Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (2:1-11)
1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi”.4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”.5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông.9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại10 và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”.11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.
Suy niệm   Tin Mừng Ga 2:1-11

I. Tìm Hiểu Lời Chúa: Ga : 1-12

Thánh sử Gioan thuật lại cách thức Chúa Giêsu Kitô, ngay từ khi khởi đầu sứ vụ của mình, Ngài đã thực hiện phép lạ đầu tiên theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Ngài, tại một tiệc cưới ở ngôi làng Cana nhỏ bé miền Galilêa

Cana thuộc Galilêa, trên con đường tới Nagiarét gần hồ Tibêria. Người ta tổ chức ở đây một tiệc cưới. Đức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ đầu tiên được mời tham dự.

Chính Đức Maria nhận ra trong bữa ăn đã thiếu rượu. Ước muốn tránh cho đôi vợ chồng khỏi ngượng ngùng, Mẹ đã can thiệp với Đức Giêsu, và Đức Giêsu đã hóa nước thành rượu ngon.

Sự tinh tế nhậy bén của Đức Maria, hiệu quả sự can thiệp của Mẹ, sự quan phòng ân cần của Thiên Chúa đến từng chi tiếp trong cuộc sống chúng ta, phẩm gía của hôn nhân, việc làm nổi bật những niềm vui nho nhỏ trong cuộc đời, tất cả đều là những bài học gợi lên từ câu chuyện tiệc cưới Cana thú vị này.

Gợi Ý Suy Niệm

1. Tiệc cưới Cana bài học về sự cao cả của hôn nhân : Thể chế hôn nhân trong xã hội ngày nay đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng trần trọng bởi sự ly dị ngày càng gia tăng và bởi sự tự do luyến ái chung sống khkông cần hôn nhân. Với bối cảnh đó, Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy tái khám phá giá trị, ý nghĩa thiêng liêng cao quí của đời sống hôn nhân qua việc Đức Giêsu là phép lạ tại tiệc cưới Cana. Việc tham dự tiệc cưới và làm phép lạ tại đó cho thấy Đức Giêsu đã muốn làm nổi bật giá trị thiêng liêng cao quí của đời sống hôn nhân. Thánh Phaolô giải thích giá trị hôn nhân nảy sinh từ việc hôn nhân là hình ảnh diễn tả rõ ràng sự kết hiệp nhiệm màu giữa Đức Giêsu và Giáo Hội của Người. Hôn nhân đã được Đức Giêsu nâng lên thành bí tích nên đã trở nên phương thế hữu hiệu, phổ quát để mọi người nên thánh. Việc Người tham dự tiệc cưới cho thấy Ngừơi đã muốn chúc lành cho đời sống hôn nhân và không coi thường hay hạ giá trị của đời sống này so với các đời sống tu trì hay tận hiến. Ngày nay, các gia đình công giáo cũng đã và đang đướng trước nguy cơ của cuộc kkhủng hoảng, mỗi gia đình, mỗi thành viên trong gia đình và cả những bạn sắp bước vào đời sống gia đình cần phải dựa vào Tin mừng, vào giáo huấn của Giáo Hội để khám phá những giá trị thiêng liêng cao quí của đời sống hôn nhân và bí tích này.

2. Tiệc cưới Cana bài học về tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội : Bài đọc I Isaia an ủi dân chúng hãy vui lên vì Thiên Chúa yêu thương họ như người chồng yêu thương vợ mình. Như người chồng mừng vui vì vợ, Thiên Chúa cũng vui mừng vì dân chúa. Trong Kinh Thánh hình ảnh tân lang, tân mương, tình yêu vợ chồng thường được sử dụng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người; tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội. Với tiệc cưới Cana cũng cho thấy điều đó, Đức Giêsu hiện diện để yêu thương, để chúc phúc cho gia chủ thế nào thì Người cũng yêu thương và lo lắng quan tâm cho Giáo Hội của Người như vậy. Giáo Hội chính là hiền thê của Đức Giêsu Kitô. Người đã hiến mình vì người mình yêu trên đồi Canvê và ngày nay trên khắp các bàn thờ của Giáo Hội Người lại tiếp tục sự dâng hiến tình yêu này để trang trải tình mình đến với mọi người qua mọi thời. Sống trong Giáo Hội, thao thức cùng Giáo Hội, đồng hành cùng Giáo Hội chính là đón nhận được tình yêu của Đức Kitô. Không ai có thể tách rời khỏi Giáo Hội mà tìm kiếm được tình yêu của Đức Kitô.

3. Tiệc cưới Cana bài học về trách nhiệm cá nhân của mỗi người đối với anh em chung quanh: Đức Maria đã tinh tế nhận ra sự thiếu rượu trong tiệc cứơi và đã can thiệp hiệu quả. Theo lẽ thường tình chẳng ai trách cứ được Đức Mẹ hay Đức Giêsu nếu các Ngài không can thiệp vào việc này. Thế nhưng, với tình yêu thì chắc hẳn không bao giờ các Ngài lại khoanh tay ngồi yên cả, phải đứng lên can thiệp. Mỗi người Kitô hữu cũng thế, lưu chuyển trong mình dòng máu yêu thương của Đức Giêsu thì phải có sự tinh tế, nhanh nhạy trong việc quan tâm đến người. Đó không chỉ là một đức tính mà còn là một trách nhiệm. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nói về các đặc sủng mà mỗi người được nhận lãnh. Các đặc sủng này chính là để mỗi nguời biết quan tâm chăm sóc cho nhau và cùng nhau xây dựng cộng đoàn, nhờ đó, mà mang lại tình yêu, hạnh phúc và niềm vui cho nhau. Ngày hôm nay, mỗi Kitô hữu đã làm gì, đã sống như thế nào trong mối tương quan với người khác? Sống để đón nhận và đòi hỏi người khác hay sống quảng đại, sống vì người khác; cho đi hay là nhận lãnh?

III. Lời Cầu Chung

* Lời Mở : Anh chị em thân mến, qua tiệc cưới Cana cho thấy ct luôn yêu thương và chăm sóc mọi người trong mọi biến cố. Tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1. Giáo Hội được Đức Giêsu yêu thương và chăm sóc như người chồng hết lòng yêu thương vợ mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các phẩn trật trong Giáo Hội là những vị đại diện của Đức Kitô luôn sống và thực thi trách nhiệm của mình trong tinh thần đức ái mục tử.

2. Ngày nay biết bao gia đình đang lâm vào cảnh đổ vỡ bất hòa giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình luôn được Chúa yêu thương thánh hóa để mọi người trong gia đình nhất là con cái và trẻ em được hưởng một đời sống an vui hạnh phúc, một nền giáo dục tốt đẹp và một tương lai bảo đảm.

3. Đức Maria đã tinh tế, nhậy bén trong việc quan tâm phục vụ nguời khác. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn được Chúa ban ơn hướng dẫn để biết noi gương Đức Maria mà yêu thương quan tâm, chăm lo cho nhau.

* Kết Nguyện : Lạy Chúa Giêsu Kitô, theo lời yêu cầu của Đức Maria, Chúa đã hóa nước thành rượu để xua đi nỗi buồn, mang lại niềm vui cho đôi tân hôn. Xin đổ xuống trên những anh chị em sầu khổ rượu của lòng thương sót Chúa. Xin biến đổi tâm hồn chai cứng của chúng con thành con tim biết yêu thương trước những đau khổ, nghèo đói, bất hạnh của anh chị em chung quanh. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

​Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng

Suy Niệm 2:
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có liên quan đến lễ Hiển linh và lễ Đức Giêsu chịu Phép rửa, vì trong cả ba lễ này, Đức Giêsu đều tỏ vinh quang của mình ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Nếu Chúa Nhật lễ Hiển linh, Đức Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại qua Ba Đạo Sĩ nơi ngôi sao lạ, để loan báo ơn cứu độ phổ quát cho muôn dân; rồi Chúa Nhật lễ Đức Giêsu chịu Phép rửa, Thiên Chúa Cha giới thiệu Ngài là Con Yêu Dấu và được Chúa Thánh Thần tấn phong, đây là một cuộc mạc khải về thiên tính và sứ vụ nơi Đức Giêsu, thì đến Chúa Nhật này, Đức Giêsu tỏ vinh quang của Ngài cho mọi người dự tiệc cưới qua dấu lạ đầu tiên, đó là: phép lạ nước lã thành rượu ngon.
Qua việc tỏ vinh quang trong bối cảnh tiệc cưới tại Cana, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ đầu tiên, và một cách tiệm tiến, Ngài đi từ tiệc cưới tự nhiên, tức là tiệc cưới Cana để dẫn con người đến tiệc cưới giữa Thiên Chúa với dân Người.
1. Tiệc cưới Cana
Tin Mừng hôm nay cho biết, tại làng Cana, miền Galilê có một đám cưới của đôi bạn trẻ. Trong số những khách dự tiệc hôm ấy, có sự hiện diện của Mẹ Maria, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên. Đây thật là một hồng phúc cho gia chủ và nhất là đôi tân hôn!
Theo văn hóa, phong tục của người Dothái thì nghi lễ thường được được bắt đầu vào lúc mặt trời đã xế bóng. Khi ấy, đôi tân hôn được đưa về nhà mới, nơi họ sẽ ở và sinh sống trong tư cách là vợ chồng. Đến giờ đã định, một cuộc rước linh đình bắt đầu diễn ra. Họ được đưa đi qua các con đường dưới ánh sáng của các ngọn đuốc và có lọng che đầu.
Khi đã về đến nhà, họ ở tại nhà mới của mình và bắt đầu tiếp khách. Thời gian kéo dài khoảng một tuần lễ. Đầu họ đội vương niệm và mặc y phục của lễ cưới. Tuần lễ này có thể nói là tuần lễ vui mừng và hạnh phúc, vì đây là dịp duy nhất của đời người, họ được mọi người kính nể, trọng vọng và trân quý cách đặc biệt.
Trong bầu khí hân hoan đó, người ta không ngại gì tốn kém, và ai nấy ăn uống thoải mái, nào là chén chú chén anh, chén tạc chén thù, chén thương chén nhớ…
Như vậy, rượu dùng để đãi khách là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đám cưới hôm nay niềm vui không được trọn vẹn, vì tiệc đang dang dở thì hết rượu. Đây là điều cấm kỵ trong văn hóa của người Dothái và nỗi tủi nhục ập đến cho gia chủ cũng như đôi tân hôn.
Nhưng, nhờ sự tinh tế, nhạy bén, thấu hiểu và cảm thông của Mẹ Maria, nên Mẹ đã không nỡ để cho gia chủ phải bẽ mặt hổ ngươi, vì thế, Mẹ đã cậy nhờ Đức Giêsu để Ngài cứu nguy cho họ, qua đó, giữ thể diện cho gia chủ!
Khi được Mẹ thông báo, Đức Giêsu cũng một tâm tình như Mẹ mình, nên Ngài đã làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon.
2. Tiệc cưới của Thiên Chúa với dân Người
Qua phép lạ này, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để mạc khải cho nhân loại biết: giữa Thiên Chúa và dân Người cũng được ví như một tiệc cưới.
Hình ảnh này được ngôn sứ Isaia nhắc đến trong bài đọc I hôm nay:
Dân Israel vốn là một dân tộc được Thiên Chúa yêu thương, nhưng sự bội ước, bất trung đã làm cho họ phải chịu cảnh nô lệ nơi đất khách quê người, bị chủ nô coi thường, khinh bỉ. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa thì lớn lao hơn cả tội lỗi của con người, nên Người đã cứu dân ra khỏi kiếp lưu đày, thoát khỏi cảnh nô lệ, để từ nay, không còn bị nghe thấy dân ngoại sỉ nhục là: “Đồ bị ruồng bỏ” và xứ sở không còn mang tiếng là “phận bạc duyên đơn”. Từ nay, dân Israel thoát ra khỏi lời nguyền khinh miệt, được trở thành một dân tự do trong tiếng vui cười hân hoan. Thiên Chúa và dân Israel được ví như: “… trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo nên ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui của Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62,5). Như vậy, trong tư cách là hôn phu, Thiên Chúa hằng ân cần chăm sóc, kiêm tâm, nhẫn nại và hết mực yêu thương dân Israel như hôn thê của mình.
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu Kitô được ví như vị hôn phu của Giáo Hội (x. Ep 5,22-23). Hình ảnh này đã được sách Khải Huyền nhắc tới khi đề cập đến tiệc cưới giữa Con Chiên (Đức Kitô) với Giêrusalem trên trời (Giáo Hội) (x. Kh 21,9).
Thật vậy, Đức Kitô đã chọn Giáo Hội làm hôn thê của mình, nên Ngài đã hiến dâng trọn vẹn, ngay cả cái chết trên thập giá, để chứng tỏ tình yêu Ngài dành cho Giáo Hội.
Sự gắn bó đầy yêu thương này một lần nữa được sáng tỏ trong bài Tin Mừng hôm nay: vì yêu thương, cảm thông và liên đới, nên Đức Giêsu đã làm phép lạ nước lã hóa rượu ngon. Qua sự kiện này, một mặt Ngài bày tỏ quyền năng và vinh quang của mình cho các môn đệ thấy mà tin, mặt khác, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để loan báo một triều đại mới, triều đại của Đấng Thiên Sai, đến để ban phát ân sủng nhằm  thay thế cho thời đại cũ vì nó không còn phù hợp.
Như vậy, chúng ta thấy: “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót”. Ngài là nguồn gốc của tình yêu, Ngài san sẻ tình yêu cho con người để họ yêu Ngài và yêu nhau.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy biết xây dựng mối tương quan gia đình trên nền tảng tình yêu.
Vợ chồng yêu thương nhau, cha mẹ yêu thương con cái như khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi; như hình ảnh khăng khít giữa Thiên Chúa và dân Israel, như Đức Kitô hiến mình vì Giáo Hội. Đây là tiêu chuẩn, mẫu số cho mọi người Kitô hữu noi theo.
Tuy nhiên, muốn sống được điều đó, chúng ta cần:
Trước tiên, loại bỏ lối sống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng để thay thế vào đó bằng thứ rượu tình thương, độ lượng và hy sinh, liên đới, cảm thông và chia sẻ.
Thứ đến, mọi người luôn biết nghe và thi hành Lời Chúa như những gia nhân trong Tin Mừng hôm nay. Thiên Chúa phải là trung tâm của mọi sinh hoạt trong gia đình. Nếu không có Chúa, niềm vui của chúng ta sẽ hão huyền, phù phiếm, mau qua, chóng hết và không trọn vẹn.
Cuối cùng, mọi nỗi khó khăn, vất vả, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria, để nhờ Mẹ, chúng ta đến với Chúa là nguồn cội bình an, là đích điểm hạnh phúc, Ngài sẽ ban cho chúng ta được no đủ và hoan lạc, như xưa Ngài đã nhận lời Đức Mẹ mà cứu giúp gia chủ trong tiệc cưới tại Cana.
Lạy Chúa Giêsu, đời sống của nhiều gia đình Công Giáo hôm nay bị thiếu rượu yêu thương, liên đới và trách nhiệm. Vì thế, gia đình không còn là nơi tiếp nhận và chia sẻ tình yêu.

Xin cho các gia đình của chúng con biết chọn Chúa làm trung tâm của cuộc sống và cho mỗi người luôn được Lời Chúa hướng dẫn, ngõ hầu chúng con được bình an, niềm vui và hạnh phúc. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển