Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 1: 39-56)
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth, và sau khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện”. Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay, muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”. Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn người trở về nhà mình.
Suy Niệm: Niềm Vui Thăm Viếng – Tin Mừng Lc 1: 39-56
Đức Maria lãnh nhận được một niềm vui cao trọng là cưu mang Con Một Thiên Chúa trong cung lòng của mình. Niềm vui cao trọng ấy đã không đưa Mẹ đến với thái độ tự cao, tự đại. Nó cũng không đưa Mẹ đến chỗ khép kín lòng mình để hưởng riêng hạnh phúc ấy. Nhưng ngay lập tức, Mẹ đã lên đường để chung chia niềm vui với người chị họ của mình là Elizabet. Niềm vui sâu thẳm đó đã không ngăn nổi bước chân yếu mền của người phụ nữ, trước vạn dặm xa xôi, đường xá cách trở để viếng thăm người chị họ của mình.
Đức Mẹ nhận thấy Chúa Giêsu trong cung lòng Mẹ đã sớm làm những việc lạ lùng và, Mẹ được đặc ân cao cả nên Mẹ đã khiêm hạ cất tiếng cao rao chúc tụng Chúa (Lc 1, 46-55). Chỉ có Chúa Giêsu âm thầm trong cung lòng Đức Mẹ, không tỏ ra dấu hiệu nào. Coi như Chúa thụ động nhưng lại rất chủ động trong biến cố Thăm viếng này. Chúa thường giấu ẩn uy quyền của Người để tỏ cho chúng ta biết quyền lực của Người vô hình, chuyển động mọi sự, điều khiển mọi sự cách kín đáo. Thế nhưng ảnh hưởng quyền lực của Người rất sống động và sâu rộng. Người làm cho thai nhi Gioan được khỏi tội Nguyên tổ trong lòng Thánh Elizabeth. Đó là phép lạ đầu tiên trong ơn thánh mà Chúa âm thầm làm ngay khi còn trong cung lòng Mẹ Maria.
Đức Mẹ đi thăm chị họ của mình cũng có thể nói là Mẹ ra đi truyền giáo. Theo Tin Mừng viết thì Đức Mẹ đi một mình. Nhưng với niềm tin của chúng ta, Đức Mẹ đi cùng với Thiên Chúa vì Mẹ đã được Thiên Chúa chúc phúc, được tuyển chọn, là người của Chúa, thuộc về Chúa và cũng đang cứu mang Con Một Thiên Chúa. Như vậy trên đường đến thăm chị họ, Đức Mẹ luôn có Chúa đi cùng. Đức Mẹ đi trong niềm vui và mang niềm vui đến cho mọi người. Niềm vui ấy được thể hiện nơi thai nhi của bà Êlisa bét: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1, 44). Chúng ta hãy bắt chước Mẹ lên đường trong niềm tin rằng chúng ta không bao giờ đi một mình, chúng ta luôn có Chúa thân hành và hiện diện.
Thứ đến, động lực thúc đẩy Đức Mẹ lên đường là do lòng yêu mến và tình người của Đức Mẹ. Khi đã có lòng yêu thương thì có gian nan, xa xôi thì cũng điều vượt qua. Đức Mẹ biết chị họ đã già, lại có thai lần đầu tiên và được sáu tháng nên rất cần người giúp đỡ. Đức Mẹ đã đến ở và giúp người chị của mình. Học nơi mẹ, chúng ta đừng có thái độ làm ngơ hờ hững với anh em họ hàng của mình. Chúng ta hãy yêu thương, quan tâm giúp đỡ khi họ cần vào lúc thuận tiện có thể. Nhờ đó, chúng ta được thêm niềm vui và anh em mình cũng được hạnh phúc như Đức Mẹ vậy.
Chính cuộc viếng thăm ấy, Đức Mẹ cảm thấy vô cùng hạnh phúc không gì diễn tả nổi. Đức Mẹ đã cất cao bài “Magnificat”. Một bài ca vang mãi muôn đời. Bài hát mà Giáo Hội đã làm lời kinh trong phụng vụ. Cùng với Giáo Hội chúng ta hãy hát lên và sống bài ca ấy. Bài ca của niềm vui trọn vẹn và đích thực. Niềm vui vì nhìn thấy được công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; vui vì tìm được nguồn chân lý, công bằng và sự thật và vui vì con đường đến với Thiên Chúa còn có rất nhiều người cùng đi.
Họ đến với nhau để san sẻ, họ đã đến với nhau bởi tình người, họ đến với nhau để niềm vui được nhân lên và họ đến với nhau nhờ tình Chúa.
Mẹ đã lên đường không chỉ để đem niềm vui đến với Elizabet. Mẹ còn lên đường để đến giúp đỡ, san sẻ gánh nặng mà Elizabet sẽ đối diện khi đang mai thai đứa con đầu lòng ở tuổi già. Mẹ đã hình dung được sự cần giúp đỡ nơi người chị họ của mình. Mẹ thấu hiểu được sự quan trọng trong tương quan tình người giữa những lúc khó khăn. Mẹ đã đến ở với Elizabet, phục vụ chị trong lúc lòng mang dạ chửa. Mẹ đến để nơi đó, cả niềm vui lẫn khó khăn sẽ trở nên cảm xúc chung của cả hai chị em.
Và rồi ta thấy đáp lại lời chào mừng của Đức Trinh Nữ, bà Elizabeth nói: “Phúc cho em là người đã tin mọi điều Chúa phán truyền cho em sẽ được ứng nghiệm” (Lc 1, 45). Những lời này được nói ra do Chúa Thánh Linh và đề cao nhân đức cốt yếu của Mẹ Maria là “đức tin”. Các Giáo phụ của Giáo hội đã suy niệm nhiều ý nghĩa của nhân đức này trong cuộc sống của Đức Trinh Nữ. Các ngài không ngần ngại diễn tả những bình luận có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Như Thánh Augustinô nói: “Tính cách người mẹ của Đức Trinh Nữ không ích chi cho Người, nếu Người không cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng hơn là trong cung dạ”.
Niềm vui của hai người phụ nữ gặp nhau đã được nhân lên bội phần khi đứa con trong lòng Elizabet nhảy vui hớn hở. Khi niềm vui được sẽ chia thì cũng là lúc giá trị của nó được nâng lên. Niềm vui của họ đã lan tỏa cả đến những người con của họ, dù đang ở trong bào thai. Niềm vui của mẹ cũng sẽ là niềm vui của con. Niềm vui của em cũng sẽ là niềm vui của chị. Đó là khung cảnh diệu kỳ trong giây phút gặp gỡ của hai chị em. Hơn thế nữa, đó còn là giây phút tình Chúa hòa quyện với tình người trong sự sẽ chia và tương trợ lẫn nhau.
Tình người trong cuộc sống là sợi dây vô hình giúp chúng ta cảm thấy nhẹ gánh và dễ dàng thăng tiến hơn. Khi mà thế giới này đang đưa con người đến chỗ ích kỷ, hờ hững, thờ ơ với nhau thì mỗi chúng ta được mời gọi hãy mạnh dạn lên đường trao ban và chia sẽ cả niềm vui lẫn nỗi buồn của cuộc sống.
Nhờ đức tin của Mẹ, Mẹ Maria có thể không sợ hãi tới gần vực thẳm chủ định cứu độ khôn dò của Thiên Chúa: Không dễ gì tin rằng Thiên Chúa muốn “mặc xác phàm và đến ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Người muốn ẩn mình trong đời sống thường ngày vô nghĩa của chúng ta, và mặc lấy nhân tính yếu hèn phải chịu nhiều điều kiện mất thể diện. Mẹ Maria đã dám tin dự án “bất khả hữu = impossible” này. Mẹ tin cậy vào Đấng toàn năng và trở thành người cộng tác vào sáng kiến lạ lùng của Thiên Chúa đã mở ra niềm hy vọng cho lịch sử chúng ta.
Và rồi mỗi Kitô hữu chúng ta hãy xin ơn và luôn bắt chước gương thăm viếng của Mẹ Maria. Hãy thăm viếng nhau và đem lại cho nhau những niềm vui và sự bình an. Hãy thăm viếng những người yếu đau và có thể mang theo những món quà với tình thương mến. Bề trên hãy thăm viếng những người bề dưới với sự đồng cảm và sẻ chia. Bề dưới hãy thăm viếng bề trên với lòng hiếu kính. Đặc biệt, trong các cuộc thăm viếng hãy mang Chúa đến cho tha nhân, như Đức Mẹ đem Chúa đến cho cả gia đình ông Giacaria ngày xưa.
Huệ Minh