Suy Niệm Thứ Hai Tuần V Phục Sinh C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (14: 5-18)

     5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” 6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”.8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em.

Suy niệm:

SUY NIỆM 1: Những giới hạn

Hôm nay, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc là những lời tâm sự của Chúa Giêsu cho các tông đồ trong một khung cảnh hết sức quan trọng là bữa tiệc ly của Chúa với các môn đệ trước khi thực hiện biến cố vượt qua. Cấu trúc của toàn chương 14 này của Phúc Âm thánh Gioan được xoay quanh ba câu hỏi của các tông đồ. Câu hỏi thứ nhất là của tông đồ Thomas: “Thầy đi đâu chúng con không biết thì làm sao chúng con biết đường đi?” Và câu hỏi thứ hai của tông đồ Philípphê: “Lạy Thầy, xin chỉ cho chúng con nhìn thấy Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi.”

Trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm qua chúng ta đã nghe những lời Chúa Giêsu trả lời cho hai câu hỏi trên và từ đó chúng ta được Chúa cho biết mục đích của đời sống con người là gì và đâu là con đường để đạt tới mục đích đó. Con đường đó không là gì khác hơn là chính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha cho con người và dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ với các tông đồ: “Thầy là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, và hôm nay chúng ta đọc và suy niệm những câu kế tiếp, trong đó chúng ta sẽ nghe thấy những câu Chúa Giêsu trả lời cho câu hỏi thứ ba của tông đồ Giuđa Tadeo: “Lạy Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Xem ra như Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của Giuđa Tađeo nhưng Chúa nhắc tới thái độ tự nguyện tự quyết của kẻ muốn theo Chúa: “Ai lắng nghe lời Thầy, ai yêu mến và tuân giữ lời Thầy thì người đó là kẻ yêu mến Thầy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”.

Qua câu trả lời này chúng ta hiểu về những giới hạn trong mạc khải của Chúa và từ phía con người chấp nhận hay không chứ không phải từ Thiên Chúa, là Ðấng muốn cứu rỗi tất cả mọi người. Con người chúng ta có tự do khước từ ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, giới hạn tác động cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thật đây là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của sự tự do con người và sự hữu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Con người cần được trợ giúp để quyết định cho đúng và nguồn trợ lực đến từ Chúa Thánh Thần là Ðấng tiếp tục soi sáng cho các tông đồ, hướng dẫn họ đến sự thật trọn vẹn mỗi ngày một hơn. Và cũng qua đoạn Phúc Âm trên chúng ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai yêu mến Người là một sự hiện diện Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình thương của Chúa. Xin cho con luôn sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để mọi nơi và mọi lúc con luôn được lớn lên trong tình yêu Chúa và anh chị em chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Muốn lòng mến tồn tại

Chúng ta không xét đến những bất trung của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta phạm pháp, phạm giới luật nhiều và cũng không thấy một thứ trung thành với Thiên Chúa, chỉ có bề ngoài, thứ trung thành lắt léo khi giữ luật: luật nói gì thì tôi làm thế, luật cấm gì thì tôi không thể dám làm, nếu không tôi mắc lỗi nặng.

Nếu chúng ta trở về với trọng tâm của Tin mừng, chúng ta sẽ thấy một hướng khác, điều quan trọng nhất là cần liên đới với Thiên Chúa như điều răn nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chính tình yêu là trung tâm sự liên kết với Thiên Chúa. Không có tình yêu này, sự nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa sẽ bất chính, như thấy Thiên Chúa là Đấng báo oán quá trớn và công thẳng quá độ.

Quá nhiều Kitô hữu còn sợ Thiên Chúa theo lối giữ lời Chúa vì sợ Thiên Chúa báo thù, chứ không vì yêu mến Chúa. Không có lòng yêu mến, những đòi hỏi thánh thiện trở thành gánh nặng không thể chịu nổi: Đó là ách quá nặng làm cho tâm thần bấn loạn.

Trái lại, nếu những liên kết với Chúa được xây dựng trên tình yêu, tình yêu này sẽ thúc đẩy sống trung thành bền vững. Thiên Chúa sẽ đáp lại lòng trung thành này bằng ở lại với người ấy: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Thiên Chúa không áp đặt sự hiện diện của Ngài. Ngài không đến như kẻ đi nghỉ mát. Nhưng Ngài đến ở với tấm lòng ưu ái nồng nàn, đó là nơi tình yêu và lòng trung tín gặp nhau, sống với nhau.

Một đứa trẻ sẽ cảm thấy bị áp đặt sống trong một gia đình khi nó không có lòng yêu mến, cũng thế, chúng ta sẽ thấy bị bó lòng phải giữ giới răn Chúa, khi chúng ta chưa yêu mến Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta biết đáp lại bằng một tình yêu cụ thể trước khi Ngài đến. Như vậy, khi chúng ta tin tưởng yêu mến và trông cậy Ngài, Ngài đã ở trong chúng ta rồi. Thực vậy, đức tin, đức cậy và đức ái là ba nhân đức đối thần, là của cải của Thiên Chúa ban cho chúng ta, cho chúng ta thấy hình ảnh Ngài trong chúng ta.

C.G