Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 8: 1-11)

1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”11Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

 Suy Niệm1:   Is 43,16-21 ; Pl 3,8-14 ; Ga 8: 1-11

 Các Kinh Sư Do Thái gài bẫy Chúa Giêsu. Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo muốn dùng trường hợp người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy Chúa Giêsu hầu tìm ra cớ tố cáo Ngài. Nếu Ngài tuyên bố không ném đá người phụ nữ thì Ngài đã không tuân hành luật Môsê vì sách Môsê viết: «nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang ăn nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai phải bị xử tử» (Đnl 22,22; x. Lv 20,10). Nếu Ngài tuyên bố phải ném đá, thì họ sẽ tố cáo với chính quyền Rôma, và Ngài sẽ bị chính quyền Rôma xét xử, vì theo luật Rôma, người dân thuộc địa không có quyền lên án giết ai cả (Ga 18,31). Nhưng cách giải quyết của Chúa Giêsu  chẳng những giúp Ngài thoát cái bẫy một cách tài tình, mà còn làm bẽ mặt các nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời còn cho họ và cho chúng ta một bài học để đời.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi những người Biệt Phái đưa người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu và hỏi ý kiến Ngài, Chúa Giêsu chỉ nói: “ai trong các ông không có tội, thì cứ lấy đá ném chị này trước đi”.

Sau khi trả lời, Người im lặng, cúi xuống và viết trên đất.

Chúa Giêsu đã viết gì trên đất… Chúa Giêsu chẳng viết gì cả. Xem ra, đây có thể chỉ là cách nói lên rằng Chúa Giêsu chẳng thèm để ý tới sự thách thức của họ. Ngài chuẩn bị cho họ một huấn thị quan trọng. Quả thực bản văn không nói rõ nên người ta chẳng biết Chúa Giêsu đã “viết” gì lên mặt đất, mà có cố đoán cũng chẳng được. Tốt nhất nên tập trung tìm hiểu những dữ kiện mà Lời Chúa đã hé mở, hơn là ngồi đoán mò những điều mà Chúa không mặc khải rõ ràng. Đồng thời cũng có thể hiểu đây là cách Chúa muốn tạo ra một bầu khí thinh lặng. Bởi vì chỉ trong thinh lặng, con người mới có thể trở về với cõi lòng mình. Người ta ồn ào và hung hăng bao nhiêu khi lôi người phụ nữ ngoại tình tới trước mặt Chúa, thì giờ đây trong thinh lặng do Ngài gợi lên người ta lại càng nhận ra chính bản thân tội lỗi của mình bấy nhiêu. Người ta càng mạnh bạo kết án người khác bao nhiêu, thì giờ đây người ta lại càng rụt rè xấu hổ bấy nhiêu.

Có thinh lặng con người mới đi sâu vào cõi lòng mình. Có thinh lặng con người mới nhận ra thân phận tội lỗi bất toàn của mình.

“Ai trong các ông không có tội, thì cứ lấy đá ném chị này trước đi”.

Câu trả lời của Ngài bắt mỗi người phải đối diện với lòng mình. Ai dám tự hào mình vô tội?
Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang.
Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn.
Có bao tội bất trung nặng nề chẳng kém tội ngoại tình.
Các Kinh Sư và Biệt Phái đã thực sự nhìn vào cõi lòng của mình. Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội. Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước. Họ ra đi, để lại một mình Chúa Giêsu với người phụ nữ. Chúa Giêsu hỏi người phụ nữ: “này chị, không ai kết án chị sao?” Người phụ nữ đáp: “thưa ngài, không có ai cả.”
Không ai kết án chị, bởi vì mọi người đều có tội như cha McCathy có kể một câu chuyện như sau: ngày xưa, có một người bị bắt vì tội ăn trộm, và nhà vua đã ra lệnh treo cổ. Nhưng trên đường bị giải đến pháp trường, người đó đã nói với viên cai ngục rằng anh ta có một điều bí mật, do người cha truyền lại. Anh tuyên bố rằng khi sử dụng bí quyết này, thì anh có thể trồng một hạt giống của cây lựu, và làm cho nó mọc lên trổ sinh hoa trái chỉ trong một đêm.
Viên cai ngục quá bị ấn tượng, đến nỗi ông ta lưỡng lự việc thi hành án, và giải tù nhân trả lại cho nhà vua. Tại đó, người ăn trộm đào một cái lỗ trong lòng đất, lấy hạt giống cây lựu ra và nói: “thưa bệ hạ, hạt giống này phải được trồng từ bàn tay của một người mà chưa bao giờ lấy cắp bất cứ thứ gì. Vì là một tên trộm, nên tôi không thể trồng nó được”.

