Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca 10: 25-37
25Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. 26Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”. 27Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. 28Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.29Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”. 30Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. 36Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. 37Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
Suy Niệm 1: Trước mắt người Do Thái thì dân Samari thật đáng khinh miệt. Họ bị xem là người lai căng vì đã kết hôn với ngoại kiều, làm vẩn đục dòng máu tinh tuyền của tổ tiên Do Thái. Họ bị khinh miệt vì đã tôn thờ các tà thần ngoại lai. Thế nên người Do Thái xem người Samari như những người hạ cấp đáng bị tẩy chay.
Thế nhưng hình ảnh của người Samari trong Tin Mừng hôm nay lại đẹp tuyệt vời. Giá trị của người đó gia tăng thật cao.
Câu chuyện rất hấp dẫn : Tại một khúc đường vắng từ Giêrusalem đến Giêricô có một khách bộ hành bị bọn cướp xông ra trấn lột hết tiền bạc của cải, lại còn đánh người ấy trọng thương nằm thoi thóp, nửa sống nửa chết giữa quảng đường hoang vắng.
Thế rồi, một tia hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang từ xa đi tới. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị tư tế, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh. Nhưng rồi vị tư tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên rồi đi thẳng, để mặc anh nằm thoi thóp giữa đường.
Một lát sau, có một thầy trợ tế đi qua, niềm hy vọng của nạn nhân lại được bùng lên nhưng rồi vụt tắt, vì thầy trợ tế chỉ đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh. Có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn ẩn náu đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia…
Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp từ xa vẳng lại. Người thứ ba xuất hiện, một người dân Samari. Ôi thôi! Chẳng hy vọng gì nơi hạng người nầy, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là lai căng và rối đạo!
Thế nhưng thật bất ngờ, người Samari cho lừa dừng lại, bước xuống, cúi mình trên nạn nhân, cảm thương con người xấu số.
Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Ta hãy xem xét khẳng định của Chúa Giêsu: Hãy yêu thương thì ngươi sẽ được sống. Đẳng thức yêu thương bằng được sống đối với chúng ta có hoàn toàn rõ ràng hay không? Nếu có, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, giòng máu Tin Mừng đang chảy trong huyết quản của chúng ta. Nhưng đây là điều phải kiểm chứng.
Đôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn vô tâm như vậy. Nhiều người đã được sống hạnh phúc nhưng họ đâu biết rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự chắt chiu từng hy sinh âm thầm của biết bao nhiêu người. Có thể đó là sự hy sinh không mệt mỏi của cha, của mẹ từng ngày vất vả trên nương đồng, hay trên công trường. Có thể đó là sự hy sinh nhịn nhục của những người thân chịu thiệt thòi để họ được hạnh phúc. Có thể đó là sự hy sinh nhường nhịn của bạn bè để họ được vui hơn trong cuộc sống. Thế mà, nhiều người vẫn tưởng rằng mình lớn lên không cần ai giúp đỡ. Lối suy nghĩ đó đã dẫn đến một đời sống ích kỷ, hẹp hòi, một lối sống dửng dưng đến xa lạ với đồng loại.
Ở đời vẫn còn đó biết bao người chắt chiu từng hạt gạo, gom góp từng miếng vải để giúp kẻ cơ hàn. Cuộc đời vẫn còn đó biết bao người hy sinh cả cuộc sống mình để phục vụ các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nan y. Vẫn còn đó cả hàng triệu người đang đổ mồ hôi vật vã trên công trường, trên nương đồng để làm ra của cải và sản phẩm cho hàng tỉ người trên trái đất hưởng dùng.
Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao người biết hy sinh vì tha nhân, biết kiến tạo niềm vui trong những giọt mồ hôi lao nhọc để phục vụ tha nhân. Thế nhưng, giòng đời vẫn còn đó những trái tim khô cằn, những tâm hồn lạnh nhạt đến dửng dưng với nỗi đau của đồng loại. Họ đâu biết rằng cuộc đời của họ đang bị cuốn trôi theo một giòng chảy của trần đời. Họ được đón nhận thì cũng phải biết trao ban. Vì chẳng ai có thể giữ mãi cho mình được điều gì mãi mãi. Tất cả những gì mình có rồi một mai cũng bị cuốn trôi theo thời gian.
Khi Chúa Giêsu nói đến yêu thương ở đây, đây không phải là một trong những niềm đam mê, tình yêu hoặc tình bạn, là những thứ đưa chúng ta lên chín tầng mây, mà là tình yêu thương anh em rất có tính cách bó buộc, cụ thể. “Phải làm điều đó!”. Và đây không luôn luôn là điều làm thích thú.
Người Samari đã chọn một cuộc sống hao tổn và nồng nhiệt. Trong khi thấy người đàn ông nằm đó, ông có lẽ đã cảm thấy cần phải đi qua cho nhanh, nhưng sức mạnh của cuộc sống của ông chiến thắng những vấn nạn đang đến với ông, Chúa Giêsu nói: ông động lòng thương và ông làm mọi sự cần thiết. Ông không quên gì cả, cho mà không tính toán. Không chờ đợi một lời cảm ơn nào và có lẽ vừa đi vừa hát lâm râm, hạnh phúc vì đã làm một người sẵn sàng phục vụ con người. Hai người kia sẽ tiếp tục sống lay lắt. Còn người Samari, ông đang sống triệt để. Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu thương thì ngươi sẽ được sống”.
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và nhà thông luật hôm nay phần nào cũng có thể được ta hiểu theo viễn tượng của kinh nghiệm nhỏ của tuổi thơ tôi ngày xưa. Người luật sĩ đến với Chúa Giêsu để tìm câu trả lời cho thắc mắc quan trọng nhất của cuộc đời: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”. Và đây cũng là thắc mắc của mọi người, không ai có thể dập tắt được câu hỏi này trong tâm hồn họ. Tạm thời, họ có thể dẹp qua một bên câu hỏi này, vì những lo toan cho cuộc sống hoặc vì những mê lợi của lợi danh, của quyền lực… Nhưng rồi vào lúc nào đó con người và mỗi người chúng ta cũng sẽ phải đặt ra cho mình câu hỏi này: “Tôi sống đây để làm gì? Và tôi phải làm gì để được sống đời đời?”.
Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.
Yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.
Chúa Giêsu đã phải dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân lành để soi sáng cho nhà thông thái, để rồi rốt cuộc như thể chính ông cũng khám phá ra được chân lý. Chúa Giêsu không đặt vấn đề như nhà thông thái: “Ai là người thân cận của tôi”, mà Ngài đã đặt lại vấn đề: “Ai đã trở nên người thân cận của người anh em bị nạn kia”, và nhà thông thái đã trả lời đúng: “Thưa là kẻ đã tỏ ra lòng thương đối với người đó”.
Tâm hồn cần có tình thương, nhất là cần được đầy tràn tình thương của Chúa thì mới dễ dàng trở thành tâm hồn thân cận của mọi người, trở thành người anh chị em của mọi người, bất luận người đó là ai. Không phải dễ thực hiện sáu chữ của Chúa Giêsu cho nhà thông thái: “Hãy đi và làm như vậy”.
Người Samaria là một anh chàng không có đạo, mà không có đạo cũng đồng nghĩa với không thể sống bác ái lương thiện. Quan niệm Do Thái hẹp hòi và thiển cận ấy, như một mẫu mực để những ai muốn có cuộc sống đời đời phải nhìn đó mà noi theo. Người Samaria ngoại đạo đã trổi vượt hơn những người chính thống, đạo đức nhất của xã hội và Giáo Hội lúc bấy giờ là thầy Lêvi và vị tư tế. Trổi vượt trong lãnh vực yêu thương, cứu giúp những người gặp vận nạn hiểm nguy trong cuộc sống. Còn chúng ta thì sao?
Xã hội ngày nay có nhiều kẻ thờ ơ với tha nhân, nhưng những người Samaria hiện đại cũng không thiếu. Họ có khi mang danh hiệu Kitô hữu, có khi mang danh hiệu Phật tử, có khi mang danh hiệu cộng sản và có khi chẳng mang một danh hiệu nào cả. Nhưng họ giống như Đức Kitô đã sống và họ tiếp cận được với Thiên Chúa cũng như với tha nhân. Vậy thì để trở nên những người Samaria thời buổi hôm nay, chúng ta đã thực sự có được một trái tim mở rộng, một thái độ quan tâm đến mọi người, mọi việc kế cận với chúng ta hay chưa?
Huệ Minh
Suy Niệm 2: (Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hai người đầu là hai nhân vật liên quan đến việc tôn thờ trong Đền Thánh; nhân vật thứ ba là một người Do Thái ly giáo, bị coi là ngoại bang, một thứ dân ngoại dơ bẩn, được gọi là người Samaritanô thế, mà người này trông thấy kẻ bị thương đã không bỏ đi như hai người có liên hệ tới Đền Thờ trước đó, mà “đã động lòng thương” (câu 33). Phúc Âm đã thuật lại: “ông đã động lòng thương”, tức là, tâm can của ông đã rung cảm. Ông cảm thấy trong lòng rung động! Chúng ta có thấy sự khác biệt ở đây: hai người kia “đã trông thấy” nhưng tâm can của họ vẫn khép kín, vẫn lạnh lùng; trái lại, tâm can của người Samaritanô đã đập cùng một nhịp với chính con tim của Thiên Chúa. Thật vậy, “lòng cảm thương” là đặc tính thiết yếu của lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa đã cảm thương chúng ta. Như thế nghĩa là gì? Ngài chịu khổ với chúng ta; Ngài cảm thấy những đau khổ của chúng ta. Lòng cảm thương nghĩa là “cùng chia sẻ”. Chữ này nói lên rằng có một điều gì đó tác động trong chúng ta, khiến chúng ta rung động khi thấy sự yếu đau của con người. Nơi những cử chỉ và tác động của Người Samaritanô Nhân Hậu chúng ta nhận thấy lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa trong suốt giòng lịch sử cứu độ. 1.Trông thấy và chạnh lòng thương
Người Samaritanô Nhân Hậu đã cụ thể hóa tình yêu qua bảy hành động: (1) chạnh lòng thương, (2) lại gần, (3) đổ rượu (rửa vết thương) và dầu (sát trùng), (4) băng bó vết thương, (5) đặt lên lưng lừa, (6) đem về quán trọ, (7) tận tình săn sóc.
Hôm sau, tác giả Tin Mừng Luca còn mô tả thêm bảy hành động khác của người Samaritanô: (1) lấy ra hai quan tiền, (2) trao cho chủ quán, (3) nói, (4) chăm sóc, (5) còn thiếu bao nhiêu, (6) khi trở lại, (7) sẽ thanh toán tất cả.
2.Những động từ và những cử chỉ trên cho ta thấy người Samaritanô là một con người tận tụy, chu đáo và nhân hậu
Ông là con người của hành động, hành động vì trông thấy và chạnh lòng thương một con người đang lâm vào cơn quẫn bách khốn cùng và đang cần được giúp đỡ; chứ không như thầy Tư Tế và thầy Lêvi kia, họ cũng trông thấy nhưng tránh qua một bên vì họ sợ bị liên lụy, sợ tốn tiền, sợ mất thời gian… dù rằng thầy Tư Tế và thầy Lêvi đối với người bị nạn là tương quan thân cận, trong khi đó tương quan giữa người Samaritanô với người bị nạn là tương quan kẻ thù, nhưng ông đã làm tất cả (2 lần 7) hoàn hảo trên mức hoàn hảo.
Người Samaritanô đã sống giới răn trọng nhất mà ông không hay biết, hay nói cách khác, ông không cần một định nghĩa: “người thân cận của tôi là ai?” Ông chỉ hành động, hành động vì yêu thương, và tình yêu của ông vượt lên trên mọi ranh giới, rào cản của sự kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, địa vị,… thiết tưởng, chỉ có một tình yêu đích thực và vô vị lợi mới ân cần và chu đáo đến như vậy.
3.Người Samaritanô hành động bằng lòng thương xót thật sự
Ông đã băng bó các vết thương của nạn nhân, đã mang nạn nhân đến quán trọ, đã tự mình chăm sóc cho nạn nhân và trợ giúp nạn nhân. Tất cả những điều ấy dạy chúng ta rằng lòng cảm thương, tình yêu thương, không phải là một thứ cảm giác mơ hồ, mà là việc chăm sóc cho người khác cho dù có đích thân phải trả giá. Nghĩa là dấn thân, thực hiện tất cả những gì có thể để “đến gần người khác, cho đến độ đồng hóa mình với họ”, “các người phải yêu thương tha nhân như chính bản thân mình”, đó là Giới Răn của Chúa.
Truyền thống Kitô giáo vốn đề cao tấm lòng và ý hướng khi làm việc bác ái. Nhưng với thời đại vốn nhấn mạnh đến tính hiệu quả hôm nay, thì tình yêu đích thực đòi hỏi được diễn tả cách cụ thể: chấp nhận cả tay và người bị dơ bẩn lấm lem, chấp nhận gặp rắc rối, phiền hà, chậm trễ công việc đang thực hiện, thậm chí cả nguy hiểm, vì tình yêu đòi hỏi hiến trọn cả con người. Đây quả là một thách đố, nên cần đón nhận suối nguồn tình yêu là chính Chúa, để có đủ lòng quảng đại mà thi hành điều Chúa truyền “hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Sau đây là câu chuyện minh họa.
4.Tình người miền quê Nam Bộ
Cha Antôn Nguyễn Văn Tiếng kể câu chuyện như sau: vào khoảng đầu thập niên 1980, có một buổi chiều tôi đang làm cỏ rẫy ở đất bồi, cạnh nhà tôi bên dòng sông Tiền.
Trời bỗng chuyển mưa đen kịt và sấm chớp ầm vang. Dòng sông nổi sóng dữ dội.
Bất ngờ một tia chớp lóe sáng và một tiếng nổ kinh hồn. Tất cả đều diễn ra mau chóng.
Một chiếc ghe nhỏ cách bờ không xa, tiến vào bờ theo từng đợt sóng. Khi vào đến bờ, một người phụ nữ tuổi trên 40 từ trên ghe nhảy xuống, trong nước mắt dàn dụa, bà nói không trọn câu: “sét đánh trúng chết chồng tôi và đứa con trai tôi rồi, cô bác ơi, làm ơn giúp tìm kiếm xác chồng con của tôi, cô bác ơi”.
Đêm hôm đó, cả xóm gần như không ai ngủ. Ai có ghe thì đi ghe, ai có xuồng thì đi xuồng, ai không có gì thì đi bộ cặp bờ sông, để tìm xác hai người. Sông lớn, mặc cho sóng to gió lớn, người ta thức trắng đêm để đi tìm. Một số kề cận người đàn bà bất hạnh để an ủi bà. Khi than khóc, có lúc bà đã nói: “phải chi trời thương cất một người đi thôi, còn đàng này đem hai cha con đi cùng một lúc”. Không ai cầm được nước mắt. Mãi tới hơn nửa đêm ngày hôm sau mới tìm được xác hai cha con.
Quê của bà tận ở gần Châu Đốc, cách quê tôi mấy chục cây số đường sông lớn. Vợ chồng và đứa con trai đi mua bán hàng bông, gặp sóng to gió lớn, vội cho ghe chạy vào bờ, thì gặp nạn trên sông.
Đây là một xóm dân nghèo, nhưng bà con xúm lại đóng góp tiền để mua hai chiếc quan tài, xăng dầu và cử người lái ghe đi đưa bà và xác chồng con về quê. Bà còn một đứa con nhỏ ở nhà. Ai cũng thương tình và giúp họ với tất cả khả năng của mình. Mấy ngày sau, dân làng vẫn còn nhắc đến gia đình người đàn bà bất hạnh xa lạ đó. Hãy đi và làm như vậy.
5. Dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Hậu” là một bài học quý giá để chúng ta soi dọi vào cuộc sống Kitô hữu của chúng ta hôm nay
Đọc dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Hậu” có thể khiến người đọc tự đặt mình vào vị trí các nhân vật trong câu chuyện, rồi xét suy cuộc sống của chính mình. Chắc chắn Chúa Giêsu mong muốn mỗi người tín hữu hãy tự xem mình và hành động như Người Samaritanô Nhân Hậu giúp người lâm nạn giữa đường cũng như cứu vớt những linh hồn lạc lõng. Chúa bảo người thông luật Pharisêu: “hãy đi và cứ làm như vậy để được sống đời đời” (Lc 10:37). Bằng cách này, chúng ta cùng tham gia với Chúa để mang lại sự cứu rỗi và cuộc sống vĩnh hằng cho nhân thế.
Những môn đệ theo Chúa, hàng giáo phẩm, các giáo sĩ, cũng có thể nghĩ mình chính là người chủ quán trọ với trách nhiệm chăm sóc để giúp người bị thương tích sớm hồi phục. Hoặc người đọc cũng có thể ví mình như người khách đi đường có nhu cầu cần sự trợ giúp, hay ví mình như các ông tư tế, Lêvi sống vì lề luật và cho lề luật, dửng dưng, làm ngơ trước những khổ đau của người đồng loại. Cũng có thể chúng ta đóng vai kẻ cướp vì đôi khi chúng ta làm phương hại gây tổn thương cho người khác. Nói khác đi, trong suốt cuộc đời của mỗi người tín hữu, lúc này hay lúc khác, chúng ta có thể hành động như các nhân vật trong câu chuyện người Samaritanô Nhân Hậu.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy