Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên B

Bài đọc 1: (Kn 2,12.17-20)

“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.

Trích sách Khôn Ngoan

(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!” Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 53,3-4.5.6.8

Đáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c.6b)

1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.

2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình.

3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Bài đọc II: Gc 3,16-4,3

“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

Trích thơ của thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.

Đó là lời Chúa.

Alleluia, alleluia! (Ga 8,12)

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. Alleluia.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (9: 30-37)

30Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

33Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” 34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. 36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:  37“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:

Đối với thế giới loài vật cũng như xã hội loài người, tính tự nhiên của quy luật sinh tồn khiến phần tử nào cũng muốn chiếm được vị trí hàng đầu để có được sự kính nể, uy tín, danh dự và quyền lợi. Vị trí ấy nhiều lúc được chiếm bằng luật rừng, nơi quyền lực thuộc về tay kẻ mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.

Thêm nữa, cũng chính vì thấy mình thua thiệt kẻ khác, hay thấy người khác hơn mình về một số phương diện mà sinh ra đố kỵ, mưu toan tìm cách hạ bệ, tranh giành quyền lực với nhau. Đó cũng là điều mà thánh Giacôbê Tông đồ trong bài đọc II đã cảnh báo: “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”.

Sự tham vọng và tánh ganh tỵ cũng không tránh khỏi nơi người môn đệ Chúa Giêsu. Trong trang Tin mừng hôm nay, thánh sử Marcô cho biết là đang khi đi đường, các môn đệ đã tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất. Chúng ta có thể tưởng tượng ra khung cảnh cuộc tranh luận ấy: Phêrô thì nghĩ mình chiếm vị trí nhất vì được Chúa đặt là tông đồ trưởng; Gioan tự hào mình là người được Chúa yêu mến nhất; Anrê thì cho rằng mình mới đúng vì là người môn đệ mà Gioan Tiền Hô giới thiệu cho Chúa; còn Giacôbê cho rằng mình có lợi thế vì là bà con thân thiết; Philipphê thì bảo ông quan trọng vì khi thấy nhóm người đông đảo kéo đến nghe Chúa giảng đến quên ăn uống, Chúa đã nhờ ông tư vấn để xem mua đâu ra bánh cho họ ăn; Bartôlômêô lại cho rằng Chúa quan tâm tới ông khi ông còn ngồi ở dưới gốc cây vả nữa là; Matthêu thì nghĩ mình mới đúng vì mình bỏ hết sự nghiệp để theo Chúa ngay, còn Giuđa Iscariot lại vỗ ngực rằng mình quan trọng vì được Chúa tin tưởng giao cho giữ túi tiền; và các môn đệ khác nữa cũng không ngoại lệ…

Vì thế, khi Chúa Giêsu hỏi tới cuộc tranh luận của họ thì họ làm thinh vì cảm thấy xấu hổ. Họ không dám thú nhận là đang lo tranh giành địa vị trong lúc Thầy mình đang tiến về Giêrusalem để chịu khổ giá trong khiêm hạ. Chúa Giêsu biết điều họ đang bận tâm chứ, nhưng “có gì trong nhà từ từ dạy nhau”. Người đợi khi về tới nhà rồi mới chỉ dạy cách riêng. Vì các môn đệ chính là nhân tố, nền móng cho cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, nên Người huấn dụ cho họ luật lệ giúp sống cộng đoàn với nhau.

Tính phân biệt sang-hèn, bà con-người ngoài, giáo sĩ-giáo dân, công chính-tội lỗi… đều không xứng hợp với những người lãnh đạo. Cho nên, Chúa Giêsu đã đảo ngược khuynh hướng tự nhiên của con người. Trình thuật cho thấy Chúa Giêsu muốn các môn đệ khắt cốt ghi tâm với lời dạy của Người, qua cử chỉ Người ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Chúa Giêsu không ngăn cản người ta làm lớn. Cần có những người nắm giữ địa để điều hành trong cơ cấu Giáo hội và xã hội. Nhưng Người đã đề nghị với họ giải pháp mới cho người muốn làm môn đệ Chúa: đó là người lãnh đạo tự nguyện làm đầy tớ phục vụ mọi người.

Nhà chú giải J. Hervieux giải thích: Chúa lấy ‘người rốt hết’ đối chọi với ‘người đứng đầu’, lấy ‘người đầy tớ mọi người’ đối chọi với ‘người cai quản’. Điều nghịch lý này có nghĩa rõ nhất khi nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, Đấng Thánh thiện cao cả đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người, Người sẵn sàng làm một tôi tớ, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Vâng, nếu người bị trị làm cuộc cách mạng trở thành kẻ thống trị chỉ để đổi chủ mà thôi và chẳng giúp cho xã hội văn minh phát triển, thì nhiều khi lại trở thành nỗi ám ảnh cho những người sống trong xã hội, cộng đoàn ấy. Kinh nghiệm lịch sử nhân loại nơi này nơi kia trên thế giới đã minh chứng điều đó.

Vì thế, Chúa Giêsu còn minh họa rõ nét và ý nghĩa hơn cho lời dạy của Người bằng cử chỉ đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy đứa bé và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Trẻ em thường bị xem là người bé mọn, yếu ớt cả về thân xác lẫn địa vị, tiếng nói chẳng có giá trị, lại không có khả năng tự vệ, có khi còn bị người ta loại bỏ bất kể phạm pháp như sát hại ngay khi còn trong bào thai. Vì thế thật phúc cho người làm lãnh đạo, đứng đầu mà lại sống khiêm nhường, phục vụ, sống đơn sơ hiền hòa như thiếu nhi, sẵn sàng đón nhận lời góp ý. Khiêm nhường không phải là yếu đuối hay mặc cảm tự ti. Người khiêm nhường biết mình là ai, trách nhiệm mình ở đâu, và khi được nhờ đứng ra lãnh đạo thì cũng sẵn sàng với tinh thần phục vụ. Nhờ tập sống khiêm nhường, chúng ta sẽ tránh được mối tội đầu là kiêu ngạo, tự xem mình hơn kẻ khác, ganh ghét gièm pha khi thấy người khác hơn mình, vì ý thức tất cả những gì mình có đều đến từ Thiên Chúa.

Lạy Chúa, con chỉ tìm được sự bình an và hạnh phúc thực sự khi biết sống khiêm tốn, phục vụ tha nhân cách vô vị lợi. Nhưng nhân đức Kitô giáo này lại là một nghịch lý trong xã hội, nơi mà người ta luôn muốn thể hiện bằng quyền lực. Xin Chúa giúp con can đảm để dấn thân không mệt mỏi trong việc phục vụ anh chị em, vì người mạnh chính là người đỡ người khác trên vai mình chứ không phải là người giẫm đạp trên vai kẻ khác để đứng lên. Amen.

Lm. Anfonso