Suy Niêm Chúa Nhật XII Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Macco (Lc 1: 57-66.80)
Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghỉ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.

LỄ VỌNG SINH NHẬT THÁNH GIOAN

(Gr 1, 1.4-10; 1Pr 1, 8-12; Lc 1, 5-17)

Sinh ra sống ở trên đời, mỗi một người trong chúng ta đều có những ơn gọi và sứ mạng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Hết thảy chúng ta đều được sáng tạo trong yêu thương với ơn gọi làm người giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, được chính Thiên Chúa gọi trong tình yêu và mong một ngày nào đó người ấy nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại với tình yêu. Đây là tiếng gọi từ muôn thủa, nói theo kiểu linh mục nhạc sĩ Duy Thiên là : “Từ khi chưa có đồi non, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao. Gọi con giữa muôn muôn người tìm con giữa nơi bùn nhơ” (Trích bài hát : Tình Chúa Cao Vời).  Nghĩa là từ khi chưa có loài người sống trên mặt đất, chưa có đất trời, núi đồi, biển cả… Thiên Chúa đã yêu từng người, gọi và đặt từng người vào những nẻo đường khác nhau.

Ơn gọi của mỗi người

Thiên Chúa còn trao cho mỗi người một sứ mạng, dù là hèn mọn, bất tài, hay chống đối Chúa. Cụ thể như Abraham được gọi để trở thành tổ phụ của một dân tộc. Môsê, đứa trẻ dòng dõi Lêvi được gọi để trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái. Samuel được gọi để trở thành ngôn sứ và thủ lãnh. David cậu bé chăn cừu được gọi để trở thành vua của một dân tộc. Giona được gọi để trở thành ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi, đến Maria, người phụ nữ được chọn gọi để trở thành mẹ của Thiên Chúa.

Ơn gọi của Gioan

Giêrêmia trong bài đọc I Lễ Vọng Sinh Nhật thánh Gioan là một nhân chứng về ơn Chúa kêu gọi, cho dù ông từ chối trước ơn gọi Thiên định : “A, a, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít” (Gr 1 ), nhưng Chúa quả quyết : “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Gr 1 ).

Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa : “ Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta : “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16). Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử con người.

“Này ông Dacaria, đừng sợ, vì ông đã được nghĩa với Chúa” (Lc 1,13). Đó là lời Sứ Thần nói với ông Dacaria. Ông đã được nghĩa với Chúa. Được nghĩa với Thiên Chúa là được Thiên Chúa yêu thương. Chúa yêu đến ngỡ ngàng, bản thân Giacaria là bằng chứng. Ngỡ ngàng vì không phải do ông không tin Thiên Chúa, nhưng bởi vì Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử cuộc đời và ơn gọi của Gioan nói riêng và của mỗi người chúng ta nói chung.

Huyền nhiệm ơn gọi của người Kitô hữu

Mỗi người chúng ta được tạo dựng một cách độc đáo, không ai giống ai, cả về thể xác, tâm hồn, tính tình và năng khiếu. Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Theo tư tưởng thần học về Nhiệm Cục Cứu Độ của Von Balthasar, thì cuộc hành trình ơn gọi của mỗi chúng ta như một kịch bản. Thiên Chúa Cha đã cài đặt môt chương trình. Chúa Thánh Thần là huấn luyện viên. Thiên Chúa Con là gương mẫu. Bản thân ta thực hiện chương trình, và cộng đoàn là những môi trường.

Cuộc sống con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1, 26-28). Như thế, nơi sâu thẳm thân phận con người đã có một huyền nhiệm và con người không tồn tại do chính ý định của mình.

Ơn gọi của Gioan Tẩy là kiểu mẫu điển hình cho ý định của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã rõ rệt trong lịch sử đời người. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan có sứ mạng “đem nhiều con cái Ítrael trở về cùng Chúa” (Lc 1, 16). Cũng thế, loan báo Đấng Cứu Thế bằng lời, đặc biệt bằng lối sống, để đưa nhiều người về với Thiên Chúa là ơn gọi và sứ mạng của chúng ta trong thời đại hôm nay.

Gioan đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tạo dựng và trao cho sứ mạng giúp nhiều người biết và tin vào Chúa. Chúng ta đã ý thức vai trò và sứ mạng của mình chưa? Sứ mạng ấy giúp chúng ta sống xứng danh Kitô hữu của mình. tiêc thay, trong thực tế, có nhiều Kitô hữu không sống xứng với danh hiệu ấy.

Để khám phá ra mục đích đời ta, ta phải qui chiếu về Lời Chúa. Qua miệng Phaolô, Chúa chỉ cho chúng ta thấy: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”. (Ep 2,10)

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Gioan giúp chúng con quyết tâm sống sao cho xứng với ơn gọi là Kitô hữu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


SUY NIỆM 2

Nếu có ai đã từng đến đất nước Philippines, hẳn sẽ thấy điều đặc biệt trong ngày mừng sinh nhật. Tại đất nước này, ngày sinh nhật là một ngày trọng đại. Vì thế, dù nghèo hay giàu, họ đều tổ chức rất trang trọng. Trong dịp mừng đó, điều ấn tượng nhất có lẽ không phải là tiệc to hay nhỏ, đông người hay ít người, nhưng điều làm cho người tham dự cảm động và nhận ra giá trị cao quý của ngày sinh nhật, đó là: người mừng sinh nhật hôm đó, hiện diện giữa đám đông, mọi người đứng chung quanh và giơ hai tay hướng về nhân vật mừng sinh nhật kèm theo lời kinh nguyện để xin Chúa chúc lành cho đương sự. Thật cảm động và ý nghĩa!

Hôm nay, chúng ta mừng kính trọng thể lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Mẹ Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hiểu được tầm quan trọng của Gioan Tẩy Giả trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; đồng thời, cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương vị Tiền Hô vĩ đại của Chúa để là chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống thường ngày của mình, ngõ hầu sống xứng đáng sự hiện diện cao quý của mỗi người trên trần gian.

1.    Sự xuất hiện của Gioan là một điều vĩ đại

Con người được hiện hữu trên trần gian này là một mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại. Hiểu được giá trị của mình và sống giá trị ấy bằng những lựa chọn tốt là một hồng ân. 

Vì thế, chúng ta tin nhận chắc chắn rằng: sự xuất hiện của mỗi người trên trái đất này không phải là một sự tình cờ, ngẫu nhiên. Không! Mỗi người sinh ra đều mang đậm dấu ấn yêu thương của Thiên Chúa từ đời đời. Người đã có cả một kế hoạch đầy yêu thương riêng biệt cho chúng ta. Tác giả sách Isaia đã thốt lên: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-2). Vua thánh Đavít cũng đã cảm nghiệm sâu xa về sự hiện diện của mình trong chương trình của Thiên Chúa, nên ngài đã viết: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con… Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 139, 13).

Như vậy, trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người đều mang trong mình một sứ vụ. Thánh Gioan Tẩy Giả chính là một trong những người đó.

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể khi Dacaria dâng hương trong đền thờ, và sứ thần Thiên Chúa truyền tin cho ông về việc bà Êlisabet vợ ông sẽ mang thai trong lúc tuổi đã xế chiều. Hơn nữa, sứ thần còn truyền cho ông phải đặt tên cho con trẻ là Gioan. Tiếp ngay sau đó, sứ thần đã báo cho ông biết sứ vụ của người con mà ông và người vợ son sẻ cao niên sẽ sinh ra. Sứ thần nói về Con Trẻ là người: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Điều này cũng đã được Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy ông Dacaria, để ông nói tiên tri về con của mình rằng: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Như vậy, sự xuất hiện của Gioan là một hồng ân kỳ diệu mà Thiên Chúa đã tỏ hiện lòng thương xót của Người cho cha mẹ Gioan cũng như cho họ hàng dòng tộc. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, nhưng tình thương ấy được trải dài và lưu truyền cho muôn ngàn thế hệ khi Gioan thi hành sứ vụ ngôn sứ của Đấng Tối Cao trong vai trò là Tiền Hô. 

2.    Thực thi sứ vụ trong tinh thần khiêm nhường

Quả thật, Gioan đã trở thành vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa, vì ngài đã trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sau thời gian sống ẩn dật trong rừng vắng, Gioan đã ra đi và thi hành sứ vụ. Ngài đã trở thành tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi, mọi hố sâu phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, đường quanh co phải uốn cho ngay… (x. Lc 3, 4-6).

Như vậy, Gioan nắm một vai trò trực tiếp có một không hai là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, khi ông công khai xuất hiện trước toàn dân và làm phép rửa, dân chúng đã tưởng là Đấng Cứu Thế! Lúc đó, nhiều người đã đến để thăm dò, chất vấn xem ông có phải là Đấng Kitô mà bao ngôn sứ đã loan báo, nay xuất hiện hay không? Khi đặt vấn đề ấy với ông, ông hoàn toàn phủ nhận và không những thế, Gioan còn đề cao Đấng Cứu Thế khi nói: “Có Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dép cho Ngài” (x. Lc 3, 16). Ngài cũng nói rõ vai trò của mình là người dọn đường, vì thế, khi Đấng Cứu Thế đến thì: “Ngài phải lớn lên còn tôi, tôi phải nhỏ đi” (x. Ga 3, 30). Khi uy tín của ông lên đến đỉnh điểm, có nhiều môn đệ đi theo, lẽ ra, lúc này, ông phải tự hào và hãnh diện cũng như củng cố uy tín…! Không! Khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông sẵn sàng chỉ về phía Ngài và giới thiệu cho các môn đệ của mình, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29). 

Quả thật, Gioan là một người khiêm tốn. Điều này được chứng minh qua thân thế của ông như sau: sinh ra trong một gia đình có truyền thống Tư Tế, thượng lưu, Gioan có quyền được hưởng một cuộc sống sung túc và trưởng giả. Thế nhưng, cuộc đời của ông lại âm thầm và gắn liền với sa mạc. Thức ăn của ông là châu chấu và uống mật ong rừng. Ông sống nghèo đến độ lấy da thú làm áo che thân. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã ân thưởng cho Gioan xứng với vai trò của ông, nên Ngài đã khen ngợi, công nhận Gioan là người vĩ đại khi nói: “Anh em vào sa mạc để xem gì? Một cây lau phất phơ trước gió ư?… Anh em xem thấy gì? Một vị ngôn sứ? Đúng thế, tôi nói cho anh em biết,  trong con cái của người phụ nữ, không ai lớn hơn Gioan” (x. Lc 7, 28). 

Cuối cùng, cuộc đời của Gioan được kết thúc bằng cái chết trong ngục tù. Tuy nhiên, tưởng chừng như âm thầm chốn lao tù tối tăm! Nhưng không, cái chết của ngài đã được muôn đời ca ngợi vì vẻ cao quý hào hùng của bậc vĩ nhân. 

3.    Sứ điệp ngày lễ

Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan hôm nay, mỗi người chúng ta hãy khám phá ra ý nghĩa về sự hiện diện của mình trong trần gian. Hãy biết đặt ra cho mình câu hỏi: tôi sinh ra trên trần gian này để làm gì? Sự hiện hữu của tôi có đem lại lợi ích gì cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại không?

Khi đặt ra cho mình những câu hỏi như thế, hẳn chúng ta sẽ thấy được sứ mệnh của mỗi người trong trần gian này.

Vậy, nếu sứ mệnh của Gioan là: dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng việc ăn chay, hãm mình và kêu gọi lòng dân sám hối quay về với Thiên Chúa, thì sứ mệnh của chúng ta sẽ là gì nếu không phải chính mình thi hành tinh thần sám hối và dạy người ta biết ăn năn để trở về nẻo chính đường ngay?

Tuy nhiên, muốn sám hối để quay trở về với Chúa, chúng ta phải noi gương Gioan Tẩy Giả, đó là sống khiêm nhường thẳm sâu. 

Cuối cùng, khi đã khiêm nhường và sám hối, chúng ta nhớ lại sứ vụ mà mỗi người đã được trao trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Sứ vụ ấy là trở thành ngôn sứ và chứng nhân cho Đức Giêsu giữa cuộc sống hôm nay. 

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã cho thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trên trần gian. Ngài chính là mẫu gương cho chúng con về việc thi hành sứ vụ. Xin cho chúng con biết quý trọng sự hiện hữu của mình và biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả để sống đời chứng nhân cách nhiệt thành và anh dũng. Amen.

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

SUY NIỆM 2

Trước lễ Chúa Giáng Sinh 6 tháng, tức ngày hôm nay, cả Giáo Hội hân hoan mừng kính sinh nhật vị thánh đặc biệt có tên là Gioan Tẩy Giả. Đây là điều ngoại lệ trong phụng vụ Giáo Hội, bởi lẽ, không có một vị thánh nào được mừng sinh nhật trừ Mẹ Maria và Đức Giêsu. Các vị thánh khác thường được mừng kính ngày sinh nhật của các ngài trên trời, tức là ngày mất. Sự kiện đặc biệt này cho thấy điều cao trọng nơi con trẻ có tên là Gioan. Bởi vì, chính con người, ơn gọi và sứ vụ của Gioan gắn liền với cuộc đời Chúa Cứu Thế, hay nói cách khác, sứ vụ ngôn sứ của ngài nối liền giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chính vì điều này mà Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ sinh nhật của ngài hôm nay.

1.    Dấu gạch nối giữa Gioan và Đức Giêsu

Mang trong mình sứ vụ tiền hô, nên Gioan đã trở thành người loan tin, chuẩn bị và dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sứ vụ của ông gắn liền với sứ vụ Đức Giêsu. Vì thế, Gioan đã trở thành người loan báo Tin Mừng cho nhân loại về Đức Giêsu, nhưng khi Đức Giêsu đến, Ngài chính là nội dung Tin Mừng. Gioan là tiếng hô trong hoang địa, còn Đức Giêsu chính là Đấng hiện diện như những gì đã loan báo. Gioan chuẩn bị lòng dân nhớ lại lời hứa bằng việc nhắc cho biết những điều đã được tiên báo về Đấng Mêsia, Đức Giêsu đến đã làm cho những lời tiên trưng về Ngài được ứng nghiệm. Gioan kêu gọi sống công bằng bác ái, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực hiện rõ nét tình thương của Thiên Chúa trên dân của Ngài. Gioan làm phép rửa thống hối và kêu gọi người ta ăn năn, Đức Giêsu đến, Ngài ban ơn tha thứ và cứu chuộc hết mọi người bằng chính máu của Ngài đổ ra trên thập giá. 

Tắt một lời, nếu Gioan là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, thì khi Đức Giêsu đến, Ngài chính là con đường. Nếu Gioan là tiếng hô trong hoang địa, thì Đức Giêsu chính là nội dung tiếng hô đó. 

Như vậy, cuộc đời và sứ vụ của Gioan gắn liền với con người và sứ vụ Đấng Cứu Thế. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi việc truyền tin cho Đức Maria và bà Êlisabét đều chung một sứ thần Gabriel; Gioan và Đức Giêsu là anh em họ hàng với nhau. Cả hai được sinh ra bởi những người phụ nữ rất đặc biệt đã được tiền định. Được đặt tên ngay khi mới truyền tin: Gioan, nghĩa là Tiền Hô; Giêsu nghĩa là Cứu Thế. Gioan chịu tử đạo vì sứ vụ làm chứng cho sự thật, công bằng. Đức Giêsu cũng chết vì lẽ công chính và sự thật để cứu chuộc nhân loại. 

Tuy hai cuộc đời gắn liền với nhau, nhưng Gioan luôn ý thức mình chỉ là vai phụ trong một thước phim vĩ đại. Khi đã hoàn tất sứ vụ, ông đã khiêm nhường lui vào hậu trường để cho nhân vật chính xuất hiện.

2.    Gioan là con người khiêm nhường

Chính vì sự khiêm nhường của Gioan đã làm cho ngài trở thành vĩ đại, bởi lẽ, nhân đức khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Nếu cuộc đời và sứ của Gioan luôn gắn liền với cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, thì đức tính khiêm nhường cũng luôn theo sát Gioan an như hình với bóng.

Chính vì điều này, mà mỗi khi nói về Gioan, người ta không thể không nhắc đến sự khiêm nhường nơi ông.

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể như:

Sau khi đã hoàn tất việc loan báo, Gioan đã: “Để Chúa lớn lên, còn ông nhỏ lại”; bởi vì ông luôn ý thức: “Tôi chỉ là tiếng hô…”.

Hay khi uy tín của ông nổi lên như cồn, nhiều người đã thầm nghĩ đây phải là Đấng Cứu Thế mà bấy lâu dân đang mong ngóng đợi chờ…. Lẽ ra ông phải tự hào và khẳng định thân thế, vai trò của mình một cách “hoành tráng!”. Không! Với ông, điều này không thuộc bản chất, Gioan đã tìm dịp thuận tiện để hướng sự kính trọng của dân về Đức Giêsu, vì thế, khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông đã nói cho các môn đệ của mình về Đức Giêsu rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian….Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài” (Ga 1,15).

Cũng chính vì sự khiêm nhường thẳm sâu, nên Gioan đã không sử dụng uy tín của mình để phục vụ hay đứng về điều bất chính, ngược lại, ngài đã sống một cuộc đời ngay thẳng, cương trực, không chấp nhận nhu nhược trước tội lỗi cho dù có được trọng thưởng tiền bạc và chức quyền. Vì thế, Gioan đã chấp nhận chết dưới lưỡi gươm của Hêrôđê khi dám đứng lên phản đối hành vi khuất tất của vị vua này.

Với tất cả những ưu điểm ấy, Gioan đáng được Đức Giêsu trọng thưởng khi nói: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11).

3.    Sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi mừng lễ sinh nhật thánh Gioan, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta về bổn phận ngôn sứ của mình đã được ủy thác ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Ngày ấy, chúng ta được mời gọi trở nên Ánh Sáng cho mọi người, tức là chiếu dọi Ánh Sáng của Đức Kitô cho anh chị em chúng ta. 

Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều được mời gọi trở nên sứ giả cho Đức Kitô. 

Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên sứ giả Tin Mừng trong sự khiêm nhường. Nếu không khiêm nhường, sứ vụ bị phá hoại. 
Mỗi người cần thuộc nằm lòng và đem ra áp dụng trong cuộc sống câu nói và lựa chọn của Gioan khi xưa: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

Hơn nữa, Giáo Hội cũng nhắc lại cho chúng ta sứ điệp mà Gioan đã loan báo, đó là: sám hối. Hành vi sám hối là động thái cho mọi người mọi nơi khi mang danh là Kitô Hữu. Không sám hối thì không được cứu độ.

Cuối cùng, noi gương Gioan, chúng ta không có con đường nào khác để trở nên chứng nhân cho Chúa cách chân chính nếu không sống và loan báo sự thật. Bởi vì khi sống gian dối, chúng ta loan báo lệch lạc sứ vụ Tin Mừng nếu không muốn nói là phản bội sứ vụ. 

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con ý thức được vai trò quan trọng của mỗi người khi được Chúa cho xuất hiện trên trần gian này. Xin cũng ban cho mỗi người chúng con biết chu toàn bổn phận trong lòng mến và khiêm nhường như Gioan khi xưa. Để mọi lời chứng của chúng con đều quy chiếu về sự thật toàn vẹn là chính Chúa. Amen. 

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Suy niệm 3

Hôm nay là một ngày rất đặc biệt, Giáo hội mừng kính trọng thể lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Trong Phụng vụ, nếu như các vị thánh được mừng lễ là ngày ghi dấu trên nước Trời, thì chỉ có Đức Maria và thánh Gioan được mừng thêm ngày sinh nhật trên trần gian, vì việc sinh hạ của hai vị có một dấu ấn quan trọng trong lịch sử cứu độ.

Trong Chương trình cứu độ của Thiên Chúa, để chuẩn bị một Đấng Thiên Sai cho nhân loại, ngài đã sắp xếp những vị đi trước để tiên báo như tổ phụ Abraham, vị lãnh đạo Môisen, vua Đavid hay các vị tiên tri… Cũng có những người đi sau để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Đức Kitô chính là các thánh Tông đồ, các vị tử đạo… Và cũng có người đồng thời như chính Gioan Tẩy Giả để giới thiệu Đức Kitô là Đấng Cứu độ cho mọi người.

Thánh sử Luca tường thuật những sự kiện lạ lùng về việc Gioan chào đời. Ông bà Dacaria và Isave son sẻ. Và theo sinh lý tự nhiên, khi đã cao niên thì không còn khả năng sinh con cái. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để Gioan đươc sinh ra. Vì thế, để cảm nhận được tình thương Thiên Chúa ban xuống trên gia đình mình, lần lượt hết vợ đến chồng, không ai bảo ai đều muốn đặt tên con là Gioan, chữ viết tắt của tiếng kép Do Thái “Jeho-hannah” nghĩa là “quà tặng của Jehovah”. Cái tên ấy làm cho bà con và láng giềng thắc mắc: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Nhưng việc đặt tên con có khi đánh dấu một biến cố, hay thể hiện sự mong muốn của cha mẹ trên con cái. Vì thế, hai ông bà đều đặt là Gioan, để ghi nhớ “hồng ân Chúa” thương cất đi nỗi tuổi nhục của hai ông bà.

Nếu như mỗi một đứa trẻ chào đời mang một ơn gọi, một sứ mạng, vậy thì “đứa trẻ Gioan rồi sẽ trở nên như thế nào đây?” Thánh sử Luca cho biết rằng “có bàn tay Chúa phù hộ em”. Thiên Chúa đã dùng Gioan với sứ mệnh tiền hô, dọn đường cho mọi người đón nhận Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc nhân loại. Sứ mệnh Gioan được coi như tấm bảng lề nối liền giữa Cựu Ước với Tân Ước. Tấm bảng lề giúp cánh cửa hồng ân cứu độ được mở ra cho muôn người.

Một giọt máu, một thai nhi cần được cưu mang, bảo vệ để có thể cất tiếng khóc chào đời, vì đó là ân huệ lớn lao của Thiên Chúa ban cho. Thế nên chúng ta cần đón nhận với tất cả sự trân trọng, nâng niu và lòng biết ơn, nhất là người cha người mẹ và gia đình nội ngoại hai bên.

Tuy vậy, đã có những bậc làm cha mẹ đan tâm hủy diệt sự sống con mình khi con người mới thành hình trong dạ mẹ; đã có những người vì sợ ảnh hưởng tới danh gia vọng tộc đã lừa lọc để đưa thai nhi rời khỏi bào thai, chia lìa tình phụ tử, mẫu tử; đã có những hành động lén lút hủy diệt sự sống; đã có những nơi mang danh nghĩa “điều hòa sinh sản” hay những từ ma mị “kế hoạch hóa”. Không, “hổ dữ cũng không ăn thịt con”, vì thế, với trách nhiệm và lương tâm của đấng bậc làm cha mẹ, ông bà hay người thân thuộc, chúng ta càng phải bảo vệ giọt máu mủ bằng bất cứ giá nào.

Năm ngoái 2017, truyền thông internet nổi lên câu chuyện về một chàng thanh niên tên Ding Ding thành công trong xã hội nhờ tình yêu, lòng kiên trì và sự tận tụy của người mẹ quyết tâm giữ và nuôi con trưởng thành, bất chấp những cảnh báo 29 năm trước đây của bác sĩ về tương lai sau này của đứa trẻ. Khi vừa sinh ra, Ding Ding gần như bị ngộp thở. Tình trạng bị biến chứng lúc mới sinh dẫn đến bại não. Các bác sĩ ở tỉnh Hồ Bắc cho rằng việc cứu đứa bé này là vô ích bởi khi lớn lên, nó sẽ bị khuyết tật hoặc bại não và trở nên gánh nặng cho gia đình. Đối diện với những chẩn đoán của y bác sĩ, ba của Ding đồng ý với đề nghị của bác sĩ về việc bỏ đứa trẻ. Nhưng người mẹ vẫn nhất quyết cứu con dù có phải tốn rất nhiều tiền. Ngoài công việc ở một trường đại học tại Vũ Hán, bà nhận làm thêm một số việc. Người mẹ học cách xoa bóp cơ bắp khi con bị cứng cơ, đưa con trai đến các lớp phục hồi chức năng, và cũng thường xuyên cùng con chơi các trò nâng cao trí tuệ. Bà nghiêm khắc với con vì muốn Ding có thể bắt kịp mọi người; bà nhất quyết dạy con cách dùng đũa, không muốn con trai phải xấu hổ vì những vấn đề về thể chất. Năm 2011, Ding tốt nghiệp cử nhân Trường Kỹ thuật và Khoa học Môi trường thuộc Đại học Bắc Kinh, trước khi đăng ký học thạc sĩ tại Trường Luật Quốc tế. Sau 2 năm làm việc, anh bắt đầu nghiên cứu thêm tại Đại học Harvard, Mỹ. Ngôi trường từng là nơi cho ra lò 75 người đoạt giải Nobel, 32 nguyên thủ quốc gia, gồm 8 tổng thống Mỹ, trong đó có tổng thống lừng danh Franklin D. Roosevelt và Obama.

Lạy Chúa, nếu như bản thân con không thể làm ngôi sao sáng trên bầu trời, xin Chúa hãy giúp con làm ngọn đèn thắp sáng trong mái nhà mình. Lý do là vì mỗi người chúng con được Ngài thương cho sinh ra trên trần gian này với một sứ vụ chứ không đơn thuần để tồn tại. Lạy Chúa, xin cho con ý thức sứ vụ của mình hãy nên như Gioan, giúp cho mọi người nhận ra tình yêu và đạt được ơn cứu độ của Chúa, cũng như biết dùng chính đời sống của con trở nên lời chứng cho anh chị em đến với Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Lm Anfonso

Suy Niêm 4

Có một câu chuyện kể rằng: đêm nọ, có một người thấy giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Những lúc vui, thành công, anh thấy có hai đôi chân in trên cát, một của Chúa và một của anh. Nhưng lúc anh gặp khó khăn, đau buồn thì khi nhìn lại, anh chỉ còn thấy một đôi chân! 

Anh trách Chúa rằng: “Tại sao những lúc khó khăn, thất bại, Chúa lại bỏ con?” Chúa trả lời: “Ta không bỏ con đâu, vì những lúc đó, Ta đã cõng con trên vai, vì thế, con chỉ còn thấy có một đôi chân của Ta nữa mà thôi”.

Hôm nay, thánh sử Máccô thuật lại câu chuyện Đức Giêsu và các môn đệ gặp phải sóng gió trên biển hồ. Ngay trong lúc gặp sóng gió, Đức Giêsu vẫn ngủ yên, còn các môn đệ thì vất vả vì chèo trống. Sứ điệp Tin Mừng chỉ bắt đầu có ý nghĩa lớn khi các ông trách Thầy của mình vô cảm trước sự vất vả của các ông, và, ngược lại, Đức Giêsu quở trách các ông kém lòng tin và ra lệnh dẹp yên bão tố, ban lại sự bình an cho mọi người trên thuyền.

1.    Địa lý của Biển Hồ Galilê và nỗi hoang mang sợ hãi của các môn đệ

Để thấy được nỗi sợ hãi của các môn đệ và quyền năng của Đức Giêsu, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đôi nét về Biển Hồ này để thấy được đâu là nguyên nhân dẫn đến trận cuồng phong dữ dội như vậy.

Khi nói đến biển hồ, chắc có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ ngay đến độ rộng lớn, mênh mông, nhìn không thấy bờ…. Tuy nhiên, với Biển Hồ Galilê lại hoàn toàn khác! Khác ở chỗ Biển Hồ này chỉ vỏn vẹn 21km chiều dài và 13km chiều rộng. Địa thế nằm ở thung lũng vùng Giodan do một vết nứt sâu trên mặt đất, có thể do núi lửa tạo nên! Biển Hồ Galilê là một phần của vết nứt đó. 

Nó thấp hơn mặt biển 210 mét, vì thế, khí hậu rất ấm áp và dễ chịu, nhưng cũng tạo nên tiền đề cho những nguy hiểm bất ngờ ập đến. Lý do: bên phía tây có núi non cao hiểm trở kết hợp với thung lũng và nhiều khe suối. Vì thế, khi có gió nổi lên, thì khu vực trũng của Biển Hồ này giống như cái phễu lớn thu hút những làn gió từ trên cao và nơi các khe suối thổi về. Gió bị dồn nén trong đó và thổi mạnh xuống hồ cách bất thình lình như vũ bão, khiến mặt hồ đang phẳng lặng, bỗng chốc trở nên hung thần, dữ tợn và có thể vùi lấp mọi thứ trên mặt hồ. 

Khi các môn đệ và Đức Giêsu có một chuyến vận hành trên Biển Hồ Galilê sau một ngày làm việc mệt nhọc để sang bờ bên kia thì cũng là lúc trận cuồng phong ập tới. Các môn đệ của Đức Giêsu là những nhà ngư phủ chuyên nghiệp và hẳn các ông có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chống chọi với những bất trắc xảy ra trên biển, thế nhưng, trận cuồng phong hôm nay vừa bất thình lình vừa vượt quá khả năng của các ông, nên họ rất hốt hoảng, lo sợ và kêu la ầm ĩ: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38). Câu nói này chứng tỏ cho thấy sự nguy hiểm đã lên tới tột độ và vượt sức cũng như kinh nghiệm của các ông. Ngay sau đó, sự nguy hiểm của Biển Hồ và nỗi lo sợ của các ông đã động đến lòng trắc ẩn của Đức Giêsu, vì thế, Ngài đã truyền lệnh dẹp yên bão tố qua lời nói: “Im đi! Câm đi! ” ‘Gió liền tắt, và biển lặng như tờ’” (Mc 4, 39), khiến các ông không khỏi ngỡ ngàng là bảo nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4, 41).

2.    Có Chúa, chúng ta sẽ sang “bờ bên kia” cách an toàn

Từ câu chuyện Tin Mừng trên, liên tưởng đến đời sống đức tin của chúng ta: 

Trong cuộc sống đời thường, người ta thường nói: tư cách thật của một con người chỉ  được bộc lộ thật khi gặp gian nan. Lúc bình thường thì ai cũng như ai, khó thấy được tư cách ấy. 

Đức tin của mỗi người cũng thế. Muốn biết ai vững vàng trong đức tin phải đợi tới lúc đức tin đó chịu thử thách. Điều này cho thấy, “lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Chỉ khi gặp khó khăn, bất trắc, lúc ấy mới có thể lượng định được phẩm chất của đức tin. 

Khó khăn, trở ngại là một thứ “kiểm tra chất lượng”. Có kiểm tra thì mới thấy cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì thật, cái gì giả.

Một mẫu số chung cho nhiều người, đó là: đức tin phải được rèn luyện, gọt giũa để đứng vững trước mọi thử thách, giông tố của cuộc đời. Khi có được nền tảng này, lúc gặp thử thách, chúng ta sẽ can đảm, trung thành, vững vàng hơn. Sẵn sàng đối phó với chúng và cậy trông vào Chúa Quan Phòng. Lúc đó, chúng ta sẽ coi những thử thách ập đến là điều kiện cần thiết để thanh lọc những thứ không phù hợp với giá trị Tin Mừng, nó giống như: “Bão tố quật ngã cây cối, bẻ gẫy cành khô, cành sâu. Nhưng không thể nhổ được cây thánh giá đã cắm vào lòng đất. Đừng tiếc những cành kia, dù không gió cũng gẫy, không gẫy cũng phải chặt vì nó làm hại” (ĐHV. số 691), có thế, mới có những cành cây khác trưởng thành hơn khi chúng đủ sức mạnh đâm trồi nảy lộc.  

Từ những nguyên lý trên, chúng ta liên tưởng đến đời sống hôn nhân của người Công Giáo. Lúc mới cưới, ai dám nói là mình không chung thủy! Lúc du ngoạn tuần trăng mật, ai dám bảo mình không vui và hạnh phúc! Chỉ khi nào ốm đau, bệnh tật, thất bại trong công việc, thiếu sự chung thủy, lúc đó mới thực sự có vấn đề! Hay trong đời sống đạo đức cũng thế: lúc xin gì được đấy, hay xin một được mười, đâu cần ai phải nhắc đi lễ, đọc kinh hay chia sẻ bác ái! Chỉ khi xin hoài không được, làm ăn thất bát, lúc đó có đẩy cũng không đi. Hoặc trong đời tu cũng thế: mới khấn, mới chịu chức, sức khỏe dồi dào, chúng ta giống như những vị thánh. Tuy nhiên, lâu ngày, giá trị và ý nghĩa đời dâng hiến bị nhạt phai, sự hiểu lầm, cô đơn, đau bệnh, việc phụng vụ nhàm chán, lúc ấy mới thực sự thấy con người thật của chúng ta. Những trạng thái này, một lần nữa sách Đường Hy Vọng có viết: “Đường con đi, có hoa thơm, cảnh đẹp, có chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp, lúc mưa sa, lúc nắng cháy, chuyện không thể tránh được. Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa, đi như Phanxicô, như Cyrillô, Athanasiô… đừng mất thì giờ đứng lại, đừng sợ tiếng chửi, đừng ăn mày tiếng khen” (ĐHV. số 693).

Nếu không bền chí cũng như đức tin mạnh thì không phải là người tài đức song toàn. Người tài là người được lớn lên trong thử thách. Người có đức là người biết vượt qua thử thách, trung thành và can đảm trong lòng mến. 

Giuđa và Gioan chỉ khác nhau ở lòng mến mà thôi. Trong tâm hồn chúng ta cũng vẫn còn đó hai hình ảnh và hai lối sống lẫn lộn: Gioan và Giuđa. Bao lâu chúng ta còn yêu mến, sẵn sàng hy sinh, kiên trung, bền chí, và hy vọng, ấy là dấu chỉ ta theo Gioan để đi trọn con đường tình yêu dưới chân thập giá. Còn giờ phút nào chúng ta nhát đảm, sợ sệt, ham tiền, ham danh, ấy là lúc chúng ta đã chọn Giuđa làm quan thầy và thắp hương tôn thờ vị “quan thầy phản bội”.

Cần xác tín rằng: Chúa vẫn còn đó. Ngài không bỏ chúng ta. Ngài sẽ lên tiếng, can thiệp, làm sóng gió im lặng, trả lại cho chúng ta niềm hy vọng, qua đó, ta và Ngài, cả hai cùng “sang bờ bên kia” được trọn vẹn trong bình an. 

Lạy Chúa Giêsu, con thuyền của cuộc đời chúng con luôn gặp phải những sóng to vũ bão của tội lỗi, hưởng thụ, trụy lạc và những chân lý nửa vời, khiến đôi khi cuộc đời chúng con bị nước ập đầy thuyền làm cho đức tin bị lung lay và tưởng mình đơn côi giữa dòng đời. Xin Chúa ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ và xác tín chắc chắn rằng: Chúa luôn còn đó trên con thuyền cuộc đời của mỗi người, để chúng con vững tin bám chặt lấy Chúa. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Suy Niêm 5

Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều là niềm vui, niềm hy vọng cho gia đình, cho dân tộc, cho quốc gia.

Thật vậy, Đại thi hào Victor Hugo của Pháp đã có lý khi nói: “Không gì buồn thảm cho bằng một ngôi nhà không có tiếng cười, tiếng khóc của những trẻ thơ.” Trẻ thơ là niềm vui, là hy vọng của con người. Người Mỹ thường nói: “Mỗi một trẻ thơ được sinh ra đều có thể làm Tổng Thống tương lai của Hoa Kỳ”.

Mỗi người sinh ra, đều được cha mẹ đặt cho một tên gọi. Trong Kinh Thánh, tên gọi các nhân vật lớn thường rất giàu ý nghĩa, tên gọi ấy có khi phản ánh tình trạng của tập thể gia đình, hoặc phản ánh tình trạng của chính cá nhân đương sự, hoặc nói lên số phận hay hoạt động của người mang tên.

Quả thật! không kể Mẹ Maria, Thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh duy nhất được Giáo hội mừng ngày sinh nhật. Ngày sinh của thánh Gioan sẽ loan báo một kỷ nguyên mới cho nhân loại mà Chúa Giêsu sẽ khai mở. Cha của ngài là một người câm, mẹ ngài là một người đàn bà già nua son sẻ. Trong bối cảnh đó, ngày chào đời của Thánh Gioan Tẩy giả loan báo rằng: thời của Đấng Cứu Thế đã đến, thời của sự câm lặng đã trở thành thời của loan truyền ơn cứu độ. Thời mà sự son sẻ đã trở thành đông con nhiều cháu. Ngày sinh của Gioan Tẩy giả là thời loan báo về ngày cứu độ. Lời loan báo mà Thánh Gioan đã không ngừng hô lớn trong những ngày sau này, ngài chính là tiên tri của Chúa, ngài chính là đấng tiền hô của Chúa.

Ta thấy cùng với tên gọi là hàm ý một dự phóng cho tương lại, có khi chỉ một ước vọng, đôi khi gợi lên tình cảm lúc sinh ra hoặc tương lai mà cha mẹ thấy được, và thường khi là cả một sứ mạng, sứ mạng đó nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa muốn thực hiện giữa dân Người. Trường hợp của Gioan Tẩy Giả là một ví dụ, khi sinh ra được cha mẹ đặt tên theo lời Sứ thần đã loan báo. Danh xưng Gioan có nghĩa là Thiên Chúa biểu lộ tình thương.

Cuộc đời của Thánh Gioan và Chúa Giêsu rất lạ thường: Sự thụ thai của hai con trẻ được báo trước bởi cùng một Thiên Thần Gabriel; Cả hai được sinh ra bởi hai người nữ đáng lẽ không thể có con: bà Elizabeth tuổi đã già trong khi Đức Mẹ khấn trọn đời đồng trinh, không biết đến người nam; Cả hai con trẻ được đặt tên và trao nhiệm vụ từ lúc còn trong lòng mẹ: Gioan/Đấng Tiền Hô và Giêsu/Đấng Cứu Thế (Lk. 1:5 & 1:26); Cuối đời Thánh Gioan chịu chết vì đức tin và nhiệm vụ của Ông trước khi Chúa Giesu chịu chết vì tội nhân loại chúng ta trên Thánh Giá.

Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Vì ý thức sứ mạng cao cả này, Gioan đã can đảm chu toàn để làm chứng cho Ánh Sáng và Sự Thật, dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Phần chúng ta, khi cho chúng ta được hiện diện trên cõi đời này, Thiên Chúa đặt hết niềm tin và sự kỳ vọng nơi chúng ta.

Sự cao trọng của thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của thánh Gioan. Cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Đức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Đấng Thiên Sai, nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Đức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu.

Ta hãy nhìn ngắm cuộc đời và cách sống của Gioan để noi theo trong việc thi hành sứ mạng của mình giữa cuộc sống hàng ngày.

Thứ nhất là tinh thần can đảm: Thánh Gioan Tẩy Giả đã dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến bằng cách chuẩn bị tâm hồn mọi người cho xứng hợp để tin nhận Người. Trong hành trình rao giảng, Gioan đã không ngần ngại, không sợ sệt khi lên tiếng phản đối sự sai trái của kẻ cầm quyền lúc bấy giờ là vua Hêrôđê, dù biết rằng mình phải chuốc lấy những hậu quả khôn lường, thậm chí bị chém đầu.

Là những Gioan Tẩy Giả của thời đại hôm nay, chúng ta có bổn phận góp phần làm cho xã hội được phát triển, cuộc sống con người được thăng tiến, phẩm giá con người được tôn trọng, công bình và bác ái được thể hiện; chúng ta có trách nhiệm cùng nhau xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống, làm giảm bớt sự hận thù, chia rẽ, bạo lực và chà đạp nhân phẩm, ngay trong môi trường mình đang sống.

Thứ hai là sự khiêm tốn: Khi thi hành sứ mạng, thánh Gioan được mọi người rất kính nể, đến nỗi người ta cứ lầm tưởng Gioan là Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, Gioan không lợi dụng sự tin tưởng của họ để mạo danh. Ngược lại, Gioan khiêm tốn bộc bạch với dân chúng: “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giầy cho Người”.

Như Gioan, mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng, một ý định của Thiên Chúa về chúng ta. Nhưng làm sao biết được? Kinh Thánh và giáo lý của Hội Thánh cho ta biết rằng con người được dựng nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, “có khả năng hiểu biết là yêu mến Tạo Hóa” và “chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa”. Đó chính là mục đích của việc tạo dựng con người. Con người phát xuất từ Thiên Chúa, sẽ được trở về với Thiên Chúa.

Phần chúng ta, vừa can đảm thực thi sứ mạng của người Công Giáo trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng cần phải khiêm tốn nhìn nhận mình là “đầy tớ vô dụng”, được Chúa sai đi làm công việc của Chúa. Nhờ đó, chúng ta vừa tránh được tính khoe khoang tự mãn với những thành quả đạt được, vừa luôn phấn đấu để hoàn thiện con người của mình, hầu chu toàn sứ mạng được tốt hơn.

Huệ Minh