Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (14: 23-29)
23 Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
Suy niệm 1:
Với “diễn từ ly biệt” khi sắp sửa chia tay các môn đệ, Chúa Giêsu đã cố gắng hết sức trấn an các môn đệ Người. Chắc hẳn lúc này đây các ông đang trong tình trạng rất bồn chồn và sợ hãi khi sắp phải chia tay Thầy. Người ta thường bảo “Xa mặt cách lòng”, nếu tình cảm con người ta dành cho nhau không đủ lớn thì rồi sẽ phai dần theo thời gian. Do vậy, Chúa Giêsu muốn các môn đệ và tất cả Kitô hữu chúng ta yêu mến Chúa không phải chỉ bằng lời đầu môi chót lưỡi nhưng bằng những hành động cụ thể, những quyết tâm thực hiện thấy rõ: đó là tuân giữ những lời Chúa: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy”.
Lời Chúa dạy là gì? Thưa “điều Thầy truyền dạy các con là: ‘Hãy yêu thương nhau’.” Và kết quả của người thực thi giới răn Chúa sẽ được Chúa Cha yêu mến người ấy, và “Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Khi Chúa chia tay các môn đệ mà các ông vẫn sống giữ luật Chúa như Người đang ở bên thì rồi người đó sẽ được cả Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ hiện diện, đồng hành và là ở trong con người đó. Chính khi ấy, Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Chúa Giêsu, Đấng ấy sẽ chỉ dạy các môn đệ thấu rõ mọi điều, sẽ nhắc nhở cho họ về tất cả những gì mà Chúa Giêsu đã chia sẻ với họ trong tương quan thầy trò.
Khoảng cách về thể lý không còn ý nghĩa khi trong lòng chúng ta luôn có người mình yêu. Đó là cảm nghiệm về một sự hiện diện thân mật khi trong lòng người đó luôn có đầy hình ảnh của người kia. Đó là một sự hiện diện đong đầy. Vâng, sau biến cố Phục Sinh, Chúa Giêsu đã trở nên con người của mọi thời đại. Để rồi Người ra đi rồi trở lại với môn đệ của Người bằng nhiều hình thức:
– Bằng sự Phục Sinh để chuẩn bị cho ta sự sống đời đời.
– Bằng cách đến trong ngày phán xét để đem ta vào vào trong sự sống đời đời.
– Bằng phép Thánh Thể mỗi lần ta tham dự Thánh lễ và rước Chúa vào lòng để nuôi dưỡng sự sống phần hồn thiêng liêng.
– Bằng ơn thánh để tăng trưởng sức sống thiêng liêng cho tâm hồn ta.
– Bằng cách can thiệp vào dòng lịch sử cuộc đời ta để tỏ bày sự quan phòng của Chúa khi ta đặt niềm tin tưởng ở nơi Chúa là Đấng cùng đích cuộc đời mình.
Chính khi có Chúa ở cùng, con người ta luôn có được sự bình an, ngay cả trước những lựa chọn mang tính quyết định. Bình an không phải giống như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong. Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Bình an có Chúa ở cùng không phải là sự bình an nhàn nhã theo thế gian, nhưng là sự bình an dám đương đầu với song gió, khó khăn, vất vả giữa xã hội hôm nay.
Vào tháng 4 năm 2014, vụ tai nạn chìm phà Sewol, Hàn Quốc làm chấn động không chỉ đất nước xứ Kim Chi mà cả thế giới. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có những con người sống mãi với thời gian.
Jung Chawoong, nam sinh 17 tuổi tạo nên một câu chuyện cảm động đầy nước mắt khi đóng vai anh hùng, xả thân cứu bạn bè trong tai nạn chìm phà. Theo lời kể của những người thoát nạn, vào lúc nguy ngập, Jung Chawoong đã đưa áo phao của mình cho một người bạn đang chìm, thậm chí chàng trai trẻ còn lao xuống nước để cứu những người khác. Tại nạn chìm phà xảy ra hôm 17/4, đúng vào ngày sinh nhật của Jung Chawoong. Hành động cao đẹp, hi sinh vì người khác của chàng trai trẻ được lan truyền trên mạng Hàn Quốc. Cộng đồng vô cùng tiếc thương và cảm phục chàng nam sinh anh hùng.
