Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (4: 1-13)

1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!”4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ.6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý.7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”.8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

Bí Quyết Chiến Thắng Cám Dỗ – Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay C

Tin Mừng Lc 4: 1-13

Đnl 26,4-10 ; Rm 10, 8-13 ; Lc 4,1-13

1.Chúa Giêsu với những cám dỗ trong Hoang Địa

1.1.Cám dỗ thứ nhất

1.2.Cám dỗ thứ hai

1.3.Cám dỗ thứ ba

2.Còn cám dỗ đối với chúng ta như thế nào?

2.1.Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đối với chúng ta

2.1.1.Cám dỗ thứ nhất là nhu cầu sự sống 

2.1.2.Cám dỗ thứ hai là nhu cầu phình to bản ngã

2.1.3.Cám dỗ thứ ba là nhu cầu thích quyền lực

2.2.Bậc thang nhu cầu của Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs)

2.2.1. Nhu cầu cơ bản (basic needs)

2.2.2. Nhu cầu về an toàn (safety, security needs)

2.2.3. Nhu cầu về xã hội (social needs)

2.2.4. Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)

2.2.5. Nhu cầu được thể hiện mình/ khẳng định bản thân (self-actualizing needs)

3.Bí quyết chiến thắng cám dỗ

3.1. Chúa Giêsu đã thắng cơn cám dỗ như thế nào

3.1.1.Thái độ dứt khoát của Chúa Giêsu

3.1.2.Bí quyết chiến thắng cám dỗ của Đức Giêsu 

3.2. Còn chúng ta…?

3.2.1.Không mon men đến dịp tội

3.2.2.Trước dịp tội hãy tránh cho xa 
 

Tin Mừng Lc 4: 1-13

CN 1C MC: Bí Quyết Chiến Thắng Cám Dỗ (Lc 4,1-13)

1.Chúa Giêsu với những cám dỗ trong Hoang Địa

Theo truyền thống, các học giả thường nhấn mạnh đến ba lãnh vực bị thử thách trong đời sống của Đức Giêsu. Cám dỗ “biến đá thành bánh” đánh vào các nhu cầu thể lý của Đức Giêsu. Cám dỗ “nhảy xuống từ nóc Đền Thờ” thử thách nhận thức của Đức Giêsu về sứ vụ Mêsia của Người. Cám dỗ “bái lạy quỷ dữ” được mô tả như một cuộc công kích tâm linh triệt để.

1.1.Cám dỗ thứ nhất

Một giải thích không đúng về cám dỗ thứ nhất là cho rằng Đức Giêsu sẽ thực sự mắc lỗi nếu “biến đá thành bánh” để thoả mãn nhu cầu bản thân. Thực ra tự bản chất, hành động này khồng xấu vì sau này trong sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã từng làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều. Do vậy, vấn đề đặt ra là: “làm thế nào mà lời đề nghị “biến đá thành bánh” lại có thể thực sự trở thành một cơn cám dỗ?” Câu trả lời của Đức Giêsu đã lật tẩy thực chất cuộc công kích của ma quỷ là muốn làm cho Đức Giêsu lìa xa sứ mệnh của Người. Dừng lại việc chay tịnh để biến “hòn đá thành chiếc bánh” là một việc không phải là xấu, nhưng nếu làm như thế, Đức Giêsu lại phải mất thêm thời gian để suy xét nghiêm túc về bản chất ơn gọi của Người. Đức Giêsu đã đập tan cơn cám dỗ này bằng cách chọn điều tối thiện hảo là làm theo  ý Thiên Chúa Cha, nên để trả lời cho Satan, Đức Giêsu đã trưng dẫn lời Kinh Thánh: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra”. Người luôn giữ thái độ lắng nghe trong tình thân với Thiên Chúa. Người ân cần lưu tâm đến công việc của Chúa Cha là Cha của Người (x. 2,49). Sự phục tùng biểu tỏ tình thân, chính tình thân này là mấu chốt giúp hiểu hai cơn cám dỗ còn lại.

1.2.Cám dỗ thứ hai

Thoạt nhìn, cơn cám dỗ thứ hai chẳng có gì đáng xem là cám dỗ: “Đức Giêsu mà lại phải sụp lạy ma quỷ ư?” Chẳng cần phải rườm rà hoa lá, chẳng cần ngụy trang, “cái bẫy” đã được phô ra rành rành. Tuy vậy, đối với Đức Giêsu, cám dỗ này đúng là có một hấp lực thực sự. Xây dựng một vương quốc trần gian để hất cẳng chính quyền của người Rôma, cám dỗ này đồng nghĩa với việc Đức Giêsu không thể chu toàn ơn gọi của mình. Nó cũng đồng nghĩa với việc Đức Giêsu sẽ phải dùng tới những phương thế trần gian để mang đến cho con người tự do, cũng có nghĩa là giành được vương miện mà chẳng cần phải trải qua khổ giá. 

Câu trả lời được lấy ra từ Kinh Thánh của Đức Giêsu chứng tỏ đấy chính là điểm mấu chốt của cơn cám dỗ này. Chính mối tình thân với Chúa Cha chứ không phải kỹ năng trích dẫn Kinh Thánh điêu luyện của Đức Giêsu đã giúp Người chiến thắng quỷ dữ. Đức Giêsu quan tâm tới cả cách sống lẫn mục tiêu cuộc sống.

1.3.Cám dỗ thứ ba

Cám dỗ cuối cùng được hiểu rõ nhất khi được nhìn theo viễn cảnh lịch sử. Giả như Đức Giêsu cho dân chúng chứng kiến việc Người sống sót cách lạ lùng sau khi nhảy từ tháp cao của Đền Thờ xuống, thì tức khắc Người sẽ được coi là Đấng Mêsia, là vị thủ lãnh được Thiên Chúa xức dầu, là nhân vật mà dân Do Thái đang mong đợi, là người sẽ lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa vũ trang để chống lại ách thống trị Rôma.

Thánh Augustinô khẳng định ma quỷ không thể làm gì khác ngoài việc mời mọc. Hành động hay không là vấn đề của người bị cám dỗ (“gieo mình xuống”), nhưng Đức Giêsu biết nếu Người khởi sự sứ vụ của mình bằng một cú nhảy ngoạn mục từ nóc đền thờ xuống thì hoàn toàn đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, vì làm như thế là thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu không chấp nhận giải pháp gọn nhẹ này. Người không cho phép bất cứ điều gì có thể làm tổn hại tới mối tình thân giữa Người với Thiên Chúa là Cha của Người.

2.Còn cám dỗ đối với chúng ta như thế nào?

2.1.Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đối với chúng ta

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ. Qua đó, chúng ta thấy được chiến thuật quỷ quyệt ngàn đời của ma quỷ: hắn luôn luôn bắt đầu tấn công con người ở khía cạnh thấp hèn nhất: sự tham ăn hay nói cách khác, sự tìm kiếm thỏa mãn xác thịt với những dục vọng đê tiện. Sau khi tấn công khía cạnh xác thịt đê hèn của con người. Một khi đã mù quáng trong những dục vọng đê tiện của thể xác, con người sẽ đánh mất mọi ý hướng, mọi ý chí tốt lành để chỉ biết ngụp lặn trong việc tìm kiếm danh vọng, chức quyền và của cải, tức là con người đi vào vòng nô lệ của những ước vọng hão huyền.

