Suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (20: 1-9)

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

Suy Niệm 1:    Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9
         Trong suốt Mùa Chay, nhất là Tuần Thánh, đỉnh cao là đêm Vọng Phục Sinh, Chúng ta được Giáo Hội qua các nghi thức cử hành, mời gọi chúng ta hướng về Quê Trời, cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới là chính Đức Kitô. Từ bỏ tội lỗi để sống xứng đáng là con cái Chúa. Ra khỏi bóng tối để đi vào Ánh Sáng. Những ý nghĩa này, đã được các nghi thức tối hôm qua diễn tả thật rõ nét. Thánh lễ giờ đây, chúng ta được Giáo Hội mời gọi hãy hân hoan hát lên bài ca “Chúa Đã Sống Lại! Halêluiya!” và hãy loan tin vui này đến tận cùng trái đất. Nhưng điều quan trọng là làm sao chúng ta tin? Làm sao chúng ta dám loan truyền Chúa đã sống lại? Dựa vào đâu để xác tín điều đó?

1. Ngôi mộ bị bỏ trống?

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thuật lại sự kiện Chúa Phục Sinh. Bắt đầu từ việc bà Maria Mácđala đi ra mộ, mang theo thuốc thơm để sức xác Chúa. Khi tới nơi, bà ngỡ ngàng vì những gì hiện lên trước mắt bà. Tảng đã khổng lồ đã lăn ra khỏi mồ. Như vậy, theo linh tính, bà biết rằng xác Chúa không còn trong đó. Phải chăng người ta đã mang xác Chúa đi chỗ khác? Có thể là do một hoặc nhiều người đã lấy cắp xác Chúa? Bà liền chạy về báo cho các môn đệ, và Phêrô cùng với Gioan đã chạy tới, nhưng tiến thêm một bước nữa, cả hai ông đều vào và thấy khăn vải quấn người Đức Giêsu cũng như khăn che đầu vẫn còn đó. Một trong hai ông đã tin, đó là Gioan. Sự kiện ngôi mộ trống đã rõ ràng. Chắc chắn không còn xác Đức Giêsu trong đó. Nhưng Chúa đã sống lại hay bị mang đi hoặc bị đánh cắp? Tin Mừng cho chúng ta thấy có những suy nghĩ trái chiều. Maria Mácđala thì cho rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để người ở đâu”. Với các Kinh Sư, Luật Sĩ, Thượng Tế…và những kẻ chủ mưu giết Đức Giêsu, sau khi nghe tin Chúa đã sống lại thì đã dàn dựng một vở kịch nhằm vu khống cho các môn đệ, đồng thời bảo các lính canh thế này: “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan Tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự” (Mt28:13-15).

Tuy nhiên việc phao tin là các môn đệ lấy cắp xác Đức Giêsu không khả tín cho lắm vì những lý do:

– Các môn đệ là những người ít học, đơn sơ chất phác. Những người chủ mưu giết Đức Giêsu thì có cả một kế hoạch (x. Mt 27, 62-66; 28,13-15).

– Khả năng chuyên môn của các môn đệ là chài lưới, thu thuế…Còn đội lính canh giữ Đức Giêsu thì tinh nhuệ và sắc bén (x. Mt 27, 62 – 66).

– Các môn đệ đang trong tình trạng sợ sệt, không thể nào lấy cắp xác Chúa mà vẫn ung dung xếp những giải khăn gọn gàng được (x. Ga 20:18-19).

–  Các môn đệ là những người thụ động. Lính canh là những người chủ động…

Như vậy, không có thể bày đặt ra chuyện Chúa đã sống lại để rồi lừa dối được. Gioan đã hiểu điều đó nên ông đã tin.

Tuy nhiên, nếu chỉ có chứng cứ về ngôi mộ trống thì không thuyết phục cho lắm. Sự kiện này chỉ có tính cách khai mở và là dấu chỉ của sự phục sinh mà thôi. Bằng chứng cho thấy vẫn còn nhiều giả thiết trái ngược nhau được đưa ra. Vậy, chúng ta còn dựa vào đâu nữa?

2. Những lần Đức Giêsu hiện ra và những lời Đức Giêsu đã báo trước

Đức Giêsu sống lại, Ngài đã hiện ra với rất nhiều người, có những lúc trong nhà, trên đường, ngoài bãi biển. Trong số những người được Chúa hiện ra, chúng ta gặp những tên tuổi và những nhóm người như: hiện ra cho Maria Mácđala (x. Ga 20, 11- 18); với các phụ nữ đi ra viếng mồ Ngài (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9; Ga 20,11-18); hiện ra với 2 môn đệ trên đường về Emau (x. Mc 16,12-13; Lc 24,13-35); hiện ra với các môn đệ khi các ông đang họp kín, trong đó có Tôma (x. Ga 20,19-29); bên bờ hồ Giênêdarét (Ga 21); phép lạ đánh cá (x. Ga 21, 1- 14).v.v… ; và hiện ra tại Galilê, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 28,16-20; Mc 16: 14 -18; Lc 24: 36 -49; Ga 20: 19 -23; Cv 1:6-8).

Những lần hiện ra, có những nhận thức khác nhau, và việc nhận thức này được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau:

– Nhận ra khuôn mặt Đức Giêsu (x. Ga 20, 20.27);

– Nghe thấy những gì Ngài nói (x. Ga 20,16);

– Những hành động Chúa làm (x. Lc 24, 35);

– Hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24,27.45).

Mặt khác, đây chính là sáng kiến từ phía Đức Giêsu: Ngài đến gặp họ (x. Mt 28,9); Ngài tiến lại gần các môn đệ, đến ở giữa họ, hiện ra với họ (x. Lc 24,15), đón gặp họ, cùng đi với họ, và, ở lại với họ (x. Lc 20,14;21,4).

Sự kiện Đức Giêsu hiện ra và việc nhận ra Ngài  đã được tông đồ Tôma đáp lại cách tuyệt đối sau khi đã sỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn: “lạy Chúa tôi, lạy Chúa của tôi” (Ga 20,28). Mặt khác, Đức Giêsu còn ra dấu hiệu về việc làm chứng và sứ vụ. Đồng thời, những lần hiện ra, Ngài còn hứa hẹn và loan báo sẽ trao ban Chúa Thánh Thần đến để trợ giúp, đồng hành với các ông trong sứ vụ.

Cuối cùng, Đức Giêsu đã mở lòng trí các ông, để các ông nhớ lại tất cả những điều đã được báo trước trong Kinh Thánh và chính Ngài đã nói cho các ông trước khi lên Giêrusalem để chịu chết: “Thày đi Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).

Các bằng chứng đã rõ. Chúng ta không thể không tin được. Chỉ có cố chấp và trai lì trong ích kỷ, tội lỗi…thì mới không tin mà thôi.

Như vậy, sự kiện Đức Giêsu sống lại là một biến cố lịch sử, với những chứng từ lịch sử được tất cả bốn sách Tin Mừng ghi lại: ngôi mộ trống, khăn liệm xếp ngay ngắn gọn gàng, Đức Giêsu đã nhiều lần hiện ra cùng ăn uống và đàm đạo với các môn đệ, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, và hứa sẽ đồng hành với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế qua việc trao ban Chúa Thánh Thần, và điều quan trọng nhất đó là những lần Ngài đã báo trước.

3. Sự kiện Đức Giêsu sống lại và niềm tin của chúng ta 

“Chúa Đã Sống Lại! Halêluiya!” đó là tiếng hô vui mừng của Phêrô, của Gioan, của các tông đồ…, và của mọi thế hệ Kitô hữu. Đó là niềm tin của Giáo Hội hơn 2000 năm qua, là Tin Mừng trọng đại không chỉ cho các môn đệ Đức Giêsu mà thôi, nhưng còn cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, bởi vì: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, chúng ta là những người khốn khổ nhất trong mọi người” (1Cr 15, 19), và niềm tin của chúng ta trở nên hão huyền, lời rao giảng là vô cớ. Nhưng Ngài đã sống lại và đã phục sinh tâm hồn chúng ta, biến chúng ta thành con người mới: “Nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết ngự trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Đây quả là Tin Mừng, và Tin Mừng đó phải được vang xa đến tận chân trời góc biển. Cái chết không còn là tiếng nói cuối cùng, bởi vì sau sự chết là sự sống lại, qua đau khổ là vinh quang. Sự kiện Chúa Phục Sinh, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng cũng được Phục Sinh như Ngài.

Giờ đây, niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh lại một lần nữa được chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính: tôi tin Đức Giêsu […] Đấng đã “chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.”. Đây là niền tin của Giáo Hội và của mỗi chúng ta. Chúng ta hãnh diện, tự hào và tuyên xưng đức tin ấy cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội mà chúng ta là thành phần của Giáo Hội ấy. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Suy Niệm 2:    Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9
Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Ngài là Sự Sống lại và là Sự Sống như đã từng khẳng định với chị em Mácta và Maria: “Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.”

Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã mang lại một niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại đang run sợ trước cái chết và đau khổ do hậu quả của tội lỗi. Nhưng thật đang buồn cho chúng ta vì thế giới không mấy quan tâm đến sự Phục sinh của Chúa.

Điều này thật ra cũng dễ hiểu vì lý do của chúng rất đơn giản. Vì dù là biến cố vĩ đại, nhưng biến cố này đã được Đức Kitô thực hiện cách âm thầm, khiêm tốn. Chúa Giêsu phục sinh không xuất hiện một cách long trọng, vẻ vang trong đền thánh Giêrusalem để cho những người nỗi nang trong xã hội Do thái thời bấy giờ chiêm ngưỡng. Nhưng Ngài xuất hiện cho những người tầm thường, những người do chính Ngài ọi tên, những người cùng Ngài bẽ bánh, những người biết lắng nghe những lời bình an của Ngài… đặc biệt là những người biết ý thực được sự xuất hiện của Ngài. Và thậm chí họ là những người đã từng gặp khó khăn trong niềm tin vào sự phục sinh của Ngài.

Sự Phục Sinh của Ngài hoàn toàn là một mầu nhiệm của sự chiến thắng, hai mầu nhiệm của cùng một Đấng Cứu Thế, nhưng hoàn toàn phản diện nhau. Như vậy giá trị của đau khổ không phải là đau khổ mà là vượt qua đau khổ. Hiển nhiên bên kia của đau khổ là vinh quang, nhưng sự đau khổ của Con Thiên Chúa là sự đau khổ vinh quang, giá trị đau khồ mà Chúa Giêsu đã thực hiện là giá trị của Hy Lễ dâng lên Thiên Chúa Cha khác với giá trị đau khổ của phàm nhân. Vì vậy, người mang đau khổ vì Hy lễ thì khác với người mang đau khổ không có giá trị hy lễ.Như vậy, con người thì phải chết, nhưng Con Thiên Chúa thì Phục Sinh. Đó là niềm tin và hy vọng tuyệt đối cho những ai được xưng danh Kitô hữu đến giây phút cuối cùng.

Ta thấy một mình Maria đi thăm mồ Chúa từ sáng sớm. Việc thăm mồ của bà không phải hoàn toàn để tìm Chúa Giêsu Phục sinh, nhưng bằng con tim dạt dào lòng mến đối với vị thầy Giêsu chí thánh đã từng tha thứ và hướng cuộc đời bà rời xa bóng đêm tội lỗi, lật sang trang mới. Chính lòng cảm mến đó đã thúc đẩy bà lên đường viếng mộ Chúa, đây chỉ là việc thăm viếng bình thường. Nhưng đau thương chồng chất đau thương, bà hốt hoảng, xót xa khi nhận ra xác Thầy không còn nữa. Bà không nghĩ rằng Chúa đã sống lại, đã quên lời Thầy báo trước hôm nào. Bằng linh tính của người phụ nữ và bằng cảm thức của một con tim dạt dào tình yêu đối với Chúa Giêsu làm bà lo âu khắc khoải. Bà nghĩ ngay “xác Thầy đã bị đánh cắp”. Niềm hy vọng của bà hiện nay là làm sao tìm lại xác của Thầy đã chết.

Maria chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan, cả ba hối hả chạy đến mồ. Không thấy xác Thầy đâu, chỉ còn lại nấm mồ trống trơ, lạnh vắng với những khăn vải liệm được xếp ngăn nắp. Đứng trước mồ Chúa, ba người có ba thái độ khác nhau.

Nhìn những tấm khăn vải liệm được xếp ngăn nắp, Gioan tin Thầy mình đã sống lại. Vì chẳng ai ăn cắp xác Chúa lại phải tốn giờ sắp gọn gàng khăn liêm như thế!

Còn Phêrô thì không thấy Tin Mừng ghi lại một lời nào trước ngôi mộ trống. Chúng chỉ biết thánh Phêrô trở về nhà trong sự thinh lặng và chìm sâu trong suy nghĩ. Không phải ngài cứng lòng tin. Nhưng có lẽ vì là thủ lãnh tông đồ đoàn nên ngài cần thận trọng khi tuyên bố những gì về đức tin. Vì lời tuyên xưng của ngài có ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội. Còn Maria thì vẫn là bâng khuân với suy nghĩ “xác Thầy đã bị đánh cắp”.

Phục Sinh của Đức Giêsu không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp con trai bà góa thành Na-im (Lc 7, 11-17), như con gái ông Gia-ia (Lc 8, 40-56), và đặc biệt như ông La-za-rô (Ga 11, 1-45). Cả ba trường hợp này người chết đã sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ, và một ngày nào đó họ cũng phải theo số phận chung của loài người là phải chết một lần nữa, phải trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền thống trị của sự chết.

Quả thật “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” (Rm 6, 4-5). Và chỉ đến khi đó, tôi mới thật sự vui mừng mà hoà chung tiếng hoan ca với mọi người: Chúa đã sống lại hiển vinh! Alleluia! Alleluia!

Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại phải chết. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được Ngài. Không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài. Phục Sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta. “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,24)

Niềm tin Phục sinh phải được loan báo cho muôn dâng bằng đời sống chứng nhân của các kitô hữu. Niềm tin Phục sinh phải được bày tỏ bằng một tình yêu xả thân trọn vẹn cho anh em.

Sống niềm vui Phục sinh là bằng lòng chết đi cho những đam mê của xác thịt; mai táng tính ích kỷ , tham lam, háo danh trong mộ đá, để được Phục sinh trong vinh quang với Người.

Sống niềm vui Phục Sinh là trỗi dậy sau những lần thất bại đắng cay, những mắt mát đớn đau trong cuộc đời để sống lại cùng với Đấng Phục sinh.

Cùng chết với Đức Kitô nghĩa là cùng chết đi con người cũ với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi thú mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.

Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi. Chúa Giêsu là mẫu gương của chúng ta, Chúa đã thực hiện cuộc vượt qua, đã chết và sống lại để thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những gì gù lưng tật xấu, để trở thành của ăn nuôi sống chúng ta và biến đổi chúng ta thành con người mới được tái tạo theo hình ảnh Chúa Kitô, và chúng ta cần luôn nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để giải thoát mình khỏi những tật xấu, để chúng ta không còn bị gù lưng tinh thần mà đứng thẳng lên sống lại cuộc sống mới với Chúa.

Huệ Minh