Suy Niệm Lễ Thánh Phêrô Và Phaolô

LỜI CHÚA: Mt 16, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc, và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

SUY NIỆM 1

Hôm nay, Giáo Hội mừng trọng thể hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo Hội. Hai ngài là nên tảng nâng đỡ đức tin của mọi tín hữu, vì hai ngài đã xác tín và phó thác trọn vẹn đời mình cho Chúa, và đổ máu đào minh chứng về Chúa.

Để có được một đức tin dám sống và chết vì Chúa, chính hai vị Tông đồ này cũng đã trải qua bao thử thách, gian truân. Cả hai cũng đã từng chối Chúa, từng bách hại Chúa. Nghĩa là đã có lúc Chúa không là gì trong đời sống của các ngài. Nhưng điều quan trọng cuối cùng là các ngài đã dùng chính cái chết của mình để thưa với Chúa “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Các ngài đã sống trọn tâm tình “Chúa là tất cả đời con, Chúa là Đấng quan trọng nhất trong đời con”.

Giáo Hội được ơn Chúa gìn giữ để “Quyền lực tử thần không thắng nổi”. Nhưng không vì thế mà mỗi người cứ an tâm, vì “tử thần” không làm gì nổi mình. Muốn quyền lực tử thần không làm gì được chúng ta, mỗi người chúng ta cần trả lời câu Chúa Giêsu hỏi chúng ta:Lúc này đây, với con,Thầy là ai”.

Đây không phải là câu trả lời theo sách giáo lý hay Kinh Thánh mà chúng ta thuộc lòng. Nhưng từng phút, từng việc, Chúa là ai đối với tôi? Nếu lúc nào chúng ta cũng có thể trả lời với tất cả xác tín: Chúa là Đấng con tôn thờ trong công việc, trong lời nói và trong việc làm này, lúc đó, chắc chắn “Quyền lực tử thần không thắng nổi” ta. Nhưng nếu chúng ta chỉ tuyên xưng ngoài môi miệng, còn lòng trí thì xa Chúa, “tử thần” sẽ thống trị chúng ta.

“Thầy trao cho con chia khóa Nước Trời”. Uy quyền và sức mạnh của Chúa trao cho hai vị Tông đồ cả, giúp các ngài mở và đóng được cửa Trời. Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng  được Chúa trao cho quyền lực này, khi Chúa trao cho chúng ta sức mạnh của Lời Chúa, của Thánh Thể. Mỗi ngày, chúng ta có sử dụng quyền lực của Chúa để chiến thắng quyền lực tử thần không?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa đã cho Giáo Hội có Hai Vị Tông đồ Cả, để dạy dỗ và dám sống chết cho Giáo Hội. Xin cho chúng con biết vâng phục Mẹ Hội Thánh, để chúng con luôn được bảo vệ trong chân lý và quyền năng Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Các ngài là cột trụ của Hội Thánh. Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng toà nhà Hội thánh vững chắc và toả rạng cho khắp năm châu. Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh. Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi “ma quỷ cũng không thắng nổi”. Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rầy đây mau đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giê-su.

Với nhiều khác biệt, hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ đã được liên kết lại để bổ túc cho nhau, làm cho nền móng của Giáo Hội được bền vững. Động lực liên kết các ngài lại với nhau chính là việc mở rộng Nước Chúa. Cái nhìn trên đây giúp chúng ta thêm tin tưởng hơn vào Chúa trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo Hội. Đúng thế, Giáo Hội là hình ảnh của sự quy tụ hiệp thông và liên kết. Giáo Hội là khí cụ kết hợp với Chúa và với nhân loại.

Và ta thấy trong Giáo Hội có yếu tố Thiên Chúa và cũng có yếu tố nhân loại. Có người nhân đức và cũng có kẻ tội lỗi. Có phẩm trật và cũng có thành phần dân Thiên Chúa. Giáo Hội vừa trung thành với truyền thống vừa phải đổi mới cho thích hợp với lịch sử từng thời và từng nơi. Giáo Hội vừa củng cố đức tin cho người có đạo lại vừa truyền bá đức tin cho người ngoại đạo.

Này Phêrô, Thầy bảo cho con biết: Phêrô nghĩa là đá; trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng nổi.Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời; điều gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc… (Mt 16, 13-19)

Ơn gọi của Phêrô cũng giống như các môn đồ khác. Ngài thuộc nhóm bốn môn đồ đầu tiên. Phêrô và Anrê trước kia là môn đồ của Gioan Tẩy giả. Điều đặc biệt với Phêrô, đó là: ngài là người duy nhất được Chúa Giêsu đổi tên từ Simon ra Phêrô. Theo truyền thống Do thái, điều đó có ý nghĩa là ngài được trao cho một sứ mạng đặc biệt (Mt 16, 16).

Trong khi đó, Phaolô lại được gọi cách bất ngờ, mạnh mẻ. Chúa Giêsu dùng quyền mà khuất phục Phaolô, biến ông từ kẻ chống đối dữ dội, thành tông đồ nhiệt thành. Trang Tin Mừng hôm nay chỉ đề cập đến Phêrô, nhưng chắc chắn không làm lu mờ địa vị của Phaolô.