Trong ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu, cũng như đối với chúng ta, những cơn cám dỗ luôn luôn dựa trên những nhu cầu và giá trị hết sức thực tế và chính đáng của đời sống con người. 

2.1.1.Cám dỗ thứ nhất là nhu cầu sự sống 

Cám dỗ thứ nhất là nhu cầu sự sống, sự an toàn bản thân, ăn uống, tình dục, sự thoải mái, giàu sang: sự sống là một giá trị rất lớn Thiên Chúa ban cho ta, ta có nhiệm vụ quí trọng và bảo vệ nó, nhưng không phải là với bất cứ giá nào. Ta cũng thấy có biết bao người vì muốn được an toàn bản thân, muốn bảo vệ nồi cơm hay sự thoải mái đang có của mình, của gia đình mình, mà sẵn sàng câm lặng trước bất công, sẵn sàng đồng lõa hoặc làm tay sai cho những thế lực bạo quyền… họ đã quí sự sống và nồi cơm, địa vị của họ hơn công lý.

2.1.2.Cám dỗ thứ hai là nhu cầu phình to bản ngã

Cám dỗ thứ hai là nhu cầu phình to bản ngã, muốn được nổi danh, được nể phục, được coi là quan trọng, được khen tặng, được thỏa mãn tự ái và tính kiêu ngạo: ai cũng cho “cái tôi” của mình là quan trọng, muốn mình là “cái rốn của vũ trụ”, và không muốn bị ai xúc phạm. Trong một chừng mực nào đó, thì điều đó là tốt, nhờ đó mới phát sinh lòng tự trọng, giữ uy tín, muốn thăng tiến,

2.1.3.Cám dỗ thứ ba là nhu cầu thích quyền lực

Cám dỗ thứ ba là nhu cầu thích quyền lực, thích làm chủ để điều khiển, muốn mọi sự phải xẩy ra theo ý mình: đây cũng là một nhu cầu rất lớn trong tâm lý con người. Ai cũng thích người khác chiều ý mình, thích áp đặt ý mình lên người khác.

2.2.Bậc thang nhu cầu của Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs)

Trên đây chính là những nhu cầu tự nhiên nhất của con người đã được Maslow đưa vào như một hệ thống trong bậc thang nhu cầu tự nhiên của con người như sau:

2.2.1. Nhu cầu cơ bản (basic needs)

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, ngủ, tình dục, các nhu cầu làm cho con người thoải mái,…đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh mẽ nhất của con người. Trong hình kim tự tháp, chúng ta thấy những nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất: bậc cơ bản nhất.

Maslow cho rằng, những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện trừ khi những nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ chế ngự, hối thúc, giục giã một người hành động khi nhu cầu cơ bản này chưa đạt được. Ông bà ta cũng đã sớm nhận ra điều này khi cho rằng: “có thực mới vực được đạo”, cần phải được ăn uống, đáp ứng nhu cầu cơ bản để có thể hoạt động, vươn tới nhu cầu cao hơn.

2.2.2. Nhu cầu về an toàn (safety, security needs)

Khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tức các nhu cầu này không còn điều khiển suy nghĩ và hành động của họ nữa, họ sẽ cần gì tiếp theo? Khi đó các nhu cầu về an toàn, an ninh sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu an toàn và an ninh này thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần.

Con người mong muốn có sự bảo vệ cho sự sống còn của mình khỏi các nguy hiểm. Nhu cầu này sẽ trở thành động cơ hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp, nguy khốn đến tính mạng như chiến tranh, thiên tai, gặp thú dữ…. nhu cầu này cũng thường được khẳng định thông qua các mong muốn về sự ổn định trong cuộc sống, được sống trong các khu phố an ninh, sống trong xã hội có pháp luật, có nhà cửa để ở,…Nhiều người tìm đến sự che chở bởi các niềm tin tôn giáo, triết học cũng là do nhu cầu an toàn này, đây chính là việc tìm kiếm sự an toàn về mặt tinh thần. Các chế độ bảo hiểm xã hội, các chế độ khi về hưu, các kế hoạch để dành tiết kiệm…cũng chính là thể hiện sự đáp ứng nhu cầu an toàn này.

2.2.3. Nhu cầu về xã hội (social needs)

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu mong muốn thuộc về một bộ phận, một tổ chức nào đó (belonging needs) hoặc nhu cầu về tình cảm, tình yêu thương (needs of love). Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm …nhu cầu này là một dấu vết của bản chất sống theo bầy đàn của loài người chúng ta từ buổi bình minh của nhân loại. Mặc dù, Maslow xếp nhu cầu này sau hai nhu cầu phía trên, nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu nhu cầu này không được thoả mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, về thần kinh. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, những người sống cô độc thường hay mắc các bệnh về tiêu hóa, thần kinh, hô hấp hơn những người sống với gia đình. Chúng ta cũng biết rõ rằng: sự cô đơn có thể dễ dàng giết chết con người. Nhiều em ở độ tuổi mới lớn đã lựa chọn con đường từ bỏ thế gian này với lý do: “những người xung quanh, không có ai hiểu con!”.

2.2.4. Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng (self esteem needs) vì nó thể hiện hai cấp độ: nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân, và nhu cầu cảm nhận, quý trọng chính bản thân, danh tiếng của mình, có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho một đứa trẻ học tập tích cực hơn, một người trưởng thành cảm thấy tự do hơn.

Chúng ta thường thấy trong công việc hoặc cuộc sống, khi một người được khích lệ, tưởng thưởng về thành quả lao động của mình, họ sẵn sàng làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn. Nhu cầu này được xếp sau nhu cầu “thuộc về một tổ chức”, nhu cầu xã hội phía trên. Sau khi đã gia nhập một tổ chức, một đội nhóm, chúng ta luôn muốn được mọi người trong nhóm nể trọng, quý mến, đồng thời chúng ta cũng phấn đấu để cảm thấy mình có
“vị trí” trong nhóm đó.

2.2.5. Nhu cầu được thể hiện mình/ khẳng định bản thân (self-actualizing needs)

Khi nghe về nhu cầu “thể hiện mình” chúng ta khoan vội gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Không phải ngẫu nhiên mà nhu cầu này được xếp đặt ở mức độ cao nhất. “Thể hiện mình” không đơn giản có nghĩa là nhuộm tóc lòe lẹt, hút thuốc phì phèo, “xổ nho” khắp nơi, nói năng khệnh khạng … Maslow mô tả nhu cầu này như sau: “self-actualization as a person’s need to be and do that which the person was “born to do”” (nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm”). Nói một cách đơn giản hơn, đây chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để tự khẳng định mình, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội.

3.Bí quyết chiến thắng cám dỗ

3.1. Chúa Giêsu đã thắng cơn cám dỗ như thế nào

3.1.1.Thái độ dứt khoát của Chúa Giêsu

Trước các đợt tấn công của Satan, Chúa Giêsu đã dứt khoát gạt bỏ cả ba kế hoạch hấp dẫn đó. Chúa không muốn chinh phục người ta bằng miếng ăn, bằng quyền năng thần thánh hay bằng vinh quang vật chất trần gian. Chúa đến trần gian là để thi hành sứ mạng cứu độ trần gian theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha. Kế hoạch đó là Ngài phải mang lấy thân phận con người sống kiếp người nghèo khổ và phải đi đến tận cùng con đường gian khổ, đến cuộc tử nạn Thập Giá. Đó là kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa Cha mà Chúa Giêsu phải thực hiện để đưa Ngài lên đến tột đỉnh vinh quang của cuộc chiến thắng phục sinh, nhờ đó mà loài người được cứu độ.

3.1.2.Bí quyết chiến thắng cám dỗ của Đức Giêsu 

Bí quyết giúp Đức Giêsu chiến thắng không phải là khả năng thuộc lòng Kinh Thánh nhưng là sự luôn gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Cha. Gắn bó thiết thân với Lời Chúa là tốt, nhưng ngay cả ma quỷ cũng có thể trích dẫn Kinh Thánh vanh vách. Không phải vốn kiến thức trổi vượt về Kinh Thánh, nhưng là mối tình thân của Đức Giêsu với Cha Người đã giúp Người nhận ra ý muốn của Thiên Chúa. Biện giải xác đáng về Kinh Thánh không gì khác hơn mối thân tình sống động với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chiến thắng quỷ không phải do Người đã trưng dẫn Kinh Thánh như những câu thần chú, nhưng vì Người đã và đang sống mối liên hệ thân tình với Cha Trên Trời là Đấng mà Kinh Thánh tỏ bày.

3.2. Còn chúng ta…?

Chắc chắn chúng ta cũng phải đi vào con đường của Đức Giêsu là luôn gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và đồng thời cũng phải có một thái độ dứt khoát với những cám dỗ của Satan tức là không mon men đến dịp tội nhưng hãy tránh cho xa.

3.2.1.Không mon men đến dịp tội

Chúng ta sa chước cám dỗ vì lúc đầu chúng ta hay xem thường những lỗi nho nhỏ như một điếu thuốc, một ly rượu, một tư tưởng không tốt, một ước muốn tò mò…để rồi đến một lúc nào đó chúng ta phạm trọng tội mà chúng ta không ngờ như trường hợp của một tên sát nhân: “hắn là một tên sát nhân. Hắn đã giết một cảnh sát viên. Bây giờ hắn phải trả giá bằng hình phạt: người ta cột hắn vào ghế điện trong nhà tù.

Người ta buộc những miếng kim khí vào cái vòng trên đầu và vào bắp chân hắn. Một lát nữa, dòng điện cực mạnh sẽ chạy qua thân xác hắn, đủ gây nên sự mất ý thức và chết ngay lập tức. Viên chức phụ trách hỏi tên tử tội xem hắn có muốn nói lời gì cuối cùng không. Hắn buột miệng với một giọng điệu đau đớn cực độ: “đây, tất cả đã khởi đầu khi tôi ăn cắp một đồng 5 xu ở túi áo của mẹ tôi. Rồi tôi ăn cắp hai đồng 5 xu. Sau đó, tôi đã bắt đầu ăn cắp đồ vật ở trường học, ở tiệm tạp hóa, tiệm thuốc. Rồi, với hai thằng bạn, tôi bắt đầu tập luyện…và muốn kiếm được càng ngày càng nhiều hơn. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cướp ngân hàng, và lần đó tôi đã bắn chết viên cảnh sát. Đó, tất cả bắt đầu với một đồng 5 xu”.

3.2.2.Trước dịp tội hãy tránh cho xa 

Một công ty nọ cần tuyển tài xế với chế độ đãi ngộ rất cao. 

Vượt qua vòng đầu,  lọt lại chỉ còn có 3 người.

Chánh chủ khảo hỏi họ:

Bên vực thẳm có vàng, các anh lái xe qua đấy, nên chọn khoảng cách như thế nào?

– Người thứ nhất nói: 2 mét.

– Người thứ hai: 1 mét.

– Người thứ ba nói: tôi thì sẽ tránh càng xa càng tốt.

Kết quả, công ty đó đã chọn người thứ ba. 

Chiến thuật để đừng bị mỏ vàng cám dỗ là tránh cho xa. Đào vi thượng sách, đó chính là diệu kế để thoát khỏi cơn cám dỗ. Tránh cho xa và dứt khoát ngay từ đầu, đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện khi đứng trước cơn cám dỗ như trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Ăn Chay Cầu Nguyện Để Chiến Thắng Ma Quỷ Cám Dỗ – Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay C

Tin Mừng Lc 4: 1-13

Đnl 26,4-10 ; Rm 10, 8-13 ; Lc 4,1-13

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 4,1-13

(1) Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa (2) bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. (3) Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”. (4) Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (5) Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. (6) Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. (7) Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông. (8) Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (9) Quỷ đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi! (10) Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn”. (11) Lại còn chép rằng: “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (12) Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (13) Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ.

2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ

Tin mừng thuật lại việc Thánh Thần hướng dẫn Đức Giê-su vào sa mạc ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày và bị ma quỷ cám dỗ. Người đã dùng Lời Thánh Kinh để chiến thắng ba lần cám dỗ của ma quỷ về thú vui nhục dục, về quyền lợi vật chất và về lòng ham danh vọng chức quyền.

3. CHÚ THÍCH:
            
– C 1-2: + Được Thánh Thần dẫn đi vào hoang địa: Thánh Lu-ca hay nói tới tác động của Thánh Thần trong cuộc đời Đức Giê-su (x. Lc 1,35 ; 3,16.22). Hoang địa là vùng sa mạc Giu-đa, một giải đất rộng nằm giữa vùng núi gần thành Giê-ri-cô. + Bốn mươi ngày: Con số bốn mươi này gợi lại bốn mươi năm dân Ít-ra-en đi trong sa mạc. + Chịu quỷ cám dỗ: Trong tiếng Do thái, cám dỗ nghĩa là thử thách, giống như một cuộc thi cử. Đứng trước cơn cám dỗ, ta phải lựa chọn giữa sự thiện và sự ác, ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết. + Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó thì Người thấy đói: Nhịn ăn là một trong những hình thức chay tịnh của dân Do thái.     

– C 3-4: + “Nếu ông là Con Thiên Chúa”: Quỷ đã nhắc lại lời Chúa Cha phán sau khi Đức Giê-su chịu phép Rửa: “Này là Con Ta yêu dấu” (x Lc 3,22). + Truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!: Đây là cơn cám dỗ về của ăn. Quỷ đã nhận ra điểm yếu của Đức Giê-su là bị đói sau thời gian dài ăn chay, nên nó xúi Người làm phép lạ biến đá thành bánh để thỏa mãn nhu cầu của bản thân! Đây là sự cám dỗ chiều theo các đam mê lạc thú xác thịt. + “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”: Đức Giê-su dùng câu nói của Mô-sê dạy dỗ dân Ít-ra-en ngày xưa để chống trả cơn cám dỗ này của ma quỷ (x. Đnl 8,3).

– C 5-8: + Quỷ đem Đức Giê-su lên cao: Có lẽ đây là một vị trí cao hơn mặt đất, như thường ghi trong các Khải huyền Do thái. + Trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ: Câu này cho thấy cơn cám dỗ chỉ xảy ra trong tâm trí của Đức Giê-su. + Nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này.”..: Ma quỷ đề nghị chia sẻ quyền cai trị để biến Đức Giê-su thành vị Mê-si-a trần thế theo kiểu vua Đa-vít ngày xưa. Người sẽ liên kết với nhóm Do thái cực đoan để chiếm lại quyền hành và vinh quang, đánh đuổi quân Rô-ma đang cai trị ra khỏi đất nước (x. Ga 6,15). Điều mong ước này không nằm trong chương trình cứu độ và không phải là sứ vụ của Đức Giê-su (x. Lc 10,22). + Đã có lời chép: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”: Bái lạy là thái độ của loài thụ tạo phục tùng Đấng Tạo Hóa (x. Mt 2,5 ; 8,2). Dân Do thái khi xưa đã sa ngã phạm tội khi tôn thờ bò vàng, nên đã bị phạt (x. Xh 32,1.31-35). Còn nay Đức Giê-su nhắc lại điều luật Mô-sê truyền cho dân Do thái chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi (x. Đnl 6,13).

– C 9-13: + Quỷ đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem: Lu-ca kết thúc bản tường thuật các cơn cám dỗ tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. + Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi”: Sau này trong cuộc khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem, các đầu mục Do thái, bọn lính canh và tên gian phi cũng lặp lại cơn cám dỗ này: “Hãy bước xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy mà tin” (x. Mt 27,42b-44). + “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”: Thử thách Thiên Chúa có hai nghĩa: một là như xưa ma quỷ đã cám dỗ dân Do thái lẩm bẩm kêu trách và phản đối Đức Chúa, Đấng đã giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ cho dân Ai cập, đang khi lẽ ra họ phải tạ ơn và phó thác cậy trông nơi Người. Hai là quỷ cám dỗ Đức Giê-su lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa để tìm kiếm lợi lộc cho bản thân. Tội này cũng giống tội “trông cậy quá lẽ”, nghĩa là đòi Chúa phải làm phép lạ để thỏa mãn đòi hỏi theo ý riêng mình. + Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ: Thời cơ là cuộc thương khó của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem (x. Lc 22,3). Trong vườn cây Dầu, Người đã bị ma quỷ cám dỗ từ chối uống chén đắng đau khổ, nhưng Người đã chiến thắng cơn cám dỗ đó bằng lời cầu xin với Chúa Cha: “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Trên cây thập giá, Người bị ma quỷ cám dỗ nghĩ mình đã bị Chúa Cha bỏ rơi! (x. Mt 27,46), nhưng Người đã chiến thắng nó qua lời cầu nguyện phó thác hòan tòan vào sự quan phòng của Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

4. CÂU HỎI: 

1) Cám dỗ là gì? Khi chỉ bị ma quỷ cám dỗ làm điều xấu trong tâm trí thì đã có tội chưa? 2) Đức Giê-su đã dùng phương thế nào để chống lại ma quỷ khi bị chúng cám dỗ? 3) Tội “thử thách Thiên Chúa” có đồng nghĩa với tội “trông cậy quá lẽ” không? Hãy nêu một vài ví dụ cụ thể để minh họa về tội “trông cậy quá lẽ” hay tội “thử thách Thiên Chúa”.

II.  SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CHƯỚC CÁM DỖ HIỂM ĐỘC CỦA MA QUỶ:

Ngày xưa có một thanh niên tính tình hiền lành, luôn cư xử hiếu thảo với cha mẹ, và rất yêu thương vợ mình. Một hôm, một con quỷ đã hiện ra và cám dỗ anh ta phạm tội. Quỷ cho anh được quyền chọn làm một trong ba điều xấu: Một là chửi mắng cha mẹ. Hai là giết chết cô vợ thân yêu. Ba là uống rượu. Bấy giờ chàng thanh niên liền suy nghĩ: Chửi mắng cha mẹ là bất hiếu, nên ta quyết không làm. Giết chết người vợ thân ỵêu là bất nghĩa, ta cũng không thể làm được. Chỉ có uống rượu là ta có thể làm được thôi, vì uống rượu đâu phải quá xấu! Thế là anh ta chọn uống rượu. Quỷ liền sai người cung cấp cho anh ta đủ các thứ rượu ngon trên đời. Lúc đầu chàng thanh niên còn uống hạn chế mỗi bữa một ly nhỏ, nên không có điều gì xảy ra. Nhưng dần dần việc uống rượu trở thành thói quen, mỗi bữa anh ta phải tăng “đô” lên và uống gấp nhiều lần mới thấy “phê”. Cuối cùng, anh đã trở thành một tên bợm nhậu: lúc nào cũng say xỉn! Một hôm, anh ta say đến nỗi không biết trời trăng gì nữa. Trong cơn say, anh ta đập bể tất cả chén bát và vất đồ đạc trong nhà ra đường. Bị cha mẹ ngăn cản rầy la, anh ta liền to tiếng cãi lại và buông ra những lời thô tục xúc phạm đến cha mẹ. Cô vợ thấy chồng vô lễ và bất hiếu như vậy liền chạy tới khuyên can liền bị anh đâm một nhát dao khiến cô ngã lăn ra chết. 

Thế là từ việc uống rượu tưởng chừng vô hại lúc đầu, về sau đã thành nguyên nhân dẫn đến hai tội ác lớn lao là tội bất hiếu khi con nói lời xúc phạm nặng nề đến cha mẹ, và tội bất nghĩa khi ra tay giết chết chính người vợ thân yêu của mình.

2) TỘI NHÂN BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH CHỈ BẮT ĐẦU TỪ TỘI ĂN CĂP VẶT:

Một tên cướp nhà băng và giết một cảnh sát viên cuối cùng đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Sáng sớm hôm ấy tại nhà tù Sing Sing nổi tiếng, tên tử tội đã bị cột trong tư thế ngồi trên chiếc ghế điện. Người ta mang những miếng kim khí cột chặt vào cái vòng trên đầu hắn ta và vào hai bắp chân của hắn. Chỉ một lát nữa thôi, khi công tắc được bật lên là một dòng điện cực mạnh sẽ làm hắn mất ý thức và bị chết ngay. Viên chức phụ trách thi hành án đã cho tử tội được gặp linh mục trước khi bị hành hình và hắn đã nói lời tâm sự như sau:

”Hôm nay tôi sắp bị tử hình. Đây là hậu quả của các tội lớn lao của tôi mà bắt đầu chỉ là tội ăn cắp vặt một đồng năm xu của mẹ tôi. Sau đó do lớn lên không được dạy dỗ nên tôi đã liên tiếp phạm thêm nhiều tội khác: Từ ăn cắp các thứ đồ vặt vãnh đến tội ăn cướp tiệm vàng. Số tiền bất chính cướp được cũng tan biến nhanh chỉ sau một thời gian ngụp lặn trong các thói hư như bài bạc, rượu chè, trai gái, hút chích ma túy… nên khi hết tiền tôi lại phải tiếp tục đi ăn cướp. Nhất là sau làm quen biết hai thằng bạn mới ở tù ra và kết hợp với nhau thành một băng cướp. Lần kia chúng tôi đã lên một kế hoạch lớn là đột nhập vào ngân hàng. Hôm đó khi bị bảo vệ phát hiện truy bắt, tôi đã bắn chết một nhân viên bảo vệ rồi tôi cũng đã bị bắt ra tòa lãnh án tử hình. Như vậy tội cướp của giết người và bị tử hình hôm nay ban đầu chỉ là tội ăn cắp vặt đồng năm xu của bà mẹ. Sau đó đã tăng lên thành ăn cướp nhà băng và chống lại giết người thi hành công vụ và cuối cùng là bị xử tử hôm nay”.

3) SỨC CUỐN HÚT MẠNH MẼ CỦA VÀNG  BẠC:

Ngày xưa, có người ở nước Tề rất ham thích vàng bạc đến độ biến thành đam mê vàng. Một hôm anh đi ngang qua tiệm cầm đồ, anh thấy có người mang thỏi vàng đến bán liền động lòng tham, anh chạy lại cướp một thỏi vàng bỏ chạy. Người ta hè nhau đuổi theo bắt lại. Sau khi bắt được họ đã tra hỏi:

– Tại sao ngay giữa ban ngày ban mặt chỗ đông người mà mi dám ra tay cướp giật như thế?

Anh ta trả lời:

– Lúc trông thấy vàng, thì tôi không còn tự chủ và không nhìn thấy sự vật chung quanh nữa. Trước mặt tôi, chỉ thấy có thỏi vàng mà tôi quyết chiếm đoạt cho bằng được.

Câu chuyện trên cho thấy sức hút mạnh mẽ của vàng bạc. Chính lòng tham của cải bất chính khiến nhiều người sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, tìm cách chiếm đoạt bằng được, dù phải dùng các thủ đoạn xấu xa gian ác, ngay cả phải đâm chém giết người cũng không chùn tay.

4) LÀM GÌ ĐỂ CHIẾN THẮNG MA QUỈ ?

Một buổi chiều nọ cha bề trên đi bách bộ trong khuôn viên tu viện, thì thấy một thày đang chăm chỉ tưới nước bón phân cho vườn rau của tu viện rất vất vả, liền lên tiếng hỏi: 

– Hôm nay từ sáng đến giờ thầy đã làm được những việc gì rồi ?

– Thưa cha, cũng như mọi khi, con luôn chăm chỉ làm việc bổn phận mà nếu không có ơn Chúa giúp, chắc  con không sao làm được: Bổn phận hằng ngày của con là: phải canh chừng hai con chim ưng, chăn giữ hai con dê, quan sát hai con chim diều hâu, chiến thắng một con cá sấu, trị được một con gấu và phục vụ chăm sóc một bệnh nhân.

– Con nói gì lạ thế? Cha bề trên cười hỏi lại, trong tu viện tìm đâu ra những con vật đó ?

– Thưa cha bề trên, đúng thật như thế đấy ạ. Này nhá: 

Hai con chim ưng là đôi mắt con, con phải giữ chúng luôn trong sáng, không để nó xem những hình ảnh xấu xa. 

Hai con nai là đôi chân mà con phải cho chúng luôn bước đi trên nẻo chính đường ngay. 

Hai chim diều hâu là đôi bàn tay mà con bắt chúng chu toàn các công việc lao động hằng ngày. 

Con cá sấu là cái lưỡi của con, con phải tránh thốt ra những lời kết án chỉ trích anh em. 

Con gấu chính là trái tim mà con phải yêu thương mọi người, không ích kỷ hoăc sĩ diện hão. 

Còn bệnh nhân là chính con đây, con phải chăm sóc bằng cách xa lánh dịp tội, và năng cầu nguyện để được kết hiệp mật thiết với Chúa và phục vụ anh em.

3. THẢO LUẬN:

1) Ma quỷ đã tấn công vào chỗ yếu của Đức Giê-su là bị đói sau khi nhịn ăn bốn mươi ngày. Còn chỗ yếu của bạn hiện nay là gì?

2) Để chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ cách hữu hiệu, bạn cần sử dụng các phương thế nào noi gương Đức Giê-su như trong Tin Mừng hôm nay?

4. SUY NIỆM: 

1. MỖI NGƯỜI ĐỀU BỊ CÁM DỖ:

Dân Do thái ngày xưa đã nhiều lần bị cám dỗ trong thời gian lưu lạc 40 năm trong hoang địa muốn được “ngồi bên nồi thịt và được ăn bánh thỏa thuê” (x. Xh 16,2tt). Các môn đệ Chúa Giêsu ngày xưa cũng bị cám dỗ muốn được làm lớn hơn anh em (Mc 9,34), được ngồi bên tả bên hữu Thầy Giêsu (Mc 10,37). Ngay chính Đức Giê-su cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Dù là Thiên Chúa nhưng Người cũng là con người giống như chúng ta, nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách như chúng ta” (Dt 4,15).

2. ĐỨC GIÊU BỊ MA QUỈ THỬ THÁCH CÁM DỖ.

Tin Mừng Lu-ca thuật lại câu chuyện trước khi ra giảng đạo Đức Giêsu đã ăn chay cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc. Sau thời gian đó Người cảm thấy đói và ma quỉ đã đến cám dỗ Người về ba phương diện như sau:

a) VỀ THÚ VUI : Ma quỉ xúi giục Đức Giêsu thỏa mãn sự đói khát cơm bánh vật chất và các đam mê lạc thú. Nhưng Người đã chiến thắng cơn cám dỗ này bằng lời khẳng định:”Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn sống bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

b) VỀ LỢI LỘC :  Ma quỉ hứa ban lợi lộc và quyền lực vinh quang cho Đức Giêsu nếu Người chịu tôn thờ nó. Nhưng Người chỉ nhận quyền lực từ Thiên Chúa (x. Lc 1,32b), chỉ công nhận một mình Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ (x. Lc 4,8).

c) VỀ DANH VỌNG : Ma quỉ cám dỗ Đức Giêsu tìm hư danh bằng cách xúi giục Ngài nhảy từ nóc Đền thờ để được ca tụng, vì sẽ được sự can thiệp kịp thời của Thiên Chúa (x. Lc 4,10-11). Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ thử thách quyền năng của Thiên Chúa bằng lời Kinh thánh:”Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Đnl 6,16).

Dù bị cám dỗ về mọi mặt, nhưng Đức Giê-su đã chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỉ. Vũ khí Người sử dụng để chống lại các chước cám dỗ là lòng yêu mến Chúa Cha, luôn vâng phục thánh ý Cha và quyết tâm làm vui lòng Cha.

3. KẾ HOẠCH CÁM DỖ CỦA MA QUỈ:

Ma quỉ rất khôn ngoan, chúng có những cách lừa đảo rất tinh vi khi gây ra ảo tưởng để đánh lừa nhằm đưa người ta vào bẫy không thể thối lui được. 

