Suy Niệm Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (24, 46-53)

Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.49 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông.51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ,53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Suy Niệm

Trại trẻ mồ côi Moumayazoun của vợ chồng anh Asmar Halabi là nơi cưu mang những đứa trẻ mất cha mẹ, nhà cửa do chiến tranh ở Syria. Nơi đây, được gọi là “thiên đường dưới lòng đất” của các em. Những trẻ em tuổi từ 2 đến 14, ăn, ngủ, vui chơi ở một khu trại dưới lòng đất trong khi những vụ đánh bom vẫn tiếp diễn trên đầu. Ngôi nhà mới của các em đầy màu sắc, có xích đu, khu vực làm đồ thủ công, có máy tính và các trò chơi khác. Ở đây, các nhà tâm lý học và giáo viên không chỉ giúp các em hồi phục thể xác, mà còn chuẩn bị cho các em tinh thần để đối mặt với những thử thách trước mắt.

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu Thăng Thiên. Sau khi đã chu đáo lo liệu và cũng cố niềm tin cho các Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời cùng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu lên trời không chỉ đánh dấu việc đem ơn cứu độ đến trần gian cho nhân loại đã được hoàn tất, nhưng còn để mở ra cho nhân loại một thời kỳ mới – thời kỳ của tình thương, thời kỳ của sự giải thoát, thời kỳ của ân sủng; và những mặc khải hoàn hảo nhất đã được công bố cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô. Đồng thời, lên trời cũng là một thời khắc của kỷ nguyên mới, Thiên Chúa đã biến nước trời thành quê hương dành cho toàn thể nhân loại trung thành đón nhận và tin tưởng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Biến cố thăng thiên nhắc nhở mỗi người tín hữu về bổn phận làm con cái Thiên Chúa, qua việc góp phần xây dựng trần gian này trong việc hướng về trời cao. Bởi chưng, niềm hy vọng nước trời sẽ giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗ và những gì tạm bợ chóng qua của sự sống đời này. Tin vào sự phục sinh và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta bước đi trong ánh sáng của ngày phục sinh hoan lạc, dẫn đưa chúng qua khỏi miền u mê sự chết để bước vào vinh quang bất diệt.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con can đảm và trung thành chu toàn nhiệm vụ ở trần gian trong niềm tin tưởng vào ngày phục sinh vinh hiển mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Chứng Nhân Cho Đức Kitô Phục Sinh

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Người trở về nhà Cha, sau khi đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm xa nhà, Người hồi hương trong vinh quang phục sinh và “được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19).

Chúa Thăng Thiên mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Giáo hội, kỷ nguyên của chính chúng ta. Chúng ta hãy làm chứng cho tình yêu thương của Thiên Chúa đã cho chúng ta tất cả kể cả Con yêu Dấu của Ngài bằng một đời sống vui tươi, cảm tạ, một mối tương quan bác ái, huynh đệ đối với mọi người chung quanh để làm sao thể hiện một con người được cứu độ, được Thiên Chúa yêu thương và loan báo tình yêu thương đó cho mọi người.

Trên trời cao, các thiên thần và triều thần thiên quốc đang tụ họp tổ chức nghi lễ đón tiếp Đấng Cứu Thế khải hoàn. Tác giả Thánh vịnh 23 đã chiêm ngưỡng và mô tả cuộc nghinh đón đó bằng ca khúc bất hủ: “Hỡi các khải hoàn môn và các vệ binh thiên quốc, hãy cất cao đầu lên. Hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu, hãy mở rộng ra, để Vua vinh hiển và đoàn tùy tùng tiến vào. Vua vinh hiển là ai? Thưa là Đức Giêsu uy hùng lẫm liệt, là Chúa oai phong chiến thắng. Hỡi các khải hoàn môn, hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu hãy cất cao đầu lên, để Vua vinh hiển tiến vào, Vua vinh hiển là ai? Chính là Thiên Chúa hùng dũng uy linh”.

Chúa Giêsu lên trời, một cảnh tượng thật huyền diệu. Thân xác Người nhẹ bay lên cao. Tay Người ban phúc lành cho các tín hữu. Dáng Người nhỏ dần và hòa biến vào không gian vô tận.

Chúa lên trời chẳng qua là sự Người trở về cùng Chúa Cha và được biến hình cả thể xác lẫn tình thần, việc Chúa lên trời đó đối với các môn đệ cũng là một dấu chỉ tối cao về việc Ngài trở lại và nhờ đó, các ông cũng được lên trời. Từ giờ đó, họ biết rằng đời họ là một cuộc hành trình tiến về ánh sáng và bất chấp mọi trở ngại của cuộc sống trần gian cũng như quân thù bách hại, mọi chuyện sẽ hoàn tất trong ánh sáng của sự biến hình.

Chúa lên trời cho chúng ta một niềm tin chắc chắn rằng một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được về trời với Chúa. Vì vậy ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Chuẩn bị cho cuộc sống mai sau có nghĩa là chúng ta phải biết rằng cuộc sống này chỉ là tạm bợ, chóng qua, để chúng ta không bám víu vào mà chỉ lo tìm kiếm những thứ thuộc về đời này, những thứ mà Chúa Giêsu gọi là thuộc về thế gian. Đồng thời chúng ta phải sống thực tại Nước Trời ngay tại trần gian này. Mà thực tại Nước Trời là gì nếu không phải là tình yêu thương. Do đó dấu hiệu để chúng ta biết mình sống ở đời này mà có lo vun đắp cho hạnh phúc mai sau hay không chính là việc chúng ta có thể hiện tình yêu thương trong cuộc sống hay không.

Đoàn tùy tùng theo Chúa về trời đông vô kể, các thánh thời Cựu Ước, các tổ phụ, các tiên tri, các người công chính…đang hoan hỉ vui mừng đi theo Chúa. Đặc biệt có thánh cả Giuse, thánh Gioan Tiền hô, Tổ phụ Abraham, Giacop, Môisê, thánh Giop, vua Đavid, các tiên tri, hân hoan cung nghinh Đấng Phục Sinh khải hoàn về thiên quốc.

Trên núi Cây Dầu cả cộng đoàn môn đệ đang ngây ngất chiêm ngưỡng, tâm trí như mất hút vào không gian vô tận, lòng rộn rã hân hoan: “Hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa. Hãy trổi cao kèn sáo, đàn ca lên dâng Người khúc ca tuyệt mỹ, Chúa là Vua khắp muôn dân, ngự trên tòa uy linh cao cả” (Tv 47, 2-3, 6-9).

Chúa về trời vì chính Người đã từ trời xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Người đến nhân gian để nói với nhân loại về Nước Trời, mặc khải cho con người biết Thiên Chúa. Người giúp họ thay đổi quan niệm về Thiên Chúa cũng như quan niệm về con người.

Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới.Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.

Khi ta nói Đức Giêsu lên trời, điểm cốt yếu phải tin là Chúa Kitô đã sống lại và siêu vượt khỏi cái thế giới tù túng, tội lụy, hay thay đổi và đầy đau thương này. Với thân xác phục sinh, Người đã đi vào một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa. Thế giới đó là thế giới xác thực, thiêng liêng, mới mẻ và siêu việt. Chỉ trong thế giới đó mới có sự sống đích thực. Thế giới đó siêu việt (chứ không xa cách) thế giới chúng ta đang sống. Đó là một thế giới khác biệt hẳn về phương diện thực hữu, chứ không phải về phương diện không gian xa gần hay rộng hẹp. Chúng ta có thể “sờ đụng” vào thế giới đó trong lòng tin và nơi các bí tích cứu độ. Đó là một sự “tiếp cận” một thực tại mầu nhiệm nhưng đồng thời rất thật, rất gần, thật và gần hơn cả cái thế giới phàm tục mà ta đang sống đây.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy việc Giáo Hội nối tiếp sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô, nối tiếp những công việc Người đã làm, kể cả những công viêc lạ lùng như trừ quỷ, chữa lành các bệnh nhân. Giáo Hội thể hiện sự hiện diện của Đức Kitô giữa trần gian. Sự hiện diện này không còn bị đóng khung trong thời gian và không gian. Nhưng đã được mở ra để có thể đến với mọi người.

Mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta không phải chỉ biết ngước mắt nhìn lên cao, mà điều quan trọng đó chính là chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả việc làm và đời sống, nhất là bằng sự dấn thân, để thực hiện một sự lựa chọn rõ rệt. Con Thiên Chúa khi làm người và ở giữa chúng ta, đã thể hiện một sự lựa chọn rõ rệt, Ngài không hiện diện một cách chung chung, và vô thưởng vô phạt, nhưng đã hiện diện như một Tin Mừng cứu độ cho nhiều người, đồng thời như một hòn đá vấp ngã đối với một số người khác.

Việc Chúa Giêsu lên trời mãi mãi là một huyền nhiệm. Dùng ngôn ngữ loài người để tả một huyền nhiệm của Trời thì thật khó biết bao. Nhưng điều quan trọng là biến cố đã xảy ra. Thật khó mà tưởng tượng rằng sự xuất hiện của Chúa Giêsu cứ thưa dần, thưa dần cho tới khi tắt hẳn. Nếu thế đức tin con người sẽ tàn lụi. Nếu như Chúa Giêsu biến thành Đấng Kitô của cõi trời và không còn liên hệ gì với cõi trần này, lúc đó chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng.

Sống mầu nhiệm Chúa lên trời hôm nay, chúng ta không phải chỉ đăm đăm ngước mắt nhìn về trời để nuối tiếc, để tìm kiếm, nhưng là ra đi vào thế giới, vào môi trường mình đang sống để làm chứng cho Chúa, để giới thiệu Chúa Kitô cho anh chị em chung quang mình. Sống chứng nhân là xây dựng nước trời ngay trong cuộc sống này, trong gia đình, trong họ đạo của chúng ta. Chúa Kitô đặt hết niềm tin tưởng nơi chúng ta, để rồi một khi chu toàn bổn phận của mình nơi trần gian, chúng ta cũng sẽ trở về trời với Chúa của mình.

Lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay một lần nữa Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy là chứng nhân cho Ngài. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải lập nhà dòng hay xây dựng những cơ sở để làm việc từ thiện như Mẹ Têrêsa, điều Ngài chờ đợi nơi mỗi người chúng ta là hãy bỏ đi tính ích kỷ xâm chiếm cuộc sống của chúng ta để mở tâm hồn mở con tim mở miệng ra để sống cho Ngài và cho tha nhân.

Huệ Minh