Bài đọc I: 1V 17,10-16
“Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đến cho ông Êlia”.
Trích sách Các Vua quyển thứ I.
Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Đương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”. Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”.
Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất’ “. Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán. Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 145,7.8-9a.9bc-10
Đáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c.1)
Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Đáp.
2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Đáp.
3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Đức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Đáp.
Bài đọc II: Dt 9,24-28
“Đức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi”.
Trích thư gửi tín hữu Do Thái.
Đức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Đức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người. Đó là lời Chúa.
All, all (Mt 24,42a và 44): Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. Alleluia.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (12,41-44)
Khi ấy, Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền ở Ðền Thờ, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Chúng ta xem các kênh giải trí truyền hình, có nhiều chương trình làm việc từ thiện, nhưng vẫn còn thấp thoáng đâu đó một mục đích khác là quảng cáo thương hiệu sản phẩm. Hoặc có những người đi làm công tác bác ái, đăng lên các mạng xã hội facebook, zalo để khoe khoang thành tích, vì ai mà không muốn “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, ai mà không muốn được nhiều người biết đến.
Bài đọc I trích sách các Vua quyển I (1V 17,10-16) hôm nay diễn ra trong bối cảnh dân Do thái đang gặp nạn đói. Lúc ấy, tiên tri Êlia lỡ đường ngang qua, ghé vào xin chút nước uống và chút bánh lót dạ. Bà góa nghèo thành Sarephta chỉ còn có một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình, đang lượm vài que củi về nấu cho bà và đứa con trai ăn, rồi cũng chết vì quá đói. Thế nhưng, với lòng tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, bà dám hy sinh những gì còn sót lại cho sự sống còn để khoản đãi cho người của Thiên Chúa mà không tính toán. Nhờ thế bà được chúc phúc hũ bột không vơi, bình dầu không cạn giúp bà vượt qua nạn đói hoành hoành.
Hình ảnh trao dâng quảng đại ấy còn được minh họa rõ nét trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô (12,41-44) hôm nay. Chúa Giêsu cùng các môn đệ đang ở trong đền thờ, gần khu vực có đặt thùng tiền mà dân chúng và khách hành hương khắp nơi thường đến đây dâng cúng cho công việc tu bổ hay duy trì việc phụng tự của đền thánh. Người ngồi thinh lặng, quan sát và chứng kiến nhiều người đủ mọi giai tầng đến dâng cúng. Và Chúa đã để ý tới một người nghèo đang tiến lại gần thùng tiền. Mặc dù bà góa này không có nhiều tiền như bao người, bà cũng chỉ bỏ vào hai đồng tiền nhỏ chẳng đáng kể nhưng lòng đạo đức của bà không hề thua kém người khác. Chính cách thành tâm của bà đã được Chúa Giêsu ghi nhận và nêu gương cho các môn đệ rằng “Tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này lấy túng thiếu mà bỏ vào mọi sự mình có để nuôi sống” (Mc 12,44). Bà góa nghèo được gọi là người đã bỏ nhiều nhất vì ngay cả những gì có thể nuôi thân cứu đói qua ngày, bà cũng tặng dâng cho Thiên Chúa mà không so đo tính toán.
Người đời chúng ta thường đánh giá theo vẻ bề ngoài, còn Thiên Chúa thì đánh giá theo tấm lòng chúng ta trao ban hơn là dựa trên chủ nghĩa duy hiệu quả và những gì thấy ngay trước mắt. Trong việc sống đạo cũng vậy, việc đọc kinh, dự lễ, làm việc tình nguyện, bác ái mà thiếu sự chân thành, thiếu tâm tình bên trong thì những gì chúng ta trao dâng chỉ là hình thức, đánh bóng chính mình mà thôi. Hoặc một thái cực khác đó là một số người chủ trương “sống Đạo tại tâm” là đủ, không cần đọc kinh, dự lễ, không phải xưng thú tội lỗi gì cả vì Chúa biết hết rồi; và cũng có người quan niệm tới nhà thờ ngày Chúa nhật để “check in” là đã có mặt, cho lòng mình an tâm đã giữ lễ ngày Chúa nhật, nhưng sự thật chỉ ngồi tám chuyện, hóng mát như ở ghế đá công viên mà thiếu tâm tình tôn kính Chúa, không đối đáp thưa kinh, chẳng cần rước Mình Thánh Chúa. Tất cả những điều này là một sự ngụy biện nơi những người lười biếng, bê trễ thi hành những bổn phận đạo đức. Rốt cuộc đời sống đạo của người đó trở nên èo uột, vì họ không chăm lo cho linh hồn mình.
