Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu ( Mt 12: 1-8)
1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn.2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!”3 Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao?6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa.7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát”.
Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc, phải đi với lòng nhân. Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng bao dung, thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6). Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với lòng nhân. Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương. Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.
Khi yêu thì người ta trở nên chi li. Không phải chi li để xét đoán người khác. Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của tha nhân. Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.
Nhận thấy thái độ vụ hình thức về việc giữ luật ngày sabat, Chúa Giêsu đã “chỉnh đốn lại” cách giữ luật hình thức của các người biệt phái.
Chúa Giêsu trả lời cho người biệt phái bằng 3 lý do:
Trước hết, việc vua Đavít và những người đi theo ông đã ăn bánh trưng hiến của đền thờ khi bị đói, mà không vi phạm luật, là thứ bánh chỉ có các tư tế được ăn mà thôi. Chẳng lẽ Chúa là “Con vua Đavít, Ngài không được đặc quyền như Đavít sao?
Kế đến, vào ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội. Ở đây còn có Đấng cao trọng cả hơn đền thờ, là hiện thân của Thiên Chúa; hơn nữa, Ngài còn là chủ của ngày sabat, thiết lập mọi thói tục, mọi lề luật, thì sao lại nói Ngài vi phạm luật?
Cuối cùng, Chúa Giêsu dạy các người biệt phái phải có lòng nhân từ, yêu thương trong việc tuân giữ lề luật, chứ đừng viện tuân giữ luật để kết án người khác, như thế việc giữ luật chẳng còn giá trị gì nữa. Vì, Thiên Chúa cần lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ.
Vả lại, những việc đạo đức và việc nghỉ ngày Hưu lễ, là để con người đến gần Thiên Chúa, thế mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã hiện diện giữa họ, thì lòng đạo đức không còn là một cái gì tuyệt đối phải thi hành nữa. Các tư tế làm việc trong Ðền thờ ngày Hưu lễ mà không lỗi luật, thì các môn đệ Chúa Giêsu lỗi luật thế nào được, vì đã có Chúa Giêsu bên cạnh họ. Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng hơn Ðền thờ. Chúa Giêsu muốn nhân dịp này để mạc khải chính Ngài là Ðấng Mêsia cao trọng hơn Ðền thờ và làm chủ cả ngày Hưu lễ; nhưng các người Biệt Phái không nhìn nhận điều này.
Người biệt phái nổi tiếng là giữ luật chặt chẽ, như giữ luật ngày sabat cách nghiêm ngặt. Chẳng thế mà khi thấy các môn đệ Chúa bứt lúa ăn trong ngày sabat, họ đã trách môn đệ Chúa Giêsu làm một việc không được phép làm trong ngày sabat. Theo họ, bứt lúa trong ngày sabat là lỗi luật, là vi phạm luật.. Người Biệt Phái đã dùng việc Chúa Giêsu không tuân giữ luật Hưu lễ để lý luận và nói với dân chúng rằng Chúa Giêsu không phải là Ðấng đến từ Thiên Chúa, không phải là Ðấng Mêsia.
Ngày Sabát là ngày được thánh hiến dành cho Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chọn ngày này như là dấu hiệu giao ước của Người với dân Do thái. Ngày Sabát cũng là ngày để nghỉ ngơi về thể chất cũng như tinh thần sau một tuần làm việc vất vả và mệt nhọc. Những người Biệt phái tức giận các môn đệ của Chúa Giêsu không phải vì các ông bứt lúa mà không có phép của chủ nhân; nhưng vì họ cho rằng các ông lỗi luật ngày Sabát. Người Biệt phái và kinh sư là những người hay nệ luật cách mù quáng và thụ động. Họ đặt nặng luật lệ mà quên đi điều quan trọng là sự sống con người và lòng bác ái. Chúa Giêsu đã bênh vực các môn đệ và giúp họ hiểu rằng những nhu cầu cấp bách cho sự sống con người và lòng nhân từ thì được ưu tiên và đáng quý hơn cả hy lễ và các tập tục cổ truyền.
Việc dành riêng một ngày nghỉ cho Thiên Chúa đã bị lạm dụng đến mức việc tuân giữ ngày Hưu lễ không còn là do tình yêu mến tôn thờ đối với Thiên Chúa, nhưng là một hình thức ràng buộc con người. Qua cuộc tranh luận với những người Biệt Phái về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu mở rộng cho chúng ta thấy giá trị tôn giáo đích thực của ngày Hưu lễ, và do đó phải sống tinh thần ngày Hưu lễ đó như thế nào?
Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng nơi Tin Mừng Mátthêu, tác giả lưu ý hai điểm: thứ nhất, quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức; thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức. Trả lời cho thắc mắc của những người Biệt Phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xẩy ra trong Cựu Ước liên quan đến Ðavít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Ðền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội”. Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em theo những việc bên ngoài.
Người biệt phái chỉ lo giữ luật theo từng chữ, từng dấu phẩy. Thái độ đó đã khiến họ sống đạo hình thức, giữ luật nghiêm ngặt. Bản thân họ chỉ lo giữ luật bề ngoài, nên họ thiếu tâm tình bên trong. Họ tuân giữ luật cách tỉ mỉ, để lên án người khác không tuân giữ luật.
Người Pharisêu giữ luật máy móc, nhưng họ quên: chính vua Đavit và đoàn tuỳ tùng ăn cả bánh tiến trong Đền thờ ngày Sabát lúc đói bụng, thứ bánh chỉ tư tế mới được phép ăn. Đàng khác, họ không biết Người làm chủ cả ngày Sabát, Người chính là Đền thờ Thiên Chúa, Người có quyền trên cả ngày Sabát.
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta tự vấn lương tâm mình. Giây phút nào đó, có thể chúng ta cũng hành động như những người Biệt phái xưa: khép mình với tha nhân, tự mãn trong những thói quen cố hữu của mình để không đưa tay ra giúp đỡ anh chị em những lúc họ cần đến sự trợ giúp của chúng ta. Thánh Giacôbê cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đức ái trong cuộc lữ hành đức tin của chúng ta: “Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không?” (Gc 2,20).
Huệ Minh