Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 6:17.20-26)
 

17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn.

20 Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.21 “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

Suy niệm 1:        Tin Mừng Lc 6: 17.20-26

    Chúa Giêsu chúc phúc cho chúng ta, những người muốn đi con đường tiến vào Nước Trời, họ sẽ được hạnh phúc đích thực, đó là ơn cứu độ, là chính Thiên Chúa, được Nước Trời làm gia nghiệp không hề mất. Con đường tiến vào Nước trời là con đường Thập Giá, chỉ qua Thập Giá mới tìm  được vinh quang và hạnh phúc đích thật, đó cũng chính là kinh nghiệm quý báu Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta.  Con đường ấy là con đường  hẹp nhưng nó mở rộng ra cho tất cả mọi người.

          Phúc cho ai đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Họ sẽ được hạnh phúc và sẽ gặp may mắn. Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo, vì nước trời là của họ. Chúng ta đang sống trong xã hội mà các giá trị đều đặt trong các kỷ lục thế giới. Đọc trong quyển Guiness Book of World Records, ta đọc thấy giá trị cuộc sống được đánh giá qua các môn thể thao, khoa học, kỹ thuật và phát minh. Mọi giá trị trần thế như sự phát triển, giàu sang, các cổ phần được mọi người chú ý qua truyền thanh, truyền hình, sách báo hay mạng lưới.

          Qua đó, Chúa Giêsu cũng muốn dạy cho chúng ta biết: hạnh phúc đích thực đang ở trong tầm tay  của chúng ta. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, không có nghĩa là ta tìm  sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và đã chết trần trụi trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho chúng ta. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói khát, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no thoả”, đó là một sự đảo lộn của những hoàn cảnh trong Nước Chúa, được tinh thần hoá mối phúc những ai đói khát sự công chính.

          Và rồi ta thấy cụ già Simêon, Thánh Giuse là những người có cách hành xử luôn luôn phù hợp với ý của Thiên Chúa, đó là lý tưởng hoàn thiện của một người đạo hạnh nhắm đến. Đức công chính này diễn tả sự thánh thiện của một Kitô hữu, vượt qua sự công chính của lề luật: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người biệt phái, thì sẽ chẳng vào được Nước Trời” (Mt 5,20).

          Những ai đạt được sự công chính này, thì tinh thần sẽ được mãn nguyện. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc lóc, vì anh em sẽ được vui cười”, đây  là mối phúc mâu thuẫn nhất trong các mối phúc, nhưng có thể nó mang tính Messia nhất: Trải qua tất cả những gian nan thử thách, dân Israel luôn trông chờ được Thiên Chúa ủi an, họ trông chờ một Đấng Messia phải đến, đó là niềm an ủi của Israel, cụ già Simêon cũng trông chờ niềm an ủi ấy của Israel.

          Chúa nói rằng: Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó. Ai trong chúng ta cũng sợ cái nghèo, cái khổ. Nhiều người coi sự nghèo khó là bất hạnh. Nên ai ai cũng cố gắng kiếm tiền càng nhiều càng tốt. Chúng ta lo làm lụng để có của ăn của để và một chút vốn liếng phòng thân. Như thánh Phaolô nhắc nhở: Nếu ai không muốn làm, thì đừng có ăn. Chúng ta phải làm nhiều để trả các món nợ. Đúng lắm chứ! Nhưng Chúa Giêsu lại nhắc rằng: Các con chớ áy náy lo lắng các con sẽ ăn gì mặc gì. Cha các con biết rõ. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và người sẽ ban thêm cho.

          Chúng ta có tiền chúng ta vẫn có thể sống tinh thần nghèo khó. So với các nhà tỷ phú, triệu phú, chúng ta chẳng là gì. Bao nhiêu mới gọi là giầu, thiếu bao nhiêu mới gọi là người nghèo. Có người nghèo của cải nhưng giầu lòng như bà góa bỏ tiền vào thùng khấn. Sống tinh thần nghèo khó sẽ giúp chúng ta trút bỏ được những bận vướng của trần gian.

          Chúa còn chúc phúc cho những người phải khóc lóc và bị người ta thù ghét vì danh Chúa. Nghèo về vật chất, đôi khi chúng ta còn có thể phấn đấu và vượt qua. Khi phải khóc lóc vì vu oan giáng họa, bị thù ghét và phỉ báng, tâm hồn chúng ta mới thấy khổ não và buồn phiền. Hãy đến với Chúa, Chúa hứa sẽ bù đắp trong hân hoan và reo mừng.

          Chúa Giêsu là Đấng an ủi những người nghèo khó, đau khổ, bệnh tật. Chính Ngài đã hứa: “ Tất cả những ai vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28). Chúa Giêsu giúp chúng ta vượt qua đau khổ và biến nó thành nguồn mạch của niềm vui trong Nước Trời: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa,  vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,3). “ Phúc thay cho anh em khi vì con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị khai trừ như đồ xấu xa…”. Như thế, mối phúc thứ nhất và thứ tám loan báo cho chúng ta Nước Trời đã hiện diện rồi “ Vì Nước Trời là của họ”. Sáu mối phúc kia chỉ còn là lời hứa: “Vì họ sẽ được…”, đó là tính chất cánh chung của Nước Trời: “ Phần thưởng lớn lao dành cho họ là ở trên Trời” (Mt 5,12) mà chỉ có Đức  Giêsu mới có thể mang đến, đưa họ vào trong thực tại của Chúa Cha ở trên Trời, đó là hạnh phúc của người con chí ái của Thiên Chúa. “Nhưng khốn cho các ngươi” là những kẻ giàu có, no nê, vui cười, và được mọi người ca tụng, là những con người nổi tiếng, nhưng Thiên Chúa đang thương tiếc cho họ với cách nói: “khốn cho các ngươi…” .

          Điều này Chúa Giêsu có ý cảnh giác chúng ta: giàu có nhưng tham lam, ích kỷ là cái giàu vô phúc, no nê để nuông chiều xác thịt, mù quáng trước tiếng gọi thiêng liêng thì đó là sự no nê bất hạnh, vui cười mà xao lãng việc đạo đức,  những bổn phận của đời sống siêu nhiên, chuẩn bị cho đời sống vĩnh hằng, thì đó là vui cười bất hạnh, được mọi người ca tụng cũng không chắc là được hạnh phúc, vì lòng con người thay đổi, nay hoan hô mai đả đảo cách dễ dàng, hơn nữa, cứ mải miết cho người ta ca tụng là làm nô lệ cho danh vọng, và sẽ sao lãng việc làm vinh danh  Thiên Chúa, là bổn phận làm người và làm con Chúa. Khi chê trách  sự giàu có, vui cười v.v. Chúa Giêsu có ý chê trách thái độ sống của họ theo kiểu thế gian, làm cản trở việc đi vào Nước Trời.

          Khi chúng ta lâm cảnh nghèo đói và gặp đau khổ trong cuộc sống trần gian, chúng ta hãy tin tưởng vào Lời Chúa hứa với hy vọng để được hạnh phúc, vì Nước Trời là của anh em, anh em được no thoả, anh em sẽ được vui mừng, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Nếu chúng ta được Chúa ban giàu có, thì chúng ta phải biết dùng vật chất để phát triển xã hội, giúp đỡ người nghèo đói, nâng cao đời sống văn minh, phục vụ tha nhân trong tinh thần bác ái, từ thiện, thì đó là cái giàu hạnh phúc, vì biết dùng của cải vật chất để được công phúc trên trời.

          Và qua trang Tin Mừng này, ta được mời gọi ta đừng bao giờ dừng lại trong sự thoả mãn hạnh phúc trần gian, nhưng phải tìm sự thoả mãn với những thực tại thiêng liêng để vươn mình lên, để định hướng cho sự sống đời đời của mình. Chúng ta đừng ỷ lại với cái vui thú trần thế mà tự mãn cho bản thân, không màng chi đến niềm vui hạnh phúc đời đời. Chúng ta hãy lo làm vinh danh Thiên Chúa, nếu mình được vinh danh thì  hãy vinh danh trong Chúa, vì được diễm phúc hiệp thông với Chúa, vinh danh vì Chúa  nghĩa là  mọi sự đều bởi Chúa ban cho, vinh danh với Chúa vì mọi việc chúng ta làm để tôn vinh danh Chúa. Chúa Giêsu luôn nhắn nhủ chúng ta phải tìm đến hạnh phúc đích thực là thứ hạnh phúc có Chúa ở cùng trong cuộc sống đời này và đời sau.

 Huệ Minh

Suy niệm 2:       Gr 17,5-8 ; 1 Cr 15,12.16-20 ; Lc 6,17.20-26

Hạnh phúc là một khao khát đích thực, lớn nhất của cả đời người. Mỗi người đều có cách hiểu và mơ ước hạnh phúc theo ý riêng của mình chả ai giống ai. Chỉ nơi Thiên Chúa mới có hạnh phúc đích thực và viên mãn. Chính Đức Giêsu chỉ dạy cho chúng ta thế nào là hạnh phúc.

I. Tìm Hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc I : Gr 17, 5-8

Chọn Lựa Điều Cần Thiết

Điều kiện nào giúp cho con người tìm thấy và đạt được hạnh phúc? Tiên tri Giêrêmia đã nói rõ ràng bằng cách đăt chúng ta vào thế phải chọn lựa : đặt niềm tin vào con người thì sẽ gặp bất hạnh, còn đặt niềm tin vào Thiên Chúa sẽ đạt được hạnh phúc.

Để giúp nắm được tư tưởng của mình, Tiên tri Giêrêmia dùng những hình ảnh đặc biệt quen thuộc trong các xứ Phương Đông, nắng nóng của mặt trời. Ai cậy dựa vào bản thân mình là cố chấp trong sự yếu đuối của mình : họ sẽ khô cháy như cây cỏ trong sa mạc.

Ai quay hướng về Thiên Chúa cách chín chắn bằng lòng trung tín liên lỷ, thì sẽ đâm rễ hướng vào nguồn mạch sự sống. Họ là cây xanh lá và trổ sinh hoa trái cho dù có gặp nắng hạn khô cằn.

” Phúc thay cho nguời tin tưởng vào Thiên Chúa!”, Lời Giêrêmia nhắc nhở mọi người : Chúng ta đang cậy dựa vào đâu, vào Thiên Chúa hay vào sức con người? Chắn chắn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa không phải là một sự vững chắc để đương đầu với thử thách và cám dỗ trong cuộc sống, nhưng mang lại khả năng chịu đựng không suy yếu.

2. Bài đọc II : 1Cr 15, 12-20

Tình Liên Đới Trong Đức Kitô

Niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô, như Thánh Phaolô khẳng định là sự bảo đảm và là nguyên lý của đời sống Kitô hữu. Liên đới với Đức Kitô trong sự chết, chúng ta cũng sẽ cùng được phục sinh với Người. Niềm tin này là bảo đảm cho niềm hy vọng của Kitô hữu.

Trong cộng đoàn Côrintô, có một số người nghi ngờ việc kẻ chết sống lại. Thánh Phaolô giải quyết những khó khăn của họ bằng một lập luận rất đơn giản : Đức Kitô đã phục sinh, chúng ta cũng sẽ sống lại.

Chối bỏ sự sống lại của mỗi người chúng ta cũng đồng thời là chối bỏ sự phục sinh của Đức Kitô. Đó là phá hoại những nền tảng của đức tin và gán cho mình những ảo tưởng. Như thế, thật là đáng thương.

Sự phục sinh của Đức Kitô và của mỗi người chúng ta mang lại một ý nghĩa cho đời sống hiện tại này khi đã sống với Người. Sự phục sinh khai mở sự sống vĩnh cửu. Ở thế gian này biết vác thập gía của Đức Kitô thì sẽ có niềm vui của Người. Thập giá vác một ngày nhưng niềm vui thì mãi mãi.

3. Tin mừng : Lc 6, 17, 20-26

Ai Là Người Hạnh Phúc

Bài giảng về các mối phúc Thánh sử Luca ghi lại được coi như hiến chương Nước Trời. Đó cũng là chương trình sứ vụ của Đức Giêsu Kitô : Người đến để mang lại niềm vui hạnh phúc cho nhân loại, từ đây, giúp nhận biết những điều kiện, tình trạng để mưu cầu hạnh phúc.

Bài giảng này khởi đầu bằng bốn mối phúc : Đức Kitô công bố nhưng người hạnh phúc là những người nghèo khổ, đói rách, than khóc, những người mà chúng ta gạt bỏ khắp nơi. Phần thưởng của họ thì lớn lao ở trên trời.

Theo sau các mối phúc là các lời chúc dữ : khốn khổ cho những người bây giờ giàu có, no nê, những người được ca tụng, đó là những hạnh phúc trần gian.

Đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người. Đường lối của Chúa có vẻ mang lại cho chúng ta sự khó chịu hay ít ra cũng coi như là những sự không tưởng. Chúng ta có những phán đoán sai lầm như thế. Trái lại, hãy thử đặt ý hướng, tư tưởng của mình theo những qui tắc Tin mừng để thấy được rằng Đức Kitô đã nói chính xác.

II. Gợi Ý Suy Niệm

1. Phúc _ Họa, ranh giới không rõ nét : Khác với Matthêô, Luca không ghi lại đủ tám mối phúc nhưng lại chia làm hai, bốn mối phúc và bốn lời chúc dữ. Các mối phúc và lời chúc dữ tương ứng với nhau : nghèo và giàu; đói khát và no nê; người khóc kẻ cười; người bị lăng nhục và người được ca tụng. Đối lập nhau ở đời này sẽ hoán đổi vị thế cho nhau tương ứng ở đời sau. Những mối phúc của Chúa trình bày xem ra ở đời này lại là mối họa ngược lại những lời chúc dữ của Chúa dành cho những hạnh người được nêu lại có vẻ là những người có được hạnh phúc mà nhiều người mơ ước. Chúa Giêsu đã làm đảo lộn quan niệm về hạnh phúc cách khác thường. Khi đưa ra các mối phúc hay các lời chúc dữ hẳn nhiên Người không có ý minh xác chắn chắn ai giàu có, no đủ, vui vẻ và được ca tụng bây giờ đều sẽ khốn khổ ở đời sau. Ngược lại cũng vậy những ai bây giờ phải đau khổ chưa chắc đã có được hạnh phúc đời sau. Chính Người khi huấn dụ các môn đệ từ bỏ mọi sự để theo Người thì cũng đã khẳng định : ai bỏ mọi sự mà theo Ta thì sẽ được gấp trăm ở đời này. Điều quan trọng là biết chọn Chúa là cùng đích, còn ngoài Ngài tất cả chỉ là phương thế. Chính Thiên Chúa mới là chủ thể, là nguồn mạch của hạnh phúc không có Ngài thì không có hạnh phúc đích thực. Những gì con người tưởng là hạnh phúc chỉ là nhất thời chóng qua không có giá trị vĩnh cửu và có thể làm cho con người bị vong thân. Thực ra trong cuộc sống chuyện phúc họa cũng khó có ranh giới rõ rệt như người ta thường nói : ‘trong họa có phúc, trong phúc có họa; trong cái rủi có cái may’. Nếu biết sử dụng những gì mà người ta cho là hạnh phúc ở đời như tiền bạc của cải, danh vọng quyền lực để phục vụ nhân loại, phục vụ anh chị em theo đúng ý Chúa thì sẽ có hạnh phúc vĩnh cửu, còn nếu không thì hạnh phúc đó sẽ trở nên tai họa cho mình. Ngược lại cũng thế nếu biết vận dụng những khó khăn, đau khổ ở đời như một phương thế tích cực để tín thác vào Chúa, để gia tăng đức tin và lòng bác ái thì rủi ro sẽ trở nên phúc phần mai sau. Còn nếu cứ ngồi đó mà nguyền rủa phận đời, oán trách Thiên Chúa, cay đắng với đời thì chắc chắn không bao giờ có hạnh phúc.

2. Hạnh phúc đích thực chỉ có từ nơi Thiên Chúa : Trong bài đọc I, Tiên tri Giêrêmia khẳng định : khốn cho người tin tưởng vào người đời, họ sẽ chỉ như cây khô cháy trong sa mạc; còn phúc cho người đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, họ sẽ như cây cối xanh tươi, đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái cho dù có gặp phải nắng hạn. Lịch sử của Dân Do Thái, dân của giao ước đã minh chứng điều Giêrêmia khẳng định. Khi nào trung thành tín thác vào Thiên Chúa thì Israel được hạnh phúc và nếu có gặp nguy khốn thì Thiên Chúa sẽ ra tay nâng đỡ, chở che. Còn khi nào dân bất trung bội phản thì luôn kéo theo hậu quả tai hại cho dân, cho Nước. Trong Tin mừng Chúa Giêsu không khẳng định như Giêrêmia nhưng qua những lời chúc phúc và những lời chúc dữ cũng đã mạc nhiên cho thấy hạnh phúc đích thực mà Người mời gọi và trao ban là hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc nơi Thiên Chúa. Tất cả những gì xem ra hạnh phúc của thế gian thì mỏng dòn, không có giá trị trường tồn và có nguy cơ làm cho con người bị vong thân. Thực tế cuộc sống đã minh chứng rõ ràng : tiền bạc của cải vật chất rồi cũng hết, người giàu cũng khóc; danh vọng trần thế một khi đã nhắm mắt xuôi tay còn có nghĩa gì; quyền lực có thể làm người ta thống trị được nhiều người nhưng không giúp người thu phục được nhân tâm, không giúp tìm được một tình yêu thực sự.

Người Kitô hữu chúng ta ngày nay đang đi tìm kiếm thứ hạnh phúc nào? Cậy dựa vào đâu để mưu cầu hạnh phúc, có tin tưởng, phó thác và đón nhận hạnh phúc từ Thiên Chúa không?

3. Tìm kiếm và sống hạnh phúc : Cuộc sống con người luôn là một hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Có người đặt tất cả hy vọng và nỗ lực hết mình để đạt được những gì gọi là hạnh phúc ở đời này, họ chẳng có hy vọng hay cũng chẳng tin vào một thứ hạnh phúc nào ở đời sau. Với những người này tìm kiến danh lợi trần thế, thú vui hưởng thụ và thành đạt ở đời là lẽ sống, là mục đích vươn lên và là lý tưởng để đeo đuổi. Cũng có người khác tin chắc chắn rằng cuộc sống trần gian chỉ là khởi điểm để vươn tới một chân trời hạnh phúc nơi thế giới bên kia sau khi chết. Với những người này tất cả những gì ở trần gian chỉ là mô phỏng, là bóng mờ tượng trưng cho hạnh phúc đích thực mai sau. Họ không khinh chê nỗi vui sướng, niềm hạnh phúc của thế gian, nhưng chỉ coi nó như phương thế, như một chặng đường để vươn cao hơn, xa hơn lên tận cõi siêu thường. Các tôn giáo đều ấp ủ niềm tin này. Với niềm tin Kitô giáo thì chúng ta tin rằng Đức Giêsu Kitô chính là đường. Người là đường vì chỉ cho thấy con đường tìm kiếm và đạt tới hạnh phúc, con đường Người chỉ là con đường của các mối phúc; hạnh phúc Người mời gọi là hạnh phúc Nước trời, hạnh phúc nơi Thiên Chúa. Vì thế, cuộc sống của người Kitô hữu là cuộc sống khao khát và mưu cầu hạnh phúc Nước Trời.

Mỗi người Kitô hữu hôm nay, khi nghe lại những lời chúc phúc và chúc dữ của Đức Giêsu trong Tin mừng cũng tự vấn xem mình đang đi tìm kiếm và đeo đuổi thứ hạnh phúc nào? Phải luôn xác tín rằng các lời của Người mở ra con đường đi vào Nước Trời để rồi từ đó biết chỉnh hướng đi cuộc đời theo ý Thiên Chúa.

III. Lời Cầu Chung

* Lời Mở : Anh chị em thân mến, con đường để đi tới hạnh phúc mà Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta là con đường của các mối phúc Tin mừng. Vậy giờ đây chúng ta cùng dâng Chúa tâm tình và ước vọng hạnh phúc của chúng ta và của mọi người.

1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội và các vị mục tử trong Giáo Hội đừng bao giờ sa vào sự cám dỗ của tiền bạc vật chất và của danh vọng hão huyền, nhưng luôn chuyên chú sống tinh thần nghèo khó theo lời Chúa Giêsu dạy.

2. Thế giới chúng ta ngày nay đang bị hấp lực cám dỗ để rơi vào cạn bẫy tiền tài, xa hoa, bạo lực của ma quỉ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người nhất là những người nghèo khổ, những nhà lãnh đạo các Quốc gia thoát khỏi sự chi phối của chúng, để sống một cuộc đời thanh thoát, nỗ lực mang lại sự phồn vinh, ấm no và công lý cho xã hội.

3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, cho mọi gia đình chúng ta luôn biết nỗ lực tìm kiếm và xây dựng cuộc sống cũng như hạnh phúc gia đình theo những giá trị của Tin mừng.

* Kết Nguyện : Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc, Chúa biết rõ nỗi khát khao hạnh phúc của mọi người chúng con. Xin giúp cho chúng con ngay ở đời này chỉ biết và luôn đi tìm kiếm hạnh phúc Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng