Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 1: 39-56)
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth, và sau khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện”. Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay, muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”. Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn người trở về nhà mình.
Suy niệm 1: Tin Mừng Mt 18:1-5.10.12-14
Hôm nay, chúng ta mừng kính một thụ tạo đầu tiên đã được khải hoàn và bước vào quê hương nước trời. Tạo vật ấy chính là Mẹ Maria.
Năm 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã công bố tín điều này. Đây là tín lý thuộc đức tin mang tính thần khải và Công giáo. Giáo hội xác tín chân lý ấy dựa vào nhiều lý chứng.
Trước hết, bởi vì Mẹ là thụ tạo vượt trổi, đã được Chúa giữ gìn khỏi lây nhiễm tội lỗi. Tội tổ tông không để lại âm hưởng gì nơi Mẹ, đồng thời Thiên Chúa cũng gìn giữ mẹ luôn mãi vẹn tuyền. Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Ngài phó trao cho Mẹ những đặc sủng tương thích với sứ vụ cao cả này. Thân xác Mẹ cho dù có phải nếm trải sự chết giống như Đức Giêsu, nhưng thân xác vẹn tuyền đó không thể bị hủy hoại. Vì vậy Giáo hội xác tín rằng sau khi chết, Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác.
Thứ đến, cuộc đời của Mẹ đã gắn kết chặt chẽ với Đức Giêsu. Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời. Mẹ cũng vậy. Phần thưởng nước trời dành cho Mẹ như một hệ quả tất yếu của sự hiệp thông vẹn tròn với Đức Giêsu.
Mở lại những trang Kinh Thánh, ta sẽ thấy ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã nói đến sự chiến thắng của người nữ trên con rắn. Người nữ đạp dập đầu con rắn và con rắn rình cắn gót chân bà. Người phụ nữ này là hình tượng chỉ về Hội thánh, về Đức Maria, về những con người sống hiệp thông chặt chẽ với Đức Giêsu trong nhiệm cục cứu độ. Cũng tương tự, người nữ trong sách Khải Huyền đã chiến thắng con rồng đỏ, cũng ám thị về Đức Maria và về toàn thể Giáo hội.
Giáo hội công bố tín điều này để mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như khuôn mẫu đức tin. Mẹ chính là Thầy dạy Đức tin cho chúng ta.
Ta long trọng cử hành lễ Đức Maria hồn xác về trời với lòng sùng kính, giúp chúng ta trả lời những vấn nạn trên. Trước hết niềm tin của Giáo hội đối với tín điều Đức Piô XII đã xác quyết năm 1950. Chúng ta tin Đức Maria, đã được đặc ân cả hồn lần xác về Trời. Điều đó muốn nói rằng sự chiến thắng con rồng trong sách Khải Huyền hoàn tất nơi Mẹ, Mẹ về ngự bên hữu Chúa để chuẩn bị chỗ cho chúng ta như Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.
Ta mừng kính ngày Mẹ được tôn vinh trên trời, có nghĩa là Mẹ được chia sẻ trọn vẹn vinh quang của Đức Kitô. Đây là một ngày dành cho niềm vui và ca ngợi. Mẹ sẽ thúc giục chúng ta phải quảng đại hơn trong việc đi theo Con của Mẹ, và trong việc hy sinh những gì chúng ta quý giá, để mang lại sự sống cho những người khác. Đức Maria được chúc phúc vì Mẹ là mẹ của Đức Giêsu. Nhưng Mẹ còn được chúc phúc hơn vì, giống như cố bé Miriam, Mẹ đã lắng nghe và vâng phục lời của Thiên Chúa. Mẹ sẽ giúp đỡ chúng ta cũng biết vâng phục Lời Chúa, và từ đó, chúng ta được đi theo Đức Giêsu trên đường dẫn tới vinh quang.
Theo phương diện thần học, Lễ Mẹ Lên Trời nói với chúng ta rằng cả hồn và xác Mẹ Maria đang ở trên thiên quốc. Vì Đức Mẹ không vướng mắc tội lỗi, giống như thân xác Chúa Giêsu, thân xác Mẹ không hư nát. Thể chất trần gian của Mẹ biến sang thể chất thiên đàng.
Theo phương diện thực hành, Lễ Mẹ Lên Trời nhắc nhở rằng chúng ta một ngày nào đó cũng được ở trên thiên đàng cả hồn và xác.
Mừng Mẹ lên trời, Giáo Hội không diễn tả trên trời thế nào, thay vào những ưu tư đó, chúng ta được dẫn đến “niềm vui phục vụ”, nơi một hiền mẫu mang tên Maria. Đức Maria vui vì có dịp lên đường thăm người chị họ, vui vì được phục vụ trong tình nghĩa chị em. Đức Maria vui vì biết rằng Thiên Chúa đoái thương nhân loại, thực hiện lời hứa cứu độ nơi những tâm hồn bé nhỏ, và tiếp tục làm sống động nơi hai con trẻ Gioan và Giêsu. Niềm vui và hy vọng không dừng lại nơi hai tâm hồn thánh đức, khiêm tốn, nhưng vui vì Thánh Thần tác động làm vang lên lời “kinh Magnificat”.
Đức Mẹ ngoan ngoãn nói lên lời “xin vâng”, Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy tâm hồn Đức Mẹ. Đức Mẹ mở rộng tâm hồn đón nhận và để mặc Người hướng dẫn cuộc đời mình. Tứ đây, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn biến đổi. Đức Mẹ trở nên một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Chúa Thánh Thần, hiến dâng trọn vẹn tâm hồn và thân xác để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Qua lời xin vâng trong trình thuật truyền tin, Mẹ đã cưu mang chúng ta. Đồng thời, qua những đau khổ phải chịu, nhất là khi đứng dưới chân cây thập giá, Mẹ đã sinh chúng ta trong đời sống ơn sủng. Và bây giờ ở trên trời, với tước hiệu là Mẹ chúng ta, Mẹ vẫn nhớ đến từng người và Mẹ sẽ dùng tình thương của một người mẹ và uy quyền của một vị nữ vương để bầu cử và giúp đỡ chúng ta trước mặt Thiên Chúa.
Mẹ được đem về trời cả hồn lẫn xác là dấu chứng của một cuộc vinh thắng, và đó chính là cuộc chiến thắng trong đức tin. Trong thư Rôma, thánh Phaolô so sánh Ađam với Đức Kitô (chương 5). Ađam gieo sự tội vào trần gian vì bất tuân, còn Đức Kitô đưa sự giải án tuyên công đến cho con người qua vâng phục. Cũng như Evà đã liên đới với Ađam trong tội nguyên tổ, thì Đức Maria được sánh ví như Evà mới, đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu để đem ơn cứu độ đến cho con người. Nhiều thần học gia còn gọi Mẹ là Đấng ‘Đồng công Cứu chuộc’. Sách Giáo lý Công giáo cũng mời gọi chúng ta hướng nhìn về Mẹ như là Biểu tượng Cánh chung cho toàn Giáo hội trong cuộc lữ hành trần thế. Những điều này nói về Mẹ như là khuôn mẫu và Thầy dạy đức tin cho chúng ta.
Lễ Mẹ Lên Trời nhắc nhở chúng ta một điểm thực hành nữa là Đức Mẹ ở trên trời là để giúp chúng ta. Đức Mẹ không ngồi nghỉ, chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa, chờ đợi chúng ta lên trời. Thật ra, Đức Mẹ luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta. Đức Mẹ luôn giúp đỡ chúng ta trong cuộc chiến đấu tiến về quê trời. Đức Mẹ trên trời có thế lực để giúp chúng ta.
Để theo Đức Mẹ lên trời, ta không thể tự mình lên được. Ta phải tuân theo chỉ dẫn của Mẹ. Chỉ dẫn của Mẹ rất đơn sơ: Hãy sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,18). Thánh ý Chúa về ta là thế nào? Tôi thiết nghĩ: Trong một nơi đặt truyền giáo là ưu tiên như tại đây, thì thánh ý Chúa về ta là lời Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người, trước khi Người về trời: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Lời truyền dạy đó phải được coi là rất cần hiện nay. Nó phải được áp dụng một cách sống động. Nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm chứng về Chúa tại nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống mình. Làm chứng cho Chúa tại nơi mình sống phải được coi như một nhiệm vụ sống còn. Vì thế tôi thường nghĩ: “Làm chứng cho Chúa” tại đây lúc này là con đường tôi phải đi, để được lên trời với Đức Mẹ.
Mừng Lễ hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta tuyên xưng niềm tin hồn xác lên trời của Mẹ. Đồng thời, chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì đã thưởng công Mẹ hồn xác lên trời. Mặt khác, đây là dịp nhắc nhở chúng ta rằng, quê hương chúng ta ở trên trời. Mẹ đã lên trời, đó là niềm hy vọng để mỗi người chúng ta tiếp bước theo sau. Nhưng để được lên trời với Mẹ chúng ta phải cố gắng sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi. Sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi đó chính là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ:
Huệ Minh
Suy Niệm 2
Bà ba là ai ?
Kh 11,19a-12,1-6a.10a ; 1Cr 15,20-26 ; Lc 1,39-56
Trong xóm lao động nghèo giữa thành phố, người ta nói với nhau : “Chưa có đám ma nào đông người tiễn đưa như vậy”. Đó là đám tang của Bà Ba.
Bà Ba là ai ? Khi còn sống chẳng ai quan tâm để ý đến bà và cũng không ai muốn theo lối sống của bà, vì trước mắt mọi người, bà chỉ là một người phụ nữ tầm thường, hèn kém và bị khinh rẻ. Bà chỉ có một đứa con, nhưng lại tàn tật, và vì quá nghèo nên phải gởi con vào Trung tâm bại liệt. Bà thường vào thăm các bệnh nhân ở bệnh viện và tự nguyện làm những việc mà người khác ghê tởm như : đổ rác, quét dọn vệ sinh, chăm sóc những người cô thân… Nhưng bệnh nhân vẫn có thể trách bà như một người làm công :
– “Bà Ba đâu, giỏ rác tôi đầy rồi !”
Bà Ba bước vào vui vẻ :
– “Có tôi đây”.
Bà giúp xong việc, âm thầm về nhà…
Hôm bà chết, bên cạnh không có ai. Thật đau khổ ! Khi người ta phát hiện bà chết cũng là khi người ta thấy những vô tâm, tàn nhẫn của mình đối với bà. Dưới chân tượng Đức Mẹ trên đầu giường của bà có một cuốn nhật ký. Người ta đọc thấy trang nhật ký cuối cùng :
– ngày 10/8 : hôm nay con theo Mẹ về trời bằng việc phục vụ một bệnh nhân khó tính.
– ngày 12/8 : con cùng Mẹ đón nhận những nhục nhã để người khác được yêu thương tha thứ.
– ngày 15/8 : con cùng Mẹ đón nhận những bất công của cuộc đời. Mẹ ơi, bao giờ con được gặp Mẹ trong vinh quang ?
Hôm nay, Bà Ba đã hoàn tất con đường trần gian bước theo Mẹ. Làm sao Mẹ lại không đón nhận bà lên trời cùng Mẹ ! Bà đã kiên tâm yêu mến Mẹ trong âm thầm bằng những việc làm hèn mọn, tầm thường.
Anh chị em thân mến,
Mừng lễ Đức Mẹ lên trời, chúng ta được mời gọi hướng vọng về trời bằng cách chu toàn nhiệm vụ dưới đất theo gương của Mẹ Maria. Chúng ta chiêm ngưỡng cõi vĩnh hằng bằng cách yêu mến việc dưới đất, tuy bình thường nhưng là con đường đi xưa của Mẹ Maria.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một phụ nữ ở thôn làng Nagiarét, em họ của bà Êlisabét, một phụ nữ đã sống một cuộc sống bình dị và nghéo khó, dường như thiếu thốn đủ điều, nhưng lại là một phụ nữ “đầy ơn phúc” và được “Chúa ở cùng” hơn ai hết. “Đầy ơn phúc” là tên của Bà. Đầy ơn phúc có nghĩa là thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn, được Thiên Chúa giải thoát khỏi mọi vết tích của tội lỗi, nên sự chết không tước đoạt nổi Maria khỏi tay Thiên Chúa, cũng như sự chết không giam hãm nổi Chúa Giêsu Kitô. Maria đầy ơn phúc, thuộc trọn về Thiên Chúa, nên đã được trọn vẹn vinh quang phục sinh của Chúa Kitô. Maria đã được Thiên Chúa đưa trọn xác hồn vào cõi của Ngài. Maria đã được hạnh phúc mà ngày nay chúng ta đang còn trông đợi.
Ngày lễ Các Thánh 1/11/1950, Đức Giáo Hoàng Piô 12 công bố cho toàn thể thế giới công giáo rằng : “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng vô nhiễm nguyên tội, Đức Maria trọn đời đồng trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc”. Qua tín điều này, Giáo Hội chỉ nhắm tới điều chính yếu : Đức Maria được vinh quang với cả con người toàn diện. Giáo Hội không muốn nói tới những điều phụ thuộc như Đức Maria lên trời bằng cách nào, nhưng chỉ muốn nói đến Đức Maria là con người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ trọn vẹn mà Đức Giêsu đem đến cho nhân loại. Đức Maria đã gắn cuộc sống mình với Đấng Cứu Thế bằng một mối dây liên kết chặt chẽ, không thể chia lìa được. Liên kết khi Đấng Cứu Thế xuống trần, khi giảng dạy, khi chịu nạn chịu chết, sống lại và hôm nay Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác với Chúa Giêsu trong vinh quang hạnh phúc.
Mẹ Maria là Đấng vô nhiễm nguyên tội, là Đấng trọn đời đồng trinh, lẽ nào lại chẳng được gìn giữ khỏi hư nát trong ngày lìa thế. Mẹ đã cung cấp chất liệu cho thân xác Ngôi Hai xuống thế làm người, thì khi Ngôi Hai được tôn vinh lại nỡ để thân mẫu mình bị chôn vùi vì hư hoại sao ? Mẹ đã cộng tác với Con của Mẹ để cứu chuộc loài người, nên Mẹ phải là người được hưởng ơn cứu chuộc trước bất cứ ai. Nói cách khác, Mẹ thuộc trọn về Chúa Kitô, nên Mẹ cũng chia sẻ trọn vẹn vinh quang với Ngài trong thành quả ơn cứu độ : “Mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào thì mọi người cũng sẽ được tái sinh như vậy. Nhưng ai nấy theo thứ tự mình. Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô”, mà Đức Mẹ là người thuộc về Đức Kitô trọn vẹn nhất, nên Mẹ phải là người đầu tiên trong thứ tự loài người sẽ được phục sinh.
Hạnh phúc Đức Maria được hưởng không phải là kết quả tất yếu của một lối sống thụ động, phó mặc cho ân sủng của Thiên Chúa, mà là kết quả của sự hợp tác sinh động của một niềm tin biết lắng nghe, suy niệm và thực thi Lời Chúa : “Phúc cho bà là kẻ tin rằng Lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện”. Có thể nói trọn cuộc đời Đức Maria được gồm tóm trong hai tiếng “Xin Vâng”. Lời xin vâng không chỉ được Đức Mẹ thốt lên trong ngày Truyền tin mà còn được nối dài trong cả cuộc đời, để Mẹ trở nên một nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa. Bài ca “Ngợi khen” mà Đức Mẹ xướng lên hôm nay diễn tả một tâm tình ngây ngất hạnh phúc của một con người đã được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới và làm nơi Mẹ những điều kỳ diệu tuyệt vời. Mẹ Maria là người nữ hoàn toàn hạnh phúc vừa do mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa, vừa do nổ lực đóng góp của Mẹ. Mẹ lên trời cả hồn và xác vừa là thừa hưởng ơn cứu độ của Chúa Kitô, vừa là thành quả niềm tin trong suốt cuộc sống gắn bó, lắng nghe, thực thi Lời Chúa. Và ở đây chúng ta nhận ra dáng dấp của Mẹ trong Người Nữ của sách Khải Huyền : một Người Nữ vinh quang với triều thiên, nhưng cũng đau khổ trong thử thách.
Anh chị em thân mến,
Đức Mẹ lên trời là niềm hy vọng của chúng ta. Mẹ lên trời không phải để xa cách, nhưng hơn bao giờ hết, trong hạnh phúc tuyệt vời, Mẹ trở nên gần gủi với mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Nhìn vào Mẹ, chúng ta nhận ra vận mệnh đời sống của mình. Tương lai không còn là điều đáng ngại lo lắng, nhưng phải trở nên điều quan tâm xây dựng. Mẹ như người đi trước cho chúng ta được theo sau. Mẹ bước vào vinh quang thiên quốc, chúng ta cũng sẽ được bước vào, nếu như cuộc sống này trở thành những ngày chuẩn bị. Sống tốt đẹp, lành thánh trong tin yêu, lắng nghe, thực thi Lời Chúa như Mẹ, chắc chắn sẽ có được kết cuộc mai ngày trong hạnh phúc với Mẹ. Nơi Mẹ Maria, chúng ta còn gặp được nguồn cậy trông vững chắc. Như bạn đồng hành đầy kinh nghiệm, Mẹ giúp chúng ta vững bước hành trình. Như khuôn mẫu cho cả Giáo Hội, Mẹ sẵn sàng nắn đúc chúng ta nên những kitô hữu đích thực trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, miễn là chúng ta biết đến với Mẹ như niềm hy vọng của mình và thực tâm làm theo lời Mẹ chỉ dạy.
Là con cái của Mẹ, chúng ta không thể nào sống đức tin của mình mà lại không đến với những người đồng loại xấu số, nghèo khó và đau khổ cách này hay cách khác để phục vụ như một người tôi tớ. Sống như vậy, chúng ta biết rằng sẽ không có một giới hạn nào ngăn chặn và làm vơi cạn lòng tin, ngay cả cái chết cũng không là hết, không là cùng tận. Đối với Thiên Chúa, tận thế cũng có nghĩa là sáng thế, là “Trời mới Đất mới”. Đức Mẹ hồn xác lên trời là hình ảnh rực rỡ của thế giới mới mà Thiên Chúa đang muốn chúng ta tìm đến.
Xin Đức Mẹ cầu nguyện cho con cái của Mẹ luôn thắp sáng niềm tin-yêu-hy vọng vào Đức Kitô phục sinh và Mẹ Maria vinh quang trên trời.
Lm. Lê Văn Nhạc