Thử hỏi trong tình yêu, khi hai người thương nhau mà quan niệm rằng yêu thì để trong lòng là đủ, cần gì phải hẹn nhau đi chơi, cần gì phải nhắn tin gọi điện cho nhau, cần gì phải tặng quà cho nhau, cần gì ly chè ly kem, cần gì những cử chỉ âu yếm hay những những lời động viên nhau… Vậy nó có còn là tình yêu không?
Chính Chúa Giêsu đã trở nên mẫu gương cho chúng ta về việc trao ban. Người đã yêu thương đến nỗi trao ban cả mạng sống mình, sẵn sàng gánh lấy tội lỗi chúng ta đưa lên cây thập giá. Vậy mỗi người chúng ta cũng được mời gọi sống tập dâng hiến như bà góa nghèo, tin tưởng và trao dâng cho Thiên Chúa mà không tính toán, giúp đỡ anh chị em mà không lo tư lợi. Đó là một sự cho đi mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm nhận và viết lên những ca từ trong bài “Để gió cuốn đi” như sau: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi!” Vâng, một khi trao ban cách chân thành bằng cả tấm lòng con người thì quý biết bao.
Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen. (Kinh dâng hiến của thánh Ignatio Loyola)
Lm. Anfonso
Tin Mừng Maccô 12:38-44
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
1) TRÁNH LÀM VIỆC BÁC ÁI ĐỂ TÌM HƯ DANH:
Một bà nọ là thành viên của một hội đoàn đạo đức chuyên đi làm công tác bác ái xã hội. Một hôm, bà nhận được giấy mời đến dự buổi họp mặt bất thường để quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai lũ lụt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bà dự tính kỳ họp này sẽ tự nguyện đóng góp số tiền một triệu đồng. Nhưng trong buổi họp, khi thấy có nhiều Hội viên khác cũng đóng góp số tiền một triệu ngang bằng với mình, bà muốn tỏ ra quảng đại hơn người, nên khi tới phiên, bà đã ghi vào sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu đồng. Rồi thay vì rút bao thư chứa hai triệu, thì bà lại rút nhầm bao thư trong đó có số tiền hai trăm USD tương đương năm triệu đồng mà bà định mang đi vào sau buổi họp mặt hôm đó để mừng đám cưới con trai của bà bạn thân đã từng giúp đỡ bà rất nhiều. Khi phát hiện ra đã đưa lộn phong bì, bà muốn đến bàn thu ngân xin lại số tiền đã góp dư kia, nhưng lại sợ bị mất thể diện trước mặt người khác. Cuối cùng bà đành chịu vậy, nhưng tự trách mình đã bất cẩn không kiểm tra phong bì trước khi nộp cho thủ quỹ. Nhiều ngày sau đó mỗi lần nghĩ tới là bà lại cảm thấy nuối tiếc số tiền đã lỡ ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt ngoài dự tính kia.
