Lời Chúa: Lc 11, 5-13
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện.”
“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.”
Suy niệm:
Một thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài
nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại.
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan,
nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người.
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”
Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng.
Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng,
Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.
Nếu Ngài là Cha yêu thương,
Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người.
Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận:
“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề
có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết.
Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm.
Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy,
và đón nhận nó trong bình an.
Ðức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ,
nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân.
Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và thấy được sự vắng mặt của Người.
“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin,
dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác:
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”
Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương,
nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ.
Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá
nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ,
điều đó khó hơn nhiều.
Hôm nay Ðức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ
và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành,
những điều có lợi thực sự cho ta,
những điều làm ta trưởng thành và triển nở,
những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực,
thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
nhưng Ngài không nuông chiều con cái,
Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
Bạn hãy cứ cầu xin
nhưng hãy để cho Ngài định liệu,
vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn
trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin,
vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay.
Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp.
Cần có đức tin mới nhận ra rằng
Chúa đã nhận lời mình rồi,
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy
mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ
vì những gì Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy niệm 2
Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 11:5-13), chúng ta thấy nổi bật chủ đề về tình bạn. Các sách Tin Mừng có rất nhiều ví dụ về việc Đức Giêsu đến gần những người khác trong tình bạn hữu. Thánh Luca cho thấy một Đức Giêsu đầy thương cảm khi tiếp xúc với những người phong cùi, người bại liệt, người tội lỗi, người thu thuế, người đại đội trưởng, những bà góa, những người bị quỷ ám, những người bị động kinh – một danh sách rất dài. Bản thân Đức Giêsu là người Samaria nhân hậu (Lc 10:29-37) và là người cha đầy thương cảm (Lc 15:11-32). Người quảng đại và tự nguyện mở rộng bàn tay thương xót của Người với đầy tình bằng hữu.
Tin Mừng Gioan cũng cung cấp những nhận thức sâu sắc về Đức Giêsu và tình bạn. Tình yêu bằng hữu của Đức Giêsu đối với ba chị em Maria, Matta và Ladarô được Gioan mô tả trong chương mười một: “Ðức Giêsu thương yêu cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11:5). Khi được tin Ladarô chết, Đức Giêsu nói, “Anh bạn của chúng ta đang ngủ thôi” (Ga 11:11), và sau đó Đức Giêsu khóc khi biết Ladarô đã chết: “Những người Do Thái nói, ‘Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!’” (Ga 11:36).
Ở bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu ban cho chúng ta giới luật yêu thương nhau; Người nói: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 11:13- 16). Thế nên Đức Giêsu tỏ lộ chiều sâu của tình yêu-bằng hữu bằng cách chết trên thập giá vì chúng ta. Như Thánh Phaolô ghi nhận, “Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8).
Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi trải nghiệm rằng Đức Giêsu là người bạn, thực sự là người bạn thân thiết của mọi người. Tình bạn với Đức Kitô có nghĩa là lớn lên trong sự thân mật với Thầy, cũng như một đời sống trong Đức Kitô. Chiều kích thâm sâu của tình bạn như thế làm cho Chúa Thánh Thần sống động trong chúng ta. Tình bạn với Đức Kitô, cả trong khi yếu đau bệnh tật, giúp chúng ta có sức mạnh để lướt thắng nỗi cay đắng, mệt mỏi của cuộc đời, và mọi nỗi thất vọng. Tình bạn là “chuyện của con tim”, trong đó chúng ta tỏ bày cho người khác biết những gì chất chứa trong tâm khảm mình, với lòng tin tưởng và cởi mở với nhau. Sự tăng trưởng trong tình bạn xảy ra nhờ sự mở lòng ra cho nhau. Trong tiến trình này, chúng ta thấy mình đi vào một mối quan hệ sâu hơn với Thiên Chúa và với tha nhân. Người ta sẽ được khích lệ để theo Đức Kitô khi họ thấy được tình bạn của Người đã biến đổi như thế nào người môn đệ truyền giáo đang rao giảng và làm chứng.
Tình bạn được mô tả cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay có vẻ không đủ để đạt được những gì chúng ta tìm kiếm. Nhu cầu của chúng ta phải được hỗ trợ bởi sự kiên trì cầu xin, bởi lòng tin chắc chắn của người cầu xin, và trong khả năng ban cho của người được cầu xin, cả trong những lúc không phù hợp. Sự kiên trì để cầu nguyện luôn luôn, cầu nguyện không biết mệt (x. Lc 18:1), thử thách và tăng cường đức tin như là một mối quan hệ giữa những người bạn hữu, hay thậm chí giữa cha mẹ và con cái. Những cái bánh và Chúa Thánh Thần được nhắc đến rõ ràng trong lời cầu xin cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa Thánh Thể và Thanh Tẩy của tình bạn với Đức Giêsu và mối quan hệ với Cha của Người. “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8:26-27).
Sự kiên trì của lời cầu xin người bạn cho ba ổ bánh nhấn mạnh sự hiệp thông chia sẻ để nuôi dưỡng và chăm sóc người người bạn của mình. Lời cầu nguyện nếu chân thực sẽ làm cho mối quan hệ tình bạn của chúng ta với Thiên Chúa được mở ra cho tha nhân và thúc đẩy chúng ta truyền giáo. Chúng ta cầu xin cho các nhu cầu của mình cũng như của những người khác, thông qua Hội Thánh mà chúng ta trở thành nhờ Thần Khí của Chúa Cha và bánh Thánh Thể mà chúng ta chia sẻ. Chúng ta không bao giờ chỉ cầu xin cho riêng mình; đó không phải là cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện vì nó gia tăng sự hiệp thông của chúng ta với người khác và mở rộng ranh giới đoàn của Đức Giêsu.
Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Niềm Vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu” (số 1). Đức Phanxicô viết tiếp, “Chỉ nhờ sự gặp gỡ này—hay sự gặp gỡ mới mẻ này—với tình yêu của Thiên Chúa, được triển nở thành một tình bạn phong phú, chúng ta được giải phóng khỏi sự chật hẹp và khép kín của mình.… Ở đây chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nỗ lực phúc-âm-hóa của chúng ta” (số 8). Chúng ta là “những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài” (số 27). Đức Giáo Hoàng Phanxicô tin rằng “chúng ta được dựng nên để hưởng nhận điều mà Tin Mừng cống hiến cho chúng ta: tình bạn với Đức Giêsu và tình yêu của các anh chị em chúng ta” (số 265). Niềm tin truyền giáo của chúng ta “phải được nâng đỡ bởi trải nghiệm không ngừng được đổi mới của chúng ta về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (số 266).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên sử dụng một cách mô tả đơn sơ và hữu ích về truyền giáo: “Truyền giáo vừa là một niềm say mê Đức Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Người” (số 268). Có nghĩa là mỗi người truyền giáo có trải nghiệm sâu xa sự gặp gỡ với Đức Giêsu bằng tình bạn thân thiết thì sẽ muốn chia sẻ cho người khác những kết quả của sự gặp gỡ này. Vì vậy, xuất phát từ sự gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, chúng ta cũng ước muốn là bạn với những người khác trong việc chia sẻ tình bạn của họ với Đức Giêsu.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng