Audio >>>Suy Niệm Tin Mừng Thứ 6 Tuần I Mùa Vọng Năm A

Audio Suy Niệm Tin Mừng Thứ 6 Tuần 1-MV- C do Lm. Phaolô Nguyễn Hải Đăng, O.P.

Lời Chúa: Mt 9, 27-31

Khi ấy Ðức đang trên đường đi, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Ðức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

Suy niệm:

Kính thưa cộng đoàn!

Từ thực tế của cuộc sống cho chúng ta thấy rằng, cùng một sự vật, nhưng mỗi người nhìn sự vật đó với những cái nhìn hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt có thể đến từ điểm mà chúng ta nhìn sự vật đó. Hoặc sự khác biệt có thể đến từ tâm trạng của người nhìn. Nhà văn Nguyên Sa đã diễn tả điều này bằng hình ảnh thơ ca: “áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh, anh mến lá sân trường.” Điều đó cho thấy, cái nhìn của chúng ta về sự vật cũng bị chi phối bởi chính cảm xúc của chúng ta. Dù có nhiều lý do dẫn đến sự khác biệt trong cái nhìn của mỗi người, nhưng quan trọng nhất vẫn chính là cách nhìn. Và đó chính là điều mà Đức Giê-su muốn nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay.

Có những cách nhìn thất bại, thất bại bởi vì chúng ta chỉ nhìn sự vật với sự hời hợt bên ngoài. Khi Thiên Chúa sai ngôn sứ Samuel đến chi tộc Giu-đa để xức dầu tấn phong vị vua tương lai của dân Israel. Theo lệnh Thiên Chúa, ngôn sứ Samuel vào nhà ông Giê-sê. Và ông lần lượt xức dầu cho những người con cao lớn, vạm vỡ của ông Giê-sê, mà ông nghĩ rằng chắc chắn sẽ là vua tương lai của dân Israel. Nhưng Thiên Chúa lại không chọn những người con cao to, vạm vỡ đó, Thiên Chúa lại bảo ngôn sứ Sa-mu-el xức dầu tấn phong một kẻ chăn chiên, bé nhỏ là vua Đa-vít, để trở thành vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử của dân Israel. Cách nhìn và tiêu chuẩn của ngôn sứ Samuel hoàn toàn khác với cách nhìn và tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Thiên Chúa không nhìn theo dáng vẻ bên ngoài nhưng Thiên Chúa nhìn vào tận cõi sâu thẳm của con người.  

Cách nhìn thất bại thứ hai là nhìn sự vật bằng những định kiến. Những người Pha-ri-sêu thời Đức Giê-su bị chi phối bởi tư tưởng thần học, đó là Thiên Chúa thưởng phạt con người ngay từ đời này. Nên đối với họ, bệnh tật và tội lỗi là dấu chỉ sự trừng phạt của Thiên Chúa. Chính những định kiến đó chi phối hoàn toàn cách nhìn của họ về người khác, nhất là những con người tội lỗi. Chính vì vậy, Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy thay đổi cách nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, về con người, về chính mình và về mọi biến cố trong cuộc sống.

Đó là chúng ta hãy thay đổi cách nhìn hời hợt bằng một cái nhìn của nội tâm, để khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người khác. Đối với những người Pha-ri-sêu, anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay là dấu chỉ sự trừng phạt của Thiên Chúa, nhưng đối với Đức Giê-su, anh mù chính dấu chỉ sự vinh quang của Thiên Chúa, được thể hiện nơi chính niềm tin mạnh mẽ của anh.

Không chỉ thay đổi cái nhìn hời hợt bên ngoài bằng cái nhìn nội tâm, mà chúng ta còn cần thay đổi cái nhìn định kiến bằng cái nhìn của tình yêu. Chính nhờ cái nhìn của tình yêu, mà Đức Giê-su nhìn thấy nơi anh mù nhu cầu của một con người cần được nâng đỡ và cứu chữa, hơn là sự kết án và loại trừ.  Chính vì điều đó mà Đức Giê-su đã chữa lành cho anh.

            Tất cả những điều đó cho thấy, một cái nhìn đúng rất quan trọng trong đời sống đức tin. Nó giúp chúng ta sống đúng tương quan với Thiên Chúa như Thiên Chúa là. Và nó giúp chúng ta sống đúng tương quan với tha nhân, như những hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng để có thể làm được điều đó, chúng ta cần biết khiêm tốn nhận ra sự mù lòa trong cách nhìn của chúng ta về Thiên Chúa và về tha nhân. Để chúng ta biết chân thành thân thưa với Thiên Chúa như lời cầu xin của người mù trong bài Tin Mừng hôm nay: “Lạy Chúa, xin cho con được thấy.” Bởi vì con mù lòa, bởi vì con cần ánh sáng tình yêu của Chúa, để con có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính bản thân con, nơi tha nhân, và nơi mọi biến cố trong cuộc sống của con. Amen

do Lm. Phaolô Nguyễn Hải Đăng, O.P.