Hai tấm gương sáng đặc biệt trong việc nhận biết và biến đổi nên con Chúa là thánh Phêrô và Phaolô mừng kính ngày hôm nay. Cả hai vị đã sống nhiệm hiệp bên Chúa. Thánh Phêrô nhận ra đúng thân thế, đúng vai trò và quyền năng của Thầy nhờ ơn trên soi sáng: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, ngài đã được Chúa Giêsu trao cho quyền chìa khóa trong Giáo hội mà Người thành lập. Thánh Phaolô là người bắt bớ đạo Chúa, cũng nhờ ơn Chúa soi sáng mà thay đổI hoàn toàn: từ chỗ chống đối sang làm tông đồ nhiệt thành.

Cả hai vị sau khi nhận biết Chúa Giêsu là ai đã thay đổi hẳn cuộc đời 180 độ. Phêrô từ một người dân chày dốt nát, không được giới luật sĩ trọng vọng, đã trở nên thông sáng, biết lãnh đạo, có khả năng làm người đứng đầu Giáo hội và lãnh đạo dân riêng Chúa. Phaolô từ một người bắt đạo trở nên tông đồ nhiệt thành thiếp lập được bao nhiêu giáo đoàn mới, đem về cho Chúa biết bao tín hữu. Hai vị tông đồ đúng là cột trụ của Giáo hội, là những người đại diện cho Chúa ở trần gian. Ngày nay, Giáo hội có Đức Giáo hoàng là người tiếp nối thánh Phêrô trong cương vị lãnh đạo và có những người tiếp nối thánh Phaolô, nhiệt thành lo cho nước Chúa được lan rộng và đi sâu trong các tâm hồn.

Nhìn lại “thành tích” quá khứ của 2 vị tông đồ này, chúng ta cảm thấy hơi ngán ngại. Nếu Phêrô chối Đức Giêsu trong cơn nguy khốn và cô đơn tuyệt đỉnh thì Phaolô ở trong tình trạng căng thẳng hơn nhiều. Vì quá nhiệt thành với Do thái giáo, nên Phaolô rất dị ứng với Kitô giáo. Ông muốn tẩy trừ Danh Đức Giêsu Kitô ra khỏi cuộc đời này. Vì thế, ông rất hăng say bắt bớ và giết hại những ai xưng mình là Kitô hữu.

Dù vậy, Chúa vẫn thương ông vì biết ông hành động do không hiểu biết và lầm lạc cách vô tình. Chúa nhìn thấu tâm hồn của ông chứ không theo những gì là bên ngoài. Hơn thế nữa, Ngài còn coi: “người này là lợi khí của Ta”. Biến cố Phaolô ngã ngựa trên đường đi Đamas mang nhiều ý nghĩa thâm sâu, nhưng trên hết là biến cố của lòng thương xót Chúa dành cho Phaolô nói riêng và cho con người chúng ta nói chung.

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này : “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Thánh Phaolô là “dụng cụ ưu tuyển” để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc. Thánh Phêrô, người đánh cá miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô (Mt 16, 13-19).

Phaolô sau khi trở lại cũng có một niềm xác tín thâm sâu vào Đức Giêsu. Phaolô đã trả lời câu hỏi “Đức Giêsu là ai” như sau: “Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự” (Rm 9,5). Với niềm xác tín ấy, Phaolô đã sống hết mình vì Đức Giêsu Kitô, bất chấp mọi gian nguy khốn khó trong cuộc đời này nhằm cản bước tiến của ông trong việc làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Còn chúng ta thì sao? Đức Giêsu là ai trong cuộc đời của tôi và của bạn? Ngài có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của chúng ta không? Câu hỏi ấy dành riêng cho mỗi người chúng ta. Khi nào chúng ta trả lời được Ngài là ai cách xác tín và mạnh mẽ, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cho Ngài mà thôi.

Phaolô, trong hành trình truyền giáo, ngài không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : “Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến”. (2Tm 4, 17-18).

Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Nguồn ân sủng lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa có thể biến những con người yếu đuối, bất toàn thành đá tảng vững chắc để xây dựng một Hội Thánh luôn vững bền. Thánh Phêrô và Phaolô là hai vị đã minh chứng sống động cho điều kỳ diệu ấy. Hai quá khứ với những vấp phạm, lầm lỗi nhưng lại làm nên những vị tông đồ phục vụ Tin Mừng, đến hy sinh mạng sống và trở thành hai cột trụ của Hội Thánh. “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy… Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời” (2Tm 4, 7-8.17-18).

Mỗi Kitô hữu chúng ta khi lãnh nhận bí tích rửa tội, là lãnh nhận cùng một sứ mạng như hai vị tông đồ cả mà chúng ta kính nhớ hôm nay. Dù chúng ta không có địa vị như các ngài, thánh thiện, tài năng như các ngài; tuy nhiên điều quan trọng Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta, không phải là ta sẽ làm được điều gì, hơn là chúng ta sẵn sàng sống và chết cho Đức Kitô, như lời Phaolô nói: Tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Kitô.

 Huệ Minh