Suy Niệm Thứ Bảy Sau Lễ Tro C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 5: 27-32)

27 Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! “28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? “31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
 
Tin mừng Lc 5: 27-32

    Trang Tin Mừng hôm nay cho ta thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu.

          Với người Do Thái, bữa ăn có tính thiêng liêng. Đó là lúc người ta thông hiệp với nhau, nên một trong tình bạn. và cùng chia sẻ với nhau một thứ đồ ăn, thức uống.Chính vì thế ăn uống với người tội lỗi là điều không được phép, vì điều ấy sẽ khiến mình bị ô nhơ. Chúa Giêsu có vẻ không sợ chuyện này, khi Ngài nhận lời ăn tiệc chia tay do anh Lêvi khoản đãi. Bữa tiệc thật là lớn, có đông đủ bạn bè đồng nghiệp của anh. Trong số khách mời có cả các môn đệ. Chúa Giêsu dám đến nhà người tội lỗi và ăn với họ. Hẳn là Ngài rất vui và tự nhiên, chẳng có gì phải e dè, xa cách. Chỉ có những người Pharisêu là khó chịu và lẩm bẩm đặt câu hỏi tại sao.

          Ta quay lại với câu chuyện Chúa kêu gọi ông Lêvi. Chúa đã kêu gọi Lêvi : “Anh hãy theo tôi !”, ông không chần chừ mà đứng dậy mau mắn theo Người. Ông đã nắm chặt lấy cơ hội, không do dự, Ông quyết định làm lại cuộc đời… Ông tổ chức một bữa tiệc lớn mời Chúa Giêsu và các bạn bè của ông là những người bị xếp vào loại hèn mạt, tới gặp Chúa Giêsu cùng thân bằng quyến thuộc đến  chung chia niềm vui và như nói lên quyết định quan trọng của mình, đồng thời cũng để từ giã họ mà đi theo Chúa.

          Không phải tự nhiên mà Chúa Giêsu “bốc” Lêvi ra khỏi trạm thu thuế. Tính khẩn thiết của lời rao giảng “sám hối và tin vào Tin Mừng” khiến Chúa Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi, không chỉ Lêvi mà hết mọi người “đứng dậy” ra khỏi cuộc sống tội lỗi để “đi theo Người.” Và cũng chẳng phải vô tình mà Lê-vi “đứng dậy theo Người.” Ông đã được đánh động sâu xa bởi Chúa Giêsu chẳng những quên hết quá khứ tội lỗi mà còn tín nhiệm chọn gọi ông làm môn đệ của Ngài.

          Những người thu thuế và tội nhân là những người đau yếu (c. 31). Những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc Giêsu. Vì mục tiêu của đời Chúa Giêsu là kêu gọi người tội lỗi sám hối (c. 32), nên Ngài phải đến với họ, gần gũi và chia sẻ, mời gọi và yêu thương. Chúa Giêsu cho họ thấy trái tim thật sự của Thiên Chúa. Không như người Pharisêu nghĩ, trái tim ấy có chỗ cho tội nhân. Chúa Giêsu cũng dành chỗ cho anh Lêvi trong nhóm môn đệ.

          Và rồi ta thấy Thầy Giêsu kêu gọi anh Lêvi làm môn đệ phải được coi là một cuộc cách mạng lớn vào thời bấy giờ.Chẳng ai gọi một người thu thuế bị xã hội khinh miệt vào nhóm của mình. Làm thế là hạ giá chính Thầy và cả nhóm môn đệ. Đức Giêsu đã vượt qua những biên giới ngăn cách rạch ròi giữa tội lỗi và công chính, giữa thanh sạch và ô nhơ. Người Do Thái thường không giao tiếp với các người thu thuế, họ bị coi là tội nhân vì làm việc cho dân ngoại, vì dễ ích kỷ tham lam. Đức Giêsu chẳng sợ mời anh Lêvi đi theo mình: “Anh hãy theo tôi.” Ngài không nhìn anh bằng ánh mắt khác với các môn đệ kia. Chỉ một lời mời của Ngài đủ lấp đi mọi hố sâu ngăn cách. Lêvi đã quảng đại đáp lại bằng hành động: bỏ tất cả, đứng dậy, đi theo.

          Trong bữa tiệc vui, Chúa Giêsu đã đồng bàn với những người thu thuế, bạn của ông Lêvi mà vào thời bấy giờ họ bị coi là người tội lỗi, bất lương, vì khi làm nghề thu thuế thì khó tránh khỏi gian tham, bóc lột, đút lót, hối lộ, lem nhem về tiền bạc nên  bị mọi người oán ghét, ác cảm và bị đẩy xa bên lề xã hội. Ngài đồng bàn với họ là muốn chia sẻ, muốn nói lên tính thân thiện của Người với họ, ngồi đồng bàn với người tội lỗi, với mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta thấy bộ mặt của Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hợp thâm sâu với con người.

          Qua những trình thuật trong Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu tìm dịp để đến với tội nhân, Người đồng bàn với họ, Người lân la trò chuyện với họ để giúp họ vươn lên, Ngài tạo cơ hội để giúp họ làm lại cuộc đời.

          Nhóm kinh sư và Pharisiêu  thấy thái độ của Chúa như thế thì bực tức và tỏ ra bất mãn, họ trách cứ Chúa: “Sao Ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”  nhưng Chúa Giêsu trả lời thật đơn giản, thích đáng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần …”. Thật vậy, người khỏe mạnh cần gì đến thầy thuốc, bác sĩ! Chỉ người bệnh hoạn, đau ốm , những người như ông Lêvi và các bạn hữu của ông mới là người cần Chúa hơn hết.

          Chúa Giêsu thấu hiểu ý nghĩ xấu xa của những người Pharisêu nên bảo họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Dùng hình ảnh “người mạnh khỏe”, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến người Pharisêu là những kẻ luôn kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết Thánh Kinh và tuân giữ lề luật một cách máy móc, hình thức mà quên đi cái cốt lõi là tinh thần tuân giữ lề luật; chính vì thế, việc giữ đạo của họ trở nên giả dối, vụ hình thức và họ sống trong lầm lạc mà không biết. Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

          Trong khoảnh khắc gặp gỡ ánh mắt của Chúa Giêsu, ông nhận ra rằng đây là ngôn sứ của Thiên Chúa, một nhân vật mà dân chúng đang hết lòng ca ngợi vì những lời giảng dạy đầy khôn ngoan kèm theo các dấu kỳ phép lạ như: chữa lành nhiều bệnh hoạn, tật nguyền và xua trừ được cả ma quỷ. Lêvi hôm nay đã nhìn thấy được lòng thương xót của dành mình dù ông là kẻ tội lỗi. Cho nên, ông bỏ tất cả, đi theo Chúa vì ông biết rằng chỉ có theo Chúa, mình mới có thể trở nên người thánh thiện và hòa nhập cộng đồng. Vậy, sám hối không phải là việc một mình mình tự cứu lấy mình, mà là còn một tương quan giữa Thiên Chúa và tội nhân. Vì thế, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy sám hối để mối tình của chúng ta với Thiên Chúa và giữa ta với tha nhân được mãi thắm nồng.

          Chúa Giêsu chính là Đấng mà muôn dân đang trông mong chờ đợi; Người đến không phải để giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của đế quốc La-mã nhưng để giải thoát nhân loại nói chung và dân Do Thái nói riêng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, đam mê và dục vọng; Người loan báo Nước Trời đã gần đến và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng.

          Thiên Chúa là Đấng giàu lòng khoan dung, thương xót, Ngài đến không phải để luận tội nhưng để vạch ra cho chúng ta thấy thân phận yếu hèn, tội lổi của mình mà khiêm tốn thống hối,  mà hoán cải để được ơn tha thứ.

          Mùa chay là mùa sám hối, mà sám hối không chỉ có nghĩa là trở về với Chúa mà còn là giao hòa với tha nhân nữa. Xin Chúa cho chúng con sức mạnh nội lực để chúng con can đảm mau mắn đứng dậy trở về với Chúa trong kinh nguyện, sám hối và điều chỉnh lại quan hệ của chúng con với tha nhân, càng sống quảng đại, càng trao ban nhưng không, chúng con càng cảm nhận được ơn nhưng không của Thiên Chúa.

          Như Lêvi xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng can đảm đứng dậy, bước ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, đam mê, lầm lạc để bước đi trong ánh sáng của Tin Mừng, trở nên quà tặng đích thực cho mọi người.

Huệ Minh

Noel Quession – Chú Giải         Lc 5, 27-32 // Mt 9, 9-12     Xem lại thứ bảy tuần 1 TN

Bài đọc I : Is 58, 9-14 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi Lêvi Mathêu theo mình. Và người tội lỗi đứng dậy, từ bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Ong dọn một bữa tiệc để mừng việc mình hoán cải. Hoán cải và vui mừng. Đây cũng là chủ đề của bài đọc sách Isaia.

Hãy loại bỏ ra khỏi tâm hồn sự đàn áp, cử chỉ đe dọa, và những lời nói hiểm độc… Hết lòng quảng đại với người đói khát, làm cho tâm hồn đau khổ được thư thái…

Như hôm qua đây là những đề nghị rất cụ thể cho những ai chưa biết phải nỗ lực sống Mùa chay thế nào :hảo tâm trong các cư xử… chú ý tới ý muốn của người khác…lắng nghe những người bất hạnh để làm cho họ được hạnh phúc hơn.

Tôi phải bổ khuyết cho ai ?

Có ai chung quanh đang chờ mong tôi điều gì ?

Tôi đừng vội bỏ qua những vấn nạn này.

Không tự tiện đi đường xa trong ngày Sabat là ngày Thánh, và ngươi coi ngày Sabat là ngày hạnh phúc, ngày thánh, ngày hiển vinh của Thiên Chúa… bỏ công ăn việc làm và những cuộc bàn tính mưu lợi mà ca tụng Chúa .

Đó cũng là những gợi ý rõ rệt cho Mùa chay : lượng giá kỹ càng “các ngày Chúa nhật” của chúng ta. Như ngày thay thế ngày Sabat.

Chúng ta dừng lại, dùng thời giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Quên đi một chút những lo lắng, công việc quá nhân loại, để tính đến, những việc thuộc về Thiên Chúa. Tôi không phải lợi dụng Mùa chay để cân nhắc cách thế tôi đã sống các ngày Chúa nhật sao ? Đây có thật là cao điểm trong đời sống Ki tô hữu, đời sống gia đình của tôi không ? Tôi có thực hành bổn phận “ngồi xuống” mà Tin Mừng nói tới không ? (Lc 14;28). Tôi có dùng thời giờ để hồi tâm, đọc sách, cầu nguyện không ? Tôi có dùng ngày Chúa nhật để trao hiến thời giờ cho những người tôi yêu như gia đình, bạn hữu, Thiên Chúa không ?

Thánh lễ Chúa nhật có phải là trung tâm của các tuần lễ của tôi không ? Tôi nuôi dưỡng mình bằng đời Chúa thế nào ? Tôi có sách lễ : để đọc lại ở nhà những bản văn đã nghe ngày Chúa nhật không ? Tôi có đến dự lễ đúng giờ không ? Thánh lễ có phải là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và kết hiệp với Chúa không . Có là cao điểm của đời sống làm người của tôi không ? Thánh lễ có khai sáng mọi thái độ và cam kết của tôi trong tuần không ?

Thiên Chúa sẽ luôn ban cho ngươi được thảnh thơi Ngươi sẽ như cánh vườn xinh tươi…như nguồn suối nước. Nhờ Ngươi những điêu tàn ngày xưa sẽ được tái thiết, Người sẽ xây dựng lại…

Đó là những hình ảnh của triển nở và hạnh phúc, của phong phú và sức sống.

Luôn luôn vẫn cùng một ý tưởng : Chúa không muốn nỗ lực, hy sinh vì nó. Chúa muốn hy sinh để được vui tươi.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn đối diện với sự từ bỏ và trở lại theo cách đó, cách tích cực.

Chớ gì trong Mùa chay này những hy sinh không chút đắng cay, sầu muộn. Nhưng cách tự do.

Chính Chúa đã phán.

Làm sao đối với nhiều người cả ngày nay nữa, Mùa chay lại có vẻ là thời kỳ co rút giảm thiểu con người lại ? Phải, chúng ta đã bóp méo Mùa chay, khi mặc cho mình “bộ mặt chay tịnh “. Trong khi đó, đây là thời kỳ sinh động, thăng tiến, hiện hữu hơn. Thời của năng động ! đúng ! Thời của đắng cay ; sai !

Bài Tin Mừng : Lc 5,27-32

Hoán cải và vui mừng : Phái đổi đời và thực thi cuộc biến đổi này trong hân hoan.

Đức Giêsu ra khỏi nhà, đến Caphamaum và để ý đến một người thu thuế, tên là Lê vi, đang ngồi ở “trạm thu thuế”. 

Ong thu thuế gây lợi cho quân đội chiếm đóng !

Tin Mừng thường liên kết hai từ những người thu thuế và những người “tội lỗi” : gần đồng nghĩa với từ bóc lột công khai ” ngày nay. Lê vi phải là người giàu có : trước khi làm đầy công quỹ nhà nước, ông đã lợi dụng sự đóng góp của dân tộc nhỏ bé làm nặng túi mình.

Người liền bảo : “Anh hãy theo tôi”.

Đức Giêsu không đi sâu vào trong các giai cấp đã được phân hạng. Người dám chọn một trong các người tội lỗi bị khinh thường làm tông đồ. Người mời gọi anh ta đổi đời.

Tôi có tin rằng, mọi người có thể thay đổi không ?

Tôi có tạo cho mọi người dịp này để hoán cải của riêng rôi không ?

Ong Lê vi bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.

Bỏ “tất cả”.

Để theo Đức Giêsu.

Thực tế tôi đã từ bỏ một số sự việc để theo Đức Kitô không ? ‘Tôi còn giữ lại điều gì cho mình ? Lạy Chúa, con cần phải bỏ những gì để theo Chúa ? Điều đã thực sự cản ngăn con theo Chúa ?

Mùa chay phải là một thời gian thanh tẩy, trút bỏ .

Xả bớt tất cả những gì đang đầy nghẹn trong tôi. Cần tập trung vào điều cốt yếu.

Ong Lê vi làm tiệc lớn đãi Đức Giêsu tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và người khác đồng bàn với các môn đệ.

Đây là mốt gương mẫu vui vẻ từ bỏ !

ông từ bỏ tất cả để theo Đức Giêsu. Nhưng điều đó không làm cho ông nhất thiết phải sầu buồn ! ông mở tiệc, một bữa tiệc thịnh soạn, để mừng việc ông dứt khoát từ bỏ “tất cả”. Ong ăn mừng biến cố ông trở lại và ơn gọi của mình. Hoan hô cuộc sống mới ! Vạn tuế niềm vui !

Khi ăn chay, hãy chải đầu thơm. Khi từ bỏ hãy hân hoan vui mừng.

Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm kêu trách..

Họ đành thờ giờ để làm việc đó… để đả kích, than vãn, phàn nàn.

Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ? 

Đó ! nhãn hiệu khinh bỉ đã được dán lên bọn thu thuế và quân tội loi

Rõ ràng, điều cốt yếu trong tôn giáo của họ là : Phòng giữ mình, tách biệt, lên án người khác cách thành kiến và khinh miệt…

Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.

Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa. Lạy Chúa, xin thượng xót con

Nếu con không dựa vào lời Chúa phán hứa trên đây, có thể còn rất dễ nản lòng trước tất cả những gì mà con khám phá ra trong Mùa chay này. Thực sự, con ưa bằng lòng với những tập quán của con : Những lời mời gọi “đổi đời” của Chúa thướng gây phiền hà cho con ? Lạy Chúa, Mùa chay này đang làm con xáo trộn !

Vâng, con tội lỗi. Vâng, con chống lại lời Chúa kêu gọi con đau đớn cảm nhận những giới hạn của con. Liệu con có sống một Mùa chay tốt hơn không ? Con tin cậy vào Chúa. Con cần Chúa sửa trị ý chí của con.

Giáo phận Nha Trang – Chú Giải

Lc 5, 27-32 // Mt 9, 9-12

Xem lại thứ bảy tuần 1 TN

Chúa Giêsu kêu gọi ông Lêvi

HOÀN CẢNH:

Phụng Vụ hôm nay chọn bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Lêvi, để trình bày cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, để khích lệ chúng ta là kẻ có tội biết trông cậy vào Thiên Chúa tình thương.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện Chúa gọi ông Lêvi, người thu thuế, để trình bày về sự quan tâm và lòng thương yêu của Chúa đối với tội nhân.

TÌM HIỂU:

27 “Đức Giêsu đi ra và trông thấy …”

– Người thu thuế: là hạng người bị dân chúng khinh và ghét vì họ cộng tác với người ngoại bang và vì những hành vi sách nhiễu của họ đối với dân chúng. Họ bị liệt vào hàng tội lỗi (5,30; 7,34; 15,1-2; 19,7)

– Lêvi theo Mt 9,9 cũng gọi là Mat-thêu

– Anh hãy theo tôi: Chúa gọi Lêvi như một lệnh truyền. Nhưng lệnh truyền ở đây không có nghĩa áp đặt cho bằng tỏ ra sứ vụ cứu thế của Chúa cần thiết cho con người tội lỗi được cứu vớt.

28 “Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người …”

Lêvi là người thu thuế giàu có, quyền thế và danh vọng trong xã hội. Nhưng ông đã đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng sự từ bỏ tất cả. Như vậy, từ bỏ là điều kiện tiên quyết để đáp trả lời Chúa gọi.

Đứng dậy đi theo Người: diễn tả một ý chí, một quyết tâm và dứt khoát đi theo Chúa. Lêvi đã đặt Chúa là đích điểm cho cuộc đời của mình, nên ông đã bỏ mọi sự để đi theo Chúa mà không đòi một lợi lộc gì cho mình. Theo Chúa, cần phải tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa, không tìm gì cho mình, hoàn toàn phó thác và vị tha.

29 “Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người …”:

Để tỏ lòng yêu mến và biết ơn, ông Lêvi đã mời Chúa dự bữa tiệc tại nhà ông. Trong bữa tiệc đó nhiều người đồng nghiệp của ông đến dự. Chi tiết này cho thấy Đức Giêsu đã thích nghi với hoàn cảnh để tỏ lòng thương xót những người tội lỗi.

30 “Những người biệt phái và kinh sư …”

Theo tập quán Trung Đông, đặc biệt vùng Palestina, bữa ăn là nơi người với người giao lưu thân mật. Ai nhận lời mời của một người tội lỗi và đến ăn với họ, là vi phạm các chỉ thị trọng yếu nhất của bậc thầy Ráp-bi Do Thái. Vì thế, những người biệt phái và những kinh sư thuộc nhóm họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu.

31 “Đức Giêsu đáp lại …”:

Đối với Đức Giêsu, người tội lỗi là những người đau ốm, cần được chữa lành. Chính Người đã tự ví mình như thầy thuốc để nói lên việc Người đồng bàn với người tội lỗi là do sứ vụ cứu thế của Người, chứ không phải để đồng hoá với họ.

32 “Tôi không đến để kêu gọi người công chính …”

Câu này Luca thêm vào để nhấn mạnh đến lời kêu gọi của Đức Giêsu về việc ăn năn sám hối (13,1-5; 16,30; 24,47) và thành quả lời kêu gọi ấy được thể hiện nơi Lê vi và các đồng nghiệp của ông (7,31-50; 19,1-10; 23,40-43)

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Bài Tin Mừng hôm nay, Hội Thánh giải thích cho chúng ta một mẫu gương của người sống tinh thần Mùa Chay, là ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng, đó là Lêvi, người thu thuế, sau được trở nên tông đồ Mát-thêu, người môn đệ trung thành của Đức Giêsu.

2. Nhìn vào Chúa Giêsu:

a) Xem việc Chúa làm:

– Chúa gọi ông Lêvi đi theo Chúa: Chúng ta đừng mặc cảm về sự yếu kém của mình, nhưn hãy tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa. Người sẽ biến đổi chúng ta, miễn sao chứng ta biết khám phá ra ý Chúa để thực thi trong cuộc sống của mình.

– Chúa tiếp xúc với người tội lỗi: đó là thái độ nhân từ và khoan dung, ngược với thái độ khép kín, kỳ thị và khinh bỉ của các biệt phái và kinh sư đối với người tội lỗi. Chúng ta tội lỗi ư? Chúa thương yêu ta và sẵn sàng đến với ta khi ta mời Chúa đến trong niềm tin cậy mến Chúa.

– Chúa ngồi ăn với bọn thu thuế và người tội lỗi: Chúa thể hiện vai trò cứu thế của Người. Noi gương Chúa, chúng ta cần thích nghi với mọi người để có dịp làm chứng nhân cho tình thương của Chúa đối với mọi người.

b) Nghe lời Chúa nói:

“Hãy theo Ta”: Chúa mời gọi ta mỗi ngày:

+ Sống theo Chúa:

“Hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn thiện”

“Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

+ Làm theo ý Chúa: Hãy tha thứ để được thứ tha. Hãy thương yêu kẻ thù. Hãy cầu nguyện luôn. Hãy xin thì sẽ được…

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính…”: Khi chúng ta tự cho mình là tốt, đủ rồi, thì chúng ta cảm thấy không cần Chúa nữa, lúc đó tiếng Chúa không thấu đến tai ta !”

“Tôi đến kêu gọi người tội lỗi…”: khi nhận biết mình hèn yếu, tội lỗi, chúng ta cảm thấy cần đến Chúa và nhờ đó chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa, để đến với Chúa lãnh ơn tha thứ và ơn cứu độ của Người.

3. Nhìn vào ông Lêvi:

Nghe tiếng Chúa gọi, ông đã mau mắn đáp trả bằng cách:

– Từ bỏ mọi sự: Để được thanh thản và tự do.

– Đứng dậy: Để tỏ ra dứt khoát, không do dự, không luyến tiếc..

– Theo Chúa: Tin tưởng, trông cậy và yêu mến Chúa để được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Nhờ vậy, ông đã trở thành vị Tông đồ Mát-thêu trung thành với Chúa.

Mỗi người, trong tâm tình Mùa Chay, nhìn ngắm mẫu gương sống ơn kêu gọi của ông Lêvi để xác định và thực tình sống ơn Chúa gọi mình, đặc biệt ơn gọi sám hối của Mùa Chay.

HTMV Khóa 10 – ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn