Suy Niệm Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan ( Ga 20:19-23)

19  Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

 Suy Niệm:    Tin Mừng Ga 20:19-23

Trong kho tàng văn chương Ấn Giáo ghi lại câu chuyện như sau: có một đệ tử kia đến thưa với sư phụ của mình: “thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Sư phụ chỉ đáp lại bằng một cái mỉm cười thinh lặng.

Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn như hôm trước. Sư phụ vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Rồi một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần ông túm lấy anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để trồi lên mặt nước. 

Lúc bấy giờ sư phụ mới hỏi anh: “khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. 

Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “thưa thầy, con cần có không khí để thở”.

Lúc bấy giờ sư phụ mới dẫn giải: “con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.

Anh chị em thân mến,

Sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta được sống. Bao lâu còn hơi thở là còn sống. Tắt thở là chết. Trong buổi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu tiên, để Ađam có sự sống, để Ađam trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Ngài xuất hiện giữa các môn đệ là thổi hơi vào các ông và nói: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). 

Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa. Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa, vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa.

Ađam đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để sống vai trò nguyên tổ của loài người. 

Các môn đệ đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô. 

Mỗi người chúng ta, cũng đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa khi chúng ta được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Hơi thở, sức sống, tinh thần của Thiên Chúa được “hà hơi” vào trong ta. Vấn đề là chúng ta có biết sống bằng hơi thở Thần Linh ấy không.  

Trong đời sống tự nhiên, chúng ta bắt đầu hít vào thở ra qua mũi. Chúng ta lưu tâm đến từng tác động hít vào và thở ra theo nhịp thở – hết thảy đi vào và hết thảy đi ra. Hít vào qua mũi, rồi để hơi thở đi ra. Cứ làm vậy mãi. Hít vào, thở ra. Hít vào thở ra; cho và nhận;  sự sống và cái chết. 

Một chu kỳ xoay chuyển không dứt giống như những đợt sóng ngoài biển. Chúng ta tập dứt bỏ qua thở ra nhiều lần, và qua cảm giác giải phóng và thư giãn theo từng nhịp thở ra. 

Mỗi nhịp thở ra là chết đi một chút, buông lơi một chút. Thật là nhẹ nhõm. 

Cứ thử đi rồi chúng ta sẽ cảm nhạn được điều thú vị đó. Hít sâu qua mũi, rồi thở ra. Hướng hơi thở đi ra, đi ra, đi ra, hòa vào không khí. Khi hơi thở hòa vào không gian mở rộng, các khái niệm và ràng buộc đều đi vào không gian vô tận. 

Trút bỏ các ràng buộc theo từng nhịp thở ra. Tập dứt bỏ thêm một chút theo từng nhịp thở ra. Trút bỏ căng thẳng tinh thần và thể chất theo từng hơi thở. Bằng cách này, lèo lái các đợt sóng biển ào vào qua bạn và gột sạch mọi ưu tư phiền muộn. 

Bắt đầu lại theo từng nhịp thở và cứ thế. Mỗi khoảnh khắc là một khoảnh khắc mới, giống như bình minh của sáng tạo. Khoảnh khắc này là khoảnh khắc duy nhất. Mỗi nhịp thở là một nhịp thở mới. Dứt bỏ cái cũ. Mở đường khởi đầu cho cái mới và chúng ta sẽ đổi mới không ngừng.

Chúa Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa. Chính Ngài đem lại sự sống cho chúng ta. Trong đời sống tự nhiên, không còn thở có nghĩa là chết, thì trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, chính Chúa Thánh Thần là Hơi Thở, Hơi Thở mang lại sự sống thần linh cho chúng ta. Ngài đến với chúng ta, làm cho chúng ta sống, làm cho chúng ta lớn mạnh và mỗi ngày đổi mới chúng ta. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến với chúng con. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy Niệm: CHÚA THÁNH THẦN –QUÀ TẶNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT(Cv 2,1-11; Rm 8, 8-17; Ga 14, 15-16. 23b-26)
 

Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16). Thật vậy, từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, Người yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho nhân loại. Đến lượt Đức Giêsu, qua việc nhập thể và nhập thế, cũng như những lời rao giảng và hành động của Ngài, Ngài đã mặc khải và diễn tả xuất sắc lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Đường thương xót đó không dừng lại cũng như kết thúc qua việc Đức Giêsu về trời, mà còn tiếp diễn và tồn tại muôn đời. Bởi lẽ, Đức Giêsu đã chuyển trao lòng thương xót ấy nơi Chúa Thánh Thần.

Vì thế, Chúa Thánh Thần chính là quà tặng của lòng thương xót mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Nên từ ngày Người  hiện xuống, lòng thương thương xót của Thiên Chúa như dòng sông không ngừng chảy đến với mọi người qua các chứng nhân dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

1. Chúa Thánh Thần công khai hóa Giáo Hội bằng lòng xót thương

Khi lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta thấy trong suốt hành trình tại thế của Đức Giêsu, Ngài đã ấp ủ, cưu mang công cuộc thiết lập Giáo Hội qua việc dạy dỗ, hướng dẫn các Tông đồ cũng như dân chúng đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa để được cứu độ. Tuy nhiên, con đường đó đã trở nên xa lạ đối với các ông và dân chúng khi họ không hiểu được tâm tư của Thầy Giêsu, bởi vì mục đích của họ không nằm trong chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa, mà luôn bám vào những suy tính của trần gian.

Nhưng, đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần chính thức công khai hóa Giáo Hội qua ơn ban bình an và lửa mến tràn ngập nơi tâm hồn các Tông đồ, qua đó, các ông đã được biến đổi từ một con người ích kỷ, vụ lợi, kiêu ngạo, sợ hãi, nhát đảm, ham sống sợ chết…, trở nên chứng nhân của lòng thương xót. 

Điều này đã được các Tông đồ chứng minh bằng thái độ can đảm, hân hoan, sẵn sàng mở tung cánh cửa đã đóng kín, để ra đi loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đấng chịu đóng đinh cho mọi người, bất chấp mọi khó nguy, liên lụy và ngay cả cái chết. 

Khi nói về mục đích của cuộc đời, thánh Phaolô đã diễn tả: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8); “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”(Pl 1,21)”; nên “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và thánh Phêrô cũng biểu lộ tâm tình hân hoan khi: “được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41). 

Vì thế, các Tông đồ luôn coi việc loan báo Tin Mừng là một điều cấp thiết đến độ không thể không thi hành: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

2. Hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần được triển nở trong đời sống Giáo Hội

Như vậy, kể từ ngày Giáo Hội công khai hóa, các Tông đồ đã cảm thấu và đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa thật dồi dào, nên tâm hồn các ông tràn đầy bình an và lửa sốt mến, khiến các ông đã không giữ lại cho riêng mình, nhưng đã chuyển trao cho mọi người, nhất là những người nghèo khó, bất hạnh, bị áp bức, bất công…

Cũng thế, trải qua dòng thời gian hơn 2.000 năm qua, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hiện diện và hoạt động cũng như làm cho kho tàng lòng thương xót của Thiên Chúa luôn được tỏa sáng như ngọn hải đăng trên con thuyền của Giáo Hội. 

Những dấu ấn ghi đậm sự can thiệp của Chúa Thánh Thần như: Giáo Hội luôn gặp nhiều giông tố, bão bùng, nguy khốn; biết bao kẻ đe dọa, chống phá và muốn hủy diệt Giáo Hội ngay trong trứng nước, từ thời sơ khai và cho đến tận hôm nay! Nhưng Giáo Hội Chúa vẫn hiên ngang, đứng vững, lớn mạnh không ngừng và tồn tại muôn đời.

Sự can thiệp của Chúa Thánh Thần còn được thể hiện cụ thể qua việc biến đổi tâm hồn con người. Vì thế, biết bao người nguội lạnh, khô khan, cố chấp… Nhưng qua một biến cố hay sự kiện nào đó, họ được khai trí mở lòng, nên đã ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhất là cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời, lập tức họ đã trở nên những người yêu mến Giáo Hội hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. 

Hay có những người “dốt đặc cán mai”; “chân lấm tay bùn”; hoặc thuộc  hạng “cùng đinh” trong xã hội, nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần đổ đầy lòng xót thương trên cuộc đời họ, họ đã trở thành những người lỗi lạc, hàn lâm, uyên bác đến lạ thường khi nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em…!

Lại có những kẻ trước đây thuộc về thế giới ma quỷ. Sẵn sàng làm đồ đệ cho chúng và ra tay tàn ác với anh chị em đồng loại, thậm chí ngược đãi, chống phá Giáo Hội… Nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hóa và xót thương, nay lại trở thành những chứng nhân Tin Mừng ngay giữa lòng xã hội…

Đây chính là hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần. 

3. Hãy làm cho hoa trái xót thương của Chúa Thánh Thần triển nở 

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, mỗi người được đón nhận Chúa Thánh Thần cách dồi dào và phong phú. Tuy nhiên, ơn thánh của Chúa Thánh Thần không chỉ dừng lại trên cá nhân, mà phải sinh hoa kết trái đến với người khác, để mọi người đều được chung chia niềm vui và hạnh phúc như chúng ta. 

Vì thế, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, mỗi người hãy suy nghĩ và tự cật vấn bản thân xem: đã bao lần ta thờ ơ, khước từ ơn Chúa đến với mình; biết bao lần ta đã đóng chặt ơn Chúa cho riêng bản thân và đã vô cảm trước tiếng kêu gào thống thiết của người nghèo khổ, đói khát cơ bần nơi xó chợ, bãi rác, ngoài công viên, nơi bến xe, gầm cầu…?

Biết bao lần ta đã lựa chọn sự hời hợt, hình thức, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, ghen tương, vu khống, kiêu ngạo, thù hận, thiếu niềm tin, lòng trông cậy và yêu mến Chúa trong đời sống đạo? Biết bao lần ta đã phớt lờ tiếng nói của Lương Tâm, để lựa chọn những hành vi tội lỗi không phù hợp với bản chất Công Giáo và giá trị Tin Mừng?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an và lòng thương xót của Người cho chúng ta. Khi có được sự an bình thư thái và ngụp lặn trong tình thương của Thiên Chúa, mỗi người sẽ làm cho hoa trái của Chúa Thánh Thần được triển nở trong tâm hồn và đời sống của chúng ta ngang qua những lựa chọn đầy chất Kitô của mình.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến để biến đối tâm hồn chúng con cho phù hợp với tư cách người môn đệ của Chúa trong lòng xã hội hôm nay. Amen. 

Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển