Linh địa La Vang thuộc tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam, đã trở nên nổi tiếng từ Bắc chí Nam, không chỉ với người Công Giáo,mà còn cả với người ngoài Công Giáo nữa; hiện tại, nhiều người Công Giáo trên thế giới cũng biết đến sự kiện linh thiêng tại La Vang.
Tại hải ngoại, nhất là Hoa kỳ và Canada, cộng đồng Công Giáo Việt Nam đã xây dựng những Thánh Đường, nguyện đường hoặc đền đài mang tên Đức Mẹ La Vang:
I. Tại Hoa Kỳ:
1. Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Washington DC, do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chấp thuận cho Liên Đoàn Công Giáo Viêt Nam thực hiện, số 400 Michigan Avenue, NE, Washington DC 20017.ĐT: 202-526-8300.
2. Our Lady of Lavang ( TGP Baltimore), 335 Sollers Point Rd,Dundalk,MD 21222.ĐT:410-282-1496.
3. Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang (GP Arlington,VA), Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo, St Veronica Church, 3460 Centreville Road, Chantilly, VA 20151.
4. Our Lady of Lavang church, 1806 Ashland Ave, Norfork, VA 23509.ĐT:727-622-5345.
5. Our Lady of Lavang Parish, 409 Camppostella Rd, Norfolk, Virginia 23523.
6.Our Lady ofLavang, 2019 Porter SW, Wyoming, Michigan 49509.
7. Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, Lasalette Shrine, 947 Park Street, Attleboro, MA 02703. ĐT: 508-222-5410.
8. Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang, St Margaret Shrine, 2523 Park Ave, Bridgeport, CT 06604. Phone:2 03-333-9627, Fax: 203-333-9723.
9. Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, 314 Township Ave,Cincinnati,OH 45216. ĐT: 513-242-2933.
10. Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, 91 Valley Hill Road Southwest, Riverdale, GA 30274. ĐT: 770-472-9963.
11. Our Lady of Lavang, 5404 Northeast Alameda Street, Porland,OR 97213. ĐT: 503-249-5892.
12. Đền Thánh Đức Mẹ La Vang, 4835 S. Pearl Street, Las Vegas,NV 89121. ĐT: 702-821-1459.
13. Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang,St Joseph the Worker Parish,19855 Sherman Way,Winnetka,CA 91306.ĐT;818-341-6634.
14. Our Lady of Lavang,288 South Harbor Boulevard,Santa Ana,CA 92704.ĐT:714-775-6200.
15. St Francis Mission Our Lady of Lavang,3834 E. Lowe Ave,Fresno,CA 93702.ĐT:559-485-9467,Fax 559-485-8548.
16. Our Lady of Lavang,800 S Tucson,AZ 85719.ĐT:520-882-3891.
17. Our Lady of Lavang,1015 Chelwood Park,NE,Albuquerque,NM 97112.ĐT:505-271-3079.
18. Our Lady of Lavang,1000 Broadmoor Street,Baton Rouge,LA 70815.
19. Our Lady of Lavang Catholic Church and Mission,6054 Vermillion Boulevard,New Orleans,LA 70122.ĐT:504-283-0559.
20. Giáo xứ Đức Mẹ La Vang,12320 Old Foltin Road,Houston,TX 77086.ĐT:281-999-1672,Fax 281-820-7095,Website:www.lavangchurch.org
II. Tại Canada:
1. Our Lady of Lavang,96 Empress Ave,Ottawa,ONT K1R7G3,Canada.
2. Our Lady of Lavang,13 rue de la Concorde,Ottawa,ONT,Canada.
3. Our Lady of Lavang,579 Hartfordshire Lane,Mississauga,ONT L5B2W9,Canada.
4. Our Lady of Lavang,PO Box 40 Kindersley,Sakaschewan,S0L1S0,Canada.
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Houston (Địa chỉ tại số thứ tự 20) là một giáo xứ lớn của người Việt Nam vơí Thánh Đường khang trang,mang sắc thái Việt Nam, có sức chứa trên 1200 người và các cơ sở phụ thuộc như:hội trường Thánh Mẫu,trung tâm giáo dục dành cho khoảng 900 thiếu nhi theo học giáo lý và Việt ngữ,trung tâm sinh hoạt giới trẻ và nhà kho.Phía bên kia đường Old Foltin,đối diện với Thánh Đường,là nguyện đường kính Đước Mẹ La Vang dành cho trên 250 người tham dự các Thánh Lễ ngày thường,linh đài Đức Mẹ La Vang lấy khuôn mẫu giống như linh đài tại quê nhà,14 nơi thương khó,kích thước như người thật,tiếp đến là nhà xứ với đầy đủ các phòng làm việc và hội họp;tất cả tọa lạc trên 23,7 mẫu dọc theo hai bên đường Old Foltin,Houston,Texas 77086.Giáp ranh với văn phòng nhà xứ là tu xá thuộc dòng Đa Minh hải ngoại.
Linh địa La Vang đã được giáo hội Công Giáo La Mã nhiều lần nhắc đến,nhất là Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II đã nói đến sự kiện La Vang nhân dịp phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam vào ngày 19-6-1988;Ngài cũng cho giáo hội hoàn vũ nhận biết về việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1798 để ủi và cứu giúp những người bị bách hại vì đạo Chúa.Mỗi khi gặp gỡ phái đoàn hoặc giới trẻ Việt Nam,Ngài luôn nhắc đến Đức Mẹ La Vang và phó thác dân tộc Việt Nam trong tay Mẹ.
Nói đến linh địa La Vang mà không tìm hiểu về lịch sử của địa danh linh thiêng này là điều thiếu sót lớn. Thật vậy, như địa bộ làng Cổ Vưu thời xa xưa đã ghi là phường Lá Vằng vì nơi đây có nhiều cây lá vằng. Cây lá vằng là loại dây leo, hoa trắng, vị đắng; người ta sắc (nấu) lá vằng làm thuốc uống cho phụ nữ mới sanh. Từ hai chữ lá vằng (phường Lá Vằng),người ta đọc trại ra là La Vang; nơi đây là chốn hẻo lánh,rừng thiêng nước độc, nhiều thú dữ. La Vang thuộc khu vực Dinh Cát, thời chúa Nguyễn Hoàng, sau này thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Quảng Trị khoảng 6 km phía Tây Nam và cách cố đô Huế (Phú Xuân cũ) khoảng 60 km về phía Bắc. Vào thời điểm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang là thời kỳ nhiễu nhương, loạn lạc, nhân tâm ly tán, dân tình đói khổ, phương tiện thông tin duy nhất là truyền khẩu; vì vậy, việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang chỉ được truyền từ người này qua người khác, từ nơi này đến nơi khác và từ đời nọ sang đời kia mà thôi. Năm1792, vua Quang Trung mất, thái tử Nguyễn Quang Toản mới lên 10 tuổi (sinh năm 1782)được triều đình tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Quang Toản. Sau khi thành Phú Xuân thất thủ trước quân của chúa Nguyễn Phúc Ánh, vua quan nhà Tây Sơn chạy ra Bắc Hà lại đổi niên hiệu là Bảo Hưng. Vua Cảnh Thịnh còn qúa nhỏ nên việc triều đình nằm trong tay thái sư Bùi Đắc Tuyên (anh ruột bà thái hậu) quyền uy và hống hách nên triều đình trở nên bè đảng và hãm hại lẫn nhau; trong khi đó, thanh thế của chúa Nguyễn Phúc Ánh ngày càng mạnh về mọi mặt khiến cơ đồ nhà Tây Sơn có nguy cơ xụp đổ. Trước tình trạng đó, nhà Tây Sơn còn nhận thấy Đức Giám Mục Pigneau de Béhaine (Tiếng Việt gọi là Bá Đa Lộc) hết lòng giúp đỡ chúa Nguyễn Phúc Ánh. Vì vậy, tháng 8-1798, tại Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn ra sắc chỉ cấm đạo Gia Tô là đạo ngoại quốc, từ Phú Xuân đến Bắc Hà, phải triệt hạ các đạo đường, đạo quán, bắt bớ và giết hại các đạo trưởng cũng như giáo dân rất ác liệt.Để trốn tránh cảnh cướp bóc, đốt phá và chém giết bạo tàn của quân Tây Sơn, giáo dân các xứ Cổ Vưu (Trí Bưu), Hạnh Hoa và Thạch Hãn…thuộc tỉnh Quảng Trị (ngày nay) đã trốn vào ẩn náu trong phường Lá Vằng, bất chấp đói khát, thú dữ, nước độc và bệnh tật,miễn sao được an thân; họ phá rừng làm rẫy và trồng hoa màu dể sinh sống. Trong cơn nguy khổn ấy, mọi người vẫn một lòng trông cậy váo Thiên Chúa và Đức Mẹ. Tương truyền rằng hằng đêm họ họp nhau nơi đám cỏ, dưới gốc cây đa cổ thụ, đọc kinh và lần chuỗi Mân Côi xin Chúa và Đức Mẹ cứu giúp và che chở. Bỗng nhiên, vào một đêm, trong lúc đang đọc kinh, họ thấy một bà thật tươi đẹp, tay bồng chú bé,xuất hiện ở cây đa cổ thụ; họ nhận ra đó là Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu. Mẹ an ủi các tín hữu và phán rằng : “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”; Mẹ còn dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh. Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy. Đó là những điều các tiền nhân truyền lại cho đến nay; từ những ngày đó, phường Lá Vằng đã trở thành Linh Địa La Vang. Nhiều người lương cũng như giáo khắp nơi đến hành hương, cầu xin; Đức Mẹ đã nhận lời và ban nhiều ơn phúc,như Mẹ đã phán. Đức cố Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn,khi nói về sự tích tại La Vang, đã nói: Sự tích về La Vang,chúng tôi có biết đặng ít nhiều thì bởi truyền khẩu chứ không bởi truyền thơ. Những điều truyền khẩu về Đức Mẹ La Vang thật hư thế nào, mặc ai tự nghĩ. Chúng tôi chỉ luận chung rằng: có tích mới dịch ra tuồng. Nay việc La Vang đã ra như một việc lớn lao thế này, lẽ nào là một việc vô tông vô tích.
Trước năm 1885, La Vang có một nhà thờ kính Đức Mẹ nhưng dã bị bọn dựa thế phong trào Văn Thân đốt cháy. Năm1886, Đức Cha Marie Antoine Gaspar (ĐC Lộc),Giám Mục giáo phận Huế cho xây đền thờ lợp ngó;vì địa điểm rất khó khăn cho việc vận chuyển vật liệu nên phải mất 15 năm mới hoàn thành. Năm 1901, đại hội La Vang lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 08-8 nhân dịp khánh thành nhà thờ. Dịp này, Đức Cha Gaspar đã chọn danh hiệu cho Thánh Đường La Vang là “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu” và Ngài đã quy định về lịch trình kính Đức Mẹ tại La Vang như: hàng năm, kiệu kính Đức Mẹ vào ngày mồng 03 tết Nguyên Đán, gọi là kiệu minh niên và cứ 3 năm mở đại hội 3 ngày trong tuần lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, với danh xưng là Đại Hội Thánh Mẫu La Vang. Lịch trình này vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Năm 1924, Đức Cha Allys (ĐC Lý) cho Cha Morineau (Cố Trung), Cha xứ họ Trí Bưu (Cổ Vưu) xây một ngôi Thánh Đường lớn; ngôi Thánh Đường này tồn tại cho đến năm 1972 thì bị hủy hại do chiến tranh. Vào thời gian Cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh làm Cha xứ linh địa La Vang (1946-1955), từ năm 1949 đến năm 1954, linh địa La Vang nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh nên giáo dân La Vang tản cư ra thị xã Quảng Trị thì đồng bào vùng lân cận như Long Hung, Phú Hưng… lại đến La Vang và đã có gần 1 ngàn người trở lại đạo Công Giáo. Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, LaVang thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, những cuộc hành hương lại trở nên nhộn nhịp; nhiều đoàn thể và cá nhân, từ Bến Hải xuống đến Cà Mâu, thường quy tụ về La Vang để kính viếng Đức Mẹ.
Hội Đồng giám mục miền Nam Việt Nam (Giáo tỉnh Huế và giáo tỉnh SàiGòn), trong phiên họp ngày 13-4-1961 tại Huế đã quyết định chọn La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc (Việt Nam Cộng Hòa). Đền Thờ Đức Mẹ La Vang được Đức Thánh Cha Gioan XXIII nâng lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường bằng tông thư Magno Nos ngày 22-8-1961.Hôm đó cũng là ngày ĐềnThờ được cung hiến và giáo quyền chính thức tuyên bố linh địa La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc (Việt Nam Cộng Hòa). Năm1972, chiến tranh giữa quốc gia và cộng sản diễn ra ác liệt tại tỉnh Quảng Trị, khu vực La Vang bị tàn phá nặng nề, kể cả Thánh Đường, chỉ còn lại 3 cây đa nhân tạo có đài Đức Mẹ là còn nguyên vẹn mà theo tục truyền là nơi Đức Mẹ hiện ra khi xưa. Năm1974, Đức Mẹ thánh du do Đạo Binh Xanh quốc tế tổ chức đã đến La Vang trong cảnh hoang tàn, nhưng các con Mẹ vẫn quy tụ về đây rất đông. Ngày 01-5-1980, tại Hà Nội,các Giám Mục thuộc HĐGM, toàn cõi VN lần đầu tiên, đồng thanh biểu quyết chấp nhận Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Sau ngày 30-4-1975, nhà cầm quyền cộng sản VN cấm ngặt tụ tập ở linh địa LaVang, nhưng con cái khắp nơi vẫn tìm mọi cách đến với Mẹ. Phải đến năm 1990, chánh quyền cộng sản nhận thấy việc ngăn cấm giáo dân hành hương về La Vang là điều bất lợi về chánh trị nên chánh quyền huyện Triệu Hải ( tỉnh Quảng Trị) cho phép tổ chức đại hội, với những hạn chế tối đa và chỉ do linh mục Nguyễn Vinh Gioang, Cha xứ Diên Sanh kiêm linh địa La Vang tổ chức. Về mặt tổ chức thì hạn hẹp, cơ sở hoang tàn, phương tiện thiếu thốn nhưng về đạo thì rất sốt sắng, với hơn 20 ngàn tín hữu tham dự. Sau thời điểm này,linh địa được trùng tu và kiến tạo dần dần,do sự đóng góp của giáo dân trong nước và giáo dân tỵ nạn tại hải ngoại; vì vậy, linh địa mới có được bộ mặt nguy nga và bề thế như hiện tại. Sau đại hội năm 1990, nhà cầm quyền cộng sản đã từ từ nới lỏng cho giáo quyền tổ chức các đại hội vì họ thấy rằng chỉ có lợi mà không thấy gì nguy hiểm cho họ. Về chánh trị, họ tích cực dùng những hình ảnh của đại hội để tuyên truyền về tự do tôn giáo, về vật chất thì họ triệt để khai thác để kiếm tiền như giữ xe, mở nhà trọ, các quán hàng, dịch vụ,v.v. bên ngoài khu vực linh địa. Còn nguy hại thì không vì họ nhận thấy, qua lần đại hội năm 1990 hoặc các nhóm,các đoàn thể giáo dân tụ tập về đây hoàn toàn vì đạo mà không hề có biểu tình hoặc gây bất lợi cho họ. Do đó,các đại hội Thánh Mẫu La Vang được tổ chức liên tục theo quy định năm 1901 của ĐC Marie Antoine Gaspar như:
-Đại hội lần thứ 23 diễn ra từ ngày 13 đến 15-8-1993.
-Đại hộI lần thứ 24 từ ngày 13 đến 15-8-1996.
-Đại hội lần thứ 25 từ ngày 13 đến 15-8-1999.
-Đại hội lần thứ 26 thuộc thế kỷ 21 từ ngày 13 đến 15-8-2002.
Những đại hội kế tiếp vẫn tiếp tục 3 năm một lần như đã quy định.
Điều đáng chú ý là càng ngày càng đông tín hữu, các đoàn thể,v.v. khắp mọi miền đất nước quy tụ về La Vang vào các dịp đại hội; trong số những người tham dự, có cả những người ngoài Công Giáo vì họ tin hoặc đã được Đức Mẹ ban ơn như ý họ đã xin.Con số tín hữu tham dự đại hội thử 23 (1993) vào khoảng 50 ngàn người;hiện nay, con số này phải tính là hàng trăm ngàn.
Đặc biệt,vào năm 1998 còn có đại lễ kỷ niệm 200 năm (1798-1998) Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Dịp này,Đ ức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban phép mở năm toàn xá Đức Mẹ La Vang cho toàn thể cộng đồng Công Giáo Việt Nam;đồng thời, Ngài gởi sứ điệp cho đại lễ và cử Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam làm đặc sứ của Đức Thánh Cha để cử hành đại lễ nói trên. Nhân dịp đại lễ bế mạc năm toàn xá Đức Mẹ La Vang và đại hội hành hương lần thứ 25 (1999), ĐTC Gioan Phaolô II cũng gởi một sứ điệp cho Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, TGM Huế.
Để tôn vinh, nhớ ơn và cầu xin Mẹ, Tổng Giáo Phận Huế đã ban hành và cho phổ biến kinh sau đây:
Kinh Thánh Mẫu La Vang.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang đầy muôn ơn phúc,ngời chói hào quang,muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng. Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh Đấng Cứu Độ muôn loài.Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo,giữa thời ly loan cấm cách, khốn khổ trăm bề. Từ ấy gót chân Mẹ bước đến,vẫn mãi đầy ơn thiêng, ơn phần hồn,ơn phần xác, người bệnh tật, kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhận lời. Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cùng là Thánh Mẫu loài người chúng con. Cúi xin xuống phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài. Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông. Và sau cuộc đời này, xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
Tóm lại, sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang đã được các tín hữu Việt Nam và nhiều người trên thế giới nhận biết; do đó, Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ La Vang là Mẹ của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy,khi con cái Mẹ phải rời bỏ quê hương, lưu lạc trên khắp thế giới, vẫn một lòng trông cậy, tôn sùng và hướng về La Vang bằng cách thiết lập những đền đài hoặc Thánh Đường mang tên Mẹ La Vang, không chỉ riêng ở Hoa Kỳ và Canada, để tôn vinh, khấn nguyện và truyền bá sự tích về Mẹ La Vang tại hải ngoại.
Xin chân thành kính dâng lên Mẹ La Vang muôn vàn lời cảm tạ về những ơn lành Mẹ đã ban cho chúng con.
Tháng Mân Côi 2012.
Gia Bình