Suy Niệm Ba Tuần XVII Thường Niên C

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 13: 36-43)  

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”.37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần.39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”.

Suy Niệm:  Tin Mừng Mt 13: 36-43
 

      Trình thuật Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu giải thích dụ ngôn Cỏ Lùng: Thiên Chúa gieo hạt lúa tốt vào thế gian nhưng ma quỷ rắp tâm gieo cỏ lùng. Do vậy, mảnh ruộng thế gian lẫn lộn vừa người tốt với kẻ xấu. Thiên Chúa, Đấng nhân hậu kiên nhẫn, chờ đợi đến ngày cánh chung mới xét xử. Hẳn là Chúa mong đợi người xấu được biến đổi để cùng được cứu độ. Một cách loại suy, chúng ta cũng có thể hiểu mảnh ruộng chính là tâm hồn mỗi người.

          Dụ ngôn làm nổi bật sức sống mãnh liệt của hạt giống Nước Trời, một khi đã được Thiên Chúa gieo vãi vào thế gian này sẽ lớn lên và đơm bông kết hạt bất chấp những cản trở, phá hoại do ma quỷ là kẻ cầm đầu và gây ra mọi sự gian ác. Mặc dù đôi khi có thể bị chèn ép bởi thế lực của sự dữ, như lúa phải sống chung với cỏ lùng trong ruộng, nhưng không có sức mạnh nào có thể ngăn cản hay bóp nghẹt sức sống và sự lớn mạnh của Nước Trời.

          Khi giải thích dụ ngôn, Chúa Giêsu cho thấy khởi đầu là thuần chủng, tốt lành, nhưng sau có sự pha tạp. Lý do là vì kẻ thù phá hoại nên đã gieo trộm cỏ lùng vào ruộng lúa. Điều này cho thấy: Giáo Hội và mỗi người chúng ta luôn gặp phải những chống đối, thù nghịch, thế lực tội lỗi luôn tìm cách để làm hại linh hồn ta.

          Mặt khác, dạy cho ta bài học về sự kiên trì, đừng nóng vội. Nếu nóng vội, nhiều khi chúng ta nông nổi và vô tình làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời ta và tha nhân.

          Ta thấy những giá trị tốt lành của Nước Trời rồi sẽ chiến thắng trong ngày tận thế, dù trong hiện tại có thể phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Tất cả đều không nằm ngoài sự quan phòng nhiệm mầu và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Ngài thấu biết mọi sự và vẫn kiên nhẫn đợi chờ để hạt giống Nước Trời sinh hoa trái dồi dào, và được thu vào kho lẫm của Ngài trong mùa gặt sau hết.

          Nhìn vào “ruộng lúa” tâm hồn của mỗi người, ta luôn thấy xuất hiện vừa lúa vừa cỏ lùng. Lúa và cỏ lùng là khuynh hướng tốt và khuynh hướng xấu có cùng lúc nơi mỗi người. Thiên Chúa cũng thấy, nhưng Người không vội vàng xét xử chúng ta mà chờ đợi trong sự kiên nhẫn và thương xót để chúng ta có thời gian thanh luyện bản thân, loại bỏ những thói hư tật xấu.

          Ma quỷ là kẻ thù truyền kiếp của Thiên Chúa, cũng như của nhân loại từ trong vườn địa đàng cho đến hôm nay và mãi đến ngày tận thế. Chúng luôn gieo rắc sự gian ác vào trong thế gian và trong lòng mỗi người. Vì thế, cũng như ông chủ mùa gặt không cho phép nhổ cỏ lùng khỏi ruộng lúa trước mùa gặt, Thiên Chúa, dù biết tác hại của sự dữ trong thế giới này, vẫn chấp nhận cho nó cùng tồn tại với sự lành cho đến ngày tận thế. Lý do của sự kiên nhẫn này là vì không muốn làm tổn hại đến sự lành khi tìm cách loại bỏ sự dữ. Tất cả những gì Thiên Chúa làm đều nhằm bảo vệ và vì lợi ích của những người lành.

          Cỏ lùng là một loại cỏ dại thường mọc chung với lúa. Lúc còn nhỏ, chúng giống và rất khó phát hiện. Đến ngày đơm bông thì chúng mới lộ rõ ra, bởi vì thân chúng thường cao và nhỏ hơn lúa, hạt chúng cũng nhỏ và râu dài hơn. Tuy nhiên, đã nhận ra, nhưng để nhổ cũng khó, vì rễ nó và lúa đã ăn quyện lại với nhau, khi nhổ cỏ lùng, không chừng lúa cũng lên theo. Người ta chỉ có thể tách biệt giữa cỏ lùng và lúa khi thu hoạch. Nhưng lý do tại sao lại phải tách biệt như vậy? Thưa vì hạt cỏ lùng là một loại rất độc, ăn nhiều sẽ gây chóng mặt, đau ốm, nếu nặng sẽ hôn mê.

          Cuộc sống mỗi người cũng giống như tiến trình gieo trồng và chăm sóc lúa. Cần phải tạo điều kiện để lúa phát triển và thu hẹp phạm vi lan tỏa của cỏ lùng bằng một đời sống được nội tâm hóa qua việc luyện tập các nhân đức, gia tăng việc cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. Bởi trong sâu thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tăm tối. Cái xấu, cái ác phải được loại bỏ và bị tận diệt; còn cái tốt, cái thiện cần được đào luyện và phát triển không ngừng. Chỉ như vậy, cuối cùng chúng ta mới có thể là người trung tín với Chúa và xứng đáng trở nên con cái đích thực của Chúa.

          Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khảnăng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tăm tối. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm.” Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được.

          Trong một cộng đoàn, một giáo xứ, gia đình… và cả trong mỗi người chúng ta cũng có lúc chúng ta theo sự thiện, lại có lúc chiều theo quyền lực của sự dữ. Thế nhưng trong tiến trình lúa phải được phát triển và được thu vào kho lẫm và cỏ lùng phải bị tiêu diệt. Tốt và sáng không thể cùng hiện diện; thiện và ác không thể cùng tồn tại. Đây là thời gian thanh luyện. Thánh Thần mỗi ngày sẽ đổi mới địa cầu, để Giáo Hội và mỗi người chúng ta được tinh tuyền trong ngày đón Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang.

          Một người Kitô mà mất liên lạc với Thiên Chúa thì giống như là sống nơi ngõ hẽm cụt, giống cùng hoàn cảnh như kẻ chối bỏ Thiên Chúa. Hơn nữa, càng cầu nguyện chúng ta càng được biến đổi, trở nên giống như Chúa, nhất là bắt chước được thái độ kiên nhẫn và nhân từ của Thiên Chúa đối với từng tật xấu của anh chị em chung quanh. Thái độ kiên nhẫn nêu gương của Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải qua dụ ngôn Cỏ Lùng trong ruộng lúa được kể lại nơi Phúc Âm thánh Mátthêu hôm nay.

          Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho tới ngày cuối cùng Ngài mới ra tay phán xét phân biệt kẻ lành người dữ trong khi đó thì các tôi tớ không có đủ kiên nhẫn chờ đợi, muốn nhổ bỏ cỏ lùng ngay khi vừa phát hiện ra chúng. Phải, mỗi người chúng ta cần noi gương kiên nhẫn của Thiên Chúa và người Kitô học được sự kiên nhẫn đó nhờ qua việc cầu nguyện.

Huệ Minh