2) GÃ BÁN THỊT VÀ LÃO ĂN MÀY:
Kho tàng cổ tích Ả-rập có câu chuyện vui như sau: Một gã bán thịt nướng kia rất keo kiệt và khó tính. Một hôm một lão ăn mày từ nơi khác đến ngồi ăn xin bên cạnh quán thịt nướng của gã. Lão ăn mày đói bụng nhìn những miếng thịt nướng trên vỉ sắt đang bốc khói, chỉ biết hít thật sâu để đón nhận mùi thịt thơm bay vào mũi và liên tục nuốt nước miếng vì không có tiền mua thịt. Cuối cùng lão nghĩ ra một kế hay: lão ta móc trong bị ra một miếng bánh mì khô mua từ ban sáng, lẳng lặng đến gần lò than hơ miếng bánh trên vỉ thịt, với hy vọng khói thịt bốc lên sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, lão ta vui vẻ ăn hết miếng bánh đã được ám khói. Còn gã bán thịt đang ngồi trong quán thấy vậy liền chạy ra túm lấy áo lão ăn mày đòi trả tiền. Bấy giờ lão ăn mày liền nói: “Lão đâu có lấy thịt nướng nào của anh. Khói thịt bay lên đâu phải là thịt”. Gã bán thịt hét lớn: “Khói từ thịt đang nướng bay ra là thuộc về miếng thịt, nên lão ăn bánh có ám khói thịt bay lên cũng phải trả tiền”. Hai người cự cãi không ai chịu thua ai. Cuối cùng họ đưa nhau ra toà yêu cầu quan tòa cứu xét. Quan tòa liền truyền cho lão ăn mày lấy ra một đồng tiền cắc ném mạnh xuống nền nhà phát ra một tiếng “keng”. Rồi quan toà phán quyết cho hai người như sau: “Lão ăn mày được quyền hưởng khói bay ra từ miếng thịt, còn anh bán thịt sẽ hưởng tiếng “keng” phát ra từ đồng tiền của lão ăn mày”.
3) CÁI CHẾT CỦA CÔ GÁI BÁN DIÊM NGHÈO KHÓ:
Vào một buổi tối mùa thu, nhà văn Anderson đi dạo phố một mình tại thủ đô Copenhague. Ông bỗng nghe một giọng nói yếu ớt từ đằng sau vọng lại: “ Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm.” Nhà văn quay lại, chợt nhận ra một đứa bé gái, gương mặt xanh xao, quần áo nhầu nát bẩn thỉu. “Chú ơi mua hộ cháu bao diêm, cả ngày cháu chưa bán được một bao nào.” Giọng cô bé thật buồn. Nó bùi ngùi kể lại hoàn cảnh đáng thương của nó. Mẹ chết sớm, con bé phải ở với một người cha nghiện ngập và khá cọc cằn, nhưng nó rất thương bố nó. Nó cố lê lết khắp nơi để bán diêm, kiếm chút tiền mang về cho bố những bữa ăn ngon. Anderson xúc động cho con bé ít tiền. Con bé sáng rực đôi mắt và thầm nghĩ nó sẽ mua về cho bố tối nay một ổ bánh mì thật ngon. “Chú ơi sao chú tốt với cháu thế? Chú tên gì, và chú làm nghề gì ?” – “Chú tên Anderson, và chú làm nghề này”. Nhà văn vừa nói vừa khoa tay vẽ vào khoảng không hình một cái bút, ám chỉ ông là nhà văn. Đứa bé không hiểu, tưởng ông làm nghề bán bút giống như nó đi bán diêm vậy. Anderson hẹn với đứa bé đến đầu năm tới, ông sẽ trở lại và cho nó một món quà, còn bây giờ đã đến lúc ông phải đi xa.
Nhiều tháng trôi qua, Anderson dường như đã quên lời hứa của mình. Một bữa nọ, tình cờ trở lại Copenhague và ông chợt nhớ con bé bán diêm, nên đã ghé mua cho nó một chiếc áo ấm, và đi tìm để tặng. Tuy nhiên người chủ tiệm bên đường đã cho ông biết con bé bán diêm đã chết rồi: Ngày đầu năm, người ta thấy nó nằm chết cóng bên vệ đường. Nó nằm chết giữa một đống bao diêm, trong đó có một bao đã hết nhẵn. Có lẽ nó đốt diêm để sưởi cho bớt lạnh. Có điều là khi chết, khuôn mặt nó vẫn còn hồng hào và dường như nó đang mỉm cười chờ đợi một ai đó. Anderson đứng chết lặng. Người chủ tiệm nói tiếp: “Khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi áo của nó rơi ra một vật giống như chiếc quản bút làm bằng những que diêm. Chắc nó làm để tặng ai đó tên Anderson, vì trên quản bút có viết hàng chữ “tặng chú Anderson”.
Câu chuyện cảm động trên là một kỷ niệm buồn trong cuộc đời của nhà văn Anderson. Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện về người đàn bà góa nghèo trong Tin Mừng Marcô hôm nay. Cô bé bán diêm và người đàn bà góa có nét giống nhau: Cả hai đều là những người rất nghèo và bị xã hội bỏ rơi; tuy vậy cả hai đều có lòng quảng đại, biết cho đi những gì mình có. Nhưng điểm giống nhau căn bản là tuy nghèo vật chất, nhưng lại rất giàu về lòng nhân ái khi luôn biết nghĩ đến người khác.
4) TINH THẦN NGHÈO CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ KHÓ KHĂN :
Một giai thoại trong cuộc đời thánh Phanxicô Assisi đã được nhà văn Nikos Kazantzakis viết thành cuốn tiểu thuyết nội dung như sau: Sau khi Phanxicô đã phân phát cho người nghèo tất cả của cải của mình, ngài bắt đầu đi lang thang đó đây khất thực, vừa đi đường vừa ca hát. Một anh bạn cũ thân quen thấy vậy đã tỏ vẻ ngỡ ngàng và hỏi: “Này Phanxicô, đôi giày đắt tiền, chiếc đồng hồ quý giá, quần áo sang trọng của anh đâu cả rồi?”. Phanxicô trả lời: “ Tất cả những thứ đó là của ma quỷ, tôi đã trả lại cho nó tất cả rồi.” Người bạn hỏi tiếp: “Anh đi lang thang đến đây từ đâu và anh định sẽ đi đâu thế ? “ – “Tôi đến từ một nơi rất xa và tôi cũng đang trên đường đi về nơi ấy”. Người bạn lắc đầu không hiểu và hỏi tiếp: “Thế tại sao anh lại vừa đi đường vừa hát nghêu ngao như một thằng điên thế?” – “Tôi hát là để khỏi bị lạc đường đó thôi.”
Là những người đi theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng rất dễ bị lạc đường, nếu chúng ta để cho của cải vật chất điều khiển. Điều quan trọng là chúng ta phải phá đổ thới xấu ích kỷ của mình để biết quảng đại cho đi giống như bà góa trong Tin mừng hôm nay.
5) LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA MỘT ĐÔI VỢ CHỒNG NGHÈO:
Một cặp vợ chồng về quê thăm họ hàng trong ngày nghỉ lễ. Họ lái xe được một quãng đường thì trời đổ mưa tầm tã và xe thình lình bị hư dọc đường. Đêm đã khuya và lạnh mà họ thì lại không quen thuộc đường lối. Sau khi đã hết mưa, họ bèn bỏ xe, đi bộ đến gõ cửa một căn nhà gần đó có ánh đèn hắt ra. Khi họ bước vào thì gặp hai ông bà già. Trước lời xin trú ngụ qua đêm của cặp vợ chồng, hai ông bà đã vui vẻ nói: Được lắm, chúng tôi có sẵn một căn phòng trống. Sáng hôm sau, cặp vợ chồng dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy chủ nhà, người vợ để một số tiền lên bàn, rồi rón rén mở cửa bước ra. Và họ thực sự bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai ông bà già đang co ro nằm ngủ trên sàn nhà ngoài phòng khách. Thì ra hai ông bà già này đã nhường chỗ cho cặp vợ chồng trẻ, còn mình sẵn sàng nằm ngủ dưới đất. Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa cao quí của sự hy sinh và tình yêu thương của bà góa thời ngôn sứ Êlia và bà góa trong Tin mừng. Các bà đã cho đi tất cả những gì mình có.
3. THẢO LUẬN: Trong những ngày này mỗi người chúng ta có thể chia sẻ những gì cụ thể trong tầm tay của mình cho những người nghèo đói bất hạnh và bị bỏ rơi để làm vui lòng Chúa?
4. SUY NIỆM:
1) Hãy quảng đại dâng cho Chúa mọi sự thuộc về mình:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã lên án thái độ giả dối của các kinh sư Do thái và Người đã dạy môn đệ phải quảng đại cho đi, noi gương bà góa nghèo nọ đã dâng hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma, là số tiền nhỏ bé bà dùng để nuôi bản thân mình trong một ngày. Bà đã được Đức Giê-su đánh giá cao việc dâng cúng quảng đại này: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,43b-44).
Câu chuyện cổ tích Ả rập về anh hàng thịt nướng keo kiệt đối xử hà khắc đối với kẻ nghèo nói trên cũng vẫn thường hay xảy ra trong xã hội hôm nay: Nhiều lần chúng ta đã cư xử với người khác cách keo kiệt tương tự. Việt Nam chúng ta có một câu chuyện vui về một ông bố keo kiệt và tham ăn như sau:
Một hôm sau một đêm thức trắng đánh dậm bắt được một giỏ mươi con cá, anh ta về ngồi bên bếp than nướng cá để làm mồi nhậu lai rai một mình. Đứa con trai nhỏ 4 tuổi ngửi thấy mùi thơm của cá liền khóc lóc đòi được ăn cá. Bà mẹ liền dỗ dành cậu con yêu: “Con hãy nín đi để mẹ coi xem có con cá nào nhỏ, mẹ sẽ xin bố cho con ăn nhé!”. Ông bố nghe vậy liền đáp: “Cho cái gì? Không có con cá nào nhỏ cả, con nào cũng to bằng nhau hết !”.
Cũng vậy, nhiều lần chúng ta thường né tránh để khỏi giúp đỡ tha nhân bằng câu nói: “Hãy đợi đấy! Khi nào làm ăn khá hơn, tôi sẽ chia sẻ giúp đỡ cho anh”. Nhưng sự chờ đợi ấy sẽ kéo dài mòn mỏi không biết phải chờ đến bao giờ. Người ta có thể nêu ra cả ngàn lý do để biện minh cho thái độ vô cảm, thiếu yêu thương, không muốn giúp đỡ tha nhân của mình.
2) Giá trị của một hành động bác ái từ thiện hệ tại chỗ nào ?
– Của cho không bằng tấm lòng người cho: Của nhiều mà lòng ít thì không quý bằng của ít lòng nhiều. Hai bà góa thời ngôn sứ Ê-li-a và thời Đức Giê-su sở dĩ được đề cao là do lòng yêu mến đối với người của Chúa và với công việc nhà Chúa. Chính lòng yêu mến đã làm cho hành động của hai bà có giá trị trước mặt Chúa. Và Chúa Giê-su đã khen bà góa trong Tin Mừng tuy chỉ bỏ hai đồng kẽm nhưng đã dâng Chúa nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ nhiều tiền. Vì những người kia dâng số tiền dư, còn bà goá này dâng Chúa tất cả những gì bà đang cần.
– Một việc lành của chúng ta chỉ thực sự tốt khi nó được thực hiện với lòng mến. Câu chuyện về người đàn bà ủng hộ đồng bào bị lũ lụt nói trên: Ban đầu bà đã có quyết định tốt khi dự định bỏ thùng ủng hộ một triệu đồng. Nhưng khi thấy nhiều người khác cũng bỏ vào thùng một triệu như vậy, thì bà liền tăng số tiền ủng hộ lên gấp đôi để tỏ ra quảng đại hơn người khác. Sau đó việc rút nhầm bao thơ 200 đôla Mỹ tương đương năm triệu đồng để bỏ vào thùng là ngoài ý muốn của bà, thể hiện qua việc bà tiếc nuối và muốn đến đòi lại số tiền dư kia, nhưng do thói sĩ diện hão, nên đành chấp nhận số tiền đã lỡ bỏ thùng hơn gấp nhiều lần. Số tiền bà góp này cũng không có giá trị về thiêng liêng trước tòa Chúa phán xét sau này vì nó không phát xuất từ tình yêu tha nhân, mà chỉ vì thói sĩ diện hão nhằm để tìm tiếng khen.
3) Về ba loại người cho và giá trị của ba cách cho:
+ Một là người cho cách bất đắc dĩ: Do muốn tránh bị quấy rầy, nên du cho mà trong lòng cảm thấy bực bội. Loại người này thường phân trần với bạn bè: “Mình ghét hắn ta, nhưng đành phải “thí” cho hắn ít tiền cho xong, để hắn mau biến đi khuất mắt!”.
+ Hai là người cho để làm xong bổn phận: Loại người cho này dù đã cho mà vẫn không thấy vui. Họ thường nói với bạn bè: “Mình bị rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” : “Bỏ thì thương mà vương thì tội!” Thôi thì đành giúp đỡ hắn cho xong của nợ ! ”.
+ Ba là cho vì yêu thương: Do tự nguyện cho người nghèo nên trong lòng người cho sẽ cảm thấy vui vẻ. Trường hợp người được cho vì một lý do nào đó không nhận, thì người cho sẽ cảm thấy buồn. Loại người cho này thường hay nói với những người chịu đau khổ bất hạnh: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” hoặc: “Tôi sẵn sàng chia sẻ những khó khăn bạn đang gặp phải”. Cách cho thứ ba do này mới đẹp lòng Chúa và chúng ta cần gắng thực hiện mỗi ngày, để của lễ chúng ta dâng sẽ bay lên trước tôn nhan Chúa và mang lại hạnh phúc sau này cho chúng ta.
4) Hãy tập quảng đại cho đi noi gương Chúa Cha:
– Thiên Chúa Cha chúng ta đã biểu lộ một tình yêu quảng đại để nêu gương cho chúng ta:
+ Chúng ta chỉ cần một bông hoa, mà Ngài lại ban cả cánh rừng.
+ Chúng ta chỉ cần vài ngụm nước, mà Ngài lại ban cho cả dòng suối.
+ Chúng ta chỉ cần vài hạt cát, mà Ngài lại cho cả bãi biển rộng dài.
+ Chúng ta chỉ xin lương thực hàng ngày, mà Ngài lại ban cả Mình Máu Thánh Chúa Giê-su.
– Chúa Giê-su phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Mỗi ngày chúng ta nên thực hiện một số việc quảng đại như PHĂNG-SÍT BAN-PHUA (Francis Balfour) đã liệt kê một số việc cụ thể mà các tín hữu chúng ta nên thực hiện như sau:
+ “Món quà đẹp nhất tặng cho kẻ thù ghét ta là lòng khoan dung tha thứ;
+ Quà tặng cho bạn bè là thái độ trung tín và chân thành,
+ Quà cho các em nhỏ là tấm gương bác ái và khiêm nhường phục vụ,
+ Quà tặng cho ông bố trong gia đình là thái độ tôn kính và vâng lời,
+ Quà cho bà mẹ là trái tim cháy lửa yêu thương và chia sẻ công việc nội trợ,
+ Và cuối cùng, quà cho mọi người chung quanh là nụ cười thân thiện kèm theo cái bắt tay thân ái, một lời khen thành thật, cùng thái độ lắng nghe và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu noi gương Đức Giê-su”.
5. NGUYỆN CẦU
Lạy Chúa Giê-su. Cách đánh giá của Chúa trong Tin Mừng hôm nay khác hẳn cách nhìn nhận sự việc của chúng con. Vì “Loài người nhìn mặt, còn Chúa lại nhìn lòng!” (1 Sm 16,7). Chúa khen bà góa nghèo đã bỏ tiền dâng cúng nhiều hơn ai hết. Dù số tiền của bà nhỏ bé, nhưng bà “đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”. Bà dâng do lòng mến Chúa thôi thúc, nên đã được Chúa đánh giá: “Bà đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43).
Về phần chúng con: Nhiều khi chúng con dễ bị chán nản buông xuôi việc tốt, khi không được nhiều người biết và khen ngợi… Xin Chúa thanh luyện ý hướng khí làm việc lành của chúng con. Chúng con tin rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương” (x. Mt 6,1-4), nếu công việc chúng con làm thực sự tốt thì sớm muộn cũng sẽ được người chung quanh nhận biết và họ sẽ ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng con (x. Mt 5,14-16).
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. –Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM