Audio Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XXXIV-TN- C do Lm. Phaolô Nguyễn Hải Đăng, O.P.
Audio Suy Niệm do Lm. Phaolô Nguyễn Hải Đăng, O.P.
Lời Chúa: Lc 23, 35-43
Sau khi đóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá, dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Ðấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Ðây là vua người Do Thái”.
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.”
Suy niệm:
“Ðáng lẽ tôi đã được rửa tội từ lâu,
nhưng vì vấn đề gia đình và làng xóm nên chưa được.
Dù vậy tôi rất ư là kitô hữu.”
Ðó là lời của nhạc sĩ Văn Cao
trong một cuộc gặp gỡ riêng tư năm 1990.
Cụ đã sung sướng khoe với mọi người như thế,
và thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi đã được đào tạo,
nhờ đức tin và âm nhạc kitô giáo.”
“Chúng tôi” ở đây muốn ám chỉ
giới trí thức và văn nghệ sĩ thế hệ của cụ.
Ðức tin đã thấm vào con người tài hoa ấy,
và làm sản sinh những tác phẩm bất hủ.
“Nếu tôi không hiểu Alêluia là gì,
thì đã chẳng có bài “Làng tôi”, cụ bảo vậy.
Chẳng ai ngờ Văn Cao lại là con người say mê Giêsu,
mà là Giêsu trên thánh giá.
Từ năm 1954, cụ vẫn treo một thánh giá trước mặt.
Giêsu trần trụi, Giêsu không còn gì.
Nhưng đối với Văn Cao, có ai hơn Giêsu?
Bài Tin Mừng trong lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ
lại đưa ta về với Chúa Giêsu trên thập giá.
Chẳng lúc nào Chúa làm vua rõ bằng lúc này.
“Ðây là vua người Do thái”, tấm bảng ghi như thế.
Nhưng kiểu làm vua của Ngài thật khác thường.
Không có vương miện, chỉ có vòng gai.
Không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc.
Không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê.
Bị treo trên thập giá, Ðức Giêsu nghe những lời mời mọc,
ngọt ngào và tinh vi như các cơn cám dỗ buổi đầu.
“Nếu ông là Ðức Kitô thì hãy cứu lấy mình.
Hãy xuống khỏi thập giá” (Mt 27,40).
Cứu lấy mình là điều Ngài chẳng hề nghĩ đến.
Chính vì Ngài thật là Con của Cha,
nên Ngài không tự ý xuống khỏi thập giá
như xưa Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc Ðền Thờ.
Ðức Giêsu không muốn chúng ta tin Ngài
vì những màn trình diễn ngoạn mục.
Ngài muốn chúng ta tin, vì Ngài đã buông mình cho Cha,
đón nhận cái chết với niềm vâng phục tín thác.
Chính vào lúc hấp hối, mọi sự tưởng như sụp đổ,
vị Vua bị đóng đinh lại hé lộ vương quyền của mình
cho anh trộm lành có lòng thống hối, tin tưởng.
“Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.”
Như thế kẻ gian phi lại là người đầu tiên
được ơn cứu độ nhờ cái chết thập giá của Ðức Giêsu.
Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ,
chúng ta muốn khước từ những thần tượng giả mạo,
muốn để Ngài làm vua của vũ trụ lòng mình.
Chúng ta muốn đưa Ngài đi vào mọi lãnh vực cuộc sống:
văn chương, khoa học, nghệ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội…
Cần có đức tin mạnh mẽ mới thấy Chúa Giêsu
vẫn không ngừng lôi kéo cả thế giới về với Ngài
bằng trăm ngàn nẻo đường bất ngờ,
trong đó có nẻo đường của cụ Văn Cao và anh trộm lành.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
thì thế giới này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
thì là vì men đã mất phẩm chất.
Chúng con phải chịu trách nhiệm
về sự dữ trên địa cầu:
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo
chịu để Chúa chi phối đời mình
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.