Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (6,24-35
24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”.32 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”.35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
Suy niệm 1 Đón Nhận Lương Thực Thần Linh
Nhìn vào thực tế của cuộc đời : Nếu không có bánh, chúng ta sẽ chết. Cơm bánh có khả năng duy trì sự sống cho chúng ta nhưng đó là một khả năng giới hạn. Khi nói “Tôi là bánh ban sự sống”, Chúa Giêsu cho hiểu là tương quan giữa bản thân Người với loài người cùng một kiểu như tương quan giữa cơm bánh và chúng ta, nhưng sự sống Người ban là sự sống vĩnh cửu, chứ không chỉ là sự sống trần gian giới hạn. Người mạnh hơn cái chết, Người muốn đưa chúng ta đi sang bên kia cái chết. Nhưng chúng ta phải chạy đến với Người, phải tin vào Người.
Nhìn vào dòng chảy lịch sử cứu độ, ta thấy Thiên Chúa đã thực hiện lời Ngài hứa, Ngài cho dân Israel vào Đất Hứa, nhưng họ chưa tin thật vào Ngài. Chúa Giêsu đến, tiếp tục dạy dỗ họ, đào tạo họ thành những con người tin vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cho dân chúng ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa Giêsu tỏ quyền năng để họ tin vào Người, tin vào Thiên Chúa.
Thế nhưng rồi ngay sau đó, họ đi tìm kiếm Người để không phải làm mà vẫn có ăn. Họ tìm Chúa Giêsu không vì tin, mà vì lười biếng; họ không nhận ra Tình yêu thương mà Thiên Chúa luôn dành cho họ, để họ tin và đi theo Ngài tiến về Nước Trời. Chúa Giêsu nhắc họ phải ra công làm việc, để có của ăn không chỉ khi còn ở trần gian này, nhưng còn phải ra sức tìm kiếm của ăn không hư nát, đem lại sự sống trường tồn là bánh trường sinh. Người còn chỉ cho họ phương cách để có bánh trường sinh, đó là tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến, tức là tin vào Người. Vì chính Chúa Giêsu là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Chúa Giêsu không chỉ dạy cho dân Do Thái khi xưa mà còn dạy cho chúng ta ngày nay.
Quả thật, chúng ta luôn khao khát có hạnh phúc, bình an; chúng ta ra sức tìm kiếm điều đó nhưng không gặp, không có được hạnh phúc đích thật, chỉ vì chúng ta không nhận biết Người là bánh trường sinh, là con đường dẫn đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Vì chúng ta chưa tin thật vào Chúa Giêsu, chưa trở thành con người tin vào Thiên Chúa. Hay nói cách khác, chúng ta chưa trở thành con người yêu thương, vì chưa nhận ra Tình Thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hạnh phúc mà Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta, là chúng ta không tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân mình, nhưng phải tạo hạnh phúc cho người khác.
Chỉ khi chúng ta đem lại cho người khác sự bình an, hạnh phúc, chính khi đó, chúng ta lại có được an bình, hạnh phúc. Muốn được như thế, chúng ta phải dẹp bỏ con người ích kỷ của mình. Chúng ta phải giúp nhau sống trong sự yêu thương. Để từ đó, chúng ta giúp nhau nhận biết: Thiên Chúa là Tình Yêu, chính Ngài là hạnh phúc, là bình an thật. Chúng ta sẽ được hưởng niềm vui và bình an khi chúng ta được ở với Ngài trên Nước Trời.
Nhìn lại lịch sử năm xưa, dân Israel được ăn manna và thịt chim cút trong hoang địa, vì họ chưa tin thật vào Đức Chúa, vì họ than trách Ngài. Thiên Chúa ban cho họ của ăn, để nuôi dưỡng họ trong hành trình tiến về Đất Hứa. Thiên Chúa làm như vậy để họ chỉ tôn thờ, chỉ tin vào một mình Ngài mà thôi. Họ cần phải nhận biết: chỉ có Một Thiên Chúa duy nhất, không có thần nào khác. Thiên Chúa dạy dỗ họ để họ trở thành một con người tin vào Đức Chúa. Đó là điều cần thiết nhất giúp họ vào Đất Hứa.
Và rồi ta thấy rằng khi ta tin vào Chúa Giêsu khi ta tự liên kết hoàn toàn với Người và để cho Người hoàn toàn quy định đời sống tôi. Đức tin có thể là như một dây liên kết mong manh và yếu kém; còn nếu một dây liên kết quan trọng, vững chắc và thiết yếu đối với cuộc sống, thì nó được diễn tả ra bằng một tình bạn chân thật hoặc một cuộc hôn nhân đích thực. Khi tin vào Chúa Giêsu, dây liên kết ta có với Người sẽ có sức mạnh và có khả năng ban sự sống tối đa.
Trên hành trình tiến về quê thật là Nước Trời, chúng ta được Chúa Giêsu nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Người, chúng ta được Người hướng dẫn bằng Lời Người. Mình và Máu Chúa chính là của ăn của uống không bao giờ hết, không hề hư nát; đó là lương thực đem lại sự sống vĩnh cửu, nếu chúng ta tin thật vào Chúa Giêsu. Đức Tin của chúng ta được củng cố nhờ Lời dạy của Chúa Giêsu. Lời Chúa nuôi dưỡng niềm tin, giúp ta lớn lên trong Tình Yêu của Ngài, hướng dẫn ta để ta trở nên con người tin vào Thiên Chúa, ngõ hầu được chung hưởng niềm vui vĩnh cửu trên Quê Trời.
Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta phải học biết về Đức Kitô để củng cố Đức Tin của mình. Một khi đã tin vào Chúa Giêsu, chúng ta phải biến đổi cuộc đời mình: cởi bỏ con người cũ và phải mặc lấy con người mới. Tức là một người biết làm theo Lời Chúa Giêsu dạy, để trở nên công chính, thánh thiện; hay nói theo Chúa Giêsu đã dạy: Nên Hoàn thiện như Cha của chúng ta là Đấng Hoàn thiện. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, phải ra công tìm kiếm và phải cố gắng mỗi ngày. Mỗi người phải dứt khoát từ bỏ con người tội lỗi, con người ham muốn trần gian, để trở thành con người tin thật vào Thiên Chúa.
Nhìn lại cuộc đời, ta thấy xấu hổ vi a ngại để cho Thiên Chúa đi vào trong cuộc sống chúng ta và làm việc ở đó. Để biện minh cho việc chúng ta lùi lại trước đòi hỏi của Người, ta thường vận dụng một chiến thuật khác để “câu giờ”, chúng ta đặt ra một điều kiện: “Ông đã làm dấu lạ nào…? Ông đã làm gì?” (c. 30).
Quả thế, ta đã thấy hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống ta, nhưng ta vẫn tìm cách từ chối tin vào Người. Thiên Chúa lại chỉ thích nói với con tim ta bằng những dấu chỉ kín đáo hầu ta vẫn còn tự do mà từ khước tiếng gọi của Người. Thiên Chúa muốn được yêu mến bởi những người con tự do, chứ không phải được tôn thờ bởi những tên nô lệ khiếp nhược.
Bữa ăn lạ lùng sẽ phải được giải thích như là một dấu chỉ. Đấy là một sự kiện thực hữu, Đức Giêsu đã thực sự cho một đám đông ăn no; nhưng biến cố này tự nó không có ý nghĩa. Đức Giêsu không muốn chứng minh rằng người ta có thể nhận được bánh từ nơi Người mà không cần phải mệt nhọc và được nhận ê hề; Người không muốn thay thế các ông thợ làm bánh mì để rồi các ông này phải thất nghiệp mà bị đói. Bữa ăn lạ lùng nhắm đến một thực tại khác.
Sự kiện Chúa Giêsu có thể ban bánh và cho ăn no nê theo nghĩa trần thế phải cho thấy rằng bản thân Người chính là bánh ban sự sống và có thể ban sự sống vĩnh cửu, không bao giờ tàn lụi. Ở bên Người, chúng ta không được tìm kiếm bánh trần thế; trái lại, chúng ta phải nhìn nhận rằng Người có thể và muốn ban cho chúng ta một thứ vô cùng lớn lao hơn. Chúng ta cần phải để ý đến điều này và đón nhận quà tặng của Người.
Từ manna trong thời Cựu Ước, tiến đến Bánh trường sinh trong thời Tân Ước, cũng chỉ nhằm bày tỏ một vấn đề, đó là Bánh ban sự sống, và đã được Chúa Giêsu trình bày cho dân một cách nhẹ nhàng, và hợp lý hợp tình. Nên chi, cuối cùng thì dân chúng đã hiểu vấn đề, và họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Đúng là không còn dịp nào tốt hơn, Chúa Giêsu liền nói với dân chúng: “Chính Ta là Bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
Chúa Giêsu hướng cho dân chúng biết chuyện Bánh ban sự sống; từ việc ra công tìm bánh nuôi sống, Chúa Giêsu hướng dẫn dân biết ra công làm việc của Thiên Chúa là “tin vào Ðấng Ngài sai đến”; và từ thái độ lên giọng đối chất về dấu lạ manna của dân, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ: “ không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực”, đám đông dân chúng liền hạ giọng xin cho được ăn Bánh ban sự sống. Với diễn biến nội tâm của đám đông dân chúng tốt đẹp như thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại trao ban: chính Mình Ngài.
Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh, đang nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và Bí tích trong các cuộc cử hành phụng vụ. Chúng ta có biết chính Người là Đấng chúng ta đang tìm kiếm và không phải là dấu chỉ của sự thỏa mãn vật chất nào khác? Cơn đói mãnh liệt nhất của chúng ta là sự mật thiết với Thiên Chúa, là sự sống của Thiên Chúa bên trong chúng ta, thứ mà Đức Giêsu hôm nay gọi là “sự sống đời đời”. Đức Giêsu mời gọi chúng ta tin tưởng nơi Người với tất cả con người, tâm hồn và thân xác của ta. Chuyện quan trọng là ở ta, ta có đến và lãnh nhận lương thực thần linh hay không mà thôi.
Huệ Minh
Suy niệm 2:
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa là Đấng luôn dưỡng nuôi, chu cấp cho con người. Vì thế mà ông bà ta thường ví von “Trời sinh voi sinh cỏ” là vậy. Ngài luôn quan tâm, chăm sóc và dạy bảo con người trên mỗi bước đường cuộc sống.
Bài đọc I trích sách Xuất Hành cho thấy dân Do Thái được Thiên Chúa yêu thương đưa ra khỏi sự nô lệ Ai Cập. Trong hành trình tự do ấy, gặp cảnh đói khát, họ quay lại trách móc Thiên Chúa và Môisen rằng không chịu để họ nô lệ còn đỡ hơn phải chịu vất vả nơi hoang địa như thế. Nhưng tình yêu Thiên Chúa vẫn tiếp tục bao phủ trên dân dẫu lúc họ ngỗ nghịch như thế. Ngài đã ban Manna cùng chim cút cho họ ăn thỏa lòng.
Trong Tân ước, Thiên Chúa tiếp tục nuôi sống dân qua chính Con Một của Ngài. Chúa Giêsu đã hóa bánh nuôi sống năm ngàn người trong sa mạc. Và dân chúng muốn tôn Người làm vua để họ khỏi đói, khỏi phải vất vả làm lụng. Thế nhưng Chúa Giêsu, hơn ai hết đã biết rõ cơn đói khát của con người. Thật vậy, cơn đói vật chất vẫn là nỗi khốn cùng của nhiều người trên thế giới, nhưng cơn đói hạnh phúc mới là nỗi khổ không loại trừ ai. Bởi vậy mới có bộ phim Mêhicô vào những năm 90 với tựa đề “Nước mắt người giàu”. Chính Người khi chịu treo trên thánh giá đã cảm nghiệm được điều ấy. Vì con người không chỉ sống bằng cơm bánh vật chất, nên rất cần một thứ “lương thực” không hư nát để có thể mang lại sự sống trường sinh. Nguồn lương thực được Người mạc khải rằng “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”.
Chúa Giêsu là lương thực mà Cha trên trời ban cho nhân loại, mà bất cứ ai tin và chạy đến với Người thì không còn phải lo lắng nữa. Vâng, mỗi lần chúng ta tham dự Thánh lễ là chúng ta được tham dự vào bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc Lời Chúa để khơi lòng mở trí, giúp nâng tâm hồn con người lên để có thể tin nhận và rước lấy chính Mình Máu Thánh Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể. Nơi Bí tích Thánh Thể, con người được lắng lòng lại bên Chúa, được vén mở cho biết tình yêu và sự quan tâm săn sóc của Thiên Chúa dành cho mình, nhờ đó con người luôn được bình an trong tâm hồn dẫu cho cuộc sống bôn ba đầy bộn bề.
Khổ nỗi, con người chúng ta thường dừng lại nơi miếng ăn vật chất hơn là nhận ra tình yêu của Thiên Chúa thương ban lương thực Trường Sinh. Vì chỉ dừng lại ở những nhu cầu vật chất, con người ta bê trễ trong việc chạy đến với Chúa, ngại ngùng ngồi lại bên Chúa, sẵn sàng đánh đổi với những việc mình lại cho là quan trọng và ưu tiên hơn, trong khi xem giây phút Thánh lễ đem lại phần rỗi đời đời trở nên thứ phụ, không khi này thì khi khác, lúc nào rãnh rổi hẵn hay. Lại nữa, con người chúng ta lại mất nhiều giờ tìm đến những trò giải trí tiêu khiển. Lành thì chọn những hàng quán, dạo phố, hát với nhau, những buổi cinê, ngồi lướt web hàng giờ hay trở nên những game thủ. Một số khác sống bất chấp ngày mai, lại chọn thỏa mãn bằng những cuộc đua yên hùng xa lộ, sử dụng các loại chất kích thích, rơi vào nghiện ngập, tìm đến những nơi hoạt động trá hình, hay thỏa mãn với những thú vui thác loạn… Thế nhưng, sau mỗi lần tìm kiếm để khỏa lấp, con người càng cảm thấy thiếu thốn, trống vắng và thất vọng.
Vâng, do bởi con người được Thiên Chúa tạo dựng vì tình yêu thương và cho sự sống vĩnh cửu, nên con người có sứ mạng tìm kiếm lương thực nuôi sống muôn đời và cho tình yêu bất diệt. Như thánh Augustinô đã tự nhận trong cuốn Tự Thuật: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật I,1,1). Chỉ có Chúa mới làm cho con người được no thỏa, chỉ có Đấng dựng nên linh hồn con người mới làm nó thỏa mãn mà thôi. Vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta hãy cố gắng vươn lên, thể hiện mình là người có đức tin, một đức tin chọn Chúa làm nguồn ưu tiên cho cuộc sống của mình. Khi chúng ta biết chạy đến với Chúa, kín múc nguồn lương thực thần linh, thì chính Chúa sẽ đong đầy cho những khát vọng của chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho đừng để bất kỳ một lý do nào làm trở ngại cho việc con được chạy đến với Chúa. Xin Chúa thêm sức cho con can đảm chọn Chúa làm ưu tiên trong mọi lựa chọn của chúng con, vì chỉ có Chúa mới là tất cả cho những khao khát và niềm thao thức của con. Amen.
Lm. Alfonso
Suy Niệm 3:
Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta phải đặt trong bối cảnh của nó. Ðó là thời kỳ Ðức Giêsu đang được quần chúng ngưỡng mộ nhất: Ngài đi đâu dân chúng cũng đông đảo ùa theo đến đó, thậm chí họ còn muốn tôn Ngài lên làm vua khiến Ngài phải trốn đi. Nhưng họ cũng vẫn tìm ra được chỗ Ngài và sáng hôm sau lại ùa tới vây quanh Ngài.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao quần chúng ùa theo Ngài như thế?
Thưa vì lợi lộc vật chất: Chúa đã chữa nhiều bệnh tật: mù, què, câm, điếc, cả kẻ chết Ngài cũng làm cho sống lại. Hơn nữa, Ngài lại vừa mới làm một phép lạ bánh hóa nhiều. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá Chúa đã làm cho năm ngàn người ăn no. Chắc là họ nhủ thầm: giá mà có ông này bên cạnh ta mãi thì ta chẳng bao giờ sợ đói khát, cũng chẳng cần phải làm lụng cực nhọc mà vẫn luôn no đủ. Nhưng sáng hôm sau gặp lại họ, Ðức Giêsu nói thẳng với họ: “các ngươi tìm ta là vì đã được ăn no”. Rồi Ðức Giêsu muốn đưa họ lên cao hơn, Ngài nói “các ngươi hãy tìm của ăn không hư nát”.
Có câu chuyện kể rằng: Năm 1885 Vincent van Gogh đến viện bảo tàng Amsterdam để được ngắm một họa phẩm nổi tiếng của họa sĩ Rembrandt, bức “Cô Dâu Do Thái”.
Sau khi ngắm xong, Van Gogh thố lộ: “Tôi thà giảm thọ mười năm để được ngồi hai tuần trước bức danh họa này, chỉ cần ăn bánh mì khô thôi cũng được. Thực ra, thứ mà tôi đói nhất không phải là thức ăn mà là hội họa. Mỗi khi tôi có tiền tôi liền đi săn tìm các mẫu vẽ cho tới khi nhẵn túi”.
Không phải chỉ cơ thể mới biết đói, mà con tim và tinh thần cũng biết đói. Cơm bánh không thể nào thỏa mãn cơn đói của con tim và tinh thần. Nuôi sống một người không giống như nuôi một con vật, chỉ cần cho nó ăn no. Chúng ta là con người, chúng ta không chỉ có một thứ đói mà có hàng trăm thứ đói. Ngoài cơm bánh ra chúng ta còn rất nhiều thứ đói như Flor McCarthy đã kể ra như sau:
– Đói được người ta tôn trọng: không ai muốn bị coi là đồ bỏ, ai cũng muốn có người khác trọng.
– Đói được người ta chấp nhận: nếu không ai chấp nhận chúng ta thì chúng ta không sao thể hiện chính mình được.
– Đói những tương giao: không được tương giao với người khác thì chúng ta sẽ trở nên cô độc buồn sầu.
– Đói nguồn động viên: không có gì động viên chúng ta thì chúng ta giống như những cánh buồm không gió.
– Đói niềm tin: ai cũng cần đức tin hay ít ra là một số điều mình tin tưởng, nếu không thì dòng đời chúng ta bị trôi dạt như những con thuyền không định hướng.
– Đói hy vọng: bao lâu con người còn hy vọng thì còn có thể làm được nhiều việc và một khi đã mất hy vọng thì mất tất cả.
– Đói tình yêu: nếu cơn đói này được thỏa mãn thì hầu hết những cơn đói khác sẽ biến mất.
Và còn một thứ đói nữa, sâu xa nhất, hàm chứa trong mọi cơn đói khác, kể cả đói tình yêu, đó là đói sự sống đời đời. Và cơn đói này chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn chúng ta như Người đã nói: “Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Đức Giêsu khẳng định mình là bánh từ trời xuống để ban sự sống cho thế gian: “Ta là bánh hằng sống”.
Bánh manna trong sa mạc hay bánh trong phép lạ bánh hóa nhiều, chỉ có thể nuôi sống phần xác. Những thứ bánh này ăn rồi lại đói, đói lại cần phải ăn. Nhưng con người chúng ta không chỉ có thân xác mà còn có linh hồn. Thân xác có của ăn của thân xác, linh hồn có của ăn của linh hồn. Của ăn của linh hồn chính là Bánh Hằng Sống, Bánh chính Chúa Giêsu ban tặng, Thứ Bánh chúng ta ăn vào sẽ không còn đói nữa như Chúa Giêsu đã nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống, ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
Chúng ta đã được tạo dựng cho Thiên Chúa. Dù muốn dù không, cơn đói của chúng ta chính là đói Thiên Chúa như thánh Augustinô đã thú nhận rằng: “lạy Chúa, tâm hồn con được dựng nên cho Chúa, và tâm hồn con cứ lo âu khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”. Vâng, Không gì có thể lấp đầy tâm hồn chúng ta ngoại trừ Thiên Chúa.
Vậy sứ điệp trong các bài Tin Mừng hôm nay gửi đến chúng ta: tận thâm tâm mỗi người chúng ta đều ẩn chứa một cơn đói khát sâu xa mà chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể làm thoả mãn khi Người nói: ”Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”(Ga 6,35).
Đó chính là bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu muốn giới thiệu với chúng ta hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy