Chúa Nhật Lễ Lá Năm C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (23: 1-49)

1 Toàn thể cử toạ đứng lên, điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô;.2 Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa”.3 Ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông là Vua dân Do-thái sao?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó”.4 Ông Phi-la-tô nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì”.5 Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây”.6 Nghe nói thế, ông Phi-la-tô liền hỏi xem đương sự có phải là người Ga-li-lê không.7 Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem.
8 Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ.9 Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả.10 Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội.11 Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô.12 Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.

13 Bấy giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại14 mà nói: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo.15 Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả.16 Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”.17 Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Phi-la-tô phải phóng thích cho họ một người tù.18 Nhưng tất cả mọi người đều la ó: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!”19 Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.

20 Ông Phi-la-tô muốn thả Đức Giê-su, nên lại lên tiếng một lần nữa.21 Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!”22 Lần thứ ba, ông Phi-la-tô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”.23 Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

 24 Ông Phi-la-tô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu.25 Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn.

26 Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su.27 Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người.28 Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.29 Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!”30 Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi! , và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi!31 Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”32 Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.

33 Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.34 Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.

35 Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái”.

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.44 Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.45 Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.46 Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.

47 Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!”48 Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.49 Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy.

Suy Niệm:  Tin Mừng thánh Luca 22: 14 – 23, 56

Với bài thương khó vừa nghe, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về nỗi cô đơn và sự im lặng của Chúa Giêsu. Ta bắt gặp hình ảnh Con Thiên Chúa chẳng những đã chia sẻ phận người, Ngài còn chia sẻ thân phận của những người yếu thế. Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, chúng ta không thấy đó là chuyện xa xôi.

Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu không phải là một vở kịch, mà có thật, và được Người tự do chọn lựa. Người đã phải chịu đựng nỗi đau bị các bạn hữu của mình bỏ rơi. Người đã phải chịu đựng nỗi đau bị Giuđa –một người trong số họ phản bội. Người đã phải chịu đựng nỗi sợ hãi và cơn hấp hối trong vườn cây dầu, và Người không hề được một ai nâng đỡ trong suốt cơn hấp hối của Người.

Cuộc khổ nạn cũng là lúc diễn tả rõ rệt nhất các nét đặc thù trong gương mặt của Chúa Giêsu. Theo thánh sử Luca, trước hết là tinh thần cầu nguyện. Chúa Giêsu đã gia tăng lời cầu nguyện trong những ngày và những giây phút cuối đời của Ngài. Lời cầu hấp hối kéo dài trong vườn cây Dầu trước khi Chúa Giêsu bị bắt là chứng tích rõ ràng nhất. Càng phải đương đầu với thử thách bắt bớ và khổ đau, Chúa Giêsu càng tín thác tha thiết kết hợp với Thiên Chúa Cha cho dù Ngài có cảm tưởng Thiên Chúa làm thinh và cũng đã bỏ rơi Ngài.

Cuộc khổ nạn cũng là lúc diễn tả rõ rệt nhất các nét đặc thù trong gương mặt của Chúa Giêsu. Theo thánh sử Luca, trước hết là tinh thần cầu nguyện. Chúa Giêsu đã gia tăng lời cầu nguyện trong những ngày và những giây phút cuối đời của Ngài. Lời cầu hấp hối kéo dài trong vườn cây Dầu trước khi Chúa Giêsu bị bắt là chứng tích rõ ràng nhất. Càng phải đương đầu với thử thách bắt bớ và khổ đau, Chúa Giêsu càng tín thác tha thiết kết hợp với Thiên Chúa Cha cho dù Ngài có cảm tưởng Thiên Chúa làm thinh và cũng đã bỏ rơi Ngài.

Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Nhưng trên hết, chúng ta gặp được một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn của Chúa Giêsu đối với Cha và với nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ. Vậy chúng ta hãy cảm nếm thật sâu nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng đừng quên nhận ra tình yêu bao dung nằm ẩn dưới từng phản ứng của Ngài. Ước gì chúng ta có thể đón nhận những gai góc của cuộc đời với thái độ của Chúa Giêsu. Càng suy nghĩ về cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Bề ngoài, cuộc tiến vào thủ đô Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông nô nức phất cao càch lá “Hoan hô con Vua Đavít” có vẻ một cuộc toàn thắngvang dội. Thực ra đây là một cuộc mở màn thương khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc thương khó. Bởi vì chúa biết rõ trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng trấn Philatô, trong tiếng kêu gào với những bàn tay nắm chặt đưa lên: “Đả đảo! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”

Chúa Giêsu đi vào cuộc khổ nạn hoàn toàn đơn độc. Cái chết cũng đơn độc, và khi Chúa Giêsu mang thân phận con người, Chúa không muốn thoát khỏi số phận đó. Trong vườn Cây Dầu, Chúa không biết chia sẻ đau buồn với ai. Bao nhiêu âu lo chồng chất mà không ai hiểu, hay an ủi một lời. Chúa để ba môn đệ thân tín gần chỗ Người cầu nguyện, nhưng ba lần Chúa trở lại đều thấy họ ngủ say. Trên thập giá nhìn xuống, Chúa thấy mình hoàn toàn trơ trọi, bên Người chỉ còn Gioan, Mẹ Maria và vài phụ nữ. Chính Thiên Chúa Ngôi Cha như cũng như xa vắng, vì thế Chúa thốt lên lời cầu nguyện như một tiếng than van: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con!”.

Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẫn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.

Cái chết của Đức Kitô trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm, bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đau đớn như thế? Mầu nhiệm, bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa 2000 năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đinh đóng vào thân thể Ngài…

Trong những ngày hết sức đặc biệt này, ta hãy tìm thời giờ đọc lại chậm rãi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Hãy bước theo Chúa qua từng chặng đường, từ toà đạo đến toà đời, và hãy ở lại thật lâu trên Núi Sọ. Đừng theo Chúa như một người lạ quay video cho đám tang, bởi lẽ mọi sự Chúa chịu là vì chúng ta và cho chúng ta. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu thấm nhuần và biến đổi chúng ta.

Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã nêu cao tấm gương xây dựng hòa bình. Ngài đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài. Cũng vậy, con người chỉ có thể xây dựng hòa bình nếu biết thực sự tha thứ cho nhau. Nhưng hai ngàn năm qua, nhân loại vẫn chưa hưởng được hòa bình thực sự, bởi vì nhân loại chưa đón nhận hay chưa sống đầy đủ Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đối với chúng ta, nếu chúng ta sống theo Tin Mừng của Chúa, chúng ta sẽ có được sự bình an đích thực trong tâm hồn và sống an hòa với mọi người.

Đứng trước những khó khăn, Chúa Giêsu còn cho thấy rõ ràng là phải chọn lựa, như trường hợp có nhiều người bỏ Chúa Giêsu, nhiều môn đệ nói với Người: lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi? Bấy giờ Chúa Giêsu đã hỏi nhóm Mười Hai: “các con cũng muốn bỏ đi hay sao?” Và ông Simon Phêrô đã nhanh nhẩu đáp thay cho nhóm Mười Hai: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Chỉ có Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 67-69).

Chính khi Đức Giêsu tắt thở trên thập giá, là lúc Chúa Giêsu trở nên Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại như lời Ngài đã nói trước: “Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”.Chính lúc Chúa chết là lúc Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ, tội lỗi và sự chết, vì Ngài đã chu toàn sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa Cha. Chính giờ phút Chúa chết là lúc Chúa được Thiên Chúa Cha tôn vinh.

Hôm nay ngày khởi đầu tuần thương khó, mỗi người chúng ta hãy rà xét lại lối sống của mình để ăn năn thống hối về lời nói việc làm của mình, dù là vô tình hay hữu ý đã và đang gây đau khổ cho người khác. Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta ban ơn tha thứ và giúp chúng ta chỉnh sửa lại lối sống của mình cho xứng với lòng ăn năn sám hối.

Huệ Minh