Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (18:33b-37)

Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?” Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do Thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”. Đó là Lời Chúa.

Suy niệm:

Trong cuộc sống, chúng ta đã từng nghe nói nhiều đến những vị vua và các triều đại. Vua là người làm bá chủ một vùng, một lãnh thổ, có quyền lực đứng nhất thiên hạ đến nỗi có một thời người ta quan niệm rằng “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Bên cạnh đó, cũng có những người “làm vua” theo kiểu đứng đầu về một ngành nghề, lãnh vực như vua dầu mỏ, vua bất động sản, vua thị trường chứng khoáng, vua bóng đá, vua tennis sân đất nện, ông hoàng nhạc pop…

Hôm nay, Giáo hội dành Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ để mừng lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ. Nhiều người đã hiểu lầm và gán ghép cho việc làm vua của Chúa Kitô theo kiểu tranh giành quyền lực trần thế để rồi kết án Người.

Trước tiên, người Do Thái một dân đang bị thống trị muốn có một người thuộc dòng dõi Vua Đavíd chính thức lên ngôi, làm vua để lãnh đạo dân kháng chiến và chiến thắng quân La Mã kẻ thù, đem lại tự do cho dân. Trong khi Chúa Giêsu lại khuyên họ sống khiêm tốn, yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình.

Thứ hai, vì Chúa Giêsu lên án việc sống giả hình của những nhà lãnh đạo dân Do Thái, và họ cũng từ chối, xem Người phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa  nên các thân hào và kỳ mục muốn mượn đao giết người một hợp pháp bằng việc gán ghép Chúa Giêsu muốn đảo chính. Họ nhờ chính quyền đô hộ kết án tử Chúa Giêsu.

Thế nhưng, việc làm vua của Chúa Giêsu không nhằm chiêu dụ bằng của cải vật chất. Cả khi người ta được Chúa cho ăn bánh no nê, họ muốn tôn Người lên làm vua nhưng Người lánh họ mà đi. Chúa Giêsu làm vua theo cách của Người: Vua tuyển mộ thần dân rằng “Ai muốn theo Tôi, hãy tự bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Tôi”. Vị Vua không vệ binh, không quân đội nhưng thuyết phục bằng việc đánh động cái tâm “Cả anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi hay sao?” Một vị vua không dùng bạo lực, không kháng cự: “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Một vị vua dùng tình thương và nêu gương bước trước: “Thầy rửa chân cho anh em thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”. Một vị vua không “ăn cổ đi trước, lội nước theo sau” nhưng lại tự nguyện gánh tội lỗi của dân, để mình bị “giao nộp” cho kẻ thù, và Người đã đi bước trước noi gương: “không có tình yêu nào cao quý hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”. Vâng, một vị vua không có biên cương lãnh thổ, cùng một tình thương không biên giới: đó chính là Vua Giêsu, Vua trên các vua, Chúa trên các chúa. Vương quyền của Chúa Giêsu quy tụ cả người cao sang quyền quý lẫn người thấp hèn, bé mọn, yếu đuối, tật nguyền, tội lỗi,… kể cả những kẻ bị xã hội gạt ra bên lề.

Thần dân của Nước Chúa được gọi là các “tín hữu” là những người tin vào Chúa. Đồng thời việc thờ phượng Chúa không phải ở hình thức, tổ chức những buổi lễ rình rang cờ xí trống kèn mà lòng thì trống rỗng. Trở nên thần dân của Người không chỉ là việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội là đủ, nhưng cần liên hệ với thực tại nhân sinh, với cuộc sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp và xã hội. Thần dân ấy cần can đảm sống theo sự thật, như Chúa đã cho biết: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. 

Mỗi người Kitô hữu chúng ta là công dân nước Chúa, vậy chúng ta được mời gọi góp phần vào công việc xây dựng vương quốc của Chúa Kitô trên trần gian này trước tiên qua việc thờ phượng Chúa trên hết mọi sự, chính mình biết thánh hóa bản thân mỗi ngày bằng đời sống đạo đức, Thánh lễ, cầu nguyện. Đồng thời chúng ta cũng cần sống giới Răn “Yêu Thương” được thể hiện rõ nơi 8 mối Phúc. Thực thi luật Yêu Thương mới làm cho con người ta sống mãi vì tình yêu mạnh hơn sự chết. Nhờ thế mà con người ta trở nên vĩnh cửu trong Chúa Kitô là Vua vũ trụ.

Lm. Alfonso

Tin Mừng Ga 18:33b-37
Quốc Vương Thái Lan đã đi vào huyền thoại như người dân kể lại: “nhà vua làm kênh rạch, nên có nước về ruộng đồng. Nguồn nước này đến từ đập Pa Sak Jolasid do chính vua Bhumibol trực tiếp thực hiện.

– Khi mới lên ngôi năm 1950, từ đó năm nào đức vua cũng tự tay lái xe jeep, với hoàng hậu Sikirit bên cạnh, đi tổng cộng 50.000 km, tới những nơi hẻo lánh, xa xôi để quan sát đời sống người dân còn khốn khó. Trong tâm trí của những người dân Thái, nhà vua là một người thân thiện, với cuốn sổ và chiếc bút trên tay, luôn lắng nghe những người nghèo khổ để thay đổi cuộc sống của họ.

Quốc vương lập ra dự án của hoàng gia, xúc tiến các kỹ thuật gieo hạt tân tiến. Năm 1971, nhà vua đưa ra các biện pháp giúp người dân giải hạn, đào kênh rạch để trữ nước và phân phối nước cho ruộng đồng.

– Đức vua đã biến cung điện Chitralada rộng lớn của mình thành tổ hợp trang trại, cánh đồng, nhà máy chế biến – nơi nhà vua có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp. Từ đây, hơn 2.000 đề án do chính nhà vua khởi xướng đã được triển khai trên toàn quốc, cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở nông thôn.

– Vào năm 1997, chính đức vua đã ký sắc lệnh sửa đổi Hiến Pháp, theo đó đức vua không còn là người bảo hộ đạo Phật là quốc giáo của Thái Lan. Bản thân đức vua là người Phật Tử nhưng lại bảo hộ cho tất cả các tôn giáo khác, kể cả cộng đồng Hồi Giáo là người thiểu số ở miền nam Thái Lan, nơi thường xảy ra các cuộc xung đột. Điều này đã giúp cho ngài không chỉ được tín đồ Phật Giáo ngưỡng mộ mà cả người đạo Hồi cũng phải kính nể và khâm phục.

Anh chị em thân mến,

Quốc vương Thái Lan, đã hy sinh cả cuộc đời để đem lại hạnh phúc ấm no cho người dân Thái, nhưng Chúa Giêsu còn hy sinh cả mạng sống để cứu chuộc chúng ta. Tuy nhiên sứ mạng của Chúa Giêsu không giống như sứ mạng của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Chúa không giống như quyền bính của hoàng đế Rôma hay như bất cứ một vị vua chúa nào trên trần gian. Chính vì thế sau khi làm phép lạ bánh hoá nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua, nhưng Chúa đã lẩn trốn, nhưng khi Philatô hỏi: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu này, nhưng Chúa đã minh xác rằng: vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này.

Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Chúa lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Chúa Giêsu đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, con đường của tình yêu. Chính vì tình yêu cao cả này, Chúa Giêsu đã hiến thân hy sinh cho thần dân của mình. Như vậy, qua cuộc hiến tế, chúng ta nhận ra, Chúa Giêsu không chỉ là một vị vua hiền lành, nhân từ, nhưng còn là một vị vua hạ mình đến tận cùng, đến nỗi khi nhìn ngắm  sự hạ mình của Chúa trong cuộc hiến tế thương đau, chúng ta chỉ còn biết lặng thinh, chiêm ngắm, thờ lạy, cảm tạ, chúc tụng, nguyện một lòng trung thành theo Chúa cho đến trọn đời.
 
Một sự kiện xảy ra cách đây không lâu: những người thợ lặn đã phát hiện ra một con tầu  bị chìm cách đây 400 năm ngoài biển khơi vùng phía bắc Ireland. Một trong những kho tàng họ đã tìm thấy trên tầu là một chiếc nhẫn cưới. Khi đánh bóng, họ thấy trên mặt chiếc nhẫn khắc hình một bàn tay đang nắm giữ một trái tim. Phía dưới có khắc hàng chữ như sau: “anh không còn gì để cho em” (I have nothing more to give you). 

Trong tất cả những kho tàng đã tìm thấy trên con tầu, không có sự gì làm cảm động những người thợ lặn cho bằng chiếc nhẫn và những lời cao đẹp đó.

–“Ta không còn gì để cho con” – có thể được đặt trên Thập Giá của Đức Giêsu, vì từ trên Thập Giá đó, Ngài đã cho chúng ta tất cả những gì Ngài có. Ngài cho chúng ta tình yêu và mạng sống. Ngài cho chúng ta tất cả những gì một người có thể trao ban cho người mình yêu: “không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”(Ga 15,13). 

Lạy Đức Giêsu Kitô, là Vua của vũ trụ, là Vua của nhân loại, và là Vua của tâm hồn con. Con xin phó thác tất cả mọi sự trong tay Chúa: mạng sống, tình yêu, hạnh phúc, ý muốn, khát vọng, những người thân yêu của con, hiện tại cũng như tương lai. Con xin phó thác cho Chúa tất cả để Chúa quyết định mọi sự theo thánh ý Chúa. Xin hãy giúp con ngày càng tin vững vào tình yêu và quyền năng của Chúa vì Chúa là Vua của tâm hồn con. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thụy