Khá nhiều trong số những người sống sót trên chuyến phà Sewol năm 2014 sẽ luôn nhớ về một vị thần hộ mệnh trong hình hài nhỏ bé của một cô gái tên Park Jiyoung. Jiyoung là một trong số các thuyền viên trên chuyến phà Sewol, là người đã không màng đến tính mạng của chính bản thân mình mà chỉ cố gắng để giúp càng nhiều hành khách có thể thoát ra khỏi chiếc phà càng tốt. Giữa lúc mọi người hoảng loạn, Nữ thuyền viên 22 tuổi bình tĩnh và dung cảm hướng dẫn các hành khách mặc áo phao và đi đến cửa thoát hiểm. Ngay cả khi nước đã ngập ngang ngực cô vẫn kiên quyết ở lại cứu cho bằng được càng nhiều người càng tốt. Theo lời kể của một người thoát chết, Park Ji Young nói rằng cô sẽ chỉ mặc áo phao khi các hành khách có đủ áo mặc. Cô tuyên bố mình và thủ thủy đoàn sẽ là những người cuối cùng rời khỏi tàu. Nhưng rồi cô chỉ không thực hiện được lời hứa cuối cùng với các hành khách cuối cùng, đó là cùng thoát ra ngoài với họ. Park Jiyoung, biểu tượng đẹp cho sự kiện thảm khốc năm 2014 ấy.
Nhìn lại cuộc sống thường ngày, chúng ta sẽ thấy có một điều hết sức tự nhiên, đó là khi yêu mến ai, chúng ta thường cố gắng bằng mọi cách để làm vui lòng người đó, cố gắng nhanh chóng thực hiện mọi ý muốn của người đó và điều đó luôn làm cho mình cảm thấy bình an. Cũng thế, càng yêu mến Thiên Chúa nhiều, chúng ta sẽ càng cố gắng thực hiện những điều Ngài muốn, càng cố gắng tuân giữ giới răn Ngài dạy, đó là “yêu thương” anh chị em mình, yêu thương cả những người đang làm khổ mình, đang có cái nhìn phiếm diện về mình, khi ấy chúng ta mới có bình an của Chúa cách thực sự. Hiểu được như vậy, thì chúng ta cũng hiểu được việc yêu thương không loại trừ là chúng ta sống trong bình an Chúa ban tặng khi chúng ta biết tuân giữ lời Chúa. Đó chính là dấu chỉ rõ ràng nhất để chúng ta chứng tỏ lòng yêu mến của mình đối với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con bình an và tin tưởng khi thực thi giới răn Yêu thương mà Chúa dạy để đón nhận tất cả anh chị em con, vì chính Chúa đã yêu thương con trước, ngay khi con còn là một tội nhân, là người chưa đáng yêu trước mặt Chúa. Amen.
Lm. Alfonso
Suy Niệm 2: BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU Ga 14:23-29
Bình An là món qùa quý báu nhất, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông Đồ và những người tin theo Chúa. Tâm hồn bình an thì luôn thanh thản, an hòa và vui tươi. Sự bình an đích thực chính là ân sủng của Chúa. Chúa chính là nguồn ơn bình an. Ngay khi Chúa giáng trần, các thiên thần đã đồng thanh ca hát: “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”(Lc 2,14).
Rồi khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu căn dặn các ông: “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “bình an cho nhà này”. Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy, bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10,5-6)
Và sau khi sống lại, mỗi lần hiện đến với các Tông Đồ, Chúa đều chúc bình an. Thánh Luca ghi lại: “các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “bình an cho anh em! “(Lc 24,36). Rồi “tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “bình an cho anh em.”(Ga 20,26).
Chính vì vậy trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27).
Theo phong tục Do Thái, khi từ giã nhau, người ta thường chào nhau bằng “bình an” (shalom), nhưng ở đây sự bình an của Đức Giêsu để lại, không có ý nghĩa như lời chào thông thường, vì thế gian chỉ có thể cầu chúc bình an chứ không thể ban bình an, còn Đức Giêsu chính Người ban bình an của Người.
Bình An, ở đây không phải chỉ là vắng bóng bạo hành, không có chiến tranh, xung đột giữa các dân tộc và quốc gia mà chính là sức khỏe, sự thịnh vượng, hạnh phúc sung mãn và ơn cứu độ. Và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an này, vì đó là phúc lộc cứu độ tuyệt vời nhất: “lúc đó, sự công chính nở rộ và bình an lớn lao tới khi mặt trăng khuất bóng “ (Tv 72, 7).
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến một sự bình an bên trong của con tim, sự bình an của con người với chính mình và với Thiên Chúa.
“Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. “(Ga 14, 27).
Trong cuốn sách Go Down to the Potter’s House của Donagh O’Shea, ông có một câu chuyện về một ông vua có hai hoạ sĩ trong triều là hai đối thủ gay gắt. Một ngày nọ, nhà vua nói: “trẫm quyết định một lần cho xong để biết ai trong hai là hoạ sĩ giỏi nhất. Hai khanh phải vẽ cùng một đề tài và như vậy, trẫm sẽ ở giữa để phán quyết. Và đề tài là sự bình an”.
Hai hoạ sĩ đồng ý, và một tuần sau trở lại với các bức tranh của họ. Hoạ sĩ thứ nhất giới thiệu bức tranh của mình. Nó cho thấy một phong cảnh thơ mộng với những ngọn đồi trập trùng bên nhau và một mặt hồ không gợn sóng. Toàn bộ phong cảnh nói lên sự hài hòa, bình an và tĩnh lặng. Nhưng khi nhìn vào bức tranh, quay lại nói với hoạ sĩ, “bức tranh của khanh đẹp thật, nhưng nó làm ta buồn ngủ”.
Kế đó, hoạ sĩ thứ hai đã trình bày công trình của mình. Nó cho thấy một thác nước chảy ầm ầm. Lối vẽ hiện thực làm cho người ta như nghe thấy tiếng gầm của thác nước khi va vào các tảng đá ở bên dưới hàng trăm thước.
Nhà vua tức giận nói: “nhưng đây không phải là một cảnh bình an như trẫm đã ra lệnh”. Hoạ sĩ không đáp lại nhưng xin nhà vua tiếp tục xem. Sau ít phút, nhà vua nhận ra một chi tiết quan trọng: ở giữa các tảng đá bên dưới thác nước, có một bụi cây mọc lên với một tổ chim trên cành. Khi nhìn kỹ, nhà vua thấy có một con chim trong tổ: một con se sẻ đang ấp trứng, đôi mắt lim dim. Nó đang chờ các con nó được sinh ra, một hình ảnh bình an thật hoàn hảo.
Nhà vua rất thích thú khi nhìn ra điều đó. Quay lại người hoạ sĩ thứ hai, ngài nói: “trẫm rất thích bức tranh khanh đã chuyển tải một điều rất quan trọng về bình an, đó là có thể sống trong bình an cả khi ở giữa cảnh ồn ào hỗn loạn của cuộc sống”.
Đức Giêsu đã nói về sự Bình An của Chúa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.
Bình An ở đây là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Và Đức Giêsu đã ở trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Vì thế, Người có thể nói về sự bình an cả khi các kẻ thù đang siết chặt vòng vây xung quanh Người và ngay cả gần kề cái chết.
Bình An, không xao xuyến không sợ hãi chính là sự tín thác vào Thiên Chúa. Đó là điều mà người ta có thể có cả khi ở giữa sự xáo trộn, xung đột và những vấn đề chưa giải quyết được. Đó chính là sự Bình An mà Chúa muốn nói với các môn đệ và cũng là nói với chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi”(Ga 14, 27).
Quả thật “Bình An” là một trong những từ đẹp nhất và giàu ý nghĩa nhất trong ngôn ngữ Kitô giáo. Bình An gồm hai khía cạnh tích cực và tiêu cực : không có xáo trộn và có một tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và con người. Bình an giữa con người với con người được bảo đảm nhờ công nghiệp Đức Kitô quy tụ mọi tín hữu thành gia đình của Thiên Chúa, và vào trong mối tương quan hài hòa với tha nhân.
Đức Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến, là Đấng Trung Gian của sự Bình An này, nên Người có thể gọi đó là sự Bình An của riêng mình: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em.” Không phải là thứ bình an giả tạo mà nhiều lần các ngôn sứ đã cảnh báo và Đức Giêsu đã từ chối đem xuống trên mặt đất nhưng là Bình An đích thực của Thiên Chúa, mà để ban cho thế gian, Đức Giêsu đã phải hy sinh chính mạng sống của mình.
Hiệu quả của ơn Bình An này là: các môn đệ không còn xao xuyến nữa, dù trước viễn tượng Đức Giêsu sẽ khuất dạng, hay trước nhiệm vụ đang chờ, chính họ sẽ là những người đem Tin Mừng cứu độ vào giữa lòng thế giới. Đây là lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ và cũng là lời Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thuỵ
Suy Niệm 3: Trong cuộc sống, mỗi lần gặp nhau, chúng ta thường hay hỏi: “Anh hay chị có bình an không?” Hay trước khi ra về, người ta cũng thường chúc nhau: “Về bình an nhé…”. Khi lên đường khởi đầu một chuyến hành trình nào đó, ta cũng mong sao chuyến lữ hành của mình được bình an.
Ngày xưa, người Sêmít cũng có thói quen chào người sắp đi rằng: “Ông; bà…hãy đi bình an” (x. 1 Sm 1,17; 20,42; 29,7). Ngày nay, người Arập cũng còn chào như vậy. Còn người Do thái thì rút gọn hơn khi nói: “Bình an” mà thôi.
Như vậy, hai chữ “bình an” là điều mà mọi người đều mong muốn. Tuy nhiên, mỗi người hiểu về bình an dưới những lăng kính khác nhau. Các tôn giáo cũng mặc cho nó một ý nghĩa riêng biệt theo giáo lý của tôn phái mình. Bình an mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ không phải là thứ bình an như người đời vẫn hiểu: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).
Vậy bình an theo kiểu thế gian ban tặng là gì? Và bình an của Đức Giêsu trao ban là sao? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu:
1. Bình an theo lối hiểu của con người
Trong kinh nghiệm tự nhiên của con người, đói khát, mất quyền lực, thất bại, bất an hay sự chết là điều làm cho con người luôn sợ hãi và mất bình an. Đỉnh cao của nỗi sợ đó chính là sợ mất sự sống. Chính vì vậy, người ta đều mong muốn được an vui và hạnh phúc, tức là ơn bình an. Tuy nhiên, bình an mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ là một thứ bình an đặc biệt. Đặc biệt vì không phải theo kiểu người đời, mà theo thánh ý Chúa.
Hằng ngày, chúng ta vẫn thường thấy tại các công trường hay những nơi xây dựng, người ta căng những băng rôn có nội dung như: “An toàn là trên hết”; “an toàn là bạn – tai nạn là thù”. Qua những biểu ngữ đó, người ta mong sao cho công việc lao động, xây dựng của họ được an toàn. Ở đây, bình an chính là không xảy ra tai nạn trong khi lao động.
Khi tham gia giao thông, chúng ta, ai ai cũng đều mong muốn không bị đụng xe, cướp giật, mong đi đến nơi về đến chốn an toàn. Ở đây, bình an là không có chuyện bất trắc xảy đến.
Rồi, trong cuộc sống, lúc còn trẻ, ai cũng mong muốn được đáp ứng những nhu cầu về tiền bạc, quần áo… khi lớn lên một chút thì mong được thi cử đỗ đạt, nghề nghệp ổn định, lấy vợ gả chồng được vừa ý. Khi đã ngoài 50 tuổi, ai chẳng muốn con cái ngoan hiền, ổn định. Và, khi đã đến tuổi xế bóng, cái tuổi chân yếu tay mềm, “thất thập cổ lai hy” thì lại mong con cái hiếu thảo, không phải tất bật lo toan những chuyện như: cơm – áo – gạo – tiền nữa. Cuối cùng, cuộc đời an nhàn thư thái là điều mà ai trong chúng ta lại không mơ về nó?.
2. Bình an của Đức Giêsu
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại cho chúng ta về phần cuối của cuộc diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Trong lúc chuẩn bị Thầy trò chia tay nhau để Ngài lên đường chịu chết, chuộc tội cho thiên hạ. Vì thế, Đức Giêsu đã để lại cho các ông một gia sản quý giá hơn hết mọi thứ, đó chính là sự bình an. Ngài không nói: “Anh em hãy ở lại bình an”, mà nói: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.
Bình an của Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn để đạt được thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng người ta về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ.
Đức Giêsu chính nội dung của bình an; hay nói cách khác: Ngài chính là nguồn bình an, Ngài ban cho các ông chính bình an của Ngài.
3. Sống đặc tính ơn bình an
Khi Đức Giêsu trao ban bình an cho các môn đệ, Ngài cũng muốn mời gọi mỗi người chúng ta sống đặc tính của ơn bình an. Đặc tính đó là đón nhận chính nguồn ơn cứu độ và đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là nguồn cội của bình an.
Sống trong đặc tính ơn bình an của Chúa còn là ở lại trong sự quan phòng của Ngài: “…Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc […] Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? …” (Mt 6, 25-29).
Tiếp theo, đặc tính của ơn bình an mang tính siêu việt, quy hướng về Quê Trời: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6, 19-21).
Cuối cùng, đặc tính này mời gọi chúng ta yêu thương nhau. Khi đã có Chúa là nguồn bình an. Có Chúa là tất cả, chúng ta cũng phải biết yêu thương nhau và sống đức công bằng. Hành vi này đã được Dakêu cảm nghiệm và diễn tả thật sâu sắc. Chuyện kể rằng: một hôm, Đức Giêsu vào thăm nhà một người thu thuế tên là Dakêu. Ngài ở lại đó dùng bữa chung với gia đình ông. Sự hiện diện của Ngài làm ông rất cảm động. Những cử chỉ của Đức Giêsu được kể là một sự chúc bình an cho gia đình ông. Được ơn bình an đó, ông Dakêu tự nhiên không những cảm mến Đức Giêsu, mà còn cảm thấy có trách nhiệm yêu thương đồng bào mình. Để cụ thể hoá lòng thương yêu đó, ông thưa với Đức Giêsu rằng: “Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi xin phân phát cho người nghèo. Và nếu tôi đã làm hại ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
Như vậy, bình an mà Đức Giêsu ban tặng cho các môn đệ chính là bình an nội tâm. Bình an tuyệt đối. Bình an vượt xa lối hiểu của con người.
Đón nhận sự bình an của Chúa cũng chính là đón nhận chính Chúa, bởi vì Chúa là nguồn bình an (x. Ga 4,8,16; Rm 16,20).
Sống đặc tính của ơn bình an cũng chính là đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và tin tưởng phó thác vào Ngài. Và, khi đã có Chúa trong cuộc đời thì cũng phải biết đem Chúa đến cho người khác bằng những cử chỉ yêu thương, thân thiện và sống đức công bằng.
Mong sao lời chào chúc bình an trong mỗi thánh lễ: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi chúng ta, để tâm hồn chúng ta luôn được bình an và được hưởng ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn bình an, xin ban bình an của Chúa xuống trên chúng con như xưa kia Chúa đã trao ban cho các môn đệ. Xin cho chúng con được sống ơn bình an đó một cách sâu xa, để tận sâu thẳm tâm hồn, chúng con an vui hạnh phúc vì có bình an của Chúa ở cùng. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển