Audio Suy Niệm Tin Mừng Thứ 7 Tuần 1-MV- C do Lm. Phaolô Nguyễn Hải Đăng, O.P.
Lời Chúa: Mt 9, 35 – 10, 1.5a.6-8
Khi ấy Ðức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Khi thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Rồi Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng; Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”
Suy Niệm: Mt 9, 35 – 10, 1.5a.6-8
Kính thưa cộng đoàn !
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta câu chuyện Đức Giê-su chọn gọi và sai 12 Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, lý do Đức Giê-su chọn gọi 12 Tông Đồ để tiếp nối sứ mạng của Ngài, bởi vì người Do Thái không đón nhận lời của Đức Giê-su như Ngài mong muốn. Chính vì vậy Đức Giê-su đã chọn gọi nhóm 12 được gọi là nhóm ưu tuyển.
Nhưng khi đọc lại Tin Mừng chúng ta thấy, nhóm ưu tuyển này vẫn luôn có những rạn nứt và chia rẽ, khi mỗi người chỉ nghĩ đến quyền lợi, tham vọng và tính toán riêng của mình. Không chỉ rạn nứt và chia rẽ, giữa Đức Giê-su và các Tông Đồ vẫn có một khoảng cách rất lớn. Không phải là khoảng cách về không gian và thời gian, mà là khoảng cách về nhận thức, khoảng cách về tâm hồn. Bao năm từ bỏ mọi sự theo Đức Giê-su, sống với Đức Giê-su, cùng ăn cùng uống với Đức Giê-su, cùng chia sẻ sứ vụ với Đức Giê-su, như chúng ta đọc thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, nhưng các ông chưa thật sự đi vào tương quan với Đức Giê-su, chưa thật sự hiểu Đức Giê-su. Bởi giữa cái biết và cái hiểu là một khoảng cách rất lớn. Cái biết chính là những kiến thức mà chúng ta có về một sự vật nào đó, về một con người nào đó. nhưng cái hiểu chính là những kinh nghiệm mà chúng ta chỉ có trong tương quan với người đó.
Từ kinh nghiệm thực tế đó cho chúng ta thấy, muốn hiểu Đức Giê-su, muốn hiểu con người của Đức Giê-su, muốn hiểu Lời của Đức Giê-su, chúng ta chỉ lắng nghe lời của Ngài thôi vẫn chưa đủ, nhưng chúng ta phải đi vào tương quan với Đức Giê-su. Trước khi Đức Giê-su chính thức sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã để các ông ở với Ngài, sống với Ngài, học với Ngài, cùng ăn cùng uống với Ngài, để các ông mỗi ngày được biến đổi, được mặc lấy tâm tư của Thiên Chúa và cuối cùng là để chính Thiên Chúa sai đi.
Vì vậy, việc chúng ta đến nhà thờ để lắng nghe Lời của Thiên Chúa mỗi ngày, đó là chúng ta đang đi vào tương quan với Thiên Chúa, đang mặc lấy tâm tư của Thiên Chúa, đang biến đổi cái biết hời hợt của chúng ta trở thành cái hiểu của chúng ta về Thiên Chúa. Vì vậy việc lắng nghe Lời Chúa, tự bản chất là một cuộc hoán cải, một cuộc hoán cải ở chiều sâu, một cuộc hoán cải liên lỉ, không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Và đó cũng là tâm tình chính yếu mà Giáo Hội mời gọi chúng ta trong Mùa Vọng này. Nói đến Mùa Vọng, là chúng ta nói đến sự sám hối và hoán cải. Nhưng sự sám hối và hoán cải trong Tin Mừng không phải là sự thay đổi bên ngoài, mà là một cuộc chiến đấu liên lỉ, liên lỉ mỗi ngày, để rủ bỏ những sai lệch của mình, để mỗi ngày được mang lấy tâm tư của Đức Giê-su, để mỗi ngày được học cái nhìn đúng đắn của Đức Giê-su, để mỗi ngày biết mở lòng đón nhận đường lối cứu độ của Thiên Chúa, bằng những nghịch lý của Tin Mừng, bằng những đòi hỏi của thập giá, của từ bỏ, của hy sinh, chứ không bằng những tính toán, và ý riêng của chính mình. Đó là chúng ta đang sống tâm tình sám hối của Đức Giê-su, một cuộc sám hối liên lỉ, không ngừng nghỉ và kéo dài trong suốt cả cuộc đời của mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Phaolô Nguyễn Hải Đăng, O.P.