Thế rồi anh ta quay sang một viên quan của nhà vua và nói “ngài có thể trồng hạt giống này được chứ”, nhưng vị quan này từ chối ngay, nói rằng “khi còn trẻ, tôi đã giữ một vài thứ không phải là của tôi”.
Sau đó, người ăn trộm quay sang người canh giữ kho tàng của nhà vua và nói “vậy ngài có thể trồng hạt giống này chứ?” Nhưng người canh giữ kho tàng cũng từ chối và nhiều viên quan khác cũng từ chối như thế.

Cuối cùng quay sang nhà vua, người ăn trộm nói “tâu bệ hạ, có lẽ chỉ có bệ hạ mới có thể trồng được hạt giống này”, nhưng nhà vua đáp lại ngay “ta xấu hổ mà phải nói rằng, có một lần trong đời ta đã lấy một chiếc đồng hồ của cha ta”.

Sau đó, người ăn trộm nói “tất cả các ngài đều là những người có địa vị và có quyền thế, tuy nhiên, không một ai trong các ngài có thể trồng được hạt giống này, trong khi tôi ăn cắp, chỉ vì tôi đang chết đói thế mà tôi lại bị kết án treo cổ.”

Đây cũng là điều Chúa Giêsu muốn nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay: không ai vô tội cả nên không có quyền kết án người khác. Chỉ có một người có thể kết án đó là Chúa Giêsu, nhưng Ngài lại nói: “Tôi cũng vậy, Tôi không kết án chị đâu! Chị về đi, từ nay đừng phạm tội nữa.”

Chúa Giêsu chẳng những đã cứu một mạng người, Ngài còn làm sống lại một đời người.
Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ. Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt còn đang yên ngủ nơi người phụ nữ và cả nơi các Kinh Sư và Biệt Phái. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm2:

Theo luật pháp Do Thái, người ta sẽ phải bị xử tử khi phạm vào ba tội này: thờ ngẫu tượng, sát nhân và ngoại tình. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, các Luật sĩ và Biệt phái dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Đã bắt quả tang thì phải có hai người nam nữ phạm tội. Thế nhưng, việc trọng nam khinh nữ trong xã hội lúc bấy giờ đã khiến người nữ này như một một phương tiện họ dùng để gày bẫy kết án Chúa Giêsu.

Giờ đây, Chúa Giêsu phải đối đầu với một vấn đề nan giải: nếu Người kết tội người phụ nữ này phải bị ném đá cho đến chết theo luật thì rõ ràng là những lời dạy trước nay của người sẽ bị sụp đổ: nào là đến cứu chữa kẻ tội lỗi, đồng bàn với người thu thuế và người tội lỗi để nâng đỡ họ dậy không phải là cử chỉ yêu thương và nhân từ mà chỉ là đánh bóng thương hiệu. Và việc tuyên bố tội đó đáng bị xử tử, Chúa Giêsu sẽ đối diện với việc vi phạm luật pháp La mã, vì người Do Thái không có quyền kết tội tử hình hay xử tử bất cứ một ai. Còn ngược lại, nếu Chúa Giêsu bảo tha cho người phụ nữ ấy thì Người sẽ bị tố cáo là dạy cho người ta phá bỏ luật pháp Môisen, dung túng trước tội ngoại tình. Biệt phái và Luật sĩ Do Thái dùng cái bẫy hết sức tinh vi và bằng mọi thủ đoạn để kết tội Chúa Giêsu, để có trả lời đàng nào đi nữa, Người cũng sẽ bị dân chúng chống đối và kết tội. Như vậy, sau việc xử án họ dành cho người phụ nữ là việc họ đang toan tính một cuộc xử án dành cho Chúa Giêsu, mà đã có bản án sẵn đó là tử hình Người bằng hình thức đóng đinh.

Nhưng Chúa Giêsu đáp lại bằng một phản ứng rất gây ngạc nhiên. Người cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Sau đó tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Sự thinh lặng của Chúa Giêsu là một sự tế nhị của một Đấng Phán Xét dành cho tội nhân. Từ bao thế kỷ qua, các nhà chú giải Kinh Thánh đã nhọc công nghiên cứu mà vẫn không tìm ra nội dung Chúa Giêsu viết gì trên đất. Đối với thánh Gioan, việc ghi lại biến cố này, điều quan trọng không phải là nội dung Chúa Giêsu đã viết ra mà chính là sự thinh lặng của Người. “Cử chỉ không lời” của Chúa Giêsu lại là một sứ điệp muốn nói với các biệt phái và đám đông đến nghe Ngài giảng dạy và cả với người phụ nữ. Chỉ trong thinh lặng, con người ta được mời gọi trở về với cõi lòng mới có thể nghe được tiếng Chúa trong lương tâm mình.

Có thinh lặng chứ không phải sự ồn ào kết án của đám đông, người nữ mới có thể hồi tâm mà hoán cải tội lỗi. Có thinh lặng mới khiến từng người trong đám đông nhận ra thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Đoạn Tin mừng dùng những từ rất hay: “Họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất”. Họ rụt rè xấu hổ, và nhận ra mình cũng đáng tội như ai nên mới có thể bao dung cho người khác và âm thầm rút lui.

Chúa Giêsu không nỡ lột mặt nạ tội lỗi của từng người ở chỗ công khai, thì Chúa cũng muốn họ đừng làm như thế đối với người anh chị em mình. Chúa không đưa con người ta ra xét xử dưới ánh sáng của Luật nhưng đưa người ta về lại với lương tâm. Chỉ khi đối diện với lương tâm, đối diện với lòng mình, thì mình mới có thể thay đổi được. Vì “người ta có thể lừa dối cả thế giới nhưng không thể lừa dối được chính mình”. Có những người phạm tội hình sự, trốn chui trốn nhủi, thay tên đổi họ. Nhưng mười hay hai mươi năm sau, họ cũng bước ra đầu thú vì tiếng nói lương tâm cắn rứt. Vâng, dưới mắt Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là tội nhân, và cần phải được tha thứ. Như có lần Chúa bảo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6,36-38).

Khi Chúa Giêsu ngẩng đầu lên “lần thứ hai thì chỉ còn mình Người đối diện với người phụ nữ”. Thánh Augustinô chú giải: “Chỉ còn hai. Lòng thương xót và người được xót thương”. Chúa Giêsu phục hồi nhân phẩm cho người phụ nữ: “Này chị”, một lời nói nhẹ nhàng, thay vì giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi như các kinh sư và những người Pharisêu đã làm, Người thúc đẩy chị bước vào con đường hối cải, và mở cho chị một tương lai: “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng vậy. Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Quan tòa xét xử hữu hiệu không phải là để lưu đày hay loại trừ kẻ phạm tội ra khỏi xã hội lành mạnh, nhưng để khiến tội nhân trở thành người tốt. Giống như lương y không chê sự bẩn thỉu hay nhiễm trùng của bệnh nhân, nhưng là cứu giúp người bệnh bằng mọi giá.

Sách tiên tri Isaia mời gọi: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông”. (Is 1,16-18) Vậy trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta hãy chạy với tòa Giải tội, thú nhận sai lỗi của mình trước mặt Chúa và quyết tâm sửa đổi. Lòng thương xót của Chúa sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi của chúng ta và mời gọi ta đứng lên làm lại cuộc đời mới trong tình thương của Chúa để được hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.

Lm. Alfonso