nhân danh Nhóm Mười Hai “nhận ra” đúng con người của Đức Giêsu. Qua những tuần, những tháng quan sát và sống “với Người”…các tông đồ, cũng như nguời mù Bếtsaiđa, đã dần dần mở mắt ra.

Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Xêsarê thuộc quyền Philipphê.

Thầy trò đi về xứ sở dân ngoại, xa lánh những nhóm dân miền Galilêa. Đức Giêsu biết mình muốn làm gì : Người muốn trắc nghiệm đức tin của các môn đệ.

Dọc đường, Người hỏi các ông rằng : “Người ta bảo Thầy là ai ?”

Không phải Chúa muốn biết người ta nói gì về Người. Người quá biết điều đó rồi ? Người ta cho Người là một vĩ nhân như Gioan Tẩy giả, Elia, một ngôn sứ nào đó… “một phát ngôn viên” của Thiên Chúa… Đó cũng là điều mà mà nhiều người ngày nay quen nói tương tự như vậy. Ngày nay người ta quen cho rằng, Đức Giêsu là một con người phi thường.

Còn các con, các con bảo Thầy là ai ? Phêrô lên tiếng đáp : Thầy là Đấng Thiên sai (tiếng Hi Lạp là : Đấng Kitô) .

Như thế Nhóm Mười Hai đi xa hơn những câu trả lời thông thường của dân chúng. Tước hiệu “Christos” Đấng Kitô mà Phêrô gán tặng cho Đức Giêsu, cũng là tước hiệu Marcô dùng để khai mở Tin Mừng của ông (Mc. 1,1). Vậy cần phải nhận biết rõ về căn tính thâm sâu của Đức Giêsu. Người không chỉ là một trong các ngôn sứ mà Thiên Chúa dùng để hướng dẫn lịch sử đến chỗ thành toàn… Người chính là sự hoàn tất đó, “Đấng mà các ngôn sứ loan báo, là Đấng Thiên sai, Đấng được xức dầu, Đấng Kitô.

Người liền nghiêm cấm các ông, không được nói về Người với ai cả. 

Đó là bí mật về Đấng Thiên sai. Đó không phải là sự bác bỏ tước hiệu này, nhưng là để đề phòng sự tiết lộ quá sớm. Chúng ta luôn đứng trước một vấn đề như vấn đề : nhóm Biệt phái đòi một dấu lạ từ trời. Thái độ mong chờ Đấng Thiên sai, thật rất hậm hồ trong các môi trường Do Thái (cũng như nơi chúng ta hôm nay), đến nỗi Đức Giêsu phải trải qua cái chết và cuộc phục sinh để biểu lộ căn tính của mình.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các Trưởng tế, các Luật sĩ chồi bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. 

Ở đây, Đức Giêsu đã báo trước cuộc “Thụ khổ ” của Người chúng ta sẽ nghe ba lời loan báo như’ thế : Mc. 8,31 ; Mc. 9,81 ; Mc. 10,33. Mọi lần cả ba lời loan báo này đều liên kết sự chết và việc sống lại, đó là Kinh tin Kính nguyên thủy đầu tiên của các Cộng đoàn Kitô. Ba lời loan báo này giữ một nhịp độ tăng dần trong lời loan báo cuối cùng, Đức Giêsu sẽ tỏ lộ mọi chi tiết . Việc đó sẽ xảy ra tại Giêrusalem ” Người sẽ bị nộp cho dân ngoại , Người ta sẽ “khạc nhổ vào Người ” và sẽ ” đóng đanh Người “. (Mc 10,33). Sau cùng, mỗi lời loan báo về thập giá đều có kèm theo lời huấn dụ các môn đệ.

Phêrô kéo Người lui ra mà can ngăn Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và qưở trách Phêrô nặng lời : “Satan, hãy lui đi, vì người không biết việc Thiên Chúa mà chỉ biết việc loài người.

Như thế lệnh truyền giữ bí mật không phải là vô ích !

Lúc này, Phêrô vẫn chưa hiểu gì, mặc dù ông vừa mới gán tặng cho Đức Giêsu tước hiệu cao đẹp. Chính ông cũng chờ một Đấng Thiên sai vinh hiển. Thế mà Đức Giêsu lại vừa loan báo một Đấng Thiên sai sẽ phải chết”.

Đấng Thiên sai, mà các môn đệ chờ đợi, là một vị cứu thế theo kiểu phàm nhân theo nhãn quan người đời : một cứu Chúa chính trị, một vị giải phóng trần gian. Và một lần nữa, Đức Giêsu cảm thấy lời khuyên can trên như một cơn thử thách của Satan.

Phần tôi, tôi trông đợii gì nơi Thiên Chúa, nơi Giáo hội ?

Giáo phận Nha Trang – Chú Giải

Mc 8,27-33

Xem lại CN 24 TN B

Phê-rô tuyên xưng đức tin.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

1. Qua bài Tin Mừng này, chúng ta nhận ra một Đức Ki-tô đầy tình thương, một Đức Ki-tô đang kiên nhẫn đào luyện các môn đệ yêu dấu của mình và các môn đệ càng chậm hiểu và yếu kém tin vào tình thương của Người, Người lại càng nhẫn nại.

2. Chúa Giê-su và các môn đệ đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Tránh những nơi đô thị ồn ào để dễ tỏ lộ tâm tình và thuận tiện cho bầu khí giáo dục các môn đệ hơn.

Chúng ta dễ dàng nghe tiếng Chúa và Chúa cũng sẵn sàng tỏ bày cho chúng ta trong hoàn cảnh và môi trường thinh lặng : thinh lặng bên ngoài và bên trong tâm hồn, dễ dàng cho việc gặp gỡ Chúa, nghe tiếng Chúa soi động và cầu nguyện với Chúa.

3. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ về nhận thức của dân chúng đối với Người.

Trong công việc giáo dục các môn đệ, Chúa Giê-su lợi dụng mọi hoàn cảnh, mọi cơ hội, kể cả lúc đi đường, để dạy dỗ, uốn nắn các môn đệ trong đời sống đức tin. Điều này nhắc nhở chúng ta : một đàng phải lợi dụng mọi hoàn cảnh cụ thể và thích hợp để giáo dục đức tin, và đàng khác phải học hỏi về Chúa qua mọi biến cố sự kiện và cơ hội thuận tiện.

4. Sau khi Phê-rô tuyên tín “Thầy là Đấng Ki-tô “, nghĩa là nhận biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, Đức Giê-su mạc khải con đường cứu thế của Người là chịu thương khó, tử nạn và phục sinh.

Muốn tìn hiểu về Chúa Giê-su, để biết rõ về Người, chúng ta phải có niền tin vào Chúa Giê-su. Cũng vậy, muốn hiểu lời Chúa dạy, thì phải có lòng tin, cậy, mến :”Đó là Lời Chúa “.

5. Chúa hỏi các môn đệ về nhận thức của dân chúng đối với Người. Điều này cho thấy chúng ta phải dựa vào kinh nghiệm thuận cũng như nghịch trong đời sống đạo của người khác để cảnh giác cho mình hoặc để học hỏi và bắt chước những gương lành cho đời sống đạo của mình.

6. Phê-rô đã nói đúng về Chúa Ki-tô , nhưng ông lại không hiểu sứ mệnh của Đức Ki-tô. Nói đúng, chưa đúng; phải làm đúng nữa, mới đúng. Chúng ta nói rất đúng, rất hay nhưng chưa sống, chưa làm đúng ý Chúa, thì quả thực chúng ta chưa đúng là người ki-tô hữu .

7. Phê-rô hiểu Chúa theo lý lẽ loài người, nên bị Chúa khiển trách. Chúng ta phải gạt bỏ ý riêng, phải tránh xa thói đời, chúng ta mới hiểu được Chúa và đường lối của Người.

HTMV Khóa 10 – ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn