Suy Niệm Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm C

PHÚC ÂM: Ga 10, 27-30

“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.

Đó là lời Chúa

Tin Mừng Ga 10: 27-30

(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14-17;Ga 10,27-30)

Nói đến mục tử và đàn chiên, hẳn người Công Giáo không còn cảm thấy xa lạ về khái niệm và cách gọi. Tuy nhiên, để hiểu và biết cách thấu đáo, có lẽ chưa được chính xác, thiết thực cả về vai trò mục tử lẫn bổn phận của con chiên! Vì thế, Giáo Hội mỗi năm một lần, dành riêng Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, để mời gọi mọi thành phần ý thức về sứ vụ của mình trong vai trò và nhiệm vụ riêng biệt, ngõ hầu làm toát lên những nét tiêu biểu của vai trò mục tử và đàn chiên. 
 
Để làm sáng tỏ bản chất thiêng thánh, chúng ta cần khởi đi và bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, vị Mục Tử Tối Cao, nhất là vai trò, sứ vụ Mục Tử nơi Thầy Giêsu. 
 
1. Thiên Chúa là Mục Tử của dân Người
 
  Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành, đầy lòng thương xót được khởi đi từ thời Cựu Ước, qua việc Thiên Chúa luôn chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ dân của Người. Thánh Vịnh 23 đã thốt lên niền vinh dự và an tâm khi được Thiên Chúa bảo vệ: “Đức Giavê là Mục Tử tôi. Tôi không còn thiếu gì. Dù phải đi qua thung lũng tối đem. Tôi cũng không hề lo sợ” (x. Tv 23,1-6). Qua sự cảm nghiệm trên, tác giả Thánh Vịnh cho thấy: Giavê Thiên Chúa trở thành Mục Tử của dân Israel, Người yêu thương và chăn dắt dân của Người. 
 
Hình ảnh và sứ mạng của người mục tử cũng được trao phó cho các vị lãnh đạo thời bấy giờ, để họ thay quyền Thiên Chúa, lo quản trị, nhắc nhở và nêu gương sáng cho dân.
 
Tuy nhiên, thật đáng buồn vì các mục tử thời đó đã làm cho dân phải đau đớn vì họ không sống đúng vai trò của mình! Điều này đã được Tiên tri Ezekiel quở trách thật nặng nề: “Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên… Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng… Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi… Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng” (x. Ez 34,2-4.9-10.23).
 
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã trở thành hiện thân Mục Tử mà Cựu Ước đã tiên báo. Nhưng về cung cách thì hoàn toàn khác. Vì thế, chính Ngài đã tuyên bố: “Tôi là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (x. Ga 10, 27); “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10), chứ không như những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không đoái hoài đến đàn chiên đã được trao phó.
 
Quả thật, suốt cuộc đời, Đức Giêsu luôn chú tâm đến việc dạy dỗ, chữa lành, băng bó những con chiên đau ốm, ghẻ lở; dẫn về những con chiên đi lạc; phục hồi những con mất nhân cách; và cuối cùng, hiến tế chính mình cho chiên, để chúng được sống trong niềm vui và hạnh phúc viên mãn. Qua sự hiến dâng như thế, Đức Giêsu đã trao ban chính sự sống thần linh, tức là sự sống đời đời cho chiên của mình (x. Ga 10,28).
 
Như vậy, nơi cuộc đời và sứ vụ, Đức Giêsu đã phản ánh rõ nét Lòng Thương Xót của chính Thiên Chúa ngang qua lòng dạ nhân từ, bao dung và tha thứ của Ngài.
 
Kết thúc cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã trao phó vai trò mục tử cho các Tông đồ và những người kế vị. Để hành vi thương xót của Thiên Chúa ngang qua đời sống và cung cách của các vị trung gian được tiếp tục tiếp diễn cho đến ngày mọi người đều có một Chủ Chiên duy nhất là chính Thiên Chúa và tất cả đều là anh em trong một đàn chiên.
 
2. Sứ vụ, vai trò của các mục tử trong Giáo Hội
 
Khi nói đến vai trò mục tử trong Giáo Hội, chúng ta nghĩ ngay đến các giám mục, linh mục, phó tế… Các ngài được lãnh nhận sứ vụ này ngang qua Giáo Hội, để ra đi thi hành bổn phận mà Thầy Giêsu đã làm khi xưa. 
 
Sứ mạng ấy chính là quyền lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa. Tuy nhiên, gương sáng và sự dấn thân sống hết mình vì đàn chiên là điều được đề cao đến nỗi nếu không có chiều kích này, thì việc lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa trở nên một thể chế thuần tục không hơn không kém! 
 
Khi đề cập đến sứ vụ mục tử, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh: các mục tử ngày nay không chỉ lo lắng thuần túy về cơ cấu, nhưng còn phải “ngửi thấy mùi chiên”; và “phải mang mùi chiên đó vào mình”. Thật vậy, nếu không “ngửi” và mang “mùi” của chiên nơi mình, có lẽ ranh giới giữa mục tử và kẻ chăn thuê hay cướp bóc chỉ cách nhau gang tấc! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó những vị mục tử luôn nóng nảy, dọa nạt vô cớ; cư xử phân loại; sống theo hiệu ứng đám đông; hay chỉ biết chăm chút mũ mão cân đai cho chính bản thân, lo củng cố địa vị và uy tín ngang qua những công trình sang trọng hay những buổi lễ hội… Khi lựa chọn như thế, ấy là lúc những mục tử đang có xu hướng “ngoại tình” với những “mục đích rẻ tiền” mà quên đi sứ vụ cao trọng, nếu không muốn nói là phản bội hay xúc phạm đến người nghèo và sứ vụ!
 
Nguyên nhân dẫn đến thảm trạng đau buồn này chính là không tin phục và chẳng sống theo mẫu gương Thầy Giêsu; luôn để cho lòng tự mãn, kiêu căng, vụ lợi, ích kỷ, hèn nhát, thiếu tình thương chỉ đạo, nên chỉ biết lo cho bản thân mà không màng chi đến sứ vụ!
 
Nếu là mục tử thuộc về Thầy Giêsu, noi gương Đấng Giàu Lòng Thương Xót, thì lòng dạ các ngài sẽ không yên khi còn đó biết bao con người khắc khoải, đói khát, bần cùng, tỗi lỗi… đang ngày đêm kêu van thống, để chỉ mong sao những bước chân của những mục tử dám đi ra “bên lề”, tiến vào những vùng “ngoại biên” để cứu giúp họ, ngõ hầu những con chiên đen đủi, bất hạnh này được bàn tay nhân ái của những mục tử nhân lành chạm vào tâm hồn họ, để tâm hồn chiên lạc và khổ đau được nóng và sáng lên nhờ cảm nghiệm được sự an bình thư thái…
 
Làm được điều đó, các vị mục tử mới thực sự là người thay mặt Chúa để trả lời và mang lại cho con người hôm nay niềm hy vọng mà xã hội trần thế không làm được. 
 
3. Kitô Hữu là con chiên trong đàn chiên của Chúa
 
Còn với chúng ta, trong ngày lễ hôm nay, mỗi người hãy thực sự nhìn lại tư cách chiên của mình, để thấy được tình trạng tâm hồn trong tương quan với Vị Mục Tử Giêsu, Đấng mà chúng ta thật vinh dự khi được trở thành con chiên của Ngài ngày lãnh Bí tích Rửa Tội. 
 
Vì thế, với tư cách là thành phần trong đàn chiên của Chúa, điều kiện tiên quyết, đó là phải tin tưởng và phó thác cuộc đời, vận mệnh, hiện tại và  tương lai cho Vị Mục Tử Tối Cao, để được núp dưới cây gậy mục tử nhân lành của Ngài.
 
Thứ đến là: lắng nghe Lời của Ngài, để: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10,27), ngõ hầu Lời Chúa trở thành nguồn suối mát, đồng cỏ xanh nuôi sống tâm hồn chúng ta.
 
Tiếp theo là đi theo, gắn bó mật thiết như hình với bóng, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tâm tư, hành động, lời nói.
Cuối cùng, sống chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em, nhất là ngang qua nghĩa cử, lòng nhân ái của chúng ta.
 
Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, xin cho các chủ chăn trong Giáo Hội hôm nay biết phản chiếu lòng thương xót của Chúa cách trung thực. Xin cho chúng con trở thành con chiên ngoan hiền để tận hưởng nguồn hoan lạc của đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mắt dưới bóng cánh và cây gậy mục tử của Chúa. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Suy Niệm:   Tin mừng Ga 10: 27-30

Chúa nhật thứ 4 Phục sinh hôm là, được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Là Chúa nhật mà toàn thể giáo hội hương về việc cầu nguyện cho các linh mục, giám mục luôn biết sống theo gương Chúa Giêsu vị mục tử nhân lành đối với đàn chiên được ủy thác cho mình. Đồng thời Chúa nhật hôm nay còn là ngày quốc tế ơn gọi lần thứ 56. Đức thánh cha Phanxicô mời gọi chúng ta cầu nguyện cho nhiều bạn trẻ biết can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa “khám phá kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho cuộc sống của chúng ta; và xin Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm bước đi trên con đường mà ngay từ đầu, Ngài đã chọn cho mỗi người chúng ta”. Nhân dịp nàu xin chia sẻ cùng quý bạ bà điều sau đây. Điều thứ nhất:Chúa vẫn muốn và cần chúng ta quảng đại đáp lại tiệng gọi mời của Chúa để được sống hạnh phúc. Điều thứ hai là: Mọi ơn gọi đều là một ân ban, cần phải biết trân quí và quảng đại đáp trả. Điều  thứ ba: cần biết tin thác vào Chúa, để bảo vệ ơn gọi của mình.

      Trước hết, chúng ta hãy luôn nhớ rằng “Chúa vẫn muốn và cần chúng ta quảng đại đáp lại tiệng gọi mời của Chúa để được sống hạnh phúc”. Đây chính là trọng tâm của Tin mừng hôm nay: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”. Chúa luôn gọi mời chúng ta, và mong muốn chúng ta lắng nghe và đến với Chúa. Thế nhưng, giữa cuộc sống hiện đại của thời 4G, chúng ta lại phải đón nhận biết bao tiếng gọi mời và lôi kéo khác nữa. có sự lôi kéo của hưởng thụ vật chất. Có sự lội kéo của những sản phẩm thuộc đời mới hơn, nhiều chức cức năng hơn, kiến chúng ta mãi mế chạy theo và rượt đuổi không ngừng. Có sự lôi kéo của hình ảnh quảng cáo, của thời trang của sách báo, khiến chúng ta chẳng làm chủ được cái nhìn và đi đến chỗ phạm tội… Để chống lại những lô kéo bên ngoài này, chúng ta cần phải có một nội lực mạnh hơn ở bên trong. Đó chính là ơn Chúa. Nếu chúng ta biết lắng nghe và để cho Chúa kéo và không cưỡng lại thì chắc chăn Chúa sẽ kéo chúng ta về với Chúa. Chúng ta sẽ cảm nên được sự chăm sóc ngọt ngào của Vị mục tử nhân lành dành cho chúng ta. Ta sẽ được sống và sống hạnh phúc dồi dào.

     Điều thứ hai: Mọi ơn gọi đều là một ân ban, cần phải biết trân quí và quảng đại đáp trả. Chúng ta vẫn thương nghe nói về ơn thiên triệu, đó là ơn gọi từ trời, đó là tiếng gọi của Chúa từ trời cao gọi mời chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta trở nên những tu sĩ, linh mục, giám mục ngang qua đời sống dâng hiến. Thế nhưng, ơn gọi đăc biệt này lại khởi đi và đặt nền trên ơn gợi căn bản của đời sống Kitô hữu là ơn gọi làm con Chúa. Do đó, khi lãnh nhận bí tích rửa tội, tất cả chúng ta đều lãnh nhận một món quà cao quí. Món quà cao quí ấy là “chúng ta là những người con yêu dấu của Chúa, được tập hợp trong đại gia đình Giáo hội. Nơi đó, đời sống Kitô hữu được sinh ra và phát triển. Giáo hội, là mẹ của chúng ta, Giáo hội đưa chúng ta đến cuộc sống mới và dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta phải yêu thương người Mẹ này, ngay cả khi ta nhìn thấy khuôn mặt của Giáo hội bị tàn phá bởi những yếu đuối, tội lỗi của con người, và chúng ta phải giúp Giáo hội trở nên xinh đẹp và rạng rỡ hơn để Giáo hội có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa trong thế giới này. Vì thế, Thiên Chúa mong muốn cuộc sống của chúng ta không trở nên vô vị và có thể đoán trước. Ngài không muốn cuộc sống của ta bị giam cầm trong những thói quen hàng ngày, hoặc không phản ứng trước những quyết định ý nghĩa. Chúa không muốn chúng ta sống ngày này qua ngày khác, mà cứ nghĩ rằng mình chẳng có gì đáng để phấn đấu. Rồi dần dà, chúng ta đánh mất ước muốn đi trên những con đường mới mẻ và thú vị. Mỗi ơn gọi là một lời gọi không được đứng trên bờ với mảnh lưới trong tay, nhưng là đi theo Chúa Giêsu trên con đường mà Ngài vạch ra cho chúng ta, vì hạnh phúc của ta và vì lợi ích của những người xung quanh.

    Điều thứ ba: cần biết tín thác vào Chúa, để bảo vệ ơn gọi của mình. 

    Chúng ta thường biết rằng, mọi ơn gọi trong đời sống dâng hiến đều khỏi sự trong niềm vui, trong sự hấp dẫn lôi kéo của Chúa ngang qua cuộc đời của các linh mục, tu sĩ nam nữ khi họ về tạ ơn trong ngày chịu chức hay khân dòng, hoặc vì những lối sống quả cảm của họ…. Thế nhưng, khi bước vào cuộc sống ơn gọi, chúng ta mới thấy những thách thức, những khó khăn phải đối điện, phải vượt qua. Chúa muốn chúng ta phải quyết định dứt khoát khi đi theo Chúa là để làm công việc của Chúa hơn là làm công việc theo ý riêng ta. Một quyết định như thế đòi hỏi phải để lại mọi thứ ở phía sau để theo Chúa, để dâng hiến mình cho Thiên Chúa và chia sẻ sứ mạng của Ngài. Nhiều loại giằng co nội tâm có thể cản trở ta đưa ra quyết định này, đặc biệt là trong bối cảnh tục hóa lan tràn; nơi đó dường như không còn chỗ cho Thiên Chúa và Tin Mừng. Những nơi ấy dễ phát sinh ra chán nản và người ta thường rơi vào tình trạng “hy vọng èo uột”. Tuy nhiên, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của người dâng hiến đời mình cho Chúa! Đừng điếc lác trước tiếng gọi của Chúa! Nếu Ngài gọi chúng con đi vào con đường này, xin đừng buông xuôi mái chèo, nhưng hãy tín thác nơi Chúa. Đừng ngục ngã trước sợ hãi, vốn là điều làm chúng ta tê liệt trước những tầm cao lớn lao mà Chúa chỉ cho chúng ta. Chúng con hãy luôn nhớ rằng với những ai bỏ thuyền lưới lại đằng sau mà đi theo Giêsu, Thiên Chúa hứa ban niềm vui về một cuộc sống mới có thể lấp đầy tâm hồn chúng ta, và làm cho hành trình của của ta thêm sống động.

     Vào Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi này, chúng ta hãy tham gia cầu nguyện và cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta khám phá kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho cuộc sống của chúng ta; và xin Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm bước đi trên con đường mà ngay từ đầu, Ngài đã chọn cho mỗi người chúng ta. Amen.

Lm. Gioan Lê Quang Tuyến