Ta thấy rằng không phải chỉ có Kitô giáo mới giảng dạy về tình yêu thương. Văn hoá Á đông đã từng nhấn mạnh: Tứ hải giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em. Cha ông chúng ta thuở trước cũng đã khuyên nhủ: Thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng yêu thương rộng mở đối với mọi người trong xã hội.
Tình yêu luôn luôn đòi hỏi điều tốt nhất của chúng ta và thể hiện điều tốt nhất trong chúng ta. Được yêu thương cho người ta một lòng can đảm và năng lực lạ lùng. Khi yêu cũng thế, người ta nói: tình yêu và năng lực sẽ được ban cho bạn, ở đâu có tình yêu lớn, ở đó luôn có phép lạ. “Tình yêu là ngọn lửa sưởi ấm linh hồn chúng ta, đem lại năng lực cho tinh thần và cung cấp đam mê cho đời sống của chúng ta. Nó là sự liên kết của chúng ta với Thiên Chúa và người khác”
Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với tha nhân không còn là “tình anh em máu mủ”, cũng không còn là “bản thân mình” nữa. Mẫu mực, thước đo của tình yêu Kitô giáo là chính tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là tình yêu trao ban, là tình yêu dâng hiến. Chúa Giêsu khi nói về tình yêu của Thiên Chúa và cũng là tình yêu của chính mình, Ngài đã khéo so sánh: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Luật yêu thương này là cốt tủy của đạo Chúa và cũng là nền tảng của mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Mến Chúa yêu người đi song đôi với nhau. Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu tha nhân và tình yêu tha nhân là thước đo tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là mẫu mực để tình yêu con người trở nên hoàn thiện. Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước để mỗi người noi theo: Tình yêu cốt tủy ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4, 10-11).
Như Chúa đã yêu là yêu thương chính lúc người thường không thể yêu, yêu thương chính cái điều mà người thường không thể yêu, và yêu thương những người mà người thường không thể yêu. Hơn nữa người môn đệ Chúa bó buộc phải yêu thương như thế thì mới xứng đáng là môn đệ Chúa. Chúa muốn chúng ta yêu thương theo kiểu mới đó. Không phải Chúa chỉ muốn, mà Chúa còn truyền như một giới răn “Thầy ban cho chúng con một giới răn mới”.
Như Thầy đã yêu thương các con là điều răn mới mà Đức Kitô thêm vào luật cũ của Cựu ước. Nói con phải yêu thương anh chị em như chính mình con, nơi thánh Gioan 12,34 Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
Như vậy, tình yêu thương này không còn phát xuất từ chính chúng ta nữa, nhưng là phát xuất từ Thiên Chúa. Lòng mến phát xuất từ Thiên Chúa như thư I của thánh Gioan 4, 7 diễn tả như sau: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau như vậy”.
Tình thương của chúng ta đối với anh chị em là tham dự vào tình thương của chính Thiên Chúa đối với chúng ta. Cũng chính vì vậy giới răn yêu thương mới này được đồng hoá bởi tình yêu mến mà chúng ta có đối với Chúa. Yêu thương anh chị em và mến Thiên Chúa là một, và ai không yêu thương anh chị em thì cũng không
Và ta thấy trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu ban bố và trăn trối cho các môn đệ trước khi Người ra đi chịu chết: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Giới luật yêu thương của Cựu Ước: “Ngươi không được để lòng ghét anh em. Ngươi không được trả thù, không được oán hận. Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19, 17-18). Giới luật đó đã được Chúa Giêsu hoàn tất và ban bố như luật tối thượng của giao ước mới, của luật mới: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất, còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môisen và các sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37-40).
Đức Kitô cũng đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu tuyệt vời nhất: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Đúng thế, Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc chúng ta, nhờ đó chúng ta được xoá bỏ bản án của tội nguyên tổ, lấy lại địa vị làm con cái Chúa. Kể từ nay, chúng ta là anh em một nhà vì có chung cùng một người cha là Thiên Chúa. Chính vì thế, Ngài đã truyền dạy: Phải kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình. Đồng thời, nhờ tình bác ái yêu thương đối với anh em, mà chúng ta trở nên người môn đệ đích thực của Chúa: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.
Tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu hiến dâng mạng sống của người mẹ dành cho đứa con trong câu chuyện trên đây, là lời minh chứng hùng hồn cho lời dạy của Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu như Thầy đã yêu chính là cúi xuống rửa chân cho nhau để bày tỏ một tình yêu sâu thẳm, cho dù người ấy là Giuđa, kẻ phản bội tình yêu. Yêu như Thầy đã yêu chính là hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ và yêu thương như bạn hữu thân tình. Yêu như Thầy đã yêu chính là yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết và chết trên thập giá. Vâng, kể từ khi Con Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, thì luật yêu thương đã trở thành điều răn mới, mới ở đây chính là yêu như Thầy đã yêu.
Chúa Giêsu không đòi các môn đệ của Ngài phải thông thái như các thầy kinh sư và ký lục. Ngài cũng không bắt họ phải sống nhiệm nhặt, gò bó như nhóm người Biệt phái Pharisêu trong việc tuân giữ các giới luật. Điều Ngài đòi nơi các môn đệ, chỉ một điều duy nhất mà thôi, là phải yêu thương anh em, yêu thương người khác như chính Ngài đã yêu thương mọi người đến tột cùng, đến hết khả năng yêu thương của Thiên Chúa.
Chính tình yêu thương vô vị lợi, phổ quát, bao dung nầy sẽ là dấu chứng của những người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Người môn đệ Chúa Giêsu là người biết yêu thương tha nhân và ngược lại. Ngay từ cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, dấu chứng tình yêu đã trở thành chứng tá của Chúa Kitô Phục Sinh. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, các người bên ngoài Giáo Hội cũng vẫn nhận ra Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của một tấm lòng vị tha, bác ái của người tín hữu.
Giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu trăn trối lại cho các tông đồ và cho cộng đoàn Giáo hội thật mới mẻ, vì nó diễn tả thái độ dấn thân tuyệt đối và trọn vẹn mà Chúa Giêsu đã ký kết với loài người bằng chính máu của Ngài. Tình yêu thương ấy là tình yêu thương hai chiều bình đẳng giữa các tín hữu. Bởi vì trong cộng đoàn ai cũng cần yêu thương và được yêu thương. Nhưng từ nay không còn chuyện yêu người như yêu mình nữa, mà yêu người như chính Thầy đã yêu chúng con, nghĩa là Kitô hữu phải yêu thương nhau với cùng cường độ trong cùng tâm tình và kiểu cách của Chúa Giêsu là tận hiến vô biên và trọn vẹn. Tình yêu thương của Chúa Giêsu là suối nguồn, mẫu mực và linh hồn tình yêu thương của Kitô hữu. Và sau cùng, tình yêu ấy là căn cước, là chứng tích sống động giúp nhận ra ai là thành viên thực sự thuộc cộng đoàn Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô
Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy khi anh em yêu thương nhau.
Huệ Minh
Suy niệm 2:
Đoạn văn Tin mừng hôm nay được xem là một trong những lời tâm tình nhất của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, vì nó nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu sắp chia tay các môn đệ yêu dấu. Có thể nói những tâm tình của người sắp rời xa dành cho người ở lại lúc này đây là những tâm tình căn cốt nhất, tâm huyết nhất, và là lời nhắn nhủ đầy tha thiết.
Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha làm hiển danh Con của Ngài khi Người Con được giương lên cao trên Thánh giá. “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người”. Chúa Giêsu xác tín rằng vì mang cả nhân tính lẫn thiên tính, cương vị của Con Người Giêsu được tôn vinh nơi cuộc khổ nạn và và đỉnh điểm nơi phục sinh là dấu chỉ Người chiến thắng tội lỗi và sự chết cách vinh hiển. Chính Người là hiện thân của “Thiên Chúa ở với loài người”, như Bài đọc II trích sách Khải Huyền cho biết: “Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ”. Giờ đây bắt đầu một sự mới mẻ và hoàn thiện của việc thực thi “giới răn mới”. Chúa Giêsu, Đấng không đến để bãi bỏ điều luật nhưng để kiện toàn. Việc Người kiện toàn tình yêu của giới răn cũ là “mến Chúa yêu người” giờ đây được đòi hỏi thêm nở tình bác ái huynh đệ: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau”. Yêu tha nhân như chính mình chưa đủ, còn phải yêu tha nhân như gương Chúa Giêsu Kitô đã yêu.
Sở dĩ Chúa Giêsu có thể yêu như thế vì Người mô phỏng theo tình yêu Chúa Cha dành cho loài người cũng đến cùng đến nỗi sẵn sàng trao ban Con Một. Thiên Chúa còn yêu thương con người ngay lúc con người còn là tội nhân, Ngài biết tại sao họ lại hành xử và phản ứng như vậy, nên Ngài thông cảm và tha thứ với những yếu đuối của con người. Qua đó Chúa mong muốn chúng ta tập theo cách hành xử như Chúa, con tim như Chúa, bao dung nhân hậu như Chúa, có cái nhìn như Chúa. Đó là tình yêu ân cần, tận tâm, vô vụ lợi, sẵn sàng hiến mình.
Trong thế giới ích kỷ và người ta dửng dưng với nhau, ham mê tiền bạc, bóc lột người nghèo, Kitô hữu càng cần thể hiện cách cụ thể tình yêu đó để người chung quanh nhận ra người Kitô hữu là môn đệ đích thật của Chúa Kitô. Thù hận, tìm cách trả thù chỉ làm cho con người khổ sở bất hạnh. Ngay cả khi người ta xúc phạm đến mình, nếu mình tha thứ, mình sẽ sống an bình và hạnh phúc hơn.
Ngày 23.03.2019, ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ phong thánh đã chủ sự Lễ phong chân phước cho Mariano Mullerat Soldevila, một bác sĩ có lòng bác ái, thương yêu giúp đỡ người nghèo. Với đức tin mạnh mẽ, bác sĩ bênh vực Giáo hội trong thời chiến tranh bách hại. Đến phút cuối, bác sĩ vẫn chăm sóc cho người làm hại đến mình.
Mullerat theo học ngành y tại đại học Barcellona và tốt nghiệp 7 năm sau đó, năm 1921, khi 24 tuổi. Một năm sau, anh kết hôn và bắt đầu đi đến các thành phố lân cận để chữa trị miễn phí cho những người nghèo. Anh an ủi khuyến khích những người nằm liệt giường và những người bệnh nặng siêng năng lãnh nhận các bí tích và lo liệu để những người này có thức ăn cũng như thuốc thang đầy đủ.
Năm 1931, cách mạng lan rộng khắp cả nước, Cộng hòa Tây Ban Nha lên nắm quyền, cùng lúc vua Alphongso XIII bị đi lưu đày. Một số người gần gũi thân cận với bác sĩ Mullerat đã đề nghị ông rời Tây Ban Nha, nhưng ông từ chối. Người ta cũng đề nghị ông chạy đến ẩn náu ở Zaragoza, nơi ông sẽ được an toàn, nhưng một lần nữa ông không muốn làm thế. Ông tin rằng mình phải hoàn thành sứ mệnh giúp đỡ người nghèo. Tràn đầy niềm tin và không sợ phải đối mặt với nguy hiểm, vẫn quyết ở lại nơi đó.
Và rồi không lâu sau đó, những người lính đã đến nhà bác sĩ và bắt anh đưa đi. Một phụ nữ có đứa con bị bệnh đã bước ra giữa đường và chặn chiếc xe tải dừng lại, và hỏi xem bác sĩ Mullerat có thể giúp con của bà không. Những quân lính đã cho bác sĩ khám bệnh cho đứa bé và kê đơn thuốc. Kế đó, bác sĩ Mullerat cũng nhận thấy rằng một trong những người lính dân quân đang bị một vết thương, ông liền hỏi xem mình có thể kiểm tra vết thương cho anh ta không. Người lính chỉ cho ông thấy một vết cắt sâu ở chân, và bác sĩ đã băng bó cho anh ta và chỉ cho anh ta cách chăm sóc vết thương. Sứ mệnh bác sĩ của ông đã là phúc lợi cuối cùng cho một trong những kẻ tra tấn bắt bớ ông.
Trong bài giảng Thánh lễ phong chân phước, ĐHY Becciu nhận định: “Chân phước tử đạo Mullerat không chỉ là một anh hùng, còn thúc giục chúng ta trở nên đồng hình trọn vẹn hơn với Chúa Kitô, khi tìm thấy nơi Người suối nguồn của sự hiệp thông Giáo hội đích thực, để chúng ta có thể làm chứng tá cho xã hội ngày nay về tình yêu và sự dấn thân của chúng ta với Chúa và với anh em của chúng ta. Bằng gương sáng và lời chuyển cầu của mình, vị chân phước giúp chúng ta không để mình bị sự chán nản và trì trệ thống trị”.
Hành động yêu thương đến cùng là cung cách hành xử của Thiên Chúa, và “căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”. Chính khi yêu thương nhau như Chúa làm con người được hạnh phúc thật sự, và Thiên đàng là nơi người ta yêu thương, sống hạnh phúc vì quan tâm đến nhau. Vậy, lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra không có con đường nào khác dẫn tới Thiên đàng ngoài con đường yêu thương. Khi chúng con yêu như Chúa Giêsu yêu là chúng con đang được trở nên thần hóa, đang bắt chước Thiên Chúa và dần trở nên thánh vì Thiên Chúa là Đấng Thánh. Amen.
Lm. Alfonso