Cám dỗ gồm ba thành phần : người bị cám dỗ là mỗi người chúng ta, kẻ chủ động cám dỗ là ma quỉ, trung gian cám dỗ là người hay hoàn cảnh chung quanh. Như vậy chúng ta có ba kẻ thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt,

Phương cách cám dỗ của ma quỉ rất xảo quyệt. Nó không bao giờ dụ dỗ người ta phạm ngay tội nặng, mà bắt đầu bằng phạm các tôi nhẹ. Chúng không bao giờ cám dỗ một lần rồi thôi, mà luôn làm đi làm lại nhiều lần, cho đến khi ta chiều theo. Chúng không cám dỗ trực tiếp mà thường qua các trung gian như dùng bà E-và để cám dỗ ông A-đam, dùng phim ảnh sách báo xấu để cám dỗ loài người chúng ta hôm nay…

4. PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG MA QUỈ CÁM DỖ:

Muốn chiến thắng ma quỉ cám dỗ chúng ta cần dùng các phương thế như sau: 

– Kết hiệp với Đức Giê-su: Đức Giêsu đã nói với ông Phê-rô : ”Si-mon, Si-mon ơi. Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin» (Lc 22,31). Loài người yếu đuối dễ sa ngã phạm tội nếu không được Chúa ban ơn trợ giúp như lời Đức Giê-su: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

– Tỉnh thức cầu nguyên: Đức Giê-su dạy các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41). Trong kinh Lạy Cha của Đức Giê-su có câu: ”Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Người dạy môn đệ phải trừ quỉ băng sự cầu nguyện và ăn chay: “Loại quỉ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay” (Mc 9,29).

– Quyết tâm chiến đấu: Chiến đấu bằng sự khiêm hạ bỏ đi ý riêng mình để vâng theo thánh ý Thiên Chúa; Bằng cách sống siêu thoát, coi thường của cải vật chất và không ham danh vọng chức quyền trần gian; Năng hãm mình ăn chay để làm chủ bản thân và có lối sống tiết độ.

Trong Mùa Chay này, noi gương Đức Giê-su, chúng ta hãy vâng theo ơn Thánh Thần hướng dẫn đi vào sa mạc tâm hồn, tham dự các buổi tĩnh tâm mùa chay. Hãy cùng với Đức Giê-su giữ sự thinh lặng, siêng năng cầu nguyện và hãm mình, để gia tăng nội lực thiêng liêng. Bớt ăn tiêu để quảng đại chia sẻ bác ái và tích cực góp phần xây dựng các công trình của Hội Thánh.  Nhờ việc chuyên cần học sống lời Chúa và đón nhận được ơn Thánh Thần, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ và ngày một nên tốt lành hơn.

5. NGUYỆN CẦU: 

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con chiến thắng được các cơn cám dỗ của ma quỷ nhờ ơn Thánh Thần, nhờ biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, nhờ sự chay tịnh và luôn làm chủ bản thân. Xin cho chúng con dám lội ngược dòng để  đi con đường hẹp và leo dốc của Chúa: Con đường nghèo khó khiêm nhu và hy sinh phục vu tha nhân như Chúa. Ước gì sau những lần chiến đấu vất vả cam go, chúng con sẽ được lớn lên trong tình yêu mến Chúa. Và ngay cả khi chúng con lỡ sa ngã phạm tội, xin cho chúng con biết lập tức trỗi dậy với lòng cậy trông vào lòng thương xót bao dung của Chúa và quay về làm hòa với Chúa nhờ bí tích hòa giải.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬN LỜI CHÚNG CON.

 LM ĐAN VINH – HHTM

Học Nơi Chúa Giêsu Để Tránh Cơn Cám Dỗ – Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay C

Tin Mừng Lc 4: 1-13

Đnl 26,4-10 ; Rm 10, 8-13 ; Lc 4,1-13

         Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.

          Qua trình thuật Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (Lc 4,1-13) thánh sử Luca muốn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu khai mào một cuộc xuất hành mới là giải phóng loài người khỏi ách thống trị của Satan, của sự dữ, của tội lỗi, các chước cám dỗ của chúng, và cái chết như là hậu quả cay đắng cuối cùng của vòng xích oan nghiệp ấy.

          Chúa Giêsu đã từng bị cám dỗ, vì Người muốn chia sẻ trọn vẹn kiếp người, Người muốn nên đồng số phận với con người, và Người đã thắng cơn cám dỗ để nêu gương cho con người.

          Cám dỗ thứ nhất là cám dỗ về cái đói. Cơn cám dỗ về manna (Xh 16) mà dân Chúa đã bị thử thách trong hoang địa. Đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thỏa mãn những khao khát của thể xác, những nỗi thèm thuồng vật chất đang cào cấu trong ta, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). Vâng, con người còn có những giá trị cao quý khác cần phát huy, đừng hạ thấp mình xuống mức độ sơ đẳng nhất của: cơm, áo, gạo, tiền.

          Cám dỗ thứ hai là cám dỗ về quyền hành thế gian. Cám dỗ thờ ngẫu tượng, bò vàng (Xh 32,42) của dân Israel nơi hoang địa. Không chỉ hôm nay mà rất nhiều lần trong cuộc đời, Chúa Giêsu đã bị cám dỗ này tấn công. Dân chúng luôn kéo Người vào cơn cám dỗ trở nên một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, một vị vua trần gian đầy quyền lực vinh quang. Nhưng Người đã nhất mực khước từ. Người muốn trở nên “tôi tớ” của Thiên Chúa (Ga 13,1-20). Cơn cám dỗ về quyền hành cũng là cơn cám dỗ của tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng muốn thống trị kẻ khác, muốn áp đặt ý kiến của mình trên anh em.

          Đây cũng là cơn cám dỗ về sự nghi ngờ Thiên Chúa. Vì Người thường hay vắng mặt, nên chúng ta dễ chạy theo những vị thần giả hiệu, chúng có tên là của cải, sắc đẹp, kiến thức, tài năng… Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta lời Kinh Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người” (Lc 4,8).

          Cám dỗ thứ ba là cám dỗ đòi kiểm chứng, đòi xem những dấu lạ điềm thiêng (Xh 17), đòi thấy những cú nhẩy đẹp mắt, những pha ngoạn mục: Đó là cơn cám dỗ trên nóc đền thờ Giêrusalem. Cũng chính nơi đây, Đức Giêsu sẽ chịu một cơn thử thách hết sức nặng nề: đó là cơn cám dỗ muốn thoát cái chết: “Nếu có thể được, xin tha cho con khỏi uống chén này” (Lc 22,42). Dường như Chúa Cha “đã bỏ rơi” Người. Cuối cùng thì Chúa Giêsu đã không dùng quyền năng của mình để trốn tránh thân phận con người phải chết. Người đã từ chối nhẩy một cú đẹp mắt, cũng không xuống khỏi thập giá một cách ngoạn mục. Người tin tưởng vào tình yêu của Cha, Người tuyệt đối trung thành và trọn vẹn vâng theo ý Cha.

          Ma quỷ có rất nhiều mưu mô xảo kế, khi cám dỗ người nào, chúng vận dụng hết mọi thủ đoạn để hạ gục người đó. Vì thế, khi cám dỗ Chúa Giêsu, ma quỷ đã dùng chính Lời Thiên Chúa để dụ dỗ Người, nhưng Chúa Giêsu không rơi vào bẫy của ma quỷ. Trái lại, Ngài cũng đã dùng Lời của Thiên Chúa để cho ma quỷ phải bẽ mặt và bỏ đi.

          Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.

          Trong suốt sứ vụ của Người, Chúa Giêsu đã khước từ việc ban cho dân chúng những kiểu dấu lạ, ngay cả khi người ta ép buộc Người phải làm như vậy. Những loại dấu lạ này không có ích lợi gì cả, không đòi hỏi điều gì tốt đẹp nhất nơi chúng ta, mà chỉ hạ thập giá trị của lòng tin. Lòng tin không phải là ma thuật. Sự thánh thiện không hệ tại ở việc cố gắng ép buộc Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của chúng ta, nhưng là nỗ lực bắt buộc chính bản thân mình phải làm theo thánh ý Thiên Chúa.

          Các chước cám dỗ là đòn tấn công trên tất cả những yếu tố cơ bản đối với sứ vụ của Chúa Giêsu. Vâng, Người đến để thiết lập một vương quốc, nhưng không phải là loại vương quốc mà Satan đề nghị. Và Người đã khước từ chước cám dỗ đạt được vương quốc bằng phương tiện trần thế.

          Dưới sức nặng và sự lôi kéo của sự dữ, mỗi người chúng ta đều phải trải qua kinh nghiệm của thánh Phaolo: “việc thiện tôi muốn thì tôi lại không làm. Điều ác tôi không muốn nhưng tôi lại làm. Ở khởi đầu mùa chay, khi cho ta chiêm ngắm Chúa Giêsu chiến thắngị ma quỷ cám dỗ, Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của mình và sức mạnh của sự dữ luôn rình rập để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi trong tối tăm của đam mê lầm lạc. Ý thức thân phận yếu hèn để ta luôn biết trông cậy vào ơn Chúa giúp chúng ta vượt qua thử thách của đam mê danh lợi thú. Đồng thời, biết theo gương Chúa, chúng ta hãy tỉnh thức trong từng giờ từng phút, trong từng biến cố buồn vui của cuộc sống, luôn biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những giá trị mong manh của đời này. Hãy chọn Chúa và thợ phượng Chúa hơn là chọn danh lợi thú và làm nô lệ cho những đam mê thấp hèn.

          Chúa Giêsu nêu gương giúp chúng ta có được thái độ vững vàng khi phải chiến đấu với mưu chước ma quỷ. Là những người sống lăn lộn giữa lòng đời, chúng ta thường xuyên phải đối phó với những cám dỗ của ma quỷ. Chúng thường tập trung vào ba lãnh vực: quyền lợi vật chất, tham vọng thống trị và nhu cầu tình cảm. Mưu mô xảo kế của satan thì thiên hình vạn trạng. Xã hội văn minh phát triển thì các cơn cám dỗ của satan phát triển theo. Chúng mặc đủ mọi hình thức, khi thì dịu dàng mời mọc, khi thì đe dọa hung hãn. Chúng thường tạo cho chúng ta cảm giác hợp lý, được phép khi đưa ra những lập luận có vẻ vô hại. Nhất là trong thời đại hôm nay, khi lợi thú cá nhân được đề cao quá mức và nhu cầu hưởng thụ của con người được kích thích đến mức tối đa. Cái bụng, cái đầu và con tim của chúng ta luôn luôn phải đối mặt với những lời rỉ tai hay những cuộc biểu dương ồ ạt của sự dữ.

          Chúa Giêsu đã phải chiến đấu với ma qủy, với chính khuynh chiều thân xác của con người. Và Ngài đã thắng, Ngài chấp nhận chương trình Thiên Chúa về con người, Ngài chấp nhận luật lệ tự nhiên Thiên Chúa đã xếp đặt, Ngài không biến đá thành bánh, Ngài tôn trọng tự do của con người, Ngài không thách thức Thiên Chúa và đòi Thiên Chúa làm theo ý riêng mình. 

          Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.

Huệ Minh

Sống Là Chiến Đấu – Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay C

Tin Mừng Lc 4: 1-13

Đnl 26,4-10 ; Rm 10, 8-13 ; Lc 4,1-13

Trong chuyến viếng thăm Giáo Hội tại Lituani vào tháng 9 năm 1993, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện tại một ngọn đồi nổi tiếng của nước nầy, thường được mệnh danh là “Ngọn đồi Thập giá”.

Ngọn đồi này nằm tại một ngôi làng hẻo lánh. Qua suốt dòng lịch sử của dân tộc, cứ mỗi lần có một người dân trong làng ngã gục ngoài mặt trận thì toàn dân trong làng tập trung lại để tưởng niệm và dựng lên một cây thập giá.

Dưới thời Nga Hoàng cũng như dưới thời Liên Xô đã có không biết bao nhiêu người dân làng ngã gục để bảo vệ nền độc lập của xứ sở. Binh lính và công an đã làm mọi cách để triệt hạ thập giá khỏi ngọn đồi. Trong ba thế kỷ liền, ngọn đồi thập giá đã không ngừng bị san bằng bởi những bàn tay vô đạo. Nhưng cứ đêm đến, người dân trong làng lại lẳng lặng dựng lên những cây thập giá khác. Cuộc chiến của thập giá cứ tiếp diễn như thế cho đến khi tự do được thực sự vãn hồi.

Ngày nay khách hành hương tìm đến ngọn đồi thập giá nầy để nhận ra biểu trưng của một niềm tin sắt đá, của khát vọng tự do, và cuối cùng, của chiến thắng.

Anh chị em thân mến,

Có niềm tin hay không, có sống đạo hay không, dường như ai cũng ý thức được rằng cuộc đời là một trận chiến. Giáo Hội không ngừng mời gọi các kitô hữu chúng ta sống lại cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu trong sa mạc. Mời gọi chúng ta sống lại kinh nghiệm chiến đấu của Chúa Giêsu, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống niềm tin kitô là một cuộc chiến đấu trường kỳ.

Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều kể rằng sau khi được tấn phong bên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu vào sa mạc đương đầu với Satan. Thánh Mác-cô chỉ nói vắn tắt rằng, Chúa Giêsu ở trong sa mạc 40 ngày và chịu Satan cám dỗ. Còn Thánh Matthêu và Luca lại kể rõ ba chước cám dỗ của Satan, nhưng theo thứ tự hơi khác nhau. Theo thánh Luca, những chước cám dỗ của Satan phải được giải thích trong mối liên hệ chặt chẽ với cuộc tử nạn thập giá của Chúa. Các chước cám dỗ nhằm lôi kéo Chúa Giêsu đi trệch đường lên thành Giêrusalem dẫn đến đỉnh đồi thập giá. Chính vì để nhấn mạnh ý nghĩa của đỉnh đồi thập giá ở Giêrusalem mà thánh Luca đã sắp xếp lại thứ tự các chước cám dỗ, để cho chước cám dỗ sau cùng xảy ra ở Giêrusalem là đích điểm của con đường Ngài đã dứt khoát chọn lựa ngay từ đầu.

Do đó, Thánh Luca sắp xếp cám dỗ thứ nhất là Satan thách đố Chúa Giêsu biến sỏi đá thành cơm bánh ăn : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy làm cho cục đá nầy trở thành bánh đi !” Ý đồ của Satan là xúi Chúa Giêsu vận dụng quyền năng Thiên Chúa trao cho Ngài để phục vụ bản thân mình trước đã. Nhưng Chúa Giêsu đã từ chối. Ngài là Con Thiên Chúa không phải để phục vụ bản thân mình, nhưng để làm công việc Thiên Chúa trao cho Ngài. Ngài đến để phục vụ và làm theo ý Đấng đã sai Ngài. Satan muốn xúi Chúa Giêsu lấy mạng sống riêng của mình làm cứu cánh, chỉ có mạng sống là đáng quí, không có gì quí hơn.

Dân Israel khi ở trong sa mạc cũng đã bị cám dỗ như vậy. Khi họ hết lương thực, họ quên tất cả giá trị của cuộc giải phóng khỏi Ai Cập, tất cả niềm tự hào được trở thành người tự do. Trước nguy cơ chết đói, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả : Thà làm nô lệ mà được ăn no, hơn được tự do mà phải chết đói. Nhưng Thiên Chúa đã muốn cho họ thấy : còn có một cái gì đáng quí hơn nữa, hơn cả mạng sống : “Người ta không sống nhờ cơm bánh mà thôi, mà còn nhờ Lời Chúa nữa” (Đnl 8,3). Chúa Giêsu dùng lời ấy để khẳng định rằng : mạng sống trần gian không phải là tất cả đâu. Ngài đã lãnh nhận cuộc sống làm người, không phải để khư khư giữ lấy, nhưng để cho đi, để làm cho mọi người được sống.

Cám dỗ thứ hai là Satan hứa sẽ trao cho Chúa Giêsu mọi quyền lực và vinh quang của các vương quốc trên trần gian nầy, nếu Chúa Giêsu chịu thờ lạy nó. Cái “xạo” của Satan là ở chỗ nó cho rằng nó là bá chủ mọi vương quốc trần gian và có quyền ban quyền lực và vinh quang cho Chúa Giêsu. Satan muốn Chúa Giêsu nhìn nhận rằng : chỉ có quyền lực và vinh quang của mọi vương quốc trên trần gian này là đáng quý. Chúa Giêsu muốn được hưởng thì cứ thờ lạy hắn là xong ngay. Để trả lời Satan, Chúa Giêsu nói : “Mi phải thờ Chúa là Thiên Chúa của mi, và mi chỉ thờ phượng một mình Ngài thôi” (Đnl 6,13). Sau nầy, Philatô sẽ phải công khai nhìn nhận rằng : Chúa Giêsu chẳng hề có dụng ý tranh cướp quyền lực và vinh quang của Đế quốc Rôma.

Dân Israel khi xưa đã đúc bò vàng mà thờ thay Thiên Chúa. Đó là tội bất trung của Israel đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dứt khoát trả lời Satan : Mi không phải là Thiên Chúa. Quyền lực và vinh quang trần gian không phải là tất cả. Chỉ có Thiên Chúa mới đáng thờ lạy, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền lực và vinh quang thật để ban cho Ngài.

Cám dỗ thứ ba là Satan xúi Chúa Giêsu thử thách quyền năng Thiên Chúa ; vận dụng quyền năng Thiên Chúa để mở một con đường tắt mà hoàn thành sứ mạng ; nếu Chúa Giêsu nhảy từ đỉnh cao của đền thờ Giêrusalem xuống mà an toàn thì tất nhiên mọi người sẽ theo Ngài. Chúa Giêsu không theo đường tắt Satan đề nghị. “Ngài hạ mình vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chết và chết trên thập giá” để thực hiện công cuộc của Chúa Cha. Ngài mời gọi ai muốn theo Ngài thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá của mình mà đi theo Ngài.

Dân Israel trong sa mạc khi thiếu nước uống, họ đã thử thách Thiên Chúa. Chúa Giêsu đáp lại Satan : “Ngươi đừng thử thách Thiên Chúa của ngươi” (Đnl 6,16). Chúa Giêsu đã không thử thách Thiên Chúa nhưng hoàn toàn tin tưởng và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa khi Ngài đi vào con đường tuyệt vọng nhất, con đường thập giá.

Chúa Giêsu đã chiến thắng hết mọi chước cám dỗ của Satan. Trong suốt thời gian Chúa Giêsu rao giảng, nó tiếp tục thua dài. Nó không còn chước nào để cám dỗ Ngài nữa. Cuối cùng Satan nhập vào Giuđa Iscariốt (một trong mười hai môn đệ) để nộp Ngài. Trong cuộc giao chiến này, Satan sẽ cướp được mạng sống của Chúa Giêsu. Nếu quả thật không có gì khác ngoài cuộc sống trần gian thì Satan đã thắng rồi. Nhưng chính lúc cướp được mạng sống của Chúa Giêsu, Satan đã đại bại, bởi vì Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu từ trong cõi chết sống lại và đặt Ngài làm Chúa, khiến cho mọi loài trên trời dưới đất khi nghe Danh Giêsu thì phải quỳ gối mà tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Đây là cuộc chiến thắng dứt khoát và vĩnh viễn.

Anh chị em thân mến,

Đọc lại đoạn Phúc âm này vào ngày Chúa Nhật đầu Mùa Chay, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc sống kitô hữu như một cuộc chiến đấu với Satan. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan, đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cho chúng ta được làm con Thiên Chúa. Nhưng chúng ta còn phải thể hiện bản chất con Thiên Chúa ấy trong cuộc sống. Chúng ta phải đích thân chiến thắng Satan trong cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu đã chiến thắng để cho chúng ta có thể chiến thắng nhờ Thánh Thần Ngài ban cho, nhưng không hề miễn cho chúng ta khỏi chiến đấu. Mùa Chay là thời kỳ tập luyện tích cực để chiến đấu với Satan.

Những cám dỗ mà Satan đã đem ra dụ dỗ Đức Giêsu vẫn là những cám dỗ muôn đời của con người.

Cơm ăn, áo mặc, danh vọng, tiền của, quyền uy, thế lực. Có những người, để làm giàu cho bản thân mình đã tán tận lương tâm, chà đạp mọi qui luật của đạo đức… Có những người, vì danh vọng, vì quyền lực, đã sẵn sàng sinh sát anh em đồng bào mình… Những cám dỗ ấy liên tục xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta không cảnh giác, không được trang bị bằng ánh sáng và sức mạnh Lời Chúa, chúng ta sẽ ngã gục lúc nào không hay !

Càng có điều kiện để làm giàu, có điều kiện để thụ hưởng danh vọng và nắm giữ quyền lực, càng dễ bị Satan cám dỗ. Có của mà vẫn sống lương thiện, hưởng thụ danh vọng mà vẫn khiêm tốn, hiền hòa, nắm giữ uy quyền mà vẫn là người phục vụ chân thực… đó là một thử thách lớn, là một cuộc đấu tranh gay gắt. Muốn chống trả và chiến thắng Satan, cần phải có tinh thần từ bỏ và tấm lòng siêu thoát. Chúa Giêsu đã chiến thắng Thần Chết và tội lỗi. Chúng ta cũng có thể chiến thắng mọi cám dỗ và thử thách, nếu chúng ta biết dựa vào Thiên Chúa, biết dùng vũ khí vạn năng mà Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta.

Lm Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc