Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng C

Phúc Âm: Lc 21,25-28,34-36

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (21:25-28.34-36)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Suy niệm:

Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến. Và chúng ta được gợi lại hai lần đến của Chúa Giêsu: việc đến lần thứ nhất của Đấng Cứu Thế khi Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ hơn hai ngàn năm trước. Và việc đến lần thứ hai của Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ, sẽ đến vào ngày cùng tận của thế giới này.

Hẳn là khi đi xem phim ở những rạp 3D, 4D có những hiệu ứng làm tăng thêm phần ly kỳ cho khán giả. Vậy nếu như đoạn Tin Mừng trên được đọc vào tuần trước, có lẽ chúng ta sẽ liên tưởng ngay với những diễn biến của cơn bão số 9 vừa quét qua Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Giờ. Thậm chí Sài Gòn cũng bị ngập nặng khiến nhiều chủ xe bỏ của chạy lấy người. Đoạn Tin Mừng cho chúng ta biết sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng vì biển gầm sóng vỗ.

Giả sử ngày tận thế đến, liệu mỗi người chúng ta sẽ chuẩn bị gì? Có phải có người đi mua mì tôm, đèn nến vì nghe đồn tối ba ngày ba đêm; rồi dự trữ nhiều bình nước đóng chai và bao gạo trong nhà để hy vọng sống sót khi ngày ấy xảy đến? Nhiều người đã thực hiện điều này khi thế giới bước qua thiên niên kỷ thứ III với trận lụt năm 2000, hay khi người ta dự đoán ngày tận thế tính theo lịch Maya xảy ra trong vài năm trước. Nhưng chuyện không đơn giản vậy, liệu rằng những chuẩn bị vật chất như để cố thủ ấy sẽ giúp chúng ta thoát khỏi ngày tận thế sao?

Chúa không muốn chúng ta chuẩn bị cho ngày Chúa đến bằng những vật chất tạm bợ như thế. Điều Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta là những kẻ chờ đợi Chúa đến với một tâm tình sẵn sàng, niềm hy vọng lạc quan. Bằng những động thái đứng dậy và ngẩng cao đầu đón chờ Con Người ngự giá mây trời mà đến đầy uy nghi cao cả, chúng ta là những người đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa, Đấng làm chủ cuộc đời chúng ta. Chính trong thời Cựu Ước, khi dân Do Thái bị chìm ngập trong cảnh hổn loạn, thì tiên tri Giêrêmia đã sống mãnh liệt, không ngừng hy vọng vào Thiên Chúa. Có những thế lực thù nghịch tàn phá nhưng đó không phải là tiếng nói cuối cùng, mà là chính chồi công chính, đấng Mêssia thuộc dòng dõi Đavid sẽ ngự đến.

“Chúa đến” và đã đến trong lịch sử nhân loại hơn hai ngàn năm trước; Chúa sẽ lại đến trong ngày Phán xét chung. Nhưng giữa hai lần đến ấy vẫn còn nhiều lần Chúa đến nữa. Chúa đến khi giờ lìa trần của mỗi người mà mình không biết ngày giờ nào. Chúa còn đến qua một người hành khất bên vệ đường, một người gõ cửa nhà ta xin chút nước, một người đang loay hoay không biết làm sao băng qua đường giữa dòng xe đông đúc, một người đang cần bàn tay chúng ta đưa ra giúp họ một tay… Chúa vẫn thường đến trong những điều không ngờ ấy.

Những điều mình nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng thực tế ai hay được chữ “ngờ”. Có những bất ngờ làm mình cảm thấy thú vị hồi hộp, nhưng cũng có những bất ngờ làm mình lo lắng và hụt hẫng. Thành thử có người mê tín dị đoan, rồi đi coi bói, xem tướng số, xin sâm xin quẻ để muốn biết được tương lai hậu vận của mình. Đó cũng là cám dỗ ngàn đời mà tổ tiên chúng ta là Ađam và Eva đã vấp phải khi có tham vọng muốn bằng Thiên Chúa, muốn tự hoạch định đời mình. Làm như thế là chúng ta từ chối sự quan phòng của Thiên Chúa, trong khi Chúa dạy rằng mọi sự xảy ra cho dù một sợi tóc trên đầu chúng ta rụng xuống thì cũng không nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa mà. Vậy tại sao chúng ta không dâng lên Chúa mỗi giây phút đời mình?

Thực ra, chúng ta có thể đón chờ Chúa đến với một sự chuẩn bị hẳn hoi từ trong tâm hồn. Đó là đón Người đến hàng ngày nơi Bí tích chúng ta lãnh nhận. Chính khi sống tâm tình đạo đức qua việc cầu nguyện, Thánh lễ, cử hành các bí tích, tham dự các giờ kinh… chúng ta đang đón Chúa đến, như Người đã nói: “Nơi đâu có hai hay ba người hợp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”.

Như vậy, chúng ta không hề nao núng khi đón Chúa đến như thế. Và ngày cùng tận của mình dù có đến như chiếc lưới bẫy chim chụp xuống bất ngờ thì cũng không làm mình hoảng sợ. Vâng, sự bất ngờ và hụt hẫng thật ra chỉ đáng sợ khi chúng ta sống trác táng mặc kệ ngày mai, sống chỉ lo hưởng thụ vật chất, hay như người mải mê chè chén say sưa, nuông chiều thân xác mà không biết lo xa… Có khi cả những lý do chính đáng như kế sinh nhai, chuyện làm ăn, những dự án nghìn tỷ, những dự tính như thế gian này là vĩnh cửu cũng có thể làm chúng ta chệch hướng, chìm ngập trong những bộn bề của vòng xoáy cuộc đời.

Câu chuyện: Có một bác thợ xây đến tuổi nghỉ hưu, nói với người chủ những dự định của mình về cuộc sống nhàn nhã khi nghỉ hưu. Người chủ rất buồn khi người thợ giỏi của mình xin nghỉ, nhưng ông cũng đề nghị bác thợ xây giúp ông xây một căn nhà cuối cùng trước khi về nghỉ.B ác thợ xây đồng ý cách miễn cưỡng và nghĩ rằng “mình đã xin về hưu mà ông chủ còn muốn vét cạn sức lực của mình”. Bác làm việc cẩu thả, chọn những chất liệu kém chất lượng và chỉ muốn mau chóng làm cho xong việc để còn về hưu.

Căn nhà được xây lên cách vội vàng, bác thợ xây đến gặp ông chủ để bàn giao. Bác thợ xây gởi lại chìa khóa nhà cho ông chủ: “Thưa ông, đây là chìa khóa căn nhà ông yêu cầu tôi xây dựng”. Nhưng ông chủ mỉm cười đôn hậu nói: “Đây là ngôi nhà của bác, tôi tặng bác để tỏ lòng biết ơn vì sự trung thành và tận tâm của bác cho công ty của tôi”. Người thợ xây hết sức bất ngờ và cảm thấy hổ thẹn. Nếu như bác biết rằng mình đang xây ngôi nhà cho chính mình thì bác đã làm hoàn toàn khác. Còn bây giờ, bác phải sống trong ngôi nhà xấu xí mà bác vừa xây.

Lạy Chúa, cuộc sống của chúng ta hôm nay là kết quả của những gì chúng ta làm ngày hôm qua. Và cuộc sống ngày mai là kết quả những gì chúng ta sống ngày hôm nay.xin cho con biết sống tâm tình Mùa Vọng với một tâm hồn luôn sẵn sàng để hãnh diện ra đón Chúa như người người con hân hoan chờ mẹ đi chợ về, như gia đình đợi ba đi làm về để dùng bữa cơm, hay như một sự bất ngờ đầy phấn chấn của người được trao tặng món quà vào một ngày đặc biệt của mình. Xin cho chúng con biết chuẩn bị, không những bên ngoài, mà phải ưu tiên tâm tình nội tâm để cho Chúa chiếm chổ nhất trong cuộc đời chúng con, khi mọi suy nghĩ, hành động của chúng con đều luôn đặt Chúa làm trung tâm. Amen.

Lm. Afonso

Gr 33,14-16 ; 1Tx 3,12-4,2 ; Lc 21:15-28
 
Ít năm trước đây, một tài xế xe buýt đạt kỷ lục tài xế xuất sắc. Trong 23 năm làm tài xế, anh lái xe buýt trên 1.500.000 km không gây một tai nạn nào. Khi được hỏi, làm sao anh đạt được kỷ lục ấy, anh trả lời đơn giản : “Hãy nhìn đường”.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta một lời khuyên tương tự : “Hãy tỉnh thức”. Chúa Giêsu dùng nhiều kiểu nói : “Hãy coi chừng”, “Hãy chú ý”, “Hãy cảnh giác”, “Hãy ngẩng đầu lên”, “Hãy nhìn cho kỹ”. Tất cả là thái độ tỉnh thức. Tỉnh thức là nhận ra những điềm báo thời cứu độ đang đến và có thái độ thích hợp với tình thế đòi hỏi.

Tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến : Nếu ngày xưa, dân Do Thái dựa vào lời các Tiên tri loan báo, đã sống những thế kỷ dài chờ đợi Chúa Cứu Thế, thì ngày nay, dựa vào chính lời của Chúa Cứu Thế, chúng ta cũng đã trải qua 20 thế kỷ chờ đợi Chúa lại đến trong vinh quang. Vì thế, hai cái chờ đợi đó khác nhau. Trong quá khứ, dân Do Thái chờ đợi Chúa Cứu Thế đến lần thứ nhất : Ngài Giáng Sinh làm người. Còn chúng ta ngày nay, dựa trên cơ sở của biến cố Chúa đến lần thứ nhất nầy để vững tin và hy vọng vào biến cố Chúa sẽ lại đến lần thứ hai. Như vậy, trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ hồi tưởng hay kỷ niệm quá khứ chờ đợi của dân Do Thái, mà chúng ta còn sống chính cái nỗi niềm chờ đợi của chúng ta. Từ đó, chúng ta mới hiểu lý do tại sao vào đầu năm phụng vụ Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng liên quan đến biến cố cuối cùng : Ngày Chúa quang lâm.

Đoạn Tin Mừng này gồm hai phần rõ rệt : Phần I là những hiện tượng lạ lùng trong vũ trụ. Chúng ta có thể đặt câu hỏi : Liệu có thực sự xảy ra như vậy không ? Đây là một lối diễn tả theo thể văn khải huyền. Khó mà giải thích cho được sáng tỏ, khó mà thông hiểu cho rõ ràng. Vũ trụ sẽ thay đổi thế nào, thay đổi lúc nào, xác định việc đó là công việc của khoa học. Còn đối với chúng ta, đây là một cách diễn tả, xuất phát từ một cái nhìn về vũ trụ và con người. Con người và vũ trụ liên kết với nhau rất chặt chẻ. Sự liên đới giữa vũ trụ và con người rất là mật thiết. Trước tiên là hỗn độn, hoang vu. Thiên Chúa can thiệp khi tạo dựng đất trời, sắp xếp đâu vào đấy : Thiên Chúa làm cho cảnh hỗn mang nguyên thủy biến thành vũ trụ diệu kỳ, và giao cho con người làm chủ vũ trụ. Nhưng con người làm đảo lộn vũ trụ bằng sự gian ác của mình. Vì vậy, vũ trụ dường như chìm trở lại trong cảnh hỗn mang nguyên thủy. Bây giờ Thiên Chúa quyết liệt can thiệp, để tái tạo trật tự, để làm cho xuất hiện một trật tự mới với “Trời mới, Đất mới”. Vì thế, “các tầng trời rung chuyển” là để trở lại trong trật tự do Thiên Chúa sắp xếp. Ngày cánh chung có hai mặt : mặt tối là sự phán xét, hủy diệt một trật tự đã bị đảo lộn ; còn mặt sáng là sự xuất hiện một trật tự mới, trong đó Dân Chúa được hạnh phúc.

Ngày ấy, Con Người hiện đến trên đám mây, tức là trong vinh quang, để xét xử muôn dân. Đó là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi, nhưng đó là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng. Đó là lời khuyên nhủ của Chúa Giêsu ở phần II.

Hãy tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng : chúng ta đã nghe quen thuộc về những lời khuyên nhủ này. Việc chúng ta không cần tìm hiểu là ngày tận thế, là cách thay đổi của vũ trụ. Còn việc phải lo là ngày Chúa đến gặp riêng mỗi một người trong chúng ta , vì ngày ấy rất bất ngờ, nên chúng ta cần phải luôn tỉnh thức đón chờ. Chúng ta có giữ mình, kẻo lòng chúng ta ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời không ? Thái độ hưởng thụ làm chúng ta quên ý nghĩa cuộc đời, tất nhiên làm cho chúng ta không sẵn sàng chờ đón ngày Chúa đến. Còn thái độ lo lắng, ích kỷ, hẹp hòi, bon chen làm cho chúng ta hao mòn và tác hại cho xã hội. Tích cực hơn nữa, mỗi người phải luôn cầu nguyện để có sức mạnh vượt thắng gian nan thử thách ngõ hầu kiên vững mà hiện diện trước mặt Con Người để được thẩm định số phận của mình . Không ai biết được ngày đó đến lúc nào, nhưng qua những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại, ngày sau cùng đó chắc chắn sẽ đến.

Cách đây mấy năm, tại Hollywood, có một tài tử điện ảnh đột nhiên ngã bệnh. Sau khi khám bệnh cho anh, ông bác sĩ riêng của ông đã thẳng thắn nói cho chàng tài tử biết : “Tình trạng sức khỏe của anh bi đát lắm ! Chúng tôi cần phải thực hiện một cuộc giải phẩu kéo dài 36 tiếng đồng hồ mới may ra cứu sống anh được”. Về sau, chàng tài tử ấy đã thực sự thú nhận : “trong 36 tiếng đồng hồ ấy, tôi đã học được nhiều điều hơn 36 năm trước đó của tôi, và tôi đã cảm nghiệm được niềm vui mà trước đó tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được. Tôi khám phá ra rằng tôi chẳng hề sợ chết vì trước đó tôi có thói quen mỗi ngày cầu nguyện với Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam go xảy đến, tôi cảm nhận được kết quả của lời cầu nguyện ấy. Chính lúc đó tôi mới khám phá ra rằng nhờ những lần tâm sự, nói chuyện hằng ngày với Chúa Giêsu trước đó, mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì nhau, chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân”.

Anh chị em thân mến,

Một thoáng nhìn về tương lai không phải chỉ để mà kinh hãi, khiếp sợ như các tín hữu ở Thessalônica thời Thánh Phaolô hoặc chỉ hướng về trời như các người Galilê nhìn theo Chúa về trời (Cv 1,11) ; nhưng càng phải liên kết biến cố Quang Lâm Chúa trong ngày Cánh Chung không những với việc Chúa đã đến lần thứ nhất một cách âm thầm, khiêm tốn, mà còn liên kết với sức sống của ân sủng nơi mỗi người chúng ta trong suốt khoảng thời gian giữa hai lần Chúa đến.

Để sống thực sự chân lý này, Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cố gắng sống thánh thiện để có thể yên tâm và vui mừng chờ ngày Chúa đến. Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của chúng ta. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước anh sáng của công lý, chúng ta không thể che dấu một chi tiết nào.

Cụ thể hơn mà nói : lời cảnh tỉnh trong phần II của Tin Mừng hôm nay không những cần thiết cho mỗi người chúng ta để chuẩn bị sẵn sàng, không bị bắt chợt trong ngày Chúa đến lần thứ hai, mà còn cần thiết ngay trong giây phút hiện tại : chuẩn bị tâm hồn để ân sủng của Chúa đến với tâm hồn chúng ta, đặc biệt trong ngày lễ Giáng Sinh sắp tới. Chuẩn bị bằng cách giữ mình, đừng để tâm hồn chĩu nặng, mờ ám vì lối sống buông thả, chè chén say sưa và vì những bận tâm quá đáng đến cuộc sống vật chất, trần tục. Muốn được như vậy, mỗi người cần biết dành những giờ phút yên lặng, kiểm điểm lại lối sống, tức là biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, đồng thời luôn hướng về ngày Chúa xuất hiện vinh quang.
 

Lm Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc