Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 20:19-31)

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Suy niệm

“Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”. Các môn đệ Chúa sợ cũng phải thôi, vì biến cố khổ nạn và thập giá xảy đến cho Thầy làm các ông rất hoang mang và đau buồn. Hơn nữa, ngay đến Thầy là một người sống tốt, rao giảng đó đây, làm nhiều việc lành và được yêu mến vậy mà những thủ lãnh Do Thái còn đối xử án tử như thế, cho nên các môn đệ Chúa Giêsu khi phải đối diện với sự bách hại ấy càng mất bình an hơn. Các ông nghĩ cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi sự truy lùng của người Do Thái là đóng kín cửa, một số khác thì ẩn mình đi. Có lẽ vì lý do này mà Tôma đã không tụ họp chung với anh em đồng môn ngày hôm sau đó.

Chính trong cảnh tang thương của Thầy mình, các môn đệ tụ họp lại cùng cầu nguyện, an ủi và nâng đỡ nhau. Và Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra vào chiều ngày thứ nhất, đứng giữa các môn đệ và trao ban: “Bình an cho anh em!” Việc Người hiện ra đã xua tan nỗi lo âu và chán nản, bi quan và thất vọng nơi các môn đệ và để lấp đầy con tim bối rối của các ông bằng sự bình an của Đấng chiến thắng sự chết.

Đang lúc ấy, Tôma, còn được gọi với tên Đydimô, ông đi mô giữa lúc Chúa hiện đến giữa anh em nên ông không có được diễm phúc được chứng kiến Chúa phục sinh hiện ra, không nhận được lời Shalom chào chúc bình an của Chúa. Như câu chuyện bó đũa, một chiếc đũa tách riêng ra sẽ dễ bị bẻ gãy. Tôma tách rời ra khỏi anh em nên đức tin của ông đã bị chao đảo, ông cứng lòng tin mặc dầu nghe các bạn kể lại sự kiện Chúa phục sinh. Vì thế, ông vẫn khăng khăng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tôma muốn dựa vào kinh nghiệm giác quan, kinh nghiệm đối diện với người thật việc thật để có thể nhìn nhận Chúa phục sinh.

May phước cho Tôma là ông có một vị Thầy giàu lòng thương xót, nhẫn nại và từ bi nên đã chiều theo ý ông. Chúa Giêsu hiện ra lần nữa vào tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất để cho ông cơ hội được mãn nguyện, để củng cố đức tin cho cả ông là một trong số những người sẽ trở nên rường cột Hội Thánh sau này. Điều này cũng cho thấy ngày Chúa nhật có một vị trí quan trọng hơn hẳn các ngày. Người hiện ra và lần này bảo chính Tôma: “Tôma, hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Chúa mời gọi các môn đệ không những tin vì đã thấy mà còn cần phải tiến xa hơn: tin cho dù không được thấy.

Và quả thật, với kinh nghiệm đối diện với Đấng Phục Sinh, Tôma không chần chừ, đã tuyên xưng đức tin cá vị của chính mình: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Từ đây, Chúa Giêsu mới mạc khải chân lý này: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!” Đó là lời chúc phúc cho những môn đệ tương lai, là các Kitô hữu qua các thời kỳ.

Các môn đệ của Chúa được diễm phúc trở nên thị chứng nhân cho Chúa phục sinh. Niềm tin đó đã biến các ngài trở thành những chứng nhân bằng cả cuộc sống và thậm chí cả sự sống của mình. Đó là một sự kiện hiển nhiên mà đức tin Kitô Giáo chúng ta đã không sợ sệt khi đặt nền tảng trên sự thật này. Tuy nhiên, thời đại khoa học thực nghiệm ngày nay dường như khiến mọi thứ cần phải cân-đo-đong-đếm để xác nhận, được kiểm nghiệm mới đáng tin. Vậy chúng ta, những người Kitô hữu sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh 2000 năm, Liệu lời Tin Mừng hôm nay: “Ai không thấy mà tin mới là người có phúc” có còn hữu dụng không, khi lòng tin của chúng ta dựa trên chứng từ của các Tông đồ?

Nhà chú giải Kinh Thánh Dufour cho biết: “Kinh nghiệm mà những chứng nhân tận mắt được hưởng là kinh nghiệm làm nền và không thể được tái diễn: kinh nghiệm ấy được ban cho họ không chỉ vì họ mà thôi, nhưng còn vì những thế hệ tương lai mà lòng tin sẽ dựa vào lời chứng được truyền lại cùng với sức mạnh của Thánh Thần sẽ nối kết tất cả con cái Thiên Chúa nên một trong đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh”. Vâng, với ơn đức tin, chúng ta có thể cảm nhận Chúa Phục Sinh giữa cuộc sống thăng trầm của chúng ta. Con đường của lòng tin chúng ta ngày nay là con đường của lòng mến. Lòng tin và lòng mến biện chứng cho nhau, càng tin thì càng yêu mến, và càng yêu mến thì đức tin càng vững chắc. Thánh Tôma Aquinô cầu nguyện: “Chúa ơi, con không xin như Tôma được xem thương tích Chúa, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông Chúa và yêu mến Chúa hơn nữa”.

Chúa nhật II Phục Sinh cũng kính Lòng Thương Xót Chúa. Chỉ có lòng Chúa thương xót mới khiến chúng ta nhận ra Chúa, ơn lành của Chúa, ơn cứu chuộc bằng giá máu của Người để rồi chúng ta mới có thể biến đổi đời sống mình để có thể gặp gỡ được Chúa. Lay Chúa Giêsu, con tín thác nơi Ngài, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen.

Lm. Alfonso