Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”“.Các ngươi có hiểu những điều đó không?”. Họ thưa: “Có”. Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về nước Trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới cũ trong kho mình”. Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.
Mầu Nhiệm Nước Trời là một điều thật khó hiểu cho người nghe Lời Chúa, ở đó diễn tả một mô mẫu của vương quốc hạnh phúc mà thực tại trần thế không có được, là điều mà trong suy tư tự nhiên của con người khó chạm đến cách thấu đáo. Chính vì thế, khi Đức Giê-su nói về Nước Trời Ngài luôn dùng dụ ngôn để diễn tả, cho người nghe có thể thấu cảm về một thực tại họ không nhìn thấy và rất khó để suy tưởng.
Trang Tin mừng hôm nay, thì thánh sử Mátthêu ghi lại dụ ngôn chiếc lưới, dụ ngôn cuối cùng mà Chúa Giêsu đã dùng dể diễn tả mầu nhiệm Nước Trời.
Những dụ ngôn này có một điểm chung là hướng về mầu nhiệm Nước Trời. Nội dung của dụ ngôn chiếc lưới được dựa theo nếp sống lao động trong xã hội Do Thái thời đó.“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,48-49). Điều này cho thấy giữa hình ảnh tự nhiên trong đời thường và giáo lý siêu nhiên có những điểm nào đó giống nhau, nhiệm vụ của người đọc là phải tìm cho ra điểm tương đồng đó mới mong nắm bắt được ý nghĩa khách quan của dụ ngôn mà Chúa Giêsu muốn trình bày.
Nhiều người thường thắc mắc, tại sao có trường hợp người tốt thì gặp tai ương khốn khó, còn người xấu lại được may mắn suôn sẻ? Dưới cái nhìn thế gian ta dễ bị cám dỗ tin rằng cuộc sống thật bất công. Tin Mừng hôm nay mở ra cho ta một chân lý hoàn toàn khác. Cuộc sống không bất công. Đến ngày tận thế Nước trời sẽ như chiếc lưới gom cả người tốt lẫn người xấu. Lúc đó các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. Chân lý này không phải để ta cố gắng sống thật công chính và chờ đến ngày phán xét để thấy người xấu phải xa hỏa ngục, nhưng mời gọi ta sống công chính cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, vì ta còn cơ hội để bỏ đường tội lỗi và sống công chính. Bởi Chúa Giêsu là vị thẩm phán nhẫn nại vẫn cho ta cơ hội để nên công chính hơn.
Ta lưu ý đến một chi tiết khá thú vị. Đó là lời kết thúc các dụ ngôn về Nước Trời. “Anh em có hiểu tất cả những điều đó không?”, tức là hiểu về mầu nhiệm Nước trời, hiểu về sứ mạng công bố Nước Trời cho thiên hạ, nhiệm vụ mà mỗi người môn đệ phải thi hành trong sứ mạng của mình. Sứ mạng ngôn sứ mà mỗi chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa. Các môn đệ sau bao ngày tháng theo Chúa Giê-su đã trả lời, “Thưa hiểu” và các ông đã sống chứng tá cách hào hùng bởi lời thưa đáp ấy. Còn chúng ta, những Kitô hữu, bao ngày tháng học hỏi Kinh Thánh, học giáo lý và sống mầu nhiệm đức tin, chúng ta có thực sự hiểu về mầu nhiệm Nước Trời chưa? Hay chúng ta, miệng thì thưa “Hiểu” nhưng hành động thì trái chiều với tinh thần đức tin, giữ đạo thì hời hợt, sống tinh thần bác ái thì miễn cưỡng, thực thi lòng xót thương thì gượng gạo khó khăn…
Thật thế, những người đã học hiểu về mầu nhiệm Nước Trời, họ sẽ nên những người môn đệ đích thực. “bất kỳ kinh sư nào đã học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tang của mình cả cái mới lẫn cái cũ”. Những ai đã được học hỏi về Nước Chúa, thì họ sẽ nên những thầy dạy cho người khác, kho tàng mà họ có không chỉ là những điều luật của Cựu ước (Thập giới) nhưng có cả tinh thần mới của Tân Ước. Có kho tàng ấy, người thầy dạy không còn chất lên vai người khác những gánh nặng của lề luật, nhưng cùng với người khác sống tinh thần của luật, đó là thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, điều mà chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã nêu gương.
Đến ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ như người đánh cá. Người sẽ làm một cuộc thanh lọc cách vĩnh viễn. Khi ngày đó chưa đến, thời hiện tại là thời gian Chúa Giêsu tỏ lòng kiên nhẫn Ngài như một vị thẩm phán nhẫn nại. Quả vậy, Chúa Giêsu là vị thẩm phán tối cao đã đến thế gian, nhưng không phải để lên án thế gian mà để tỏ cho con người thấy tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Chúa Giêsu thực là vị thẩm phán có toàn quyền trong việc xét xử thế gian. Người đã tỏ cho các tông đồ “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28, 18).
Sự nhẫn nại của Chúa Giêsu tỉ lệ với tình yêu và lòng nhân từ của Ngài. Điều này được minh chứng bằng cái chết đau thương trên thập giá. Một Thiên Chúa toàn năng, toàn quyền trên muôn loài muôn vật nhưng vì quá yêu thế gian, yêu thương loài người tội lỗi, nên Ngài đã gánh lấy cái chết đau thương để chuộc tội cho con người. Ngài mời gọi con người tin vào Ngài và từ bỏ đường tội lỗi quay về nẻo chính đàng ngay mà lãnh nhận ơn cứu độ. Ước mong mỗi người chúng ta thêm lòng tin yêu, tận dụng những ngày tháng nhẫn nại của Chúa để sống đẹp ý Ngài. Từ đó, trong ngày phán, ta xét ta được đứng trong hàng ngũ những người công chính.
Tin mừng hôm nay muốn nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, hãy biết sống tinh thần mới của người ngôn sứ, tinh thần của một thầy dạy trọn hảo sống theo tinh thần mới của Chúa Giêsu trong luật mang lại sự sống, “luật cũ trong tinh thần mới”. Bởi lẽ, sứ mạng ngôn sứ ấy sẽ được thẩm vấn khi đến thời đến buổi của công nghi phán xét muôn dân, ngày chung thẩm để nhận hạnh phúc thật hay án phạt.
Huệ Minh