Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 12: 20-33)

20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp.21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su”.22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su.23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy”.27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa! “29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm! ” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy! “30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

SUY NIỆM

Hình ảnh “khi hạt lúa rơi xuống đất sẽ vẫn trơ trọi một mình nếu như nó không chịu chết đi. Còn nếu nó chịu tan nát bản thân của nó ra thì mới sinh nhiều bông hạt”, chắc hẳn không mấy xa lạ gì với chúng ta, bởi vì đó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ. Thế nhưng, quy luật đó đôi khi rất khó áp dụng trong cuộc sống của con người.

Tại sao mình phải chết để người khác được sống? Tại sao khi chết thì mới sinh nhiều bông hạt? Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính bản thân mình bị tan vỡ?

Khi Chúa Giêsu dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trụi một mình. Còn nếu nó chết đi, thì mới sinh nhiều bông hạt”, thì chính Chúa đã thực hiện trước nơi bản thân của Chúa. Thật vậy, như một hạt giống được gieo vào lòng đất, thì khi đi vào trần gian mang lấy thân phận con người, Chúa Giêsu đã chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, và nhất là đã chấp nhận chết đi một cách nhục nhã trên thập giá, để rồi từ đó trổ sinh hoa trái của sự phục sinh vinh hiển. Đúng như lời thánh Phaolô đã diễn tả: “Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, chính vì thế mà Thiên Chúa đã nâng Người lên, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực hiện được lời dạy của Chúa Giêsu như thế nào?

Nhiều lúc chúng ta muốn theo Chúa, nhưng lại muốn có một cuộc sống dễ dãi và tiện nghi. Chúng ta muốn theo Chúa, nhưng lại bắt Chúa phải chiều theo ý riêng mình. Chúng ta muốn theo Chúa, nhưng lại dễ dàng quên Chúa để thỏa mãn những tham vọng cá nhân, để rồi sẽ bán Chúa như Giuđa, và chối Chúa như Phêrô.

Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa đã dạy: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Hay như lời Chúa nói qua đoạn Tin Mừng hôm nay: “Hạt giống phải chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt”.

Như trong lời bài hát của kinh Hòa Bình có câu: “Chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”

Ước gì, mỗi người chúng ta đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ, và biết chết đi chính mình, để nhờ đó mà chúng ta mới dám hy vọng sống được mầu nhiệm Vượt qua, tức là đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Chúa và mọi người anh chị em chúng ta. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Hạt Lúa Gieo Vào Lòng Đất

 

Một trong những ca khúc đậm chất do nhạc sĩ Diệu Hương sáng tác mà mỗi khi mở nhạc, có lẽ ta sẽ nghe lại lần nữa đó là bài “Vì đó là em”, Trong đó, các ca từ cuối bài như sau: “…Nghe trong ta quên đi lòng sầu hận, Ta yêu em chưa bao giờ một lần, yêu em vì chỉ biết đó là em.” Bài ca nói lên một người vì yêu, sẵn sàng tha thứ tất cả dẫu cho những lầm lỗi của người mình yêu.

Và thật đẹp làm sao trang Lời Chúa trong Chúa nhật thứ V Mùa Chay này, phụng vụ Hội thánh tỏ bày cho chúng ta nhận ra ân sủng của Thiên Chúa và lòng từ ái bao la của Ngài. Thiên Chúa chẳng những thứ tha, mà Ngài còn trao ban chính Người Con Dấu Ái của mình cho con người.

Nơi Bài đọc I, Thiên Chúa sẽ lập lại giao ước với dân: “Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”. Để chứng minh cho sự yêu thương vô bờ của Thiên Chúa dành cho loài người, Ngài không ngần ngại quên hết tội lỗi con người lỗi phạm đến Ngài.

Theo văn hóa Á Đông cũng như bản Việt chúng ta, người cha người mẹ thông thường sẽ còn được nhắc đến qua người con người cháu là hậu duệ của họ. Gia đình được thể hiện sung túc nơi cây gia phả sinh nhánh. Còn với gia đình không có con cái tiếp nối, có khi người ta nói đùa với nhau rằng nhà này từ nay “mất giống”.

Vâng, nếu xem người con là hạt giống của gia đình, thì tình yêu vô bờ của Thiên Chúa còn trao dâng cho con người tất cả, kể cả “Hạt Giống duy nhất” là Chúa Giêsu Kitô – Con Một Ngài. Việc trao ban như thế là gì nếu không phải là trao ban chính Ngài cho con người. Để rồi, Chúa Giêsu cũng sống một cuộc sống trao ban như Cha Người đã sống.

Với việc dùng những kinh nghiệm phổ biến trong cày cấy, gieo trồng hàng ngày của dân chúng, Chúa Giêsu đã chuyển tải thông điệp về chính sứ mạng của Người: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”. Đây cũng là quy luật tự nhiên, quy luật cuộc sống. Để gìn giữ hạt giống qua dòng thời gian không phải là đem cất giấu trong kho lẫm, nhưng là chấp nhận để hạt giống chịu thối rửa, mục nát. Chúa Giêsu đã tự nguyện trở nên hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát, chịu hy sinh qua việc chấp nhận cái chết trên thập giá, để hạt giống ấy nảy mầm và trổ sinh nhiều bông trái; để ơn cứu chuộc của Người được lan tỏa đến với mọi người, mọi nơi và mọi thời.

Vâng, sự tự hiến và tự hủy của Chúa Giêsu đã chứng minh một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý “có tử rồi mới có sinh, có cho đi thì mới có nhận lại”. Thậm chí, Chúa Giêsu còn trở nên hạt lúa chịu nghiền nát, chịu nung nóng, chịu giòn tan để trở nên tấm bánh bẻ ra nuôi dưỡng con người. Quy luật hạt mầm vẫn đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình thì chính chúng ta tự cô lập mình. Còn nếu chúng ta dám dấn thân, với một tấm lòng khiêm tốn, hy sinh, thì chúng ta cũng sẽ nhận lại được một tấm lòng mở ra, quảng đại với mọi người.

Lạy Chúa, sẽ không quá xa vời, viễn vông khi chúng con can đảm nhín chút thời giờ, sức khỏe, tuổi trẻ, vốn liếng và khả năng Chúa ban để sống cho và sống vì anh chị em, trước tiên là những người bên cạnh chúng con. Xin cho chúng con khiêm tốn để cho chính mình chịu mục nát hầu xoa dịu bớt nỗi đau trên thế giới này. Amen.

Lm